Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa
Trường Trung học Phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa (tiếng Anh: Tran Dai Nghia High School for the Gifted), cũng được gọi với biệt danh Trần Chuyên hay tên viết tắt TĐN, là một trường Trung học công lập chuyên ở Thành phố Hồ Chí Minh (dành cho học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 có năng khiếu), hoạt động theo hình thức bán trú. Từ năm 2024 trở đi, UBND TP HCM đã quyết định thành lập thêm Trường THCS và THPT Trần Đại Nghĩa trên cơ sở tổ chức lại Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa. Đây là 2 trường hoạt động độc lập với 2 chức năng, nhiệm vụ đào tạo khác nhau, sử dụng chung cơ sở vật chất dạy học hiện có của Trường chuyên trước đây. Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Trần Đại Nghĩa là đơn vị sự nghiệp công lập, trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, được cấp kinh phí hoạt động, và mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành.[2] Hiện nay, trường là một trong ba trường Trung học phổ thông chuyên tốt nhất Thành phố Hồ Chí Minh. Hai trường còn lại là Trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) và Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Lịch sửGiai đoạn trước 1975Thông tin chi tiết về Trường Tư thục Lasan Taberd xem thêm tại đây. Năm 1874, Cha Henri De Kerlan – Cha Sở coi Thánh đường Sài Gòn, đã sử dụng số tiền riêng mà mình dành dụm, sáng lập nên trường Trung học La San Taberd (tiền thân của trường sau này). Trường được đặt tại dinh của Tri phủ Tân Bình đời Tự Đức và bắt đầu khởi công vào năm 1875. Cuối cùng, sau 12 năm kéo dài, vào năm 1887, nhà trường chính thức đã hoàn thành việc xây dựng.[3][4][5] Ban đầu, trường được xây dựng với mục đích nuôi trẻ mồ côi lai Âu và lai Pháp bị bỏ rơi, về sau thu nạp thêm học sinh không phân biệt lương - giáo.[a] Lúc bấy giờ, trường chỉ có 58 học trò do các tu sĩ, nhà truyền giáo dạy dỗ, chăm sóc gồm 2 người Việt Nam và 2 người Pháp dạy dỗ.[3][4][5] Trường vốn là sản nghiệp riêng của Hội truyền giáo, từ năm 1889, các sư huynh đầu tiên của trường công giáo: Les Frères des Ecoles Chrétiennes đã được mời từ Pháp qua. Từ đây, số lượng học sinh của trường ngày càng gia tăng, đến năm 1949, trường đạt cột mốc vượt hơn 1.200 học sinh.[3][4][5] Giai đoạn sau 1975Ngày 12 tháng 12 năm 1975, thực hiện theo thông cáo chung của Sở Giáo dục và Ủy ban liên lạc Công giáo – văn thư số 576/ VP-75 của Tòa Tổng giám mục Sài Gòn, trường Lasan Taberd được chính thức bàn giao cho Sở Giáo dục & Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh dưới sự chứng kiến của các ban đại diện gồm: Sở Giáo dục, Tòa Tổng giám mục Sài Gòn và trường Lasan Taberd cũ. Sau đó, trường vẫn tiếp tục duy trì việc đào tạo giáo dục phổ thông từ cấp I,[b] II và III với hơn 6.000 học sinh đến hết tháng 9, 1976.[3][4][5] Bởi nhu cầu đào tạo giáo viên tiểu học của thành phố, năm 1976 trường Trung học Sư phạm TP Hồ Chí Minh đã được thành lập theo quyết định số 32/ TCCQ của Ủy ban Nhân dân Cách mạng thành phố. Trường nhận bàn giao từ trường Taberd cũ và bắt đầu khóa đào tạo đầu tiên vào tháng 8, 1976.[3][4][5] Trong khuôn viên Trường hiện nay còn tồn tại Lưu xá SiViTa của các sư huynh dòng Lasan. Hằng năm, Lưu xá này vẫn thực hiện tuyển sinh Công Giáo và tổ chức các hoạt động trong khuôn viên trường.[6] Giai đoạn 2000 - 2002Sau gần 25 năm đào tạo với 24 khóa học, năm 2000, trường Trung học Sư phạm được sáp nhập với trường Cao đẳng sư phạm theo quyết định của Ủy ban Nhân dân thành phố. Từ đây, toàn bộ cơ sở vật chất trường Trung học Sư phạm đã được bàn giao để thành lập trường THPT Trần Đại Nghĩa theo quyết định số 2020/ QĐ-UB-VX của UBND thành phố vào ngày 31 tháng 3 năm 2000.[4][5] Trường tổ chức lễ khai giảng năm học đầu tiên vào ngày 3 tháng 9 năm 2000.[3] Giai đoạn 2002 đến naygày 04 tháng 10 năm 2002, UBND Thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định số 4072/ QĐ-UB cho phép chuyển trường THPT Trần Đại Nghĩa thành trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa.[4] Từ năm học 2003–2004, nhà trường bắt đầu tuyển sinh các lớp 10 chuyên Anh – Toán – Văn – Lý – Hóa và tiếp tục duy trì mô hình học tập – sinh hoạt cả ngày tại trường và học tăng cường tiếng Anh. Đến năm học 2013–2014, nhà trường tuyển sinh thêm lớp chuyên Sinh.[3] Năm học 2021–2022, nhà trường mở lớp chuyên Tin. Đến năm học 2024-2025, nhà trường mở thêm lớp chuyên Lịch sử, lớp chuyên Địa lý và lớp chuyên Anh-Toán-Khoa học (theo đề án 5695), nâng tổng số môn chuyên được đào tạo trong nhà trường là 10 môn. Năm học 2024-2025, nhà trường tuyển sinh 13 lớp chuyên cho 10 môn chuyên. Ngày 30 tháng 12 năm 2019, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đã được UBND Thành phố Hồ Chí Minh xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh Thành phố Hồ Chí Minh.[4][7][8][9] Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa xác định các trọng tâm phát triển học hiệu, xây dựng chiến lược phát triển nhà trường tiệm cận giáo dục quốc tế trên nền tảng một trường công lập Việt Nam, chú trọng xây dựng giá trị học thuật riêng từ chương trình nhà trường gồm: Tăng cường Tiếng Anh hướng đến chứng chỉ theo chuẩn quốc tế; Tăng cường Tin học hướng đến chứng chỉ theo chuẩn quốc tế; Học Tiếng Anh với người bản ngữ; Ngoại ngữ tự chọn; Năng khiếu tự chọn, Giáo dục kĩ năng sống Arkki; Giảng dạy nghiên cứu khoa học. Những thành tích của nhà trường đã tạo tiếng vang cho Ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt về môn Tiếng Anh. Hai năm học liền (2022-2023 và 2023-2024), trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa giữ vững vị trí thủ khoa toàn quốc học sinh giỏi quốc gia môn Tiếng Anh, và đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn Tiếng Anh của nhà trường cũng xuất sắc mang về 4 giải Nhất duy nhất cho cả đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia của Thành phố Hồ Chí Minh (năm học 2023-2024). Tổ chức lại TrườngNgày 15 tháng 5 năm 2024, trên cơ sở tổ chức lại trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, theo Quyết định số 1657/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa được tách ra thành hai trường là THCS-THPT Trần Đại Nghĩa (Địa chỉ tại số 53, Đường Nguyễn Du, Phường Bến Nghé, Quận 1) và THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (Địa chỉ chính đặt tại Lô P2 khu tái định cư 38,4ha, Phường An Khánh, Thành phố Thủ Đức và địa chỉ phụ tại số 20, Lý Tự Trọng, P. Bến Nghé, Quận 1). Do đó, từ năm học 2024-2025, trường THPT Chuyên chỉ còn tuyển sinh lớp 10 chuyên, Trường THCS - THPT thì thực hiện tuyển sinh và đào tạp lớp 6 và lớp 10 thường. Mô hình đào tạoTuyển sinhKhối Trung học cơ sởTừ năm học 2014–2015 trở về trước, trường tuyển sinh vào khối THCS dựa theo trình độ 3 môn Toán – Văn – Anh của học sinh qua đề thi riêng của trường. Để được dự thi, học sinh phải hoàn thành bậc tiểu học và có học lực trung bình năm lớp 5 của hai môn toán, văn đạt loại giỏi. Ngoài ra, đối với những học sinh được học vượt lớp ở cấp học trước hoặc học sinh vào cấp học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định thì tuổi vào lớp 6 được giảm hoặc tăng căn cứ vào tuổi của năm tốt nghiệp cấp học trước. Riêng học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học sinh ở nước ngoài về nước có thể cao hơn 3 tuổi so với tuổi quy định.[10][11][12][13] Thời gian nộp đơn và thi tuyển thường dao động từ đầu tháng 6 đến giữa tháng 6. Sau khi kì thi kết thúc, khoảng 3 - 4 ngày sau Hội đồng chấm khảo sát sẽ công bố kết quả. Thời gian để trường nhập đơn chấm phúc khảo là từ khoảng 2 - 3 ngày sau khi kết quả kì thi được công bố và kết quả phúc khảo sẽ có sau đó 2–3 ngày. Học sinh nộp hồ sơ nhập học là từ khoảng 4 - 5 ngày sau khi có kết quả kì thi tuyển sinh, nếu không nộp hồ sơ nhập học sẽ bị xóa tên trong danh sách trúng tuyển.[c] Thông thường chỉ tiêu vào lớp 6 của trường khoảng hơn 320 - 360 học sinh, chia thành 8 - 9 lớp, trên tổng số từ 3000 - 4000 học sinh đăng ký dự thi. Kể từ năm học 2015-2016, trường mở thêm cơ sở 2 dành cho học sinh khối 6 và khối 7 tại Quận 2. Chỉ tiêu tuyển sinh lớp 6 của trường cũng tăng lên thành 535 học sinh,[10] chia thành 15 lớp,[10] dựa trên tổng số hơn 4000 thí sinh. Vì thế, tỉ lệ chọi từ năm học này chỉ còn khoảng 1:7 đến 1:8,[13] ít hơn so với các năm học trước.[14][15][16] Trước lệnh cấm thi tuyển vào lớp 6 của Bộ GD&ĐT, trường đã chọn phương án làm bài khảo sát năng lực tiếng Anh. Đề khảo sát bao gồm nhiều lĩnh vực kiến thức như: Toán học, Lịch sử, Địa lí, Văn hóa... Các câu hỏi được biên soạn theo hướng kiểm tra năng lực và khả năng vận dụng kiến thức đã học ở bậc tiểu học vào việc giải quyết các tình huống của cuộc sống.[10][15] Bài khảo sát năng lực bằng tiếng Anh gồm 2 phần (90 phút). Phần 1 là trắc nghiệm khách quan 4 lựa chọn với 30 câu nhằm khảo sát năng lực tư duy, sự nhanh nhạy, năng lực vận dụng kiến thức cơ bản vào cuộc sống (thực hiện 45 phút).[15] Phần 2 là bài tự luận với khoảng 10 câu tập trung khảo sát năng lực, phán đoán, suy luận của học sinh. Trong đó, năng lực tư duy gồm 3 câu; năng lực ngôn ngữ, diễn đạt: 4 câu; năng lực vận dụng khoa học thường thức vào cuộc sống: 2 câu; năng lực vận dụng hiểu biết xã hội vào cuộc sống: 1 câu (thực hiện trong 45 phút).[15] Từ năm học 2024-2025, theo quyết định của Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc thực hiện quy định không có lớp không chuyên trong trường chuyên, nhà trường chính thức dừng tuyển sinh hệ Trung học cơ sở trong nhà trường. Khối Trung học phổ thôngTương tự như các trường chuyên khác trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, trường tuyển học sinh dựa trên tổng điểm 3 môn Văn, Toán, Anh của kỳ thi Tuyển sinh 10 chung và điểm môn chuyên nhân hệ số 2 (tỉ lệ học sinh được nhận khoảng 10% số học sinh nộp hồ sơ thi tuyển). Mỗi khối bao gồm: 3 lớp chuyên Anh, mỗi môn còn lại có 1 lớp, bao gồm các lớp chuyên Hoá, Lý, Sinh, Toán, Văn, Tin và 2 lớp không chuyên (A1, A2). Từ năm học 2017-2018, trường mở thêm 2 lớp Tích hợp, dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh. Năm học 2019-2020, trường mở lớp Tiếng Đức. Năm học 2020-2021, trường mở thêm một lớp Tích hợp. Năm học 2024-2025, số lớp chuyên của nhà trường bao gồm: chuyên Anh (3 lớp), chuyên Anh-Toán-Khoa học (2 lớp), các môn chuyên còn lại tuyển 1 lớp chuyên bao gồm: Toán, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Tin học, Ngữ Văn, Lịch sử, Địa lý. Từ năm học 2015-2016, tại Thành phố Hồ Chí Minh, việc tuyển sinh vào lớp không chuyên của trường chuyên chỉ dựa theo tổng điểm của 3 môn Văn - Toán - Anh như quy định mới của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm học 2024-2025, theo quyết định của Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc thực hiện quy định không có lớp không chuyên trong trường chuyên, nhà trường chính thức dừng tuyển sinh lớp không chuyên trong nhà trường. Mô hình học tậpTrường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa áp dụng chương trình học tăng cường tiếng Anh theo giáo trình Solutions của Oxford University. Hằng năm, số lượng học sinh được các tổ chức giáo dục trao tặng học bổng đứng nhì thành phố (sau Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, hơn Trường Phổ thông Năng Khiếu). Bên cạnh sách giáo khoa chính thức của Bộ giáo dục, nhà trường còn sử dụng nhiều tài liệu nâng cao do các giáo viên giàu kinh nghiệm soạn riêng với mục đích bổ sung kiến thức cho học sinh. Nhà trường có đầy đủ cơ sở vật chất từ những thiết bị học cần thiết cho lớp học cho đến những phòng chuyên dụng như phòng thí nghiệm Lý-Hóa-Sinh, phòng nghe nhìn, phòng lab, phòng vi tính. Thư viện trường có hơn 4000 đầu sách, trong đó, số lượng sách văn học chiếm một lượng khá lớn. Trường tổ chức học theo mô hình học hai buổi. Ngoài ra, sau giờ học chính thức, trường còn tổ chức các buổi học ngoại khóa dạy một số môn như: bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, cờ vua,... Học sinh các lớp bắt buộc phải học thêm một trong các ngoại ngữ: Đức, Pháp, Trung hoặc Nhật. Việc lựa chọn ngôn ngữ sẽ hoàn toàn theo nguyện vọng của học sinh, riêng các lớp chuyên Anh thì ngôn ngữ học thêm bắt buộc là tiếng Pháp. Song song với việc đào tạo kiến thức cho học sinh, nhà trường còn chú trọng việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, triển khai có hiệu quả các hoạt động liên kết đào tạo quốc tế cho cán bộ, giáo viên và học sinh bằng những học bổng ngắn hạn, dài hạn ở các nước Anh, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Đức, Singapore, Ả Rập Xê Út, v.v. Thành tích
Nhiều năm liền, nhà trường được công nhận là tập thể lao động xuất sắc, được Bộ GD-ĐT, UBND Thành phố Hồ Chí Minh tặng bằng khen về hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học, nhiều năm nhận cờ thi đua xuất sắc cấp thành phố, bằng khen của Ban chấp hành Đảng bộ thành phố về "Chi bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu". Hoạt động ngoại khóaNgoài việc chú trọng vào chất lượng giảng dạy, trường còn tạo điều kiện cho học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa. Các câu lạc bộTrường hiện nay có 28 câu lạc bộ và dự án, chia làm 4 khối:
Ngoài ra, có ba câu lạc bộ đã giải thể là các câu lạc bộ Tiếng Pháp (giải thể trong năm học 2019/20), Kịch-Phim (MOE, giải thể đầu năm học 2020/21) và Tin học (giải thể sau năm học 2022/23). Câu lạc bộ Báo chí-Truyền thông là câu lạc bộ tiên phong của trường và cũng là câu lạc bộ báo chí đầu tiên trong khối THPT của Thành phố Hồ Chí Minh. Họ đã được giới thiệu rộng rãi trên các mặt báo và các kênh truyền hình. Câu lạc bộ Văn hoá Nhật Bản của trường đã được vinh danh là "mô hình hoạt động tiêu biểu" trong năm học 2014/15 và thường xuyên đón tiếp các đoàn học sinh Nhật đến trường. Các thành viên năng động và nhiệt huyết nhất của câu lạc bộ đã từng được gửi đi Nhật Bản vào các dịp hè với mục đích trao đổi văn hóa. Các hoạt động khácNgoài ra, còn có thể kể đến The TĐN Radio, một dạng "confession" khác của học sinh Trần Đại Nghĩa lên sóng vào hàng tháng và Nội San Trần Chuyên được xuất bản hằng năm, cả hai đều được điều hành bởi CLB Báo chí - Truyền thông; Humans of TĐN, một trang blog ảnh trên Facebook và Tumblr với mục đích khắc họa nên hình ảnh của học sinh cũng như các thầy cô, nhân viên trong trường; Hội Troll trường Trần Đại Nghĩa và TĐN Memes for the Gifted, các trang fanpage được thành lập với mục đích "vui là chính" và TĐN Confessions, nơi chia sẻ tâm tư, tình cảm của các thế hệ học sinh. Ban giám hiệu
Ghi chú
Tham khảo
Thư viện ảnhLiên kết ngoài
|
Portal di Ensiklopedia Dunia