Cam Lộ

Cam Lộ
Huyện
Huyện Cam Lộ
Chùa Cam Lộ là ngôi chùa có bảo tháp cao nhất Việt Nam được xác lập kỷ lục vào ngày 21/5/2016
Hành chính
Quốc gia Việt Nam
VùngBắc Trung Bộ
TỉnhQuảng Trị
Huyện lỵthị trấn Cam Lộ
Trụ sở UBNDĐường 2 tháng 4, khu phố 2, thị trấn Cam Lộ
Phân chia hành chính1 thị trấn, 7 xã
Tổ chức lãnh đạo
Chủ tịch UBNDTrần Anh Tuấn
Chủ tịch HĐNDĐào Mạnh Hùng
Chủ tịch UBMTTQHoàng Bá Tiệu
Chánh án TANDNguyễn Văn Đàn
Viện trưởng VKSNDNguyễn Thị Thủy
Bí thư Huyện ủyĐào Mạnh Hùng
Địa lý
Tọa độ: 16°48′31″B 107°00′04″Đ / 16,808523°B 107,001034°Đ / 16.808523; 107.001034
MapBản đồ huyện Cam Lộ
Cam Lộ trên bản đồ Việt Nam
Cam Lộ
Cam Lộ
Vị trí huyện Cam Lộ trên bản đồ Việt Nam
Diện tích346,9 km²
Dân số (2019)
Tổng cộng47.777 người
Thành thị6.981 người
Nông thôn40.796 người
Mật độ138 người/km²
Dân tộcKinh, Bru - Vân Kiều
Khác
Mã hành chính468[1]
Biển số xe74-G1
Số điện thoại0233.3.871.535
Số fax0233.3.871.535
Websitecamlo.quangtri.gov.vn

Cam Lộ là một huyện thuộc tỉnh Quảng Trị, Việt Nam.

Địa lý

Huyện Cam Lộ nằm ở khu vực giữa của tỉnh Quảng Trị, có vị trí địa lý:

Trên địa bàn huyện có sông Cam Lộ (sông Hiếu) chảy qua. Cam Lộ là địa bàn có nhiều tuyến giao thông quan trọng đi ngang qua: Quốc lộ 1, Đường Hồ Chí Minh, Đường 9, tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, đường xuyên Á từ Lào về cảng Cửa Việt. Diện tích của huyện Cam Lộ là 346,9 km². Dân số 46.300 người (2003), gồm các dân tộc: Kinh, Bru - Vân Kiều. Cam Lộ là địa phương có dự án đường cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ đang được xây dựng và đường cao tốc Cam Lộ – La Sơn đã được đưa vào khai thác.

Lịch sử

Dấu tích cư trú của người nguyên thủy thời hậu kỳ đồ đá cũ được tìm thấy chủ yếu ở khu vực Tân Sở - vùng Cùa, gồm nhiều công cụ làm bằng đá quacdit có hình thù đặc trưng cho thời kỳ văn hóa Sơn Vi (niên đại từ 2 đến 3 vạn năm về trước); tại các hang Dơi (Tân Lâm - xã Cam Thành) tìm thấy một số công cụ chặt, chày nghiền,... làm bằng đá và một số dụng cụ làm bằng xương, đồ gốm đặc trưng văn hóa Hòa Bình (niên đại từ 1,5 đến 2 vạn năm về trước); ở Đồi không tên (Tân Lâm) phát hiện dấu tích của một công xưởng chế tác công cụ đá lửa (Silic) của người nguyên thủy thuộc hậu kỳ đá mới, cách ngày nay chừng 5.000 năm.

Đến thời Trần - Lê (thế kỷ XIV - XVI) đã có người Việt vào cư trú ở Cam Lộ dọc theo bờ sông Hiếu và tên Cam Lộ cũng xuất hiện từ đó, được gọi là nguồn Cam Lộ. Nguồn Cam Lộ có 2 châu Sa BôiThuận Bình. Đến thời các Chúa Nguyễn, chính sách khẩn hoang lập làng được đẩy mạnh hơn đã phát triển khu cư trú về phía nam sông Hiếu đến vùng gò đồi và một số làng được thành lập ở Cùa đầu thế kỷ XVII.

Năm 1803, sau khi đánh bại Tây Sơn và lên ngôi hoàng đế, vua Gia Long lấy các huyện: Hải Lăng, Đăng Xương, Minh Linh để lập ra doanh Quảng Trị và phía tây đặt đạo Cam Lộ, lỵ sở đóng tại làng Nghĩa An, tổng An Lạc (Thuộc vùng đất xã Cam An ngày nay). Năm 1831 vua Minh Mạng đổi đạo Cam Lộ thành phủ Cam Lộ. Trong triều đại này, năm 1829 (Minh Mạng thứ 10) thành Vĩnh Ninh cũng được xây dựng tại làng Cam Lộ (Nay là di tích Khu Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền nam Việt Nam).

Năm 1851 vua Tự Đức đổi đạo Cam Lộ thành bảo Cam Lộ. Cũng thời kỳ này (1883 - 1885) Sơn phòng Tân Sở được xây dựng tại Vùng Cùa. Vào niên hiệu Đồng Khánh (1886 - 1888) huyện Cam Lộ có 3 tổng: Tổng An Lạc gồm các xã Cam An, Cam Thanh và Thị xã Đông Hà ngày nay; tổng Cam Đường (đến trước cách mạng tháng 8 năm 1945 đổi tên thành tổng Cam Vũ) gồm các xã Cam Hiếu, Cam Thủy, Cam Thành, Cam Tuyền và thị trấn Cam Lộ; tổng Mai Lộc bao gồm các xã Cam Chính, Cam Nghĩa.

Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, ngày 17 tháng 5 năm 1958 chính quyền Sài Gòn cho lập quận Cam Lộ. Trong Chiến tranh Việt Nam, huyện Cam Lộ là một đơn vị hành chính có tổ chức Đảng, các đoàn thể và chính quyền cách mạng. Trụ sở của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đặt tại Cam Lộ từ năm 1972 đến năm 1975.

Từ năm 1976 đến nay

Ngày 11 tháng 3 năm 1977, các huyện Cam Lộ, Gio Linh và Vĩnh Linh sáp nhập lại thành huyện Bến Hải thuộc tỉnh Bình Trị Thiên.[2]

Ngày 20 tháng 4 năm 1978, xã Cam Giang được sáp nhập vào xã Cam An (xã Cam Giang ngày nay là phường Đông Giang thuộc thành phố Đông Hà).[3]

Ngày 19 tháng 10 năm 1991, huyện Cam Lộ được tái lập trên cơ sở 8 xã cũ thuộc huyện Cam Lộ được sáp nhập vào thị xã Đông Hà (năm 1981[4]) với dân số 44.232 người và diện tích 346,9 km².[5]

Ngày 1 tháng 8 năm 1994, thành lập thị trấn Cam Lộ (thị trấn huyện lỵ huyện Cam Lộ) trên cơ sở một phần diện tích và dân số của xã Cam Thành.[6]

Ngày 1 tháng 1 năm 2020, sáp nhập hai xã Cam Thanh và Cam An thành xã Thanh An.[7]

Huyện Cam Lộ có 1 thị trấn và 7 xã như hiện nay.

Hành chính

Huyện Cam Lộ có 8 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Cam Lộ (huyện lỵ) và 7 xã: Cam Chính, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Thủy, Cam Tuyền, Thanh An.

Du lịch

Di tích

Cây chè Cùa hay còn gọi là chè Cam Lộ

Huyện Cam Lộ có các di tích lịch sử-văn hóa như:

  • Chợ phiên Cam Lộ
  • Di tích Tân Sở
  • Cầu Xoài Vĩnh Đại
  • Miếu Cây xoài Tam Hiệp
  • Miếu An Mĩ
  • Khu chính Phủ Lâm thời cộng Hòa Miền Nam Việt Nam
  • Nhà Tằm Tân Tường.
  • Suối La La thuộc làng Chanh, xã Tân Kim, huyện Cam Lộ: trong bài hát Chiều trên Gio Cam giải phóng

Nhiều nơi tại Cam Lộ, các nhà khảo cổ tìm thấy dấu vết của cư dân người tiền sử sinh sống từ 1,5 vạn đến 3 vạn năm về trước.

Vùng Cùa

Ở Cam Lộ có vùng Cùa nổi tiếng. Cùa là tên gọi từ xưa, nghe âm vang chất dân dã và hoang vu, còn trên bản đồ hành chính, đây là địa bàn hai xã Cam Chính và Cam Nghĩa thuộc huyện Cam Lộ, Quảng Trị. Từ ngã ba quốc lộ 9 vào Cùa, ngày xưa là con đường đất đỏ, giữa cằn cỗi gió nắng, đất xứ Cùa lại mỡ màu với những vườn cây trái, Vào tới trung tâm vùng Cùa sẽ thấy bóng tán mít vây bọc những vuông vườn dâu da, cam, bưởi, ổi.[8] Từ xa xưa, vùng đất Cùa được xem là xứ hồ tiêu và nức tiếng với các loại sản vật như mít ngọt, chè xanh, măng khô, mộc nhĩ.[9]

Chùa Cam Lộ

Trên địa bàn huyện có chùa Cam Lộ, đây là là ngôi chùa lớn và linh thiêng nhất Quảng Trị, có ngọn Bảo tháp thờ Phật và Xá lợi Phật cao nhất Việt Nam[10]. Trong đó, Giác Nhiên Bảo Tháp, là công trình xây dựng để tưởng niệm Cố Trưởng Lão Đức đệ nhị Tăng Thống, được khởi công vào ngày 19/2/2011 và hoàn thành vào dịp Lễ hội Quán Thế Âm 19/2/2014; tổng kinh phí 15 tỷ đồng[11]. Vào những ngày đầu Xuân năm mới Đinh Dậu, chùa Cam Lộ đã có hàng vạn lượt người khắp các địa phương trong tỉnh Quảng Trị cũng như khách thập phương đã về đây để lễ phật cầu may mắn. Đã thành một nét đẹp truyền thống của người Việt Nam, cứ vào những ngày đầu năm mới, nhiều gia đình lại cùng nhau đi lễ chùa cầu chúc một năm mới an lành, nhiều may mắn đến với gia đình mình và mọi người[10].

Chú thích

  1. ^ Tổng cục Thống kê
  2. ^ Nghị định 7/1997/NĐ-CP thành lập đơn vị hành chính trực thuộc thành phố Đà Nẵng
  3. ^ Quyết định 74-BT năm 1978 về việc hợp nhất xã Cam Giang và xã Cam An thuộc huyện Bến Hải, tỉnh Bình Trị Thiên thành một xã lấy tên là xã Cam Giang
  4. ^ Quyết định 64-HĐBT mở rộng thành phố Huế, thị xã Đông Hà, phân vạch lại địa giới huyện Hương Điền, Hương Phú, Bến Hải, Triệu Hải tỉnh Bình Trị Thiên
  5. ^ Quyết định 328-HĐBT điều chỉnh địa giới thị xã Đông Hà và thành lập lại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị
  6. ^ Quyết định 79-CP thành lập và đổi tên một số xã, thị trấn thuộc các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, Hướng Hóa.
  7. ^ “Nghị quyết số 832/NQ-UBTVQH14 năm 2019 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Quảng Trị”.
  8. ^ “Thông báo”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập 4 tháng 10 năm 2015.
  9. ^ “Báo Quảng Trị: Dấu ấn chợ Cùa”. Báo Quảng Trị. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 3 năm 2014. Truy cập 8 tháng 2 năm 2015.
  10. ^ a b http://baophapluat.vn/tin-tuc-tinh-thanh/nguoi-nguoi-no-nuc-xong-dat-chua-317359.html
  11. ^ “Bản sao đã lưu trữ”. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 2 năm 2017. Truy cập ngày 11 tháng 2 năm 2017.

Liên kết ngoài