Tam Nguyệt Nhai
Tam Nguyệt Nhai (tiếng Trung: 三月街; bính âm: Sānyuè Jiē; tiếng Bạch: salwa zix[1]) là một trong những lễ hội quan trọng nhất được tổ chức bởi người Bạch ở khu vực Tây Nam Trung Quốc.[2][1] Lễ hội bao gồm việc tổ chức các phiên chợ, trình diễn nghệ thuật và tổ chức các sự kiện thể thao hàng năm tại châu tự trị Đại Lý, tỉnh Vân Nam. Hội chợ kéo dài trong nhiều ngày, bắt đầu từ ngày rằm tháng ba theo nông lịch (thường rơi vào tháng 4 hoặc tháng 5 theo lịch Gregorius).[3][2][4] Vào năm 2023, lễ hội đã rơi vào ngày 4 tháng 5 dương lịch.[5] Nguồn gốcLễ hội còn được gọi với tên gọi khác là Chợ Quan Âm – với Quan Âm được biết là một vị thần với tấm lòng từ bi trong Phật giáo Trung Quốc. Theo tương truyền, Quan Âm đã đến nước Đại Lý cổ vào rằm tháng ba theo nông lịch, chính vì vậy là một ngày lễ thờ cúng hàng năm đã được ra đời vào ngày này.[3] Một câu chuyện khác thì lại cho rằng lễ hội là việc kỷ niệm hôn nhân của nàng công chúa có xuất thân từ gia đình vua rồng Hồ Nhĩ Hải, và một nam ngư nhân.[2] Công chúa và ngư dân ấy đã đi đến một phiên chợ tổ chức vào ngày rằm tháng ba hàng năm bởi các vị thần, tại lễ hội có rất nhiều đá quý và dược liệu.[2] Một phiên bản tương đồng, lại cho rằng phiên chợ này diễn ra trên mặt Trăng và hai vợ chồng đã đến đây mua đồ câu cá nhưng chẳng thấy gì cả.[3] Khu chợ này (hoặc cũng có thể là lấy cảm hứng từ khu chợ trên mặt Trăng) đã được chuyển xuống Trái Đất và trở thành Tam Nguyệt Nhai.[2][3] Cử hànhLễ hội được cử hành bởi người Bạch và các nhóm dân tộc khác ở Vân Nam, Trung Quốc.[1] Nó được diễn ra vào ngày rằm tháng ba theo nông lịch (thường rơi vào tháng 4 hoặc tháng 5 theo lịch Gregorian)[2][3][4] và kéo dài vài ngày sau đó.[a] Tam Nguyệt Nhai đã bắt đầu xuất hiện từ thời nhà Đường[2][4] và cử hành như một buổi tụ hội tại miếu hội Phật giáo.[4] Theo truyền thống, đây còn là một thời điểm phù hợp để cầu chuyện cho mùa màng bội thu[3] hay được coi là thời điểm để cầu duyên do liên quan đến tình yêu.[3][4] Lễ hội được tổ chức với một phiên chợ dưới chân dãy núi Thương Sơn, gần khu phố cổ Đại Lý;[3] khu Đại Lý được xem là trung tâm văn hóa của người Bạch. Các gian hàng xuất hiện tại hội chợ có thể kể đến như gian hàng thảo dược, đồ thủ công, trà Phổ Nhĩ, kẹo truyền thống, giăm bông địa phương, gia súc, lụa, các loại đá quý như hổ phách và ngọc bích, các tác phẩm điêu khắc gỗ, đồ thêu, mũ, giày, dụng cụ nhà bếp, ngư cụ, nông cụ và đồ nội thất.[2][6][3][4] Những loài động vật được bán tại chợ có thể kể đến như trâu, ngựa, la và lạc đà Nội Mông.[4] Một trong những sản phẩm nổi tiếng nhất của phiên chợ chính là y học cổ truyền. Tam Nguyệt Nhai được cho là nơi có nhiều sản phẩm y dược nhất được bày bán ở miền tây Vân Nam.[4] Theo một cuộc khảo sát tại hội chợ vào năm 2012 thì đã có khoảng hàng trăm loại thuốc cổ được bày bán tại đây, bao gồm từ nhiều vùng khác nhau ở Trung Quốc hay từ Ấn Độ, Myanmar và Thái Lan. Các loại thuốc truyền thống phổ biến nhất được bán tại chợ bao gồm Magnolia biondii, Crataegus pinnatifida và Glycyrrhiza uralensis.[7] Ngoài ra, lễ hội còn có những màn trình diễn ca hát, nhảy múa cũng như các cuộc thi đua ngựa, đua thuyền rồng, chơi bóng, chơi cờ, bắn cung, đấu vật và võ thuật.[1][7][4] Trong lễ hội, mọi người thường ăn mặc theo phong cách truyền thống và khu phố cổ được trang trí rộng khắp với nhiều đèn lồng, hoa.[4] Lễ hội đã trở nên nổi tiếng và trở thành điểm thu hút khách du lịch, tham quan từ các vùng khác nhau của Trung Quốc và quốc tế.[1][6][4][7] Phản ứngTrong thời hiện đại, các quan chức chính phủ Trung Quốc đã ủng hộ Tam Nguyệt Nhai và xem đó như là một cách để tăng trưởng nền kinh tế, đặc biệt là đối với các cộng đồng thiểu số và thể hiện ủng hộ đối với văn hóa người Bạch.[6] Lễ hội đã được chính quyền châu tự trị Đại Lý chính thức công nhận vào năm 1991.[1] Trong những năm 1990, chính phủ đã đầu tư vào các công trình tạo nên phiên chợ như đường xá và các gian hàng.[6] Dự án đã có sự đóng góp 4 triệu nhân dân tệ từ chính quyền địa phương, chính quyền Vân Nam và hơn 13 triệu nhân dân tệ từ các nhà đầu tư khác.[6] Vào năm 2008, Tam Nguyệt Nhai được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của Trung Quốc.[4] Là một ngày lễ địa phương tại châu tự trị Đại Lý,[5] Tam Nguyệt Nhai đã được xem là một ngày nghỉ lễ bắt đầu từ năm 1991 với 2 ngày nghỉ.[8][9] Sau đó, nó đã được mở rộng lên 3 ngày, từ ngày rằm tháng ba đến hai ngày sau đó.[5] Tức vào năm 2023, người dân địa phương sẽ được nghỉ từ ngày 4 đến ngày 6 tháng 5 dương lịch.[5] Chú thíchDanh sách ghi chúTham khảo
|
Portal di Ensiklopedia Dunia