Hồng Việt, Đông Hưng

Hồng Việt
Xã Hồng Việt
Hành chính
Quốc gia Việt Nam
VùngĐồng bằng sông Hồng
TỉnhThái Bình
HuyệnĐông Hưng
Trụ sở UBNDCầu Đông
Thành lập1949
Địa lý
Tọa độ: 20°32′27″B 106°15′20″Đ / 20,54083°B 106,25556°Đ / 20.54083; 106.25556
Hồng Việt trên bản đồ Việt Nam
Hồng Việt
Hồng Việt
Vị trí xã Hồng Việt trên bản đồ Việt Nam
Diện tích6,5 km²
Dân số (2010)
Tổng cộng7.000 người
Mật độ1.077 người/km²
Dân tộcHầu hết là Kinh
Khác
Mã hành chính12739[1]

Hồng Việt là một nằm rìa phía Tây của huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, Việt Nam.

Ngày 16/12/2014, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 3328/QĐ - CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Hồng Việt.[2]

Ngôi nhà với kiến trúc cổ tại Hồng Việt

Diện tích và dân số

Xã Hồng Việt có diện tích tự nhiên 6,5 km²[3]. Tổng điều tra dân số năm 2010, xã có 1.700 hộ dân, dân số gần 7.000 người.

Lịch sử - Hành chính

  • Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, các thôn Phú Khê Đông, Phú Khê Đoài, Phú Khê Tứ thuộc xã Phú Khê, tổng Phú Khê, phủ Tiên Hưng; các thôn Quán Xá, Bá Thôn, Đồng Mai thời Nguyễn đã được nâng lên thành xã và thuộc tổng Phú Khê; thôn Quán Thôn là xã Quán Thôn (tách từ xã Cổ Quán) thuộc tổng Cổ Quán cũng thuộc phủ Tiên Hưng. Các thôn Phú Khê còn được gọi là các làng Hưng (Hưng Đông, Hưng Đoài, Hưng Tứ), là tên trước đây được người dân trong vùng sử dụng.
  • Đến năm 1946, xã Phú Khê đổi thành xã Tân Hưng, xã Bá Thôn sáp nhập với xã Đồng Mai và Quán Xá thành xã Tân Dân, xã Quán Thôn nhập vào xã Nguyên Lâm.
  • Tháng 4 năm 1947, Chính quyền tỉnh ra quyết định tổ chức lại các cấp chính quyền địa phương: giải thể các xã cũ và sáp nhập các thôn với nhau thành xã với quy mô lớn hơn. Theo đó, thành lập xã Bạch Đằng với các thôn: Hậu Trung, An Liêm, An Lập, An Ri, Phú Khê Đông, Phú Khê Đoài, Phú Khê Tứ, Bá Thôn, Đồng Mai, Quán Xá. Riêng thôn Quán Thôn thuộc xã Hoa Lư.
  • Tháng 10 năm 1949, ủy ban hành chính tỉnh ra quyết định chia các xã với quy mô nhỏ hơn, ít thôn hơn. Xã Hồng Việt được thành lập từ các thôn Bá Thôn, Phú Khê Đông, Phú Khê Đoài, Phú Khê Tứ, Đồng Mai, Quán Xá của xã Bạch Đằng và thôn Quán Thôn của xã Hoa Lư.
  • Về tên Hồng Việt có nghĩa hiểu là Con Lạc - Cháu Hồng, thuộc dòng dõi rồng tiên hoặc cũng có ý kiến cho rằng tên Hồng Việt được ghép từ tên dòng sông Hồng bồi đắp phù sa tạo nên mảnh đất Thái Bình và tên nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam ta.
  • Năm 1955, thực hiện giảm tô và cải cách ruộng đất, các xã lại tiếp tục được điều chỉnh nhỏ hơn. Theo đó, thôn Quán Xá tách ra nhập vào xã Hồng Châu vừa thành lập. Xã Hồng Việt còn sáu thôn.
  • Nam 1965-1975, thực hiện chương trình di dân di xây dựng vùng kinh tê mới. Các hộ ngoài làng được di dời vào trong làng; đồng thời mạnh dạn giải tán thôn Đồng Mai để đưa dân vào trong làng và kết hợp lượng lớn đảng viên và nhân dân các thôn khác di xây dựng vùng kinh tế mới ở Điện Biên. Xã lúc này chỉ còn 5 thôn.
  • Đầu những năm 70, thành lập Hợp tác xã toàn , các đội sản xuất được thành lập.
  • Đến đầu những năm 90, giải thể các đội sản xuất và thành lập mới các xóm theo thứ tự tên gọi từ 1 đến 6.
  • Ngày 4/4/2003, UBND tỉnh ra Quyết định số 70/2003/QĐ-UBND về việc chuyển đổi, thành lập các thôn thuộc xã Hồng Việt: làng Bá Thôn (làng Bứa) được chia làm hai là thôn Bá thôn I (hay gọi là Bá Mai) và Bá Thôn II (thường gọi là Bá Thôn). Các thôn Phú Khê Đông, Phú Khê Đoài, Phú Khê Tứ thì bỏ từ Phú Khê di còn là Đông, Đoài, Tứ.

Xã Hồng Việt lúc này có 649,38 ha diện tích tự nhiên và 6.943 nhân khẩu, cách thị trấn Đông Hưng 13 km, là một xã thuần nông nội đồng kinh tế còn nhiều khó khăn.

  • Thống kê năm 2010, xã có 649,164 ha và 6.984 nhân khẩu.

Địa chính của xã được chia cắt bởi con sông Sa Lung.

  • Xã Hồng Việt hiện nay chia làm 6 Thôn (gồm 5 làng) và 1 xóm:
  1. thôn Bá Mai - làng Bứa (còn gọi là Bứa 1 xóm 1) được ngăn cách với thôn Bá Thôn bởi trục đường chính của xã về phía đông, 2 thôn này chung lại là làng Bứa (tên nôm từ xa xưa, giờ vẫn còn dùng khá phổ biến).
  2. thôn Bá Thôn - làng Bứa (còn gọi là Bứa 2 và xóm 2) có trục đường liên huyện (đi sang huyện Hưng Hà) đi qua và chợ Bứa của cả xã, chợ thường họp vào sáng sớm các ngày trong tuần, khá nhộn nhịp và đông đúc nhưng vì ven trục đường liên huyện nên hay xảy ra tình trạng lộn xộn, tắc đường. Ngoài ra, thôn còn có đình Bứa mở hội hàng năm vào ngày giằm tháng 2 âm lịch.
  3. thôn Đông - làng Đông (còn gọi Hưng Đông và xóm 3).
  4. thôn Quán Thôn - làng Quán (còn gọi là thôn Quán và xóm 4).
  5. thôn Đoài - làng Đoài (còn gọi Hưng Đoài xóm 5).
  6. thôn Tứ - làng Tứ (còn gọi Hưng Tứ và xóm 6).
  7. xóm Đồng Mai, đây là 1 xóm mới nằm ở phía Đông dọc theo trục đường liên xã ven sông Sa Lung. Cùng với thôn Đông và thôn Quán là 3 nơi trồng nhiều hoa, cây cảnh có chất lượng cũng như giá trị kinh tế thuộc hàng cao nhất cả huyện và nổi tiếng trong toàn tỉnh.

Địa giới hành chính

Xã Hồng Việt nằm ở phía tây của huyện Đông Hưng.

Đây là một xã nằm cuối huyện và khá xa trung tâm huyện, tỉnh. Việc đi lại chưa được thuận tiện nên việc giao lưu kinh tế, xã hội gặp nhiều khó khăn.

Kinh tế

Kinh tế của xã chủ yếu dựa vào nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp là chính nên còn rất khó khăn; kinh tế phát triển khá chậm, thu nhập người dân còn thấp và không đồng đều giữa nghề lúa với nghề cây cảnh.

Dân cư chủ yếu là trồng lúa (tập trung ở thôn Bá Thôn, Bá Mai, Thôn Đoài, thôn Tứ) và hoa và cây cảnh (tập trung ở xóm Đồng Mai, thôn Đông, thôn Quán). Ngoài ra, thanh niên và đàn ông trong độ tuổi lao động thường lên thành phố kiếm việc làm thêm lúc nông nhàn (công nhân, phụ hồ,...)

Chương trình " Mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn Mới " giai đoạn 2010-2015 đã và đang được triển khai mạnh mẽ làm thay đổi bộ mặt toàn địa phương, đặc biệt:

  • Về Giao thông nông thôn: đã huy động nhân dân đóng góp làm đường trục xã, trục thôn, giao thông nội đồng với tổng kinh phí trên 13,4 tỷ đồng. Đường trục xã, liên xã được bê tông nhựa hóa đạt 100%. Đường trục thôn, xóm được cứng hóa (bê tông) đạt chuẩn chất lượng và số lượng 100% vào năm 2014;
  • Xã đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, đắp bờ vùng bờ thửa vào cuối năm 2012. Và đang tiến hành cứng hóa nốt phần kênh mương nội đồng còn lại trong những năm tới.
  • Đến năm 2014 - 2015 xã Hồng Việt đã hoàn thành 15/19 tiêu chí nông thôn mới, phấn đấu về đích nông thôn mới vào năm 2016.

Những nhân vật danh tiếng có liên quan đến xã Hồng Việt

Những nhân vật có danh tiếng có liên quan đến xã Hồng Việt, Đông Hưng[2]
Tên Sinh thời Sự nghiệp
Lương Thị Kiền
Lương Thị Tấu
Tk.1 Hai chị em là hai vị nữ tướng tham gia khởi nghĩa Hai Bà Trưng[2].
Đỗ Tử Bình 1324-1381 Vị tướng nhà Trần, có sự nghiệp gắn với cuộc chiến giữa Đại Việt và Chiêm Thành hồi thế kỷ 14[4]. Đền Thái Bảo Đỗ Tử Bình ở làng Hưng Tứ được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Nguyễn Sơn Tk.18 Võ quan, khi Nguyễn Huệ ra Bắc (1786), ông đến với Nguyễn Huệ, được phong chức Đô đốc, tham gia đoàn quân giải phóng Thăng Long, rồi ra giữ thành Phao Sơn (Chí Linh, Hải Dương)[2]. Nhà thờ Đô đốc Nguyễn Sơn là di tích cấp tỉnh.
Lương Quy Chính 1825-1908 Nhân sỹ, làm quan thời vua Tự Đức, đến đời vua Thành Thái giữ chức Thượng thư Bộ Hộ, tổ chức đào[5] sông Sa Lung[6] ở bắc Thái Bình. Từ đường thờ Thượng thư được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Quê làng Hưng, Hồng Việt.[7]
Trương Đăng Thủy 1897 -? Đảng viên CSVN lớp đầu. Nhà lưu niệm cụ Trương Thủy là di tích cấp tỉnh. Quê Bá Thôn, Hồng Việt.[2][7]
Lương Duyên Hồi 1903-1986 Đảng viên CSVN lớp đầu ở Thái Bình[8]. Sau phong trào Xô viết 1930 ở Thái Bình bị kết án 10 năm khổ sai, lưu đày sang Guyane năm 1931[9]. Sau này là đại biểu Quốc hội VN DCCH khóa 2. Quê làng Hưng Tứ, Hồng Việt.[7]
Lương Duyên Dược 1925-1985 Bí danh Phạm Thái, cục trưởng cục Điều tra Hình sự QĐNDVN.
Lương Thị Hồng Quyến 1929-1999 Bí danh Lê Phương Hằng, phó chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao nhiệm kỳ 1979-1986. Quê làng Hưng Đông, Hồng Việt.
Phạm Minh Đức 1940-... Nhà nghiên cứu văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình, tác giả "Văn hóa ẩm thực Thái Bình"[10] và nhiều công trình Hán-Nôm[11]. Quê làng Hưng Tứ, Hồng Việt.
Lương Anh Dũng 1942-... Kiến trúc sư, nguyên Chủ tịch HĐQT Cty CP Tư vấn Kiến trúc, tác giả thiết kế nhà ga T1 sân bay Nội Bài đoạt giải nhất Giải thưởng kiến trúc năm 2002 [12]. Quê làng Hưng Đông, Hồng Việt.
Phạm Quý Tiêu 1957-2016 Thứ trưởng bộ Giao thông vận tải[13] từ 2009, tái bổ nhiệm 2014. Quê làng Hưng Đông, Hồng Việt [14].

Tham khảo

  1. ^ Tổng cục Thống kê
  2. ^ a b c d e Phạm Minh Đức. Điểm tựa để Hồng Việt trở thành xã anh hùng. Thái Bình Online, 27/4/2015. Truy cập 28/11/2015.
  3. ^ Quyết định số 19/2006/QĐ-BTNMT ngày 01/12/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ban hành Danh mục địa danh các đơn vị hành chính Việt Nam thể hiện trên bản đồ
  4. ^ Lịch sử, Văn hóa, danh nhân,... Đền Thái Bảo Đỗ Tử Bình Lưu trữ 2015-12-08 tại Wayback Machine. H3N groups, 2012. Truy cập 2/12/2015.
  5. ^ Vũ Hữu Sự. Người hoán cải đồng ruộng Thái Bình... Nông nghiệp VN Online, 29/01/2008. Truy cập 22/11/2015.
  6. ^ Sông Sa Lung (Thái Bình). wikimapia.org, 2012. Truy cập 22/11/2015.
  7. ^ a b c Danh nhân huyện Đông Hưng. Cổng TTDT tỉnh Thái Bình: Huyện Đông Hưng, 2018.
  8. ^ Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Thái Bình. Lưu trữ 2015-11-26 tại Wayback Machine 26/08/2013. Truy cập 22/11/2015.
  9. ^ Uyên Ly. Nhà lao An Nam ở Guyane. Tuổi Trẻ Online, 30/04/2008. Truy cập 22/11/2015.
  10. ^ Giới thiệu sách "Văn hóa ẩm thực Thái Bình". Tác giả: Phạm Minh Đức.
  11. ^ Phạm Minh Đức. Bia đá, chuông đồng di sản văn hóa quý hiếm ở Thái Bình. Tạp chí Hán-Nôm số 6/2002.
  12. ^ Nhà ở đô thị Việt Nam và những ứng dụng phong thủy học trong kiến trúc nhà ở. Tác giả: KTS Lương Anh Dũng. Nhà Xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 12/2009.
  13. ^ Chi tiết lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải Lưu trữ 2015-12-22 tại Wayback Machine. mt.gov.vn. Truy cập 22/12/2015.
  14. ^ Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu qua đời. vietnamnet, 17/02/2016. Truy cập 18/2/2016.


 

Prefix: a b c d e f g h i j k l m n o p q r s t u v w x y z 0 1 2 3 4 5 6 7 8 9

Portal di Ensiklopedia Dunia