Dâm bụt

Dâm bụt
Phân loại khoa học
Giới (regnum)Plantae
(không phân hạng)Angiospermae
(không phân hạng)Eudicots
(không phân hạng)Rosids
Bộ (ordo)Malvales
Họ (familia)Malvaceae
Phân họ (subfamilia)Malvoideae
Chi (genus)Hibiscus
Loài (species)H. rosa-sinensis
Danh pháp hai phần
Hibiscus rosa-sinensis
L.

Dâm bụt (vùng ven biển Bắc Bộ gọi râm bụt; phương ngữ Nam bộ gọi là bông bụp, bông lồng đèn, còn có các tên gọi khác mộc cận (木槿), chu cận (朱槿), đại hồng hoa (大紅花), phù tang (扶桑), phật tang (佛桑); danh pháp hai phần: Hibiscus rosa-sinensis) là loài cây bụi thường xanh thuộc chi Dâm bụt họ Bông hoặc Cẩm quỳ (Malvaceae), có nguồn gốc Đông Á. Nó thường được trồng làm cây cảnh tại các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Hoa lớn, màu đỏ sậm nhưng ít có hương. Phần hoa gần cuống có dịch nước vị ngọt đậm. Nhiều giống, thứ, lai được tạo ra, với màu hoa khác nhau từ trắng tới vàng và cam, hồng, đỏ tươi, với cánh đơn hay cánh đôi.

Hibiscus rosa-sinensis là quốc hoa của Malaysia, với tên gọi Bunga Raya trong tiếng Mã Lai, Sembaruthi trong tiếng Tamil, pka rumyul (ផ្កា រំយោល)​ trong tiếng Khmermamdaram trong tiếng Telugu (మందారం).

Nguồn gốc tên gọi

Có một số cho rằng loài hoa này vốn có tên gốc là hoa dâng bụt (hoa để dâng lên cho Bụt, tức Phật), về sau do đọc trại mà thành dâm bụt.

Có ý kiến khác, dâm bụt nguyên tên là râm bụt, râm: che bóng, Bụt: Phật. Râm Bụt là cái lọng che Phật (vì hoa có hình dạng giống cái lọng)[1]. Nhà văn Sơn Tùng có viết tác phẩm văn học với tựa đề Hoa Râm Bụt.

Tên dâm bụt cũng có thể bắt đầu từ tác dụng của hoa dùng làm xổ và trụy thai.[2]

Sử dụng

Hàng rào cây dâm bụt

Tại một số vùng của Ấn Độ, hoa dâm bụt được dùng để đánh giày, cũng như được dùng trong thờ phụng các nữ thần Devi trong Ấn Độ Giáo.

Tại Việt Nam, lá và hoa dâm bụt được giã nhỏ trộn với muối đắp trên mụn nhọt đang mưng mủ. Ngoài ra, vỏ rễ dâm bụt dùng để chữa xích, bạch lỵ, bạch đới khí. Dâm bụt là loài cây cảnh rất thông dụng tại Việt Nam được trồng nhiều tại các khu vực ven biển do cây có biên độ sinh thái rất lớn, có khả năng chịu đựng được các điều kiện khí hậu khắc nghiệt rất cao: nắng nóng, mưa bão, đất cát...

Tại Trung Quốc, vỏ rễ cây được dùng làm thuốc điều kinh, tẩy máu.

Tại Malaysia, cây được pha nước uống để thông tiểu tiện và chữa mẩn ngứa.

Hình

Tham khảo

Chú thích

  1. ^ “Ảnh hưởng của Phật giáo Trung Quốc với Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam”. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 5 năm 2009. Truy cập ngày 5 tháng 7 năm 2009.
  2. ^ Phạm Hoàng Hộ, Cây cỏ Việt Nam - tập 1, Nhà xuất bản Trẻ - 1999, Trang 523

Liên kết ngoài