Bài viết hoặc đoạn này cần người am hiểu về chủ đề này trợ giúp biên tập mở rộng hoặc cải thiện. Bạn có thể giúp cải thiện trang này nếu có thể. Xem trang thảo luận để biết thêm chi tiết.
Sự kình địch bóng đá giữa Việt Nam và Thái Lan là sự kình địch thể thao giữa hai quốc gia có nền bóng đá được xem là phát triển nhất của Đông Nam Á, thường để xác định đội tuyển nào mới thực sự đứng đầu ở khu vực này.[a] Hai đội đã chạm trán với nhau tổng cộng 59 trận kể từ năm 1956 đến nay.
Sự chia cắt lãnh thổ Việt Nam vào năm 1954 đã dẫn tới việc đội tuyển Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam là đại diện chính thức cho Việt Nam trong các cuộc đối đầu với Thái Lan đến năm 1975. Mặc dù Việt Nam đã tái thống nhất vào năm 1976, nền bóng đá nước này chỉ chính thức hội nhập trở lại với thể thao quốc tế vào năm 1991 sau một khoảng thời gian đóng cửa đất nước. Qua 59 lần đối đầu, Việt Nam đang nhỉnh hơn khi đánh bại Thái Lan 25 lần, so với 22 chiến thắng của người Thái, còn lại là 12 lần bất phân thắng bại. Tuy nhiên, tính từ năm 1991, Việt Nam lại hoàn toàn lép vế trước Thái Lan khi chỉ có 5 chiến thắng, còn lại là 9 trận hòa và 17 trận thua sau 31 lần đối đầu.
Là một trong những cặp kỳ phùng địch thủ nổi tiếng của Đông Nam Á và được truyền thông châu Á ví như "Siêu kinh điển Đông Nam Á" hoặc "El Clasico của ASEAN",[1] các trận đấu giữa Việt Nam và Thái Lan luôn được đông đảo người hâm mộ hai nước theo dõi.[2][3][4]
Lịch sử
Sự kình địch bóng đá giữa Việt Nam và Thái Lan bắt nguồn từ các cuộc chiến tranh và xung đột quân sự giữa hai nước trong nhiều thế kỷ, cùng với sự cạnh tranh gần đây về kinh tế.[5] Hơn nữa, Thái Lan trong nhiều năm qua là đội tuyển có bề dày thành tích vượt trội ở nền bóng đá Đông Nam Á khi đang nắm giữ kỷ lục về số lần vô địch AFF Cup và SEA Games, và họ luôn được xem là đối thủ lớn nhất của Việt Nam kể từ khi đội tuyển nước này tái hội nhập vào năm 1991.[6] Sự kình địch giữa hai đội dần trở nên gay gắt hơn với việc các cổ động viên cũng như giới truyền thông của Việt Nam cảm thấy khó chịu và luôn từ chối thừa nhận sự thống trị của bóng đá Thái Lan tại khu vực giới truyền thông và phần lớn các cổ động viên Việt Nam họ chấp nhận cho đội nhà có thể "thua bất cứ ai ngoại trừ Thái Lan".[7] Mối kình địch này bắt đầu từ trận chung kết SEA Games 1995, khi Thái Lan thắng Việt Nam 4–0 để đoạt huy chương vàng.
Khi bóng đá Việt Nam trở lại với đấu trường quốc tế, đội tuyển nước này chủ yếu đối đầu Thái Lan ở các giải đấu như SEA Games, AFF Cup và ít thường xuyên hơn là vòng loại World Cup. Khác với sự thắng thế khi đối đầu với những đội bóng láng giềng khác như Malaysia, Indonesia hay Singapore, Việt Nam thua nhiều hơn thắng trước người Thái, và nhiều trận gần như thua toàn diện trước đối thủ, từ kỹ thuật cơ bản, tư duy chơi bóng,[8][9] cho đến tâm lý và bản lĩnh thi đấu.[10] Do đó, Thái Lan được xem là một đối thủ kỵ giơ và là nỗi ám ảnh của người Việt cho tham vọng thống trị bóng đá Đông Nam Á. Đã có thời kỳ, Việt Nam chủ yếu đá bằng tinh thần trước Thái Lan, hơn là đối chọi sòng phẳng về đấu pháp và chiến thuật.[11] Ngay cả khi đang là đương kim vô địch AFF Cup và SEA Games, và trong lúc người Thái chạm đáy thành tích và phong độ, việc đánh bại họ dường như chưa bao giờ là nhiệm vụ đơn giản với Việt Nam.[12]
Việc bóng đá Việt Nam thường xuyên thất bại trước Thái Lan ở các giải đấu quốc tế khiến truyền thông và dư luận Việt Nam, với sự tị nạnh rất cao, thường so sánh đội nhà với Thái Lan và luôn muốn Việt Nam phải hơn Thái Lan trên mọi phương diện, dù là ở giải giao hữu,[13] giải trẻ (SEA Games), giải đấu nhỏ (AFF Cup), vòng loại của các giải lớn hơn (AFC Asian Cup, FIFA World Cup),[14][15] hay so bì ngay cả trên bảng xếp hạng FIFA.[16][17] Thậm chí, tư tưởng "ăn thua" và "so bì" với Thái Lan của giới truyền thông và người hâm mộ còn lan đến cả bóng đá nữ[18] và futsal.[19] Đối với họ, không cần biết sức mạnh đội tuyển Việt Nam so với châu Á hay thế giới như thế nào, tiến bộ được bao nhiêu, chỉ cần Việt Nam mạnh nhất ở Đông Nam Á hoặc hơn Thái Lan là đủ.[20]
Một cách trớ trêu, cho dù bóng đá Thái Lan luôn có ưu thế nhất định về trình độ so với Việt Nam, khi so sánh các giải đấu cấp quốc tế của cả hai nước kể từ những năm 2000, Thái Lan lại thường thi đấu không tốt tại các giải đấu có đẳng cấp cao hơn phạm vi Đông Nam Á, còn Việt Nam lại thường có những thành tích cấp châu lục nổi trội hơn Thái Lan ở một số thời điểm. Minh chứng rõ ràng nhất là tại hai kỳ Cúp bóng đá châu Á vào năm 2007, khi Việt Nam, chứ không phải Thái Lan, mới là đội vượt qua vòng bảng bất chấp cả hai đội đều có 4 điểm ở mỗi bảng đấu, và năm 2019, khi Thái Lan chỉ vượt qua vòng bảng lần đầu sau 47 năm, trong khi Việt Nam xuất sắc vào tứ kết trong lần thứ hai tham dự với tư cách là một nước thống nhất.[21][22] Việt Nam cũng là đội bóng Đông Nam Á đầu tiên giành chiến thắng tại vòng loại thứ ba của World Cup khu vực châu Á với chiến thắng 3–1 trước Trung Quốc tại vòng loại World Cup 2022, điều mà Thái Lan không thể làm được trong hai lần lọt vào vòng loại cuối trước đó.[23]
Thành tích đối đầu của hai đội đã phát triển hoàn toàn tương phản theo thời gian. Trong thời gian đối đầu với Việt Nam Cộng hòa trước năm 1975, Thái Lan tỏ ra kém xa đối thủ khi chỉ thắng năm trận so với 20 trận thắng của kình địch phía đông bán đảo Đông Dương. Tuy nhiên, khi đội tuyển Việt Nam thống nhất hội nhập trở lại với bóng đá quốc tế vào năm 1991, Thái Lan chiếm ưu thế hơn hẳn với 17 trận thắng, chín trận hòa và chỉ để thua năm trận. Xét trên toàn cục, thành tích chung cuộc tính từ trận đầu tiên giữa hai bên vào năm 1956 vẫn đang nghiêng về phía Việt Nam, với 25 trận thắng, 22 trận thua và 12 trận hòa. Lần gần nhất hai đội gặp nhau là ở chung kếtGiải vô địch bóng đá ASEAN 2024, nơi Việt Nam đánh bại Thái Lan trong cả hai lượt trận với tổng tỷ số 5–3 (thắng 2–1 trên sân nhà ở Việt Trì và thắng 3–2 trên sân khách ở Băng Cốc).
Hai quốc gia cũng có mối quan hệ kình địch mạnh mẽ ở bóng đá nữ do cả hai đều có đẳng cấp vượt trội so với phần còn lại của khu vực. Trong số 36 trận đã đấu, Việt Nam chiếm ưu thế áp đảo với 18 trận thắng, 9 trận hòa và 9 trận kết thúc với chiến thắng cho Thái Lan.