Những chiếc lớp Evarts được vận hành bởi động cơ diesel điện với bốn động cơ diesel được đặt nối tiếp nhau với những máy phát điện. Các con tàu được tiền chế tại nhiều nhà máy khác nhau khắp Hoa Kỳ, và các bộ phận được kết hợp với nhau tại xưởng tàu, nơi chúng được hàn lại trên ụ tàu. Thiết kế nguyên thủy dự định trang bị tám động cơ để đạt được tốc độ 24 hải lý trên giờ (44 km/h), nhưng việc phải dành ưu tiên nguồn lực cho các chương trình khác khiến các con tàu chỉ được trang bị bốn động cơ, nên có một lườn tàu ngắn hơn.[1]
Tổng cộng có 105 chiếc lớp Evarts được đặt hàng, nhưng 8 chiếc sau đó bị hủy bỏ. Hải quân Hoa Kỳ đưa vào biên chế 65 chiếc trong khi 32 chiếc khác lớp Evarts được chuyển giao cho Hải quân Hoàng gia Anh. Tại Anh chúng được xếp lớp như những tàu frigate và được đặt tên theo các hạm trưởng thời Chiến tranh Napoleon, là một phần của lớp Captain cùng với 46 chiếc thuộc lớp Buckley.
Nguồn gốc
Vào tháng 6 năm 1941, tận dụng những lợi điểm của Chương trình Cho thuê-Cho mượn của Hoa Kỳ, chính phủ Hoàng gia Anh đề nghị phía Hoa Kỳ thiết kế, chế tạo và cung cấp một kiểu tàu hộ tống phù hợp cho chiến tranh chống ngầm trong bối cảnh chiến tranh tại Đại Tây Dương.[2] Những đặc trưng cụ thể bao gồm một chiều dài 300 foot (90 m), đạt vận tốc tối đa 20 hải lý trên giờ (37 km/h), dàn pháo chính lưỡng dụng (chống hạm lẫn phòng không) và một cầu tàu dạng mở.[3]
Hải quân Hoa Kỳ đã từng xem xét về triển vọng của một kiểu tàu như vậy từ năm 1939 và khi Đại tá Hải quânEdward L. Cochrane thuộc Văn phòng Tàu chiến Hải quân Hoa Kỳ trong chuyến viếng thăm Anh vào năm 1940 đã xem xét các kiểu tàu corvette và tàu khu trụclớp Hunt, và đã đưa ra một thiết kế cho loại tàu này.[4] Nhu cầu về một kiểu tàu chiến như thế này sẽ rất lớn, nên cần phải giải quyết một "nút thắt cổ chai" trong quá trình chế tạo: sản xuất hộp số giảm tốc xoắn ốc kép cần thiết cho động cơ tuốc bin hơi nước của tàu khu trục.[5][3] Việc sản xuất hộp số giảm tốc không thể dễ dàng tăng tốc, vì chỉ riêng những máy móc chính xác cần thiết cũng phải mất một năm để chế tạo.[3] Do đó một thiết kế đang sẵn sàng và đã được chứng minh của hệ thống động lực diesel-điện, vốn được sử dụng trên tàu ngầm, sẽ được áp dụng.
Khi phía Anh đề đạt những yêu cầu này, Đô đốcHarold Rainsford Stark, Tư lệnh Tác chiến Hải quân Hoa Kỳ, quyết định xúc tiến những kế hoạch này và đề xuất chấp nhận đặt hàng của Anh.[6] Hãng thiết kế hàng hải Gibbs & Cox được giao nhiệm vụ thiết kế đã thực hiện nhiều thay đổi cho quy trình chế tạo cũng như trên bản thiết kế gốc cùa Đại tá Cochrane; đáng kể nhất là xóa bỏ một "nút thắt cổ chai" khác: thay thế kiểu hải pháo 5 inch/38 caliber đa dụng đang rất cần cho mọi loại tàu chiến (từ thiết giáp hạm cho đến tàu khu trục hạm đội) bằng kiểu pháo 3 inch/50 caliber, vốn cho phép bố trí thêm một khẩu pháo thứ ba bắn thượng tầng tại vị trí B phía trước cầu tàu.[3] Ngoài ra thiết kế gốc yêu cầu có tám động cơ để đạt được tốc độ tối đa 24 hải lý trên giờ (44 km/h); nhưng việc phải nhường ưu tiên cho những chương trình khác khiến chỉ sử dụng bốn cụm động cơ diesel, nên rút ngắn chiều dài lườn tàu và làm giảm tốc độ tối đa khoảng 4 hải lý trên giờ (7 km/h).[7] Thiết kế có lớp vỏ giáp tương đối nhẹ, ví dụ như những tấm thép sử dụng cho lớp Evarts chỉ có chiều dày từ 1/2 inch đến 7/16 inch, trong khi thép 1/4 inch được sử dụng cho phần lớn lườn tàu và sàn tàu.[8]
Kết quả thiết kế là một con tàu có thể chế tạo nhanh chóng (ví dụ Halsted được chế tạo chỉ trong 24,5 ngày[9]) với chi phí chỉ chỉ bằng một nữa so với một tàu khu trục hạm đội,[6] (3,5 triệu Đô la Mỹ[10] so với 10,4 triệu Đô la cho một chiếc tàu khu trục lớp Benson lượng choán nước 1.620 tấn,[11] hoặc 6,4 triệu Đô la cho một chiếc tàu khu trục lớp Hunt.[12])
Lớp Evarts được trang bị hệ thống động cơ diesel-điện theo cách sắp xếp sử dụng cho tàu ngầm.[3] Hai trục chân vịt sẽ được kết nối với bốn động cơ Winton 278A 16 xy-lanh có tổng công suất 7.040 bhp (5.250 kW) thông qua bốn máy phát điện General Electric (GE) (4.800 kW), cung cấp năng lượng cho bốn động cơ điện, sản sinh ra công suất trục 6.000 shp (4.500 kW), giúp con tàu đạt được tốc độ tối đa 20 hải lý trên giờ (37 km/h). Thiết kế ban đầu dự định có hai hộ thống động lực như vậy để có được công suất trục 12.000 shp (8.900 kW), nhằm đạt được tốc độ thiết kế 24 hải lý trên giờ (44 km/h); nhưng việc sản xuất động cơ không theo kịp tốc độ đóng lườn tàu, nên chỉ có một hệ thống động cơ được trang bị.[3][7]
Vũ khí trang bị bao gồm ba pháo lưỡng dụng3 in (76 mm)/50-caliber trên tháp pháo nòng đơn có thể đối hạm lẫn phòng không, dàn pháo hạng hai 1,1-inch/75-caliber bốn nòng và chín pháo phòng không Oerlikon 20 mm trên bệ nòng đơn; trên một số tàu pháo 1,1-inch/75-caliber được thay bằng pháo Bofors 40 mm hai nòng. Vũ khí chống ngầm bao gồm một dàn súng cối chống tàu ngầm Hedgehog Mark 10 (có 24 nòng và mang theo 144 quả đạn); hai đường ray Mark 9 và tám máy phóng K3 Mark 6 để thả bom chìm.[14]
Những cảm biến được trang bị bao gồm radar dò tìm mặt biển Type SL và radar dò tìm không trung Type SA. Để hoạt động chống tàu ngầm, các con tàu được trang bị hệ thống sonar Type 128D hoặc Type 144, đặt trong những vòm bên dưới lườn tàu thu vào được. Chúng còn có các hệ thống định vị nhằm dò tìm vị trí phát tín hiệu vô tuyến của tàu đối phương, bao gồm ăng-ten bước sóng trung bình MF bố trí trước cầu tàu và ăng-ten bước sóng cao tần HF/DF Type FH 4 đặt trên cột ăng-ten chính.[14]
Trong khuôn khổ của Chương trình Cho thuê-Cho mượn, 32 tàu hộ tống khu trục thuộc lớp Evarts đã được chuyển giao cho Hải quân Hoàng gia Anh. Tại đây chúng được cải biến một số chi tiết cho phù hợp với phương thức hoạt động của Hải quân Hoàng gia Anh, được xếp lớp như những tàu frigate và được đặt tên theo các hạm trưởng thời Chiến tranh Napoleon. Chúng trở thành một phần của lớp Captain, cùng với 46 chiếc khác thuộc lớp Buckley.
Xuất biên chế và cho Đài Loan thuê dưới tên Ta'i Ping; xóa đăng bạ và chuyển sở hữu cho Đài Loan 7 tháng 2 năm 1948; bị tàu pháo Trung Quốc đánh chìm 14 tháng 11 năm 1954
^Training Publications Division (1966) [1948]. “Chapter 7: Reduction Gears and Related Equipment”. Engineering, Operation and Maintenance. Navpapers 10813-B . Washington, DC: Bureau of Naval Personnel. tr. 225–9.