Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 5 tiếp tục được tổ chức tại Hà Nội, từ ngày 12 đến ngày 19 tháng 5 năm 1980, với khẩu hiệu: "Vì Tổ quốc Xã hội Chủ nghĩa và hạnh phúc của nhân dân. Vì sự phát triển của nền điện ảnh dân tộc".
Tổng quan
Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 5 được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây được xem là một liên hoan phim thành công khi những bộ phim truyện đạt giải Bông sen vàng như Cánh đồng hoang, Mẹ vắng nhà, Những người đã gặp được xem là những bộ phim đỉnh cao của Việt Nam sau chiến tranh.[1] Trong đó, Cánh đồng hoang không chỉ là một bộ phim xuất sắc khi liên tiếp giành được giải thưởng ở nhiều hạng mục mà còn là bộ phim Việt Nam giành giải thưởng cao nhất tại một liên hoan phim quốc tế hạng A, Liên hoan phim quốc tế Moskva.[2] Cũng tại liên hoan phim này, đạo diễn Hồng Sến đã có 2 phim giành được giải thưởng. Bên cạnh Cánh đồng hoang nhận được Bông sen vàng, tác phẩm Mùa gió chướng của ông cũng nhận được giải Bông sen bạc.[3]
Nếu Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 4 đánh dấu bước chuyển tiếp của nền điện ảnh Việt Nam từ nghệ thuật điện ảnh thời chiến chuyển sang thời bình, thì liên hoan phim lần thứ 5 này được xem là cột mốc đánh dấu bước phát triển mới của điện ảnh Việt Nam sau khi đất nước thống nhất.[4] Có tất cả 129 bộ phim tham gia tranh giải. Bên cạnh thể loại phim truyện, đã có 6 giải Bông sen vàng được chia đều thể loại phim tài liệu và phim hoạt hình.[5] Về mảng phim truyện, những bộ phim về đề tài miền Nam có phần nổi trội hơn khi chiếm 2 trong 3 Bông sen vàng và toàn bộ Bông sen bạc.[6] Liên hoan phim lần này cũng đánh dấu một cột mốc quan trọng của mảng phim hoạt hình Việt Nam khi Xưởng phim Thành phố Hồ Chí Minh ra mắt công trình đồ sồ Dế mèn phiêu lưu ký với độ dài 4 cuốn, còn Xưởng phim Hà Nội cũng hoàn thành bộ phim thần thoại dài 3 cuốn mang tên Âu Cơ – Lạc Long Quân.[7]
Liên hoan lần này đi sâu hơn vào hoạt động chuyên môn và chú trọng đến chất lượng tác phẩm khi tổ chức hội thảo "Phấn đấu nâng cao chất lượng phim" với sự tham gia của đông đảo các nhà phê bình phim, nhà làm phim, biên kịch. Khán giả tại Hà Nội thức suốt đêm để tập trung tại rạp chiếu phim Tháng Tám để yêu cầu tăng số suất chiếu. Đặc biệt, hai buổi dạ hội tại công viên Lenin đã thu hút hàng chục nghìn người hưởng ứng, gặp gỡ các nghệ sĩ điện ảnh.[1]
Lại Văn Sinh (2001). “Nghệ sĩ ưu tú Như Ái”. Trong Trần Luân Kim; Lê Đình Phương; và đồng nghiệp (biên tập). Nghệ sĩ phim tài liệu Việt Nam. Trung tâm Nghiên cứu Nghệ thuật và Lưu trữ Điện ảnh Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh. tr. 15–29. OCLC303712662.