Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16 được tổ chức từ ngày 8 đến ngày 12 tháng 12 năm 2009 tại thành phố Hồ Chí Minh với khẩu hiệu "Vì một nền điện ảnh Việt Nam đổi mới và hội nhập. Đây là lần thứ 3 Liên hoan phim Việt Nam được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh sau kỳ trao thưởng thứ 4 và thứ 6 vào năm 1977 và 1983. Đồng thời năm 2009 cũng là kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ngành Điện ảnh Việt Nam theo sắc lệnh số 147/SL ngày 15 tháng 3 năm 1953 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Từ ngày 1 đến ngày 10 tháng 10, các đơn vị có phim đủ điều kiện tham gia liên hoan phim sẽ tiến hành gửi phiếu đăng ký về ban tổ chức. Các hồ sơ đăng ký phải tuân theo quy định đã đưa ra trước đó, ngoài phiếu đăng ký theo mẫu, bản photo giấy phép phổ biến phim và công văn xác nhận phim dự thi chưa tham dự Liên hoan Truyền hình toàn quốc, hồ sơ còn phải gửi kèm tài liệu về tiểu sử đạo diễn, ảnh của phim và 1 đĩa DVD quảng cáo phim.[4] Ngày 25 tháng 11, ban tổ chức liên hoan phim đã tổ chức họp báo và công bố danh sách 99 tác phẩm tham gia tranh giải bao gồm 15 phim truyện nhựa, 11 phim video, 53 phim tài liệu khoa học và 20 phim hoạt hình của 29 đơn vị sản xuất phim. Trong đó 6 trên tổng số 15 phim truyện nhựa là sản phẩm của các hãng phim tư nhân, số còn lại Hãng phim truyện Việt Nam có 3 phim, Hãng phim Giải Phóng, Hãng phim truyện 1 và Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam đều có 2 phim.[5]
Cơ cấu giải thưởng kỳ liên hoan phim này có một số thay đổi so với các kỳ trao giải trước, trong đó mỗi hạng mục bao gồm phim truyện nhựa, phim truyện video, phim tài liệu, phim khoa học và phim hoạt hình đều sẽ có giải Bông sen vàng; không như một số kỳ liên hoan phim đã không trao giải Bông sen vàng.[6] Bên cạnh các hạng mục giải thưởng chính như Bông sen vàng, Bông sen bạc và giải thưởng của Ban giám khảo cho phim truyện nhựa, phim truyện video, phim tài liệu, phim khoa học và phim hoạt hình, một số giải khác cũng được trao tại liên hoan phim lần này như giải thưởng của Cục Điện ảnh cho phim truyện nhựa được khán giả của liên hoan phim yêu thích nhất và giải thưởng cho phim truyện nhựa của ban giám khảo báo chí.[7] Từ ngày 3 đến ngày 7 tháng 12, ban giám khảo báo chí sẽ cùng ban giám khảo chính thức của liên hoan phim xem các phim truyện nhựa tham dự giải tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia.[8] Đây là lần đầu tiên giải báo chí được đưa vào khuôn khổ liên hoan phim này, đồng thời ban tổ chức dự định sẽ tiếp tục giữ giải này cho các kỳ liên hoan phim sau.[9]
Khai mạc và công chiếu
Tối ngày 8 tháng 12, lễ khai mạc chính thức diễn ra tại Trung tâm Hội nghị White Palace, Thành phố Hồ Chí Minh. Theo kế hoạch, người được chọn thực hiện nghi lễ kéo cờ tại lễ khai mạc là hai diễn Ngô Thanh Vân và Chi Bảo,[10] nhưng cả hai đã từ chối tham gia.[11] Đến tham dự lễ khai mạc có rất nhiều nghệ sĩ, nhà làm phim Việt Nam thuộc nhiều thế hệ khác nhau.[12] Chương trình được truyền hình trực tiếp từ 20 giờ 15 phút với lời giới thiệu của hai MC là người mẫu, diễn viên Bình Minh và hoa hậu Giáng My ở khu vực thảm đỏ. Đến 20 giờ 30 phút, chương trình khai mạc chính thức bắt đầu với sự dẫn dắt của hai MC Thanh Bạch và Hồng Phượng.[13] Chương trình nghệ thuật trong đêm khai mạc do đạo diễn Đinh Anh Dũng thực hiện.[14]
Từ ngày 8 đến ngày 11, các bộ phim tham gia liên hoan phim sẽ lần lượt được công chiếu tại nhiều rạp phim của thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó 15 phim truyện nhựa sẽ được chiếu tại rạp Thăng Long ở quận 3, các thể loại khác sẽ được chiếu tại Trung tâm Fafilms ở quận 1, rạp Đống Đa ở quận 5 và rạp Đại Đồng ở quận 3. Trong 3 ngày 8, 9 và 10 tháng 12, ban tổ chức tiến hành xuất bản đặc san, kỷ yếu và cho ra các bản tin nhanh về liên hoan phim để phục vụ khán giả.[15] Bên cạnh các bộ phim Việt Nam tham gia tranh giải, một số phim truyện nước ngoài cũng được các đoàn đại biểu quốc tế mang đến trình chiếu cho khán giả Việt Nam.[16]
Bế mạc và trao giải
Tối ngày 12, lễ bế mạc diễn ra tại Nhà hát Hòa Bình.[17] Tại hạng mục phim truyện nhựa, bộ phim Đừng đốt đã mang về cho đạo diễn Đặng Nhật Minh 2 giải thưởng lớn bao gồm Bông sen vàng và Biên kịch xuất sắc. Đạo diễn Đặng Nhật Minh đã từng nhận được 2 giải thưởng này tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 6 năm 1983 cũng tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh với bộ phim Thị xã trong tầm tay. Đây được xem là sự trùng hợp thú vị khi Liên hoan phim Việt Nam một lần nữa trở lại thành phố Hồ Chí Minh sau 26 năm.[18][19][20] Nếu tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 6 vào năm 1983, đạo diễn Đặng Nhật Minh lần đầu tiên gây được tiếng vang lớn với Bông sen vàng đầu tiên, thì đến kỳ liên hoan phim này ông đã là một Nghệ sĩ nhân dân với hàng loạt giải thưởng lớn trong và ngoài nước. Không chỉ giành được giải thưởng cao nhất ở hạng mục chính, Đừng đốt còn là bộ phim dẫn đầu về số lượng phiếu bầu từ ban giám khảo báo chí với 10/11 phiếu.[18]
Ngoài Bông sen vàng trong dự liệu cho Đừng đốt, nhiều giải thưởng khác tại hạng mục phim truyện nhựa đã gây ít nhiều bất ngờ cho khán giả. Nhiều ý kiến cho rằng, xếp sau Đừng đốt là các phim Chơi vơi, Trăng nơi đáy giếng hoặc Huyền thoại bất tử. Chơi vơi là bộ phim gây tiếng vang lớn trên thị trường quốc tế của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, đã đoạt được giải thưởng tại Liên hoan phim Venezia và được công chiếu tại 2 liên hoan phim quốc tế khác. Trăng nơi đáy giếng và Huyền thoại bất tử đều được xem là phim bom tấn của Việt Nam vào thời điểm bấy giờ, cũng đã nhận được giải thưởng cao nhất tại Giải Cánh diều 2008.[18] Nhưng cuối cùng 2 giải Bông sen bạc thuộc về Trăng nơi đáy giếng và Rừng đen, phim Huyền thoại bất tử nhận được giải thưởng của Ban giám khảo và Chơi vơi chỉ nhận được giải thưởng cá nhân cho Đạo diễn xuất sắc, Họa sĩ xuất sắc và Quay phim xuất sắc.[17][21] Riêng bộ phim 14 ngày phép đã nhận được số phiếu bình chọn từ khán giả cao nhất và giành được giải thưởng ở hạng mục này.[22]
Ở hạng mục phim truyện phim video, Mười ba bến nước của đạo diễn Đặng Thái Huyền đã lập một kỷ lục đặc biệt khi chiến thắng 6 giải thưởng bao gồm Bông sen vàng, Đạo diễn xuất sắc, Quay phim xuất sắc, Diễn viên nam, nữ chính xuất sắc và Nữ diễn viên phụ xuất sắc.[23][24]
Bên lề
Bên cạnh sự kiện chính, nhiều hoạt động liên quan khác cũng được tổ chức song song trong suốt khoảng thời gian diễn ra liên hoan phim. Tối ngày 7 tháng 12, chương trình ca nhạc với chủ đề Ấn tượng nhạc và phim đã được tổ chức tại Nhà hát Hòa Bình và được truyền hình trực tiếp trên kênh HTV2. Hội chợ "Điện ảnh với công chúng" cũng được tổ chức kéo dài suốt 5 ngày liên hoan phim diễn ra để trưng bày và bán các sản phẩm liên quan đến điện ảnh.[25] Ngoài ra, các cuộc hội thảo chuyên đề về điện ảnh cũng được tổ chức ở các địa điểm khác nhau: "Phim ngắn Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế" tại khách sạn Caravelle, "Xây dựng dự án và huy động vốn sản xuất phim" tại khách sạn Kim Đô và "Làm phim công nghệ HD và công tác chiếu phim lưu động" tại rạp Đống Đa; đồng thời một số hoạt động khác cũng được tổ chức xen kẽ trong những ngày liên hoan phim diễn ra.[8]