Lịch sử hành chính Thái Bình

Thái Bình là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, phía bắc giáp tỉnh Hải Dương, tỉnh Hưng Yên và thành phố Hải Phòng, phía nam giáp tỉnh Nam Định, phía đông giáp vịnh Bắc Bộ, phía tây giáp tỉnh Hà Nam.

Lịch sử tổ chức hành chính

Trước khi thành lập tỉnh

Vùng đất thuộc tỉnh Thái Bình ngày nay, vào thời Bắc Thuộc trước thế kỉ 10, thuộc hương Đa Cương (vùng đất từ sông Luộc ra đến biển) của quận Giao Chỉ. Thời 12 sứ quân vùng đất này là căn cứ của sứ quân Trần Lãm. Tới nhà Hậu Lê, thời vua Lê Thánh Tông về sau vùng đất Thái Bình ngày nay thuộc trấn Sơn Nam. Đến cuối thời nhà Lê trung hưng sang đầu nhà Nguyễn, vùng này thuộc trấn Sơn Nam Hạ. Năm 1832, vua Minh Mạng nhà Nguyễn cắt hai phủ Thái Bình, Kiến Xương nhập vào tỉnh Nam Định, nhập phủ Tiên Hưng vào tỉnh Hưng Yên.

Tỉnh Thái Bình - Những thay đổi hành chính

Năm 1890, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập tỉnh Thái Bình, gồm phủ Thái Bình, phủ Kiến Xương (tách từ tỉnh Nam Định) và huyện Thần Khê (tách từ tỉnh Hưng Yên và sáp nhập vào phủ Thái Bình - sau đổi tên là phủ Thái Ninh). Tỉnh lỵ đặt tại phủ lỵ Kiến Xương, bờ nam sông Trà Lý. Vị trí này nằm trên đường Hải Phòng- Nam Định nhưng chỉ cách Nam Định 17 km nên người dân nơi đây thường đi phà Tân Đệ (sau này là cầu) sang Nam Định mua các thứ cần thiết.

Năm 1894, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định cắt hai huyện Hưng Nhân và Duyên Hà thuộc phủ Tiên Hưng, tỉnh Hưng Yên sáp nhập vào tỉnh Thái Bình; lấy sông Luộc làm ranh giới giữa hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình. Như vậy lúc mới thành lập, tỉnh Thái Bình gồm có 3 phủ Kiến Xương, Thái Ninh, Tiên Hưng với tổng cộng là 12 huyện: Đông Quan, Duyên Hà, Hưng Nhân, Phụ Dực, Quỳnh Côi, Thần Khê, Thanh Quan, Thư Trì, Thụy Anh, Tiền Hải, Trực Định, Vũ Tiên.

Sau đó, đơn vị hành chính cấp phủ bị loại bỏ, các huyện có sở lị phủ thì đổi theo tên của phủ kiêm quản trước đó: Thanh Quan thành Thái Ninh, Trực Định thành Kiến Xương, Thần Khê thành Tiên Hưng.

Tỉnh lị tỉnh Thái Bình khi mới thành lập năm 1890, đặt tại xã Kỳ Bố, trước là huyện lị của huyện Vũ Tiên (từ thời Minh Mạng).

Sau năm 1945, bỏ cấp phủ, gọi chung là huyện. Tỉnh Thái Bình có 1 thị xã Thái Bình và 12 huyện: Đông Quan, Duyên Hà, Hưng Nhân, Kiến Xương, Phụ Dực, Quỳnh Côi, Thái Ninh, Thư Trì, Thụy Anh, Tiền Hải, Tiên Hưng, Vũ Tiên.

Năm 1955, điều chỉnh một số xã thuộc các huyện Đông Quan, Tiên Hưng, Phụ Dực, Quỳnh Côi, Thụy Anh, Tiền Hải và Thái Ninh.[1]

Năm 1957, đổi tên một số xã thuộc huyện Hưng Nhân.[2]

Năm 1958, điều chỉnh một số xã thuộc các huyện Thụy Anh, Phụ Dực, Quỳnh Côi[3], Kiến Xương, Vũ Tiên[4].

Năm 1963, điều chỉnh địa giới thị xã Thái Bình và các huyện Vũ Tiên, Thư Trì[5]. Cùng năm, điều chỉnh địa giới một số xã thuộc các huyện Đông Quan, Thụy Anh, Phụ Dực, Kiến Xương[6]

Năm 1968, thành lập xã Thụy Tân thuộc huyện Thụy Anh.[7]

Năm 1969, hợp nhất huyện Đông Quan và huyện Tiên Hưng thành một huyện lấy tên là huyện Đông Hưng; hợp nhất huyện Hưng Nhân, huyện Duyên Hà và 5 xã: Bắc Sơn, Đông Đô, Hòa Bình, Chi Lăng và Tây Đô của huyện Tiên Hưng (cũ) thành một huyện lấy tên là huyện Hưng Hà; hợp nhất huyện Quỳnh Côi và huyện Phụ Dực thành một huyện lấy tên là huyện Quỳnh Phụ; hợp nhất huyện Thái Ninh và huyện Thụy Anh thành một huyện lấy tên là huyện Thái Thụy; hợp nhất huyện Vũ Tiên và huyện Thư Trì thành một huyện lấy tên là huyện Vũ Thư; điều chỉnh địa giới huyện Vũ Tiên (cũ) và huyện Kiến Xương[8]. Cùng năm, điều chỉnh địa giới huyện Kiến Xương và huyện Tiền Hải[9].

Năm 1974, chia tách một số xã thuộc huyện Kiến Xương.

Năm 1975, chia tách một số xã thuộc huyện Thái Thụy, Tiền Hải.[10]

  • Thành lập xã Hồng Quỳnh, huyện Thái Thụy
  • Thành lập xã Nam Cường, huyện Tiền Hải

Năm 1976, chia tách một số xã thuộc các huyện Thái Thụy, Quỳnh Phụ, Vũ Thư, Tiền Hải, Hưng Hà.[11]

Năm 1977, hợp nhất và điều chỉnh một số xã thuộc huyện Hưng Hà.[12]

  • Thành lập xã Hồng Minh trên cơ sở toàn bộ xã Minh Hồng và xã Hồng Phong.
  • Thành lập xã Tiến Đức trên cơ sở toàn bộ xã Tiến Dũng và xã Hoàng Đức.
  • Thành lập xã Tân Lễ trên co sở toàn bộ xã Phạm Lễ và xã Tân Mỹ.
  • Thành lập xã Điệp Nông trên cơ sở toan bộ xã Tam Điệp và xã Tam Nông.
  • Thành lập xã Phu Sơn trên cơ sở toan bộ xã Lam Sơn và xã Trần Phú.
  • Thanh lập xã Bình Lang trên cơ sở toàn bộ xã Hòa Bình và xã Chi Lăng.
  • Thành lập xã Hồng An trên cơ sở toàn bộ xã Hồng Hà và một phần xã Tân Việt.
  • Thành lập xã Thái Phương trên cơ sở toàn bộ xã Thái Thịnh và một phần xã Tân Việt.
  • Thành lập xã Hòa Tiến trên cơ sở toàn bộ xã Cấp Tiến và một phần xã Hiệp Hòa.
  • Thành lập xã Tân Hòa trên cơ sở toàn bộ xã Tân Sơn và một phần xã Hiệp Hòa.

Năm 1982, chia tách một số xã thuộc huyện Vũ Thư[13]. Cùng năm, điều chỉnh địa giới thị xã Thái Bình và huyện Vũ Thư[14].

  • Sắp xếp, thành lập một số đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Vũ Thư:
    • Thành lập xã Tân Bình trên cơ sở một phần xã Tiền Phong và xã Phu Xuân.
    • Thành lập xã Trần Lãm trên co sở một phần xã Chính Lãm, xã Vũ Phúc, huyện Vũ Thư và phường Kỳ Bá, thị xã Thái Bình.
    • Đổi trên xã Chính Lãm thành xã Vũ Chính.
  • Sáp nhập toàn bộ xã Tiền Phong và xã Trần Lãm, huyện Vũ Thư vào thị xã Thái Binh.

Năm 1986, điều chỉnh địa giới thị xã Thái Bình và huyện Vũ Thư[15]. Cùng năm, chia tách một số xã, thị trấn thuộc các huyện Đông Hưng[16], Thái Thụy[17], Tiền Hải, Vũ Thư[18].

  • Thành lập thị trấn Đông Hưng, huyện Đông Hưng trên co sở một phân xã Đông Hợp, xã Đông La và xã Nguyên Xá. Thị trấn Đông Hưng có tổng diện tích tự nhiên 64,47 hécta với 3.168 nhân khẩu.
  • Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Thái Thụy:
    • Thành lập thị trấn Diêm Điền trên cơ sở một phần xã Thụy Lương, xã Thụy Hà và xã Thụy Hải. Thị trấn Diêm Điền có tổng diện tích tự nhiên 177, 73 hécta đất với 10.314 nhân khẩu.
    • Sáp nhập một phần xã Thụy Lương vào xã Thụy Hà. Xã Thuỵ Hà có 627 hécta đất với 3.946 nhân khẩu.
  • Thành lập một số đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Tiền Hải:
    • Thành lập xã Đông Hải trên cơ sở một phần xã Đông Trà. Xã Đông Hải có 461,3 hécta diện tích tự nhiên với 2.500 nhân khẩu.
    • Thành lập xã Nam Phú trên cơ sở một phần xã Nam Hưng. Xã Nam Phú có 997,2 hécta diện tích tự nhiên với 2.909 nhân khẩu.
    • Thành lập thị trấn Tiền Hải trên cơ sở một phần xã Tây Sơn và xã Tây Giang. Thị trấn Tiền Hải có tổng diện tích tự nhiên 146,55 hécta với 7.306 nhân khẩu.
  • Thành lập thị trấn Vũ Thư, huyện Vũ Thư trên co sở một phần xã Minh Quang và xã Hòa Bình. Thị trấn Vũ Thư có tổng diện tích tự nhiên 110,41 hécta với 5.245 nhân khẩu.

Năm 1988, thành lập thị trấn Kiến Xương, huyện Kiến Xương[19] trên cơ sở một phần xã Tan Thuật. Thị trấn Kiến Xương có 109,72 hécta diện tích tự nhiên và 4.649 nhân khẩu.

Năm 1989, chia tách một số xã thuộc huyện Vũ Thư[20]. Cùng năm, thành lập một số phường, thị trấn thuộc thị xã Thái Bình và huyện Hưng Hà[21].

Năm 1990, mở rộng thị trấn Quỳnh Côi thuộc huyện Quỳnh Phụ.[22]

Năm 2002, thành lập một số phường, xã thuộc thị xã Thái Bình và thành lập thị trấn Thanh Nê thuộc huyện Kiến Xương.[23]

  • Thành lập phường Tiền Phong, thị xã Thái Binh trên cơ sở toàn bộ xã Tiền Phong. Phường Tiền Phong có 310,2 ha diện tích tự nhiên và 8.349 nhân khẩu.
  • Thành lập phương Trần Lãm, thị xã Thái Bình trên cơ sở toan bộ xã Trần Lãm. Phường Trần Lãm có 330 ha diện tích tự nhiên và 13.750 nhân khẩu.
  • Thành lập thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương trên cơ sở toàn bộ thị trấn Kiến Xương và xã Tan Thuật. Thị trấn Thanh Nê có 681,54 ha diện tích tự nhiên và 11.500 nhân khẩu.

Năm 2004, thành lập thành phố Thái Bình[24] trên co sở toan bộ thị xã Thái Bình. Thành phố Thái Bình có 4.330 ha diện tích tự nhiên và 143.925 nhân khẩu, có 13 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 8 phường và 5 xã.

Năm 2005, điều chỉnh và thành lập một số xã, thị trấn thuộc các huyện Quỳnh Phụ, Hưng Hà.[25]

  • Thành lập thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ trên cơ sở toàn bộ xã An Bài. Thị trấn An Bài có 700,18 ha diện tích tự nhiên và 9.381 nhân khẩu.
  • Thành lập thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà trên cơ sở toan bộ xã Phú Sơn. Thị trấn Hưng Nhân có 864,40 ha diện tích tự nhiên và 14.495 nhân khẩu.
  • Thành lập xã Hòa Bình và xã Chi Lăng, huyênj Hưng Hà trên cơ sở toàn bộ xã Bình Lang. Xã Hoà Bình có 340,44 ha diện tích tự nhiên và 3.948 nhân khẩu. Xã Chi Lăng có 344,25 ha diện tích tự nhiên và 6.834 nhân khẩu.

Năm 2007, điều chỉnh địa giới thành phố Thái Bình và các huyện Vũ Thư, Kiến Xương, Đông Hưng; thành lập một số phường thuộc thành phố Thái Bình.[26]

  • Sáp nhập toàn bộ xã Đông Thọ và xã Đông Mỹ, huyện Đông Hưng, xã Vũ Lạc và xã Vũ Đông, huyện Kiến Xương và xã Tân Bình, huyện Vũ Thư vào thành phố Thái Bình.
  • Thành lập một số phường thuộc thành phô Thái Bình:
    • Thành lập phường Hoàng Diệu trên cơ sở toàn bộ xã Hoàng Diệu. Phường Hoàng Diệu có 613,58 ha diện tích tự nhiên và 13.715 nhân khẩu.
    • Thành lập phương Trần Hưng Đạo trên cơ sở một phần phương Quang Trung, phường Tiền Phong, phương Bồ Xuyên và xã Phú Xuân. Phường Trần Hưng Đạo có 171,6 ha diện tích tự nhiên và 4.710 nhân khẩu.
    • Thành phố Thái Bình có 6.771,35 ha diện tích tự nhiên và 178.183 nhân khẩu, có 19 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm 10 phường và 9 xã.

Năm 2020, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc các huyện Đông Hưng, Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Tiền Hải.[27]

  • Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Tiền Hải:
    • Sáp nhập toàn bộ xã Đông Hải vào xã Đông Trà. Xã Đông Trà có 10,72 km² diện tích tự nhiên và quy mô dân số 6.855 người.
    • Sáp nhập toàn bộ xã Tây An và xã Tây Sơn vào thị trấn Tiền Hải. Thị trấn Tiền Hải có 9,39 km² diện tích tự nhiên và quy mô dân số 13.562 người.
    • Sau khi sắp xếp, huyện Tiền Hải có 32 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 31 xã và 01 thị trấn.
  • Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Đông Hưng:
    • Thành lập xã Đông Quan trên cơ sở toàn bộ xã Đông Phong, xã Đông Huy và xã Đông Lĩnh. Xã Đông Quan có 10,61 km² diện tích tự nhiên và quy mô dân số 8.524 người.
    • Thành lập xã Hồng Bạch trên cơ sở toàn bộ xã Bạch Đằng và xã Hồng Châu. Xã Hồng Bạch có 8,50 km² diện tích tự nhiên và quy mô dân số 6.851 người.
    • Thành lập xã Liên Hoa trên cơ sở toàn bộ xã Hoa Nam và xã Hoa Lư. Xã Liên Hoa có 6,48 km² diện tích tự nhiên và quy mô dân số 5.988 người.
    • Thành lập xã Minh Phú trên cơ sở toàn bộ xã Minh Châu và xã Đồng Phú. Xã Minh Phú có 7,13 km² diện tích tự nhiên và quy mô dân số 7.540 người.
    • Thành lập xã Hà Giang trên cơ sở toàn bộ xã Đông Hà và xã Đông Giang. Xã Hà Giang có 9,22 km² diện tích tự nhiên và quy mô dân số 9.167 người.
    • Sau khi sắp xếp, huyện Đông Hưng có 38 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 37 xã và 01 thị trấn.
  • Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Thái Thụy:
    • Thành lập xã Hồng Dũng trên cơ sở toàn bộ xã Thụy Hồng, xã Thụy Dũng và xã Hồng Quỳnh. Xã Hồng Dũng có 12,18 km² diện tích tự nhiên và quy mô dân số 10.371 người.
    • Thành lập xã Dương Hồng Thủy trên cơ sở toàn bộ xã Thái Dương, xã Thái Hồng và xã Thái Thủy. Xã Dương Hồng Thủy có 14,82 km² diện tích tự nhiên và quy mô dân số 9.350 người.
    • Thành lập xã Dương Phúc trên cơ sở toàn bộ xã Thụy Dương và xã Thụy Phúc. Xã Dương Phúc có 7,34 km² diện tích tự nhiên và quy mô dân số 8.184 người.
    • Thành lập xã An Tân trên cơ sở toàn bộ xã Thụy An và xã Thụy Tân. Xã An Tân có 9,61 km² diện tích tự nhiên và quy mô dân số 7.516 người.
    • Thành lập xã Sơn Hà trên cơ sở toàn bộ xã Thái Hà và xã Thái Sơn. Xã Sơn Hà có 10,22 km² diện tích tự nhiên và quy mô dân số 9.498 người.
    • Thành lập xã Thuần Thành trên cơ sở toàn bộ xã Thái Thuần và xã Thái Thành. Xã Thuần Thành có 12,42 km² diện tích tự nhiên và quy mô dân số 7.181 người.
    • Thành lập xã Tân Học trên cơ sở toàn bộ xã Thái Tân và xã Thái Học. Xã Tân Học có 7,88 km² diện tích tự nhiên và quy mô dân số 6.561 người.
    • Thành lập xã Hòa An trên cơ sở toàn bộ xã Thái Hòa và xã Thái An. Xã Hòa An có 7,62 km² diện tích tự nhiên và quy mô dân số 8.993 người.
    • Sáp nhập toàn bộ xã Thụy Lương và xã Thụy Hà vào thị trấn Diêm Điền. Thị trấn Diêm Điền có 12,82 km² diện tích tự nhiên và quy mô dân số 22.170 người.
    • Sau khi sắp xếp, huyện Thái Thụy có 36 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 35 xã và 01 thị trấn.
  • Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Kiến Xương:
    • Thành lập thị trấn Kiến Xương trên cơ sở toàn bộ thị trấn Thanh Nê và xã An Bồi. Thị trấn Kiến Xương có 11,26 km² diện tích tự nhiên và quy mô dân số 12.254 người.
    • Thành lập xã Minh Quang trên cơ sở toàn bộ xã Minh Hưng và xã Quang Hưng. Xã Minh Quang có 8,22 km² diện tích tự nhiên và quy mô dân số 9.450 người.
    • Sáp nhập toàn bộ xã Quyết Tiến vào xã Lê Lợi. Xã Lê Lợi có 8,66 km² diện tích tự nhiên và quy mô dân số 9.664 người.
    • Thành lập xã Tây Sơn trên cơ sở toàn bộ xã Vũ Tây và xã Vũ Sơn. Xã Tây Sơn có 9,74 km² diện tích tự nhiên và quy mô dân số 11.872 người.
    • Sau khi sắp xếp, huyện Kiến Xương có 33 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 32 xã và 01 thị trấn.
  • Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Quỳnh Phụ:
    • Thành lập xã Châu Sơn trên cơ sở toàn bộ xã Quỳnh Châu và xã Quỳnh Sơn. Xã Châu Sơn có 8,02 km² diện tích tự nhiên và quy mô dân số 8.338 người.
    • Sau khi sắp xếp, huyện Quỳnh Phụ có 37 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 35 xã và 02 thị trấn.

Ngày 28 tháng 9 năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1201/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thái Bình giai đoạn 2023 – 2025 (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 11 năm 2024).[28] Theo đó:

  • Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Đông Hưng:
    • Thành lập xã Liên An Đô trên cơ sở toàn bộ xã Đô Lương, xã An Châu và xã Liên Giang. Xã Liên An Đô có diện tích tự nhiên là 13,14 km² và quy mô dân số là 18.457 người.
    • Thành lập xã Phong Dương Tiến trên cơ sở toàn bộ xã Chương Dương, xã Hợp Tiến và xã Phong Châu. Xã Phong Dương Tiến có diện tích tự nhiên là 11,98 km² và quy mô dân số là 16.526 người.
    • Thành lập xã Xuân Quang Động trên cơ sở toàn bộ xã Đông Quang, xã Đông Xuân và xã Đông Động. Xã Xuân Quang Động có diện tích tự nhiên là 11,34 km² và quy mô dân số là 19.212 người.
    • Sau khi sắp xếp, huyện Đông Hưng có 32 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 31 xã và 1 thị trấn.
  • Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Quỳnh Phụ:
    • Thành lập xã Trang Bảo Xá trên cơ sở toàn bộ xã Quỳnh Bảo, xã Quỳnh Trang và xã Quỳnh Xá. Xã Trang Bảo Xá có diện tích tự nhiên là 12,46 km² và quy mô dân số là 16.919 người.
    • Sau khi sắp xếp, huyện Quỳnh Phụ có 35 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 33 xã và 2 thị trấn.
  • Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Kiến Xương:
    • Thành lập xã Thống Nhất trên cơ sở toàn bộ xã Đình Phùng, xã Nam Cao và xã Thượng Hiền. Xã Thống Nhất có diện tích tự nhiên là 12,74 km² và quy mô dân số là 16.098 người.
    • Thành lập xã Hồng Vũ trên cơ sở toàn bộ xã Vũ Bình, xã Vũ Hòa và xã Vũ Thắng. Xã Hồng Vũ có diện tích tự nhiên là 13,80 km² và quy mô dân số là 17.141 người.
    • Sau khi sắp xếp, huyện Kiến Xương có 29 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 28 xã và 1 thị trấn.
  • Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Tiền Hải:
    • Thành lập xã Đông Quang trên cơ sở toàn bộ xã Đông Trung, xã Đông Quý và xã Đông Phong. Xã Đông Quang có diện tích tự nhiên là 15,67 km² và quy mô dân số là 16.880 người.
    • Thành lập xã Ái Quốc trên cơ sở toàn bộ xã Tây Phong và xã Tây Tiến. Xã Ái Quốc có diện tích tự nhiên là 10,13 km² và quy mô dân số là 9.133 người.
    • Thành lập xã Nam Tiến trên cơ sở toàn bộ xã Nam Thanh và xã Nam Thắng. Xã Nam Tiến có diện tích tự nhiên là 9,70 km² và quy mô dân số là 19.366 người.
    • Sau khi sắp xếp, huyện Tiền Hải có 28 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 27 xã và 1 thị trấn.
  • Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Hưng Hà:
    • Thành lập xã Quang Trung trên cơ sở toàn bộ xã Dân Chủ, xã Điệp Nông và xã Hùng Dũng. Xã Quang Trung có diện tích tự nhiên là 17,68 km² và quy mô dân số là 23.379 người.
    • Sau khi sắp xếp, huyện Hưng Hà có 33 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 31 xã và 2 thị trấn.
  • Sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Thái Bình có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 7 huyện, 1 thành phố và 242 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 223 xã, 10 phường, 9 thị trấn.

Chú thích

  1. ^ Nghị định số 625-TTg năm 1955 của Thủ tướng Chính phủ.
  2. ^ Quyết nghị số 485 TC/CB năm của UBHC tỉnh Thái Bình.
  3. ^ Nghị định 129-TTg năm 1958 của Thủ tướng Chính phủ.
  4. ^ Quyết định số 63/TCCB năm 1958 của UBHC Khu Tả Ngạn.
  5. ^ Quyết định số 53-CP năm 1963 của Hội đồng Chính phủ.
  6. ^ Quyết định số 71-NV năm 1963 của Bộ Nội vụ.
  7. ^ Quyết định số 383-NV năm 1968 của Bộ Nội vụ.
  8. ^ Quyết định số 93-CP năm 1969 của Hội đồng Chính phủ.
  9. ^ Quyết định số 428-NV năm 1969 của Bộ Nội vụ
  10. ^ Quyết định số 234-BT năm 1975 của Bộ trưởng Phủ thủ tướng.
  11. ^ Quyết định số 1507/TCCP năm 1976 của Ban Tổ chức Chính phủ.
  12. ^ Quyết định số 618-VP18 năm 1977 của Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
  13. ^ Quyết định số 63-HĐBT năm 1982 của Hội đồng Bộ trưởng.
  14. ^ Quyết định số 67-HĐBT năm 1982 của Hội đồng Bộ trưởng.
  15. ^ Quyết định số 24-HĐBT năm 1986 của Hội đồng Bộ trưởng.
  16. ^ Quyết định số 159-HĐBT năm 1986 của Hội đồng Bộ trưởng.
  17. ^ Quyết định số 75-HĐBT năm 1986 của Hội đồng Bộ trưởng.
  18. ^ Quyết định số 169-HĐBT năm 1986 của Ban Tổ chức Chính phủ.
  19. ^ Quyết định số 102-HĐBT năm 1988 của Hội đồng Bộ trưởng.
  20. ^ Quyết định số 4-HĐBT năm 1989 của Hội đồng Bộ trưởng.
  21. ^ Quyết định số 72-HĐBT năm 1989 của Hội đồng Bộ trưởng.
  22. ^ Quyết định số 580-TCCP năm 1990 của Ban Tổ chức Chính phủ.
  23. ^ Nghị định số 45/2002/NĐ-CP của Chính phủ.
  24. ^ Nghị định số 117/2004/NĐ-CP của Chính phủ.
  25. ^ Nghị định số 61/2005/NĐ-CP năm 2005 của Chính phủ.
  26. ^ Nghị định số 181/2007/NĐ-CP năm 2007 của Chính phủ.
  27. ^ Nghị quyết số 892/NQ-UBTVQH14 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
  28. ^ “Nghị quyết số 1201/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thái Bình giai đoạn 2023 – 2025”. Cổng thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam. 28 tháng 9 năm 2024. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 10 năm 2024. Truy cập ngày 12 tháng 10 năm 2024.

Tham khảo