Hứa hoàng hậu (Hán Thành Đế)
Hiếu Thành Hứa hoàng hậu (chữ Hán: 孝成許皇后, ? - 8 TCN) hay Phế hậu Hứa thị, là Hoàng hậu đầu tiên của Hán Thành Đế Lưu Ngao - vị Hoàng đế thứ 12 của nhà Tây Hán trong lịch sử Trung Quốc. Tiểu sửHoàng hậu họ Hứa, có thuyết tên là Khoa (誇)[1], quê ở Xương Ấp (nay huyện Kim Hương, tỉnh Sơn Đông). Tổ phụ là Hứa Diên Thọ (許延壽), em trai thứ ba của Bình Ân Đới hầu Hứa Quảng Hán (許廣漢) - cha ruột Hứa Bình Quân, Hoàng hậu của Hán Tuyên Đế. Hứa Quảng Hán không có con trai thừa tự nên sau khi mất, con trai Hứa Diên Thọ là Hứa Gia (許嘉) được thừa tước Bình Ân hầu (平恩侯), sau gia thêm Đại tư mã, chức Xa Kỵ tướng quân (車騎將軍). Bà có hai người chị, một người tên Hứa Yết (许谒) gả cho Bình An Cương hầu (平安刚侯); một tên Hứa Mị (许孊), gả cho Long Ngạch Tư hầu (龙额思侯). Xét vai vế, bà là cháu gọi Hứa Bình Quân bằng đường cô, và là em họ của Hán Nguyên Đế Lưu Thích. Năm ấy, Nguyên Đế đau buồn về cái chết của thân mẫu là Hứa hoàng hậu, vì vậy muốn chọn nữ nhân họ ngoại kế vị ngôi Hậu. Năm Kiến Chiêu thứ 5 (34 TCN), Hán Nguyên Đế ban hôn Hứa thị cho con trai là Thái tử Lưu Ngao. Khi đó, Hán Nguyên Đế sai Trung thường thị cùng thân tín trong đám Hoàng môn đưa Hứa thị nhập Thái tử cung, được thuật lại rằng Thái tử rất vui mừng, bèn cao hứng đãi tiệc các quan viên, tả hữu dâng rượu chúc mừng. Lúc còn trẻ đẹp, Hứa phi được Lưu Ngao sủng ái, từng sinh hạ một con trai nhưng không may lại chết yểu. Từ đó, Hứa phi không hoài thai đứa con nào khác[2]. Hoàng hậu đắc sủngNăm Cánh Ninh nguyên niên (33 TCN), tháng 5, Hán Nguyên Đế băng hà. Ngày 22 tháng 6, Thái tử Lưu Ngao lên ngôi, tức Hán Thành Đế. Năm Kiến Thủy thứ 2 (31 TCN), Thái tử phi Hứa thị được chính thức được lập làm Hoàng hậu. Vào thời điểm Hán Thành Đế lên ngôi, Hứa thị sinh hạ cho Thành Đế một con gái, nhưng rồi đứa trẻ cũng yểu mệnh. Dù vậy, Hứa hoàng hậu vẫn được Hán Thành Đế yêu thương. Bà nổi tiếng thông tuệ, biết viết kiểu chữ lệ, trong vòng hơn mười mấy năm là chuyên sủng hậu cung, Hán Thành Đế luôn quây quần bên bà mà ít khi triệu hạnh cung phi khác[3]. Bên cạnh đó, Hán Thành Đế sủng ái Ban Tiệp dư, xuất thân danh môn và có nhan sắc, đối với Hứa hoàng hậu rất kính cẩn và lễ độ. Tuy nhiên sau nhiều năm, Hoàng hậu và Ban Tiệp dư cũng không có con, điều này khiến Hoàng thái hậu Vương Chính Quân khuyến khích Hoàng đế sủng hạnh thêm nhiều phi tần khác để có Hoàng tử nối dõi. Vào năm Kiến Thủy thứ 3 (30 TCN), liên tục ba năm xuất hiện nguyệt thực, nhiều ngôn quan tiến gián, đẩy tội lỗi lên người Vương Phượng, là ngoại thích đang rất có uy quyền khi đó vì là anh ruột của Thái hậu. Bỗng những người theo phe Vương thị ngoại thích là Lưu Hướng, Cốc Vĩnh (谷永) can gián rằng điều này liên hệ với hậu cung, đổ mọi khuyết điểm lên Hoàng hậu. Năm Hà Bình nguyên niên (28 TCN), Hán Thành Đế bắt đầu giảm đến Tiêu Phòng điện, giảm đi chi phí của Tiêu Phòng dịch đình. Hoàng hậu Hứa thị viết một đạo thượng tấu, gọi là [Thượng sơ ngôn Tiêu Phòng chi phí; 上疏言椒房用度], hy vọng Hoàng đế thể nghiệm và quan sát tình hình thực tế. Cuối cùng, Thành Đế vẫn nghe theo lời Lưu, Cốc, quy tội cho Hoàng hậu thất đức, từ đó Hoàng đế liên tục sủng hạnh tần phi, ít đến chỗ Hứa hoàng hậu[4]. Bài thượng ngôn chính Hứa hậu dâng lên cho Thành Đế:
Thất sủng bị phếDo sự kiện năm xưa mà Cốc Vĩnh bày ra, Hứa hậu ân sủng suy giảm, nên nhà họ Hứa cũng cảm thấy bất bình với Cốc Vĩnh, mà kẻ đứng sau là Vương Phượng tự nhiên cũng bị căm ghét nhất. Từ năm Hồng Gia trở đi, Thành Đế ít đi vào hậu cung, đến cả Ban Tiệp dư cũng thất sủng[5], khi đó Thành Đế thường ra ngoài tìm vui, đến phủ của Dương A công chúa thì gặp được Triệu Phi Yến, vời vào cung làm Tiệp dư, từ đó là tân sủng[6]. Năm Hồng Gia thứ 3 (18 TCN), xảy ra đại sự làm thay đổi cả cuộc đời Hứa hậu. Một dịp, chị của Hứa hoàng hậu là Bình An Cương hầu phu nhân Hứa Yết nhập cung, cùng đám đàn bà nói nguyền rủa hậu cung Vương mỹ nhân đang mang thai lẫn Đại tướng quân Vương Phượng, sự tình bại lộ. Thái hậu Vương Chính Quân giận dữ, đem những người này đều vào ngục giam nghiêm hình khảo vấn. Cuối cùng Hứa Yết bị xử tử, điều này cũng làm ảnh hưởng ngoại thích họ Hứa khi bị tước đi thực ấp và phong hiệu. Ngày 16 tháng 11 cùng năm, Hứa hoàng hậu bị phế truất, lui cư Chiêu Đài cung (昭颱宮). Một năm sau khi bị đưa vào Chiêu Đài cung, Hứa thị lại bị đưa vào Trường Định cung (長定宮), người đương thời gọi là [Trường Định Quý nhân; 長定貴人][7]. Năm Nguyên Diên thứ 3 (10 TCN), chị của Hứa hoàng hậu là Long Ngạch Tư hầu phu nhân Hứa Mị ở góa, Định Lăng hầu tên Thuần Vu Trường (淳于長) nhân đó cùng Hứa Mị tư thông, sau đó đem Hứa Mị làm kế thê. Hứa hoàng hậu biết Thuần Vu Trường đối với Hán Thành Đế cũng có mức độ tín nhiệm cao, vì mẹ của Trường là chị em gái của Vương Thái hậu, cho nên hết sức chớp thời cơ, thông qua Hứa Mị mà nhờ Thuần Vu Trường giúp đỡ, ý muốn phục lại vị trí, làm Tiệp dư cũng tốt. Thuần Vu Trường nhân cơ hội đục nước béo cò, hứa rằng sẽ khuyên Hán Thành Đế lập Hứa thị thành cái gọi là 「Tả Hoàng hậu; 左皇后」. Hứa hoàng hậu tin lời nói của hắn, vét hết nào là tiền tài, ngựa xe, trang sức, khí giới,..đều đưa cho hắn để hắn có thể giúp bà. Từ đó, Hứa hậu cứ ảo tưởng danh vị Tả Hoàng hậu, mà không biết Thuần Vu Trường chỉ lừa gạt mà thôi. Hứa Mị cũng thông đồng Thuần Vu Trường, đem thư của Trường đến cho Hứa hậu mỗi khi vấn an Trường Định cung, lời nói hứa hẹn đều giả dối[8]. Năm Nguyên Diên thứ 4 (9 TCN), Hán Thành Đế thương hại Hứa hoàng hậu, bèn ban chiếu nói:"Lúc trước Bình An Cương hầu phu nhân Hứa Yết phạm tội đại nghịch bất đạo, người nhà may mắn bị xá lệnh, trở lại nguyên quán. Lệnh Bình Ân hầu Hứa Đán cùng thân thuộc ở Sơn Dương quận trở lại kinh thành"[9]. Năm Tuy Hòa nguyên niên (8 TCN), Thuần Vu Trường ở trước mặt Hoàng đế cùng Thái hậu chịu sủng, quyền thế áp đảo công khanh. Tháng 10 năm đó, ngoại thích Vương Mãng không chịu được cảnh với Thuần Vu Trường tác oai tác oái, hướng trình diện Hoàng đế và Thái hậu, vạch trần sự việc Thuần Vu Trường nhận hối lộ của Hứa hoàng hậu. Hoàng thái hậu thập phần tức giận, Hán Thành Đế nửa tin nửa ngờ, nhưng bị áp lực bởi Thái hậu, miễn đi toàn bộ chức vụ của Thuần Vu Trường mà không trị tội, bị điều đi Phong quốc. Tháng 11, Thuần Vu Trường hối lộ Hồng Dương hầu Vương Lập (王立), cầu xin Hoàng đế niệm tình cho trở lại chức vị cũ. Vương Lập bị tiền tài cám dỗ, nhưng lòng oán với Thuần Vu Trường khi xưa vẫn còn, bên cạnh nhận hối lộ còn khiến Hán Thành Đế nghi ngờ thêm Thuần Vu Trường, tiến hành tra khảo. Tháng 12, Thuần Vu Trường thừa nhận "Diễn vũ Trường Định cung (ý chỉ Hứa hoàng hậu), mưu lập Tả Hoàng hậu", đây gọi là mưu nghịch tạo phản. Hán Thành Đế lập tức hạ chiếu giết Thuần Vu Trường trong ngục[10]. Sau khi xử lý Thuần Vu Trường, Hán Thành Đế sai Khổng Quang (孔光) cầm cờ tiết, đến Trường Định cung ban chết cho Hứa hoàng hậu. Xác của bà được chôn cất ở phía Tây, giao đạo chuồng ngựa của Diên lăng (延陵)[11]. Xem thêmTham khảo
|