Cái Bè (thị trấn)
Cái Bè là thị trấn huyện lỵ của huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, Việt Nam. Địa lýThị trấn Cái Bè có diện tích 4,14 km², dân số năm 2019 là 31.133 người, mật độ dân số đạt 7.520 người/km², bao gồm người Kinh, người Hoa, người Khmer,... Thị trấn Cái Bè nằm ở phía đông nam huyện Cái Bè, phía đông và phía tây giáp xã Đông Hòa Hiệp, một phần phía tây giáp xã Hòa Khánh, phía bắc giáp xã Phú An thuộc huyện Cai Lậy, phía nam giáp sông Tiền.[3] Từ Quốc lộ 1 hướng từ Tp.HCM chạy về Cần Thơ đến Ngã ba Cái Bè, điểm giao quốc lộ với đường tỉnh 875, thị trấn nằm bên trái quốc lộ, ở cuối tỉnh lộ dài 2,5 km[4] này. Trục đường chạy từ bắc xuống nam, là trục chính giao thông của thị trấn. Thị trấn Cái Bè nằm ở sát bờ sông Tiền. Các sông, kênh, rạch chảy qua địa bàn thị trấn gồm: rạch Bà Hợp, rạch Cầu Chùa, rạch Cây Cam (dài 1,5 km), sông Cái Bè (dài 2,5 km), sông Phú An, sông Tiền.[5][4] Hành chínhThị trấn được chia thành 5 khu phố: 1A, 1B, 2, 3, 4.[5] Lịch sửPhần đất thị trấn hiện nay vốn là phần đất thuộc làng Đông Hòa Hiệp. Năm 1808, thời vua Gia Long có 3 thôn An Bình Đông, An Bình Tân và An Thành thuộc tổng Kiến Phong, thời vua Thiệu Trị thuộc tổng Phong Hòa.[4] Ngày 12 tháng 7 năm 1877, làng An Bình Tây đổi thành Phú Hòa, làng An Thành đổi thành An Hiệp.[4] Ngày 13 tháng 12 năm 1913, làng Phú Hòa sáp nhập với làng An Bình Đông lấy tên là An Bình Đông.[4] Ngày 24 tháng 10 năm 1925, sáp nhập làng An Bình Đông với An Hiệp lấy tên là Đông Hòa Hiệp, thuộc tổng Phong Hòa.[4] Trong chiến tranh Đông Dương, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gọi là xã Đông Hòa Hiệp thuộc huyện Cái Bè. Chính quyền Quốc gia Việt Nam đặt xã Đông Hòa Hiệp thuộc tổng Phong Hòa, quận Cái Bè, tỉnh Định Tường.[4] Trong chiến tranh Việt Nam, Mặt trận Giải phóng miền Nam gọi là thị trấn Cái Bè thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho, chính quyền Việt Nam Cộng hòa vẫn gọi là xã Đông Hòa Hiệp thuộc quận Cái Bè, tỉnh Định Tường.[4] Kinh tế – Xã hộiGiao thôngThị trấn nằm cuối đường tỉnh 875, con đường dài 2,5 km[4] chạy từ bắc xuống nam, là trục chính giao thông của thị trấn. Vào năm 2014, đoạn tỉnh lộ 875 từ nghĩa trang Sùng Chính, nằm ngoài rìa thị trấn, kéo dài đến cầu Cái Bè được đổi tên thành đường Nguyễn Chí Công.[6] Đây là con đường lớn nhất và sầm uất nhất thị trấn. Cầu Cái Bè là cây cầu chính của thị trấn, cầu bắc qua kênh 28,[7] ngay sát ngã ba kênh 28 với sông Cái Bè, trung tâm thương mại Cái Bè nằm ngay sát cầu. Từ cầu Cái Bè chạy thẳng về hướng sông Tiền là đường Trương Công Định. Cầu Cái Bè 2 là cầu quan trọng thứ hai ở thị trấn, đây là cầu mới được xây dựng nằm về hướng nam thị trấn, hoàn thành vào tháng 1 năm 2017,[8] từ cầu nhìn ra xa là ngã ba sông Cái Bè và sông Tiền, còn được gọi là vàm Long Hải,[9] từ cầu chạy về hướng đông bắc chừng 1km là điểm giao với đường tỉnh lộ 864[8] con đường chạy theo hướng tây-đông xuyên suốt phía nam tỉnh, chạy dài cho đến Thành phố Mỹ Tho. Kinh tếKinh tế chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như buôn bán, dịch vụ, chế biến thực phẩm[4] và các ngành tiểu thủ công nghiệp khác.[10] Trung tâm mua bán lớn nhất và nổi tiếng nhất trước đây của thị trấn là chợ nổi Cái Bè.[11][12][13] Chợ nổi là nơi trao đổi, mua bán và là vựa trái cây[9][14] lớn của tỉnh Tiền Giang. Khu chợ nổi giờ đã thưa thớt nhưng từng một thời là nơi thu hút một lượng lớn khách du lịch, đặc biệt là du khách nước ngoài đến tham quan.[15] Ngoài chợ nổi, trong thị trấn có nhiều nhà cổ. Ở phía nam thị trấn có khu du lịch sông nước Xẻo Mây nằm trên đường Xẻo Mây. Sát bờ sông Tiền có bến phà Cái Bè - Tân Phong sang cù lao Tân Phong, nơi được mệnh danh là miền đất “quả vàng” trên sông Tiền.[16] Kinh tế thị trấn cũng gắn liền với du lịch tham quan làng cổ Đông Hòa Hiệp ở xã lân cận. Xã hộiThị trấn có 2 điểm trường mẫu giáo, 4 điểm trường tiểu học, 2 điểm trường trung học cơ sở, trường Trung học Phổ thông Cái Bè, Trung học Phổ thông Huỳnh Văn Sâm, 2 điểm trường giáo dục thường xuyên, 1 trường dạy nghề.[4] Năm 2008, trạm y tế thị trấn có 1 bác sĩ, 2 y sĩ, 1 y tá, 2 dược tá; các tổ chức chăm sóc sức khoẻ cộng đồng gồm 1 hộ lý, 2 nha tá, 1 lương y.[4] Thị trấn có 5 bà mẹ Việt Nam Anh hùng: Nguyễn Thị Ép, Nguyễn Thị Tư, Huỳnh Thị Giác, Nguyễn Thị Nén, Trần Thị Muôn; 96 liệt sĩ, 38 thương binh, 1 lão thành cách mạng, 4 gia đình có công với nước, 1 huân chương của tập thể và 112 huân chương cá nhân.[4] Thư viện ảnh
Xem thêmChú thích
Sách
Liên kết ngoài
|