Arsenal F.C.

Arsenal
Tên đầy đủCâu lạc bộ bóng đá Arsenal
Biệt danhPháo thủ (tiếng Anh: The Gunners)
Thành lậptháng 12 năm 1886; 138 năm trước (1886-12) dưới tên "Dial Square"[1]
SânEmirates
Sức chứa59.867
Chủ sở hữuKroenke Sports & Entertainment
Huấn luyện viênMikel Arteta
Giải đấuGiải bóng đá Ngoại hạng Anh
2023–24Ngoại hạng Anh, thứ 2 trên 20
Trang webTrang web của câu lạc bộ
Mùa giải hiện nay

Câu lạc bộ bóng đá Arsenal (tiếng Anh: Arsenal Football Club, viết tắt: Arsenal F.C.) là một câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp có trụ sở tại Holloway, Luân Đôn, Anh, hiện đang thi đấu tại Giải bóng đá Ngoại hạng Anh, giải đấu cấp cao nhất trong hệ thống bóng đá Anh. Arsenal đã giành được 13 chức vô địch quốc gia, 14 Cúp FA (kỷ lục), 2 Cúp Liên đoàn Anh, 1 Cúp Liên đoàn Thế kỷ, 16 Siêu cúp Anh, 1 Cúp UEFA và 1 Cúp Inter-Cities Fairs. Arsenal là câu lạc bộ có số trận thắng ở cấp cao nhất nhiều thứ hai trong lịch sử bóng đá Anh, và cũng là đội bóng Anh duy nhất cho đến nay vô địch quốc gia với thành tích bất bại qua 38 vòng đấu, nhận biệt danh The Invincibles (tiếng Việt: Đội bóng bất bại) và giành Cúp vàng Ngoại hạng Anh.[2]

Arsenal trở thành câu lạc bộ đầu tiên ở miền Nam nước Anh tham gia The Football League vào năm 1893, trước khi bắt đầu thi đấu ở Giải Hạng nhất Anh năm 1904. Họ chỉ xuống hạng một lần năm 1913, và cho đến nay là đội bóng góp mặt ở giải đấu cấp cao nhất Anh trong khoảng thời gian dài nhất. Vào thập niên 1930, Arsenal đã giành 5 chức vô địch quốc gia Anh và 2 Cúp FA; sau Chiến tranh Thế giới II, họ giành thêm 2 chức vô địch quốc gia Anh và 1 Cúp FA. Mùa giải 1970–71, họ giành cú đúp vô địch quốc gia Anh và Cúp FA. Trong giai đoạn 1989–2005, họ giành thêm 5 chức vô địch quốc gia Anh và 5 Cúp FA, trong đó có hai cú đúp. Họ kết thúc thế kỷ XX với thứ hạng trung bình cao nhất.

Năm 1886, một nhóm công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất đạn dược Woolwich đã thành lập đội bóng với tên gọi Dial Square. Năm 1913, đội chuyển đến sân vận động ArsenalHighbury và trở thành hàng xóm với Tottenham Hotspur, từ đó tạo nên những trận Derby Bắc Luân Đôn. Herbert Chapman là người đưa Arsenal đến với những danh hiệu quốc gia đầu tiên, nhưng không may qua đời sớm. Ông là người phát minh sơ đồ chiến thuật WM, phát kiến chơi bóng dưới ánh đèn cao áp, số áo thi đấu, chọn màu trắng cho tay áo và đỏ cho trang phục thi đấu của Arsenal. Arsène Wenger là huấn luyện viên tại vị lâu nhất và dẫn dắt câu lạc bộ giành được nhiều danh hiệu nhất. Ông giữ kỷ lục giành 7 Cúp FA, chuỗi trận thắng dài nhất trong lịch sử bóng đá Anh cùng chuỗi trận bất bại dài nhất với câu lạc bộ. Năm 2006, đội chuyển sang thi đấu tại sân vận động Emirates.

Arsenal là câu lạc bộ có doanh thu cao thứ sáu thế giới với 487,6 triệu Bảng trong mùa giải 2016–17. Dựa theo báo cáo về hoạt động truyền thông đại chúng từ mùa giải 2014–15, Arsenal có lượng cổ động viên nhiều thứ năm thế giới. Theo báo cáo của hãng kiểm toán KPMG năm 2018, Arsenal được định giá 2,102 tỷ EUR, xếp thứ ba trong danh sách các câu lạc bộ giá trị nhất nước Anh.[3]

Lịch sử

1886–1919: Đổi tên

Nơi thành lập câu lạc bộ Dial Square, tiền thân của Arsenal

Vào ngày 1 tháng 12 năm 1886, một nhóm công nhân ở Woolwich, nay thuộc Đông Nam thủ đô Luân Đôn đã thành lập ra một đội bóng đá lấy tên là Dial Square; ngay sau đó được đổi tên thành Royal Arsenal và chọn David Danskin làm đội trưởng.[4][5][6][7] Câu lạc bộ đã giành được hai danh hiệu đầu tiên vào năm 1890 và 1891; đây cũng là những danh hiệu duy nhất mà Arsenal đạt được khi còn thi đấu ở Đông Nam thủ đô Luân Đôn.[8][9]

Năm 1893, đội bóng đổi tên thành Woolwich Arsenal sau khi trở thành một công ty trách nhiệm hữu hạn.[10] Cùng năm này, Woolwich Arsenal trở thành đội bóng đầu tiên ở khu vực phía Nam tham dự The Football League, bắt đầu từ Giải Hạng nhì Anh, rồi lên hạng nhất lần đầu năm 1904. Do vị trí địa lý không phù hợp, đội bóng có rất ít khán giả so với các câu lạc bộ khác. Vì thế, năm 1910, công ty sở hữu câu lạc bộ lâm vào khó khăn và phá sản, nhưng đó cũng là lúc mà tỷ phú Henry Norris và doanh nhân William Hall đến với câu lạc bộ.[11] Ông bắt đầu tìm cách di chuyển vị trí và trụ sở đội bóng.

Năm 1913, sau khi bị rớt xuống hạng hai, đội bóng vượt sông Thames di chuyển lên phía Bắc Luân Đôn, lấy sân vận động Highbury làm sân nhà, chính thức lấy tên câu lạc bộ là The Arsenal.[12] Năm 1919, The Football League tổ chức bỏ phiếu, qua đó đưa The Arsenal lên hạng nhất mùa kế tiếp, thay cho đội bóng cùng thành phố Tottenham, mặc dù đội chỉ xếp thứ sáu Giải Hạng nhì Anh mùa giải tiền chiến 1914–15. Một số sách cho rằng kết quả cuộc bầu cử chia lại suất chơi hạng nhất này không rõ ràng. Năm kế tiếp, câu lạc bộ bỏ mạo từ "The" trong "The Arsenal" trong các văn kiện chính thức, cũng là tên gọi được sử dụng cho tới ngày nay.[13]

1919–1953: Câu lạc bộ thuộc Ngân hàng Anh

Biểu đồ thành tích của Arsenal kể từ mùa giải 1893–94

Sau khi được thăng hạng, ngân sách của câu lạc bộ đã tăng trưởng nhanh và lượng người hâm mộ cũng theo đó gia tăng.[14][15] Năm 1925, Arsenal bổ nhiệm Herbert Chapman làm huấn luyện viên trưởng. Sau khi dẫn dắt Huddersfield Town giành chức vô địch quốc gia mùa giải 1923–24 và 1924–25, Chapman đã đưa Arsenal bước vào giai đoạn đầu tiên của những thành công lớn. Với phương thức huấn luyện đúng đắn cùng với những bản hợp đồng với các cầu thủ ngôi sao như Alex James và Cliff Bastin, ông đã đặt nền tảng cho sự thống trị của Arsenal trong nền bóng đá Anh vào những năm 1930.[16] Dưới sự dẫn dắt của Chapman, Arsenal đã giành được chức vô địch giải đấu lớn đầu tiên - chiếc Cúp FA năm 1930; và sau đó là hai chức vô địch quốc gia vào mùa giải 1930–31 và 1932–33. Nhờ ông, năm 1932, nhà ga tàu điện ngầm Gillespie Road được đổi tên thành Arsenal, đây là trường hợp đặc biệt khi một nhà ga mang tên một câu lạc bộ bóng đá.[17]

Chapman bị chứng viêm phổi và đột ngột qua đời năm 1934. Sau đó, Joe Shaw và George Allison tiếp tục công việc của Chapman rất thành công. Dưới sự huấn luyện của họ, Arsenal đã giành được thêm ba chức vô địch quốc gia, 1933–34, 1934–35 và 1937–38; và chiếc Cúp FA 1936, trong khi họ cũng được biết đến như là "Chảo lửa của các câu lạc bộ Anh". Về cuối thập kỷ, một loạt cầu thủ chủ chốt bắt đầu dừng thi đấu do ảnh hưởng từ cuộc Chiến tranh Thế giới II, và tiếng tăm của Arsenal phần nào bị lu mờ do bóng đá Anh nghỉ thi đấu.[18][19] Sau chiến tranh, Arsenal có khoảng thời gian thành công thứ hai cùng với huấn luyện viên Tom Whittaker khi giành hai chức vô địch quốc gia 1947–48 và 1952–53 cùng một Cúp FA mùa giải 1949–50.[20][21]

1953–1986: Thời kỳ đi xuống, Mee và Neill

Bertie Mee năm 1972

Sau năm 1953, Arsenal bắt đầu thi đấu sa sút và không còn thu hút cầu thủ như những năm 1930. Câu lạc bộ chỉ là một đội bóng hạng trung trong hai thập kỷ 1950 và 1960. Ngay cả cựu đội trưởng tuyển Anh Billy Wright không thể mang lại cho câu lạc bộ có được danh hiệu nào với chức danh huấn luyện viên trưởng, trong thời gian từ năm 1962 đến năm 1966.[22][23]

Năm 1966, Arsenal bổ nhiệm Bertie Mee làm huấn luyện viên trưởng. Sau khi thua hai trận chung kết Cúp Liên đoàn Anh, người đàn ông từng là một nhà vật lý trị liệu này đã giúp Arsenal giành chiếc cúp châu Âu đầu tiên, Inter-Cities Fairs Cup vào mùa giải 1969–70. Mùa giải kế tiếp, Arsenal đã giành cú đúp danh hiệu đầu tiên trong lịch sử: Giành chức vô địch quốc gia và FA Cup.[24][25][26] Đây đánh dấu một mốc son chói lọi của Arsenal trong đầu thập kỷ; mùa giải sau đó, Arsenal chỉ về nhì ở FA Cup[27] và đứng thứ hai ở giải vô địch quốc gia vào năm 1973.[28]

Sau mùa giải 1975–76, Bertie Mee từ chức. Terry Neill được ban lãnh đạo Arsenal bổ nhiệm vào vị trí huấn luyện viên trưởng vào ngày 9 tháng 7 năm 1976 khi mới 34 tuổi, và trở thành huấn luyện viên trẻ nhất trong lịch sử Arsenal cho đến nay. Với các bản hợp đồng ký với các cầu thủ Malcolm Macdonald và Pat Jennings, và các tài năng trẻ như Liam Brady và Frank Stapleton, đội bóng lại đi đến những thành công kể từ năm 1971. Họ liên tiếp lọt vào các trận chung kết FA Cup vào các năm 1978, 1979 và 1980; trong đó họ giành được một chức vô địch FA sau trận chung kết kịch tính thắng Manchester United 3–2 năm 1979. Mùa giải tiếp theo, họ giành vị trí á quân European Cup Winners' Cup, sau khi để thua sau loạt sút luân lưu.[29][30]

1986–2018: Graham và Wenger

Sự trở lại của cựu cầu thủ George Graham trên cương vị huấn luyện viên vào năm 1986 đã đem đến giai đoạn phục hưng thứ ba cho câu lạc bộ. Arsenal đoạt Cúp Liên đoàn Anh vào năm 1987, mùa giải đầu tiên mà Graham dẫn dắt đội bóng. Mùa giải 1988–89, Arsenal giành chức vô địch quốc gia sau trận thắng một cách nghẹt thở trước Liverpool với bàn thắng ở phút cuối cùng. Với duy nhất một trận thua, họ đã bảo vệ thành công chức vô địch quốc gia mùa giải sau đó. Arsenal cũng đã giành cú đúp danh hiệu FA Cup và Cúp Liên đoàn Anh vào mùa giải 1992–93. Họ đã giành chiếc cúp thứ hai trên đấu trường châu Âu vào năm 1994, với danh hiệu UEFA Cup Winner's Cup, khi thắng Parma F.C. trong trận chung kết với bàn thắng duy nhất của Alan Martin Smith.[29][31] Uy tín của Graham đã bị lu mờ khi dính vào một số bê bối trong chuyển nhượng cầu thủ.[32] Graham bị sa thải năm 1995, mặc dù đem đến nhiều thành công cho câu lạc bộ. Người kế tiếp Graham, Bruce Rioch, chỉ huấn luyện một mùa, rời câu lạc bộ sau một bất đồng với ban lãnh đạo.[33][34]

Các cầu thủ và cổ động viên Arsenal diễu hành ăn mừng chức vô địch năm 2004

Vào những năm cuối thập niên 1990 và đầu thập niên 2000, Arsenal đã có những thành công lớn mà một phần bởi quyết định ký hợp đồng với huấn luyện viên nước ngoài đầu tiên trong lịch sử câu lạc bộ, Arsène Wenger từ ban lãnh đạo Arsenal vào ngày 30 tháng 9 năm 1996.[35] Wenger đã có những thay đổi táo bạo trong chiến thuật, chế độ ăn uống, cách huấn luyện và chính sách chuyển nhượng. Ông đã đưa một số cầu thủ nước ngoài vào thi đấu cũng như đào tạo các cầu thủ trẻ người Anh. Arsenal đoạt cú đúp Ngoại hạng Anh và Cúp FA mùa giải 1997–98[36]; cùng với cú đúp mùa giải 2001–02[37]. Ngoài ra, câu lạc bộ lọt đến trận chung kết của UEFA Cup 1999–2000 (thua sau loạt đá luân lưu 11m trước Galatasaray) và đoạt Cúp FA vào các năm 2003, 2005[38][39]. Đặc biệt là chức vô địch Ngoại hạng Anh mùa giải 2003–04 với trọn vẹn 38 trận bất bại (26 trận thắng, 12 trận hòa);[40] từ đó các cổ động viên đặt cho họ biệt danh The Invincibles.[41] Đó là một phần trong chuỗi 49 trận bất bại của Arsenal tại Giải bóng đá Ngoại hạng Anh kể từ ngày 7 tháng 5 năm 2003 đến ngày 24 tháng 10 năm 2004,[42] một kỷ lục của bóng đá Anh.[43]

Trận chung kết Champions League năm 2006 với FC Barcelona, giúp Arsenal trở thành đội bóng Luân Đôn đầu tiên lọt vào một trận chung kết cúp C1

Arsenal đã giành được vị trí thứ nhất hoặc thứ nhì trong 11 mùa giải đầu tiên do Wenger dẫn dắt, tuy nhiên ở các mùa giải tiếp theo họ đã không thể hoàn thành được điều này. Tính đến tháng 7 năm 2013, họ là một trong năm đội, cùng với các đội khác là Manchester United, Blackburn Rovers, ChelseaManchester City, vô địch Ngoại hạng Anh kể từ khi thành lập vào năm 1992.[44] Arsenal chưa bao giờ tiến xa hơn vòng tứ kết của UEFA Champions League cho đến mùa giải 2005–06; mùa giải mà họ trở thành đội bóng đầu tiên đến từ Luân Đôn trong lịch sử năm mươi năm của giải đấu lọt đến trận chung kết, và thua 1–2 trước Barcelona.[45][46] Vào tháng 7 năm 2006, họ chuyển đến sân Emirates, sau 93 năm thi đấu trên sân Highbury.[47]

Họ vào đến hai trận chung kết Cúp Liên đoàn Anh năm 2007 và 2011, nhưng đều thua với cùng tỷ số 1–2 trước Chelsea[48]Birmingham.[49][50] Arsenal trải qua chuỗi 9 năm không có danh hiệu kể từ năm 2005 cho đến ngày 17 tháng 5 năm 2014, khi đánh bại Hull City trong trận chung kết Cúp FA, trận đấu họ bị dẫn 0–2 để rồi lội ngược dòng đánh bại Hull với tỷ số 3–2.[51][52] Ngày 10 tháng 8 năm 2014, Arsenal đánh bại Manchester City 3–0 trong trận Siêu cúp Anh 2014.[53] 9 tháng sau khi giành Siêu cúp Anh 2014, Arsenal đã xuất hiện trong trận chung kết FA Cup năm thứ hai liên tiếp, và họ đã bảo vệ thành công chức vô địch khi đánh bại Aston Villa 4–0 trong trận chung kết vào ngày 30 tháng 5 năm 2015 và trở thành câu lạc bộ thành công nhất trong lịch sử giải đấu với 12 danh hiệu,[54] kỷ lục mà Manchester United sẽ cân bằng ở mùa bóng kế tiếp. Ngày 2 tháng 8 năm 2015, Arsenal đánh bại Chelsea 1–0 trên sân vận động Wembley để giành Siêu cúp Anh 2015, danh hiệu siêu cúp thứ 14 trong lịch sử của họ.[55][56] Mùa giải 2015–16, Arsenal chỉ giành á quân giải Ngoại hạng Anh khi kém Leicester City 10 điểm.[57] Sau đó Arsenal tiếp tục vô địch Cúp FA lần thứ 13 khi đánh bại Chelsea trong trận chung kết năm 2017 và một lần nữa trở thành kỷ lục gia về số danh hiệu Cúp FA. Chiến thắng cũng giúp Wenger trở thành huấn luyện viên đầu tiên của bóng đá Anh giành tới 7 danh hiệu Cúp FA.[58] Tuy nhiên, cũng ở mùa giải đó, Pháo Thủ chỉ kết thúc mùa giải Ngoại hạng Anh ở vị trí thứ 5 chung cuộc, và là lần đầu tiên họ nằm ngoài Top 4 kể từ khi Wenger đến câu lạc bộ năm 1996.[59] Sau một mùa giải không thành công ở mùa bóng kế tiếp, Wenger đã tuyên bố chia tay đội bóng vào ngày 20 tháng 4 năm 2018, sau 22 năm tại vị.[60] Quyết định của ông đã nhận được nhiều sự hoan nghênh từ nhiều chuyên gia và các cựu cầu thủ ở Anh cũng như trên toàn thế giới[61], đặc biệt là những cựu cầu thủ đã cảm ơn ông vì đã giúp phát triển họ.[62] Trận đấu trên sân nhà cuối cùng của ông trên băng ghế chỉ đạo là trận thắng 5–0 trước Burnley, nơi ông nhận được sự chào đón nhiệt liệt từ các cổ động viên.[63] Trận cuối cùng dưới triều đại Wenger là trận thắng 1–0 trên sân của câu lạc bộ Huddersfield.[64]

2018–nay: Thời hậu Wenger

Sau khi tiến hành sửa đổi mô hình hoạt động của đội bóng để phù hợp với sự ra đi của Wenger, chiến lược gia người Tây Ban Nha Unai Emery đã được chọn làm tân huấn luyện viên trưởng của câu lạc bộ vào ngày 23 tháng 5 năm 2018. Ông trở thành huấn luyện viên trưởng trưởng đầu tiên của đội bóng, đồng thời là huấn luyện viên thứ 2 có xuất thân ngoài Vương quốc Anh.[65][66] Trận đấu đầu tiên ông dẫn dắt Arsenal là trận thắng giao hữu 8–0 trước Boreham Wood.[67] Mùa bóng đầu tiên, Emery không thể giúp Arsenal trở lại Champions League khi chỉ kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 5[68] và thất bại 1–4 trong trận Chung kết UEFA Europa League 2019 trước Chelsea.[69]

Lượt đi mùa giải 2019–20, dù được tăng cường lực lượng với các bản hợp đồng như Kieran Tierney, Nicolas Pépe, nhưng sau hai vòng đầu toàn thắng, Arsenal dần sa sút. Sau trận thắng Vitória 3–2 ở Europa League, đội bóng trải qua chuỗi 7 trận không thắng liên tiếp trên mọi đấu trường, cách vị trí thứ 4 tới 8 điểm trong khi Ngoại hạng Anh mới trải qua 13 vòng đấu. Ngày 29 tháng 11 năm 2019, Emery bị sa thải sau khi Arsenal thất thủ 1–2 ngay trên sân nhà trước Frankfurt trong lượt trận cuối vòng bảng Europa League. Cựu cầu thủ, đồng thời là trợ lý huấn luyện viên trưởng Freddie Ljungberg được chỉ định làm huấn luyện viên tạm quyền.[70][71][72] Ngày 20 tháng 12 năm 2019, Arsenal bổ nhiệm cựu tiền vệ đội trưởng Mikel Arteta (khi đó giữ vai trò trợ lý cho Pep GuardiolaManchester City) làm huấn luyện viên trưởng bằng bản hợp đồng có thời hạn hơn 3 năm.[73][74] Arteta đưa Arsenal kết thúc ở vị trí thứ 8 tại Ngoại hạng Anh và giành được chức vô địch cúp FA lần thứ 14 nhờ chiến thắng 2–1 trước Chelsea tại Wembley.[75] Ông được bổ nhiệm làm huấn luyện viên trưởng sau khi mùa giải kết thúc,[76] và góp công giúp đội bóng đoạt Siêu cúp Anh 2020 khi hòa Liverpool 1–1 cả trận và thắng 5-4 trong loạt luân lưu.[77] Arsenal một lần nữa kết thúc mùa giải 2020–21 ở vị trí thứ 8, qua đó thất bại trong việc giành vé dự cúp châu Âu lần đầu tiên sau 25 năm.[78]

Biểu tượng

Huy hiệu của Arsenal F.C.

Vào năm 1888, chỉ sau hai năm thành lập câu lạc bộ, Arsenal khi đó với cái tên là Royal Arsenal đã chọn cho mình biểu tượng, gồm 3 cột tượng trưng cho những khẩu pháo thần công hướng về phía Bắc, tương tự như các huy hiệu của Khu Metropolitan vùng Woolwich (ngày nay, nó trở thành các huy hiệu của khu Greenwich của Luân Đôn). Đôi khi, biểu tượng có thể bị nhầm lẫn với những ống khói, nhưng với hình ảnh đầu một con sư tử được chạm khắc, và với một cascabel[nb 1] được đặt trên đó để trở thành biểu tượng của đội bóng. Nó đã được bỏ bớt sau khi chuyển tới sân Highbury vào năm 1913 và được khôi phục năm 1922, khi câu lạc bộ chọn biểu tượng gồm 1 một khẩu thần công hướng về phía Đông, kèm theo biệt danh của câu lạc bộ, The Gunners (tiếng Việt: Pháo Thủ), được đính vào đó. Biểu tượng này chỉ được sử dụng đến năm 1925, khi Arsenal đổi biểu tượng thành hình với khẩu pháo nhỏ hơn, hướng về phía Tây với dòng chữ The Gunners được khắc bên cạnh.[79]

Năm 1949, câu lạc bộ đã đóng một biểu tượng mới, với khẩu pháo được đặt ở dưới tên câu lạc bộ, viền màu đen, trên biểu tượng của Khu Metropolitan của Islington, ở dưới vẽ một dải băng viết theo tiếng Latin: Victoria Concordia Crescit (tiếng Việt: Chiến thắng đến từ sự hài hoà). Nó được thiết kế bởi một biên tập viên của đội bóng, Harry Homer.[79] Lần đầu tiên, biểu tượng được kết hợp bởi màu sắc, sau đó có thay đổi chút ít do hoàn cảnh lúc đó, rồi rút gọn chỉ còn ba màu: đỏ, vàng, xanh lá cây. Vì có nhiều phiên bản khác của biểu tượng, Arsenal đã bất lực trong việc mua bản quyền của nó. Mặc dù đội bóng đã đăng ký biểu tượng như một nhãn hiệu, nhưng họ phải cạnh tranh (cuối cùng thắng) trong một cuộc chiến pháp lý về vấn đề bản quyền với một hãng buôn đường phố ở địa phương, và là nơi "không chính thức" bán các mặt hàng từ Arsenal,[80] từ đó thì Arsenal mới thành công trong việc bảo hộ bản quyền pháp lý của biểu tượng. Do đó, năm 2002, Arsenal đã giới thiệu một biểu tượng mới, với các đường cong đẹp và hiện đại hơn nhưng với một phong cách đơn giản, được bảo hộ bản quyền.[81] Khẩu pháo hướng về phía Đông, tên của đội bóng được viết bằng kiểu chữ sans-serif ở phía trên của khẩu pháo. Màu xanh lá cây đã được thay thế bằng màu xanh đậm. Biểu tượng mới đã bị một số người hâm mộ chỉ trích. Hội cổ động viên của Arsenal đã lên tiếng rằng, câu lạc bộ đã bỏ qua nhiều các thiết kế về lịch sử và truyền thống câu lạc bộ, thay bằng một thiết kế mới mẻ và hiện đại, tuy nhiên chưa tham khảo ý kiến người hâm mộ.[82]

Đến thập niên 60 của thế kỷ XX, hình vẽ biểu tượng câu lạc bộ được gắn trên áo đấu để tham dự các trận đấu lớn như chung kết Cúp FA, thường là hình thức lồng tên câu lạc bộ với màu đỏ trên nền trắng.[83]

Các kiểu chữ viết lồng nhau được viết theo phong cách Art-Deco, các chữ A và C trên hình vẽ biểu tượng được bố trí theo kiểu cách bóng đá hơn chữ F, tất cả được đặt trong một bộ khung hình lục giác. Ví dụ, đầu tiên đây là một logo của một tổ chức, sau đó được giới thiệu như một phần trong thương hiệu trước đây của Herbert Chapman tại câu lạc bộ vào những năm 1930, mặc dù chưa được sử dụng trên áo đấu trong trận chung kết Cúp FA nhưng lại là một chi tiết trong thiết kế sân Highbury, bao gồm các lối vào chính và trong việc ốp lát nền các tầng.[84] Từ năm 1967, trên áo đấu thường xuyên xuất hiện hình vẽ khảu pháo trắng, cho đến khi được thay thế bởi biểu tượng câu lạc bộ, đôi khi có thêm biệt danh "The Gunners", trong những năm 1990.[83]

Mùa giải 2011–12, Arsenal kỷ niệm 125 năm thành lập câu lạc bộ. Nhân dịp này, đội bóng cho thiết kế một biểu tượng mới, được đính kèm trên áo đấu của họ để thi đấu trong suốt cả mùa giải. Biểu tượng hầu hết có màu trắng, xung quanh bao gồm 15 lá cây sồi ở bên phải và 15 lá nguyệt quế ở bên trái. Những chiếc lá sồi biểu thị cho 15 thành viên cũ được tìm thấy của câu lạc bộ đã gặp nhau ở quán rượu Royal Oak. Còn 15 lá nguyệt quế tượng trưng cho các chi tiết được thiết kế trên 6 đồng xu bởi những người thành lập đội bóng. Các lá nguyệt quế còn thể hiện cho sức mạnh đội bóng. Để hoàn thành được biểu tượng này, các lá sồi và nguyệt quế được biểu diễn ở hai bên của khẩu hiệu "Forward" (tiếng Việt: Tiến lên) ở phía dưới cùng của biểu tượng.[85]

Màu áo truyền thống

Trong phần lớn lịch sử của Arsenal, màu áo thi đấu trên sân nhà của họ thường là áo sơ mi màu đỏ tươi, tay áo và quần đều có màu trắng, mặc dù không phải lúc nào cũng mặc như thế. Việc lựa chọn màu đỏ là để ghi nhận những hỗ trợ và đóng góp từ Nottingham Forest sau khi Arsenal thành lập năm 1886. Hai trong số các thành viên sáng lập ra Dial Square, Fred Beardsley và Morris Bates, là cựu cầu thủ của Forest đã chuyển tới Woolwich để thi đấu. Vì họ cùng nhau đưa đội một vào khu vực không thể tìm thấy áo đấu, nên Beardsley và Bates đã viết thư về nhà cầu xin sự giúp đỡ, và họ nhận được một bộ đồ và một quả bóng.[4] Chiếc áo có màu đỏ, một màu đỏ đậm, đi cùng với nó là chiếc quần màu trắng, và tất màu xanh và trắng.[86][87]

Năm 1933, Herbert Chapman muốn các cầu thủ của mình được mặc những bộ quần áo sáng màu hơn, nên đã thay thế và nâng cấp bộ áo đấu, thêm phần tay áo màu trắng và đổi màu nền trên thân áo thành một màu đỏ khác sáng hơn. Có hai giả thiết nói về nguồn gốc từ việc thêm các tay áo màu trắng. Thứ nhất, có một mẩu chuyện viết rằng, Chapman nhìn thấy một cổ động viên trên khán đài mặc chiếc áo len không có tay, màu đỏ và mặc trên một chiếc áo sơ mi trắng. Giả thiết thứ hai là ông đã lấy cảm hứng từ một bộ trang phục tương tự được mặc bởi họa sĩ biếm Tom Webster, một người chơi golf cùng với Chapman.[88] Có thể một trong hai câu chuyện này là sự thật, nhưng những bộ áo đấu màu đỏ và trắng đã trở thành màu áo đấu truyền thống của Arsenal. Đội bóng đã mặc những bộ áo đấu như thế trong suốt những năm từ 1933 đến nay, ngoại trừ hai mùa giải: mùa thứ nhất là 1966–67 khi Arsenal mặc những bộ đồ toàn màu đỏ,[87] nhưng các cổ động viên không ưa chuộng và phải trở lại những chiếc áo có cánh tay trắng vào mùa giải kế tiếp; mùa thứ hai là 2005–06, mùa cuối cùng mà Arsenal thi đấu trên sân vận động Highbury, đội bóng đã mặc những chiếc áo đỏ sẫm, tương tự những bộ đồ mà đội bóng mặc trong năm 1913; và câu lạc bộ đã trở về với bộ đồ đỏ trắng vào mùa giải sau đó.[88] Trong mùa giải 2008–09, Arsenal thay thế tay áo toàn màu trắng truyền thống bằng tay áo màu đỏ với một sọc ngang màu trắng.[87]

Trang phục thi đấu của Arsenal tại 1 trận đấu Champions League với Ludogorets Razgrad vào năm 2016

Màu áo sân nhà Arsenal trở thành nguồn cảm hứng cho ít nhất ba câu lạc bộ khác. Năm 1909, Sparta Prague đã cho ra mắt một bộ áo đấu màu đỏ sẫm, bộ đồ thi đấu Arsenal đã mặc vào thời điểm đó;[88] sau đó vào năm 1938, Hibernian cũng cho ra mắt thiết kế tay áo giống với chiếc áo của Arsenal với các đường nét màu xanh lá cây và màu trắng.[89] Năm 1920, Sporting Clube de Braga, sau khi trở về từ một trận bóng tại Highbury, đã thay đổi bộ áo đấu màu xanh của câu lạc bộ đến một bộ đồ có những điểm giống với Arsenal: áo màu đỏ, tay áo màu trắng và quần soóc, từ đó mà họ có biệt danh "Os Arsenalist".[90] Đội bóng đã mặc bộ đồ đó cho đến nay.

Trong nhiều năm, quần áo sân khách của Arsenal là chiếc áo màu trắng và quần soóc màu đen hoặc trắng. Đến mùa giải 1969–70, Arsenal giới thiệu bộ áo đấu sân khách, với chiếc áo màu vàng và quần soóc màu xanh. Bộ đồ này đã được Arsenal mặc trong chung kết Cúp FA 1971, trận đấu mà Arsenal đã đánh bại Liverpool để giành cú đúp danh hiệu đầu tiên trong lịch sử. Arsenal lọt vào chung kết Cúp FA lần tiếp theo vào năm sau, mặc bộ đồ sân nhà màu trắng và màu đỏ, nhưng bị thua cuộc trước Leeds United. Cuối thập niên 1970, các Pháo Thủ thi đấu ba trận chung kết Cúp FA liên tiếp từ năm 1978 đến 1980 và họ mặc bộ đồ "may mắn" có màu vàng và màu xanh,[91] sau đó đội bóng vẫn tiếp tục lấy nó làm bộ đồ sân khách của câu lạc bộ cho đến khi giới thiệu một bộ đồ màu xanh lá cây và màu áo hải quân để làm bộ đồ sân khách trong mùa giải 1982–83. Mùa giải tiếp theo, Arsenal trở lại bộ quần áo sân khách màu vàng và màu xanh, mặc dù với một màu xanh đậm hơn trước.

Khi Nike thay Adidas làm nhà sản xuất quần áo thi đấu cho Arsenal vào năm 1994, màu áo sân khách của Arsenal đã được đổi lại thành áo sơ mi và quần soóc màu xanh với hai tông màu. Kể từ khi mà thị trường bán áo đấu bắt đầu xuất hiện, các bộ đồ sân khách của Arsenal thay đổi thường xuyên, và Arsenal thường cho giới thiệu bộ đồ sân khách và bộ đồ thứ ba. Trong thời gian này, các mẫu thiết kế quần áo sân khách của Arsenal thường là màu xanh, hoặc một vài thay đổi nhỏ từ bộ đồ sân khách truyền thống với màu vàng và màu xanh, chẳng hạn màu vàng, màu áo hải quân và màu kim loại được sử dụng trong mùa giải 2001–02, màu xám vàng và đen được sử dụng trong các năm từ 2005 đến 2007, màu vàng và màu nâu sẫm từ 2010 đến 2013.[92] Từ năm 2009, bộ đồ sân khách được thay đổi theo từng mùa, và các bộ đồ thi đấu trên sân khách sẽ có ba lựa chọn nếu như bộ áo đấu sân nhà được thiết kế mới theo từng năm.[93] Khi Puma trở thành nhà tài trợ trang phục cho Arsenal vào năm 2014, các bộ áo đấu mới (gồm sân nhà, sân khách và bộ áo đấu thứ ba) của Arsenal đều được ra mắt theo từng mùa.[94]

Nhà cung cấp và nhà tài trợ trang phục thi đấu

Áo đấu của Arsenal[95]
Giai đoạn Nhà cung cấp trang phục Nhà tài trợ áo đấu (ngực) Nhà tài trợ áo đấu (tay áo)
1886–1930 Không xác định Không có Không có
1930–1970 Bukta
1971–1981 Umbro
1981–1986 JVC
1986–1994 Adidas
1994–1999 Nike
1999–2002 Dreamcast
Sega
2002–2006 O2
2006–2014 Emirates[96]
2014–2018 Puma
2018–2019 Visit Rwanda[97]
2019–nay Adidas[98]

Sân vận động

Một khán đài trên sân Highbury. Những chiếc ghế này chủ yếu có màu đỏ.
Khán đài phía Bắc của sân vận động Highbury

Trong phần lớn thời gian đội bóng có trụ sở tại Đông Nam Luân Đôn, Arsenal lấy sân Manor Ground tại Plumstead làm sân nhà, ngoại trừ ba năm thi đấu tại sân Invicta Ground trong các năm từ 1890 đến 1893. Sân Manor Ground ban đầu chỉ là một bãi đất trống, cho đến khi câu lạc bộ nâng cấp sân bằng việc cải tạo, đắp đất và trồng cỏ để tham dự Football League vào năm 1893. Đội bóng đã lấy đây làm sân nhà trong suốt hai mươi năm[nb 2] cho đến khi chuyển lên Bắc Luân Đôn vào năm 1913.[99][100]

Tháng 9 năm 1913, Arsenal chuyển lên Bắc Luân Đôn và lấy Sân vận động Highbury làm sân nhà; và Arsenal đã sử dụng nó cho đến ngày 7 tháng 5 năm 2006. Sân vận động lúc đầu được thiết kế bởi kiến trúc sư bóng đá nổi tiếng thời đó, Archibald Leitch. Ông đã có một thiết kế chung cho các sân bóng của các câu lạc bộ Anh vào thời điểm ấy, với một kiến trúc đơn giản và ba khán đài hướng ra ngoài trời của sân bóng.[101] Toàn bộ sân vận động đã được trùng tu và nâng cấp trong những năm 1930. Được xây dựng theo phong cách Art-Deco, các khán đài Tây và Đông lần lượt được mở cửa vào các năm 1932 và 1936. Một mái che đã được lắp vào khán đài Bắc của sân bóng, tuy nhiên nó đã bị đánh bom trong cuộc Chiến tranh Thế giới II và không được khôi phục, trùng tu lại cho đến năm 1954.[15]

Highbury có thể chứa được 60 nghìn khán giả ở mức cao nhất, và sân bóng này có sức chứa khoảng 57 nghìn chỗ ngồi cho đến đầu những năm 1990. Tờ Taylor Report cũng như ban tổ chức Premier League yêu cầu Arsenal rời sân Higubury và tìm một sân bóng khác có sức chứa lớn hơn cho mùa giải 1993–94, do đó mà Highbury phải giảm còn 38.419 chỗ.[102] Khi ban tổ chức UEFA Champions League quy định gắn các biển quảng cáo ở đường biên, số lượng chỗ ngồi tiếp tục giảm xuống và vì thế, Arsenal phải thi đấu Champions League trên sân Wembley và đăng ký làm sân nhà để thi đấu ở giải đấu trên, sân bóng này có sức chứa 70 nghìn khán giả.[103]

Sân vận động Emirates

Việc mở rộng sân vận động Highbury bị hạn chế vì khán đài Đông của sân bóng được thông báo là sẽ đập bỏ để xây một công trình cấp hai và ba khán đài còn lại nhiều khả năng sẽ bị phá để làm khu dân cư.[15] Những sự hạn chế này đã đưa câu lạc bộ vào thế khó trong việc bán vé các trận đấu trong suốt thập niên 1990 và lan sang cả nửa thập niên đầu của thế kỷ XXI, vì thế họ có nguy cơ bị bỏ lại phía sau về doanh thu trong sự phát triển của bóng đá ở thời điểm đó.[104] Sau khi tham khảo và xem xét các đề xuất, đến năm 2000, Arsenal công bố đề án xây dựng một sân vận động mới với sức chứa 60.361 chỗ ngồi tại khu vực Ashburton Grove, lấy tên sân vận động là Emirates, và nó khoảng 500 mét về phía Tây Nam của sân Highbury.[105] Dự án ban đầu bị trì hoãn do dải băng đỏ và chi phí cao,[106] nhưng cuối cùng sân bóng đã xây xong vào tháng 7 năm 2006, thời điểm bắt đầu mùa giải 2006–07.[107] Sân bóng được đặt tên theo tên nhà tài trợ, hãng hàng không Emirates, đối tác mà câu lạc bộ đã ký một hợp đồng tài trợ lớn nhất trong lịch sử bóng đá Anh, trị giá khoảng 100 triệu Bảng;[108] nhưng một số người hâm mộ đã gọi sân bóng với các tên gọi như Ashburton Grove hoặc nói một cách ngắn gọn Grove, vì họ không ủng hộ việc lấy tên một doanh nghiệp làm tên sân vận động.[109] Sân vận động sẽ có được cái tên Emirates cho đến ít nhất là năm 2028, và hãng là nhà tài trợ áo đấu của câu lạc bộ cho đến cuối mùa giải 2018–19.[110] Từ đầu mùa giải 2010–11, các khán đài của sân vận động được biết đến với những cái tên như khán đài Bắc, khán đài Đông, khán đài Tây và khán đài Sau (đồng hồ hiển thị thời gian thi đấu).[111]

Các cầu thủ của Arsenal được đào tạo và tập luyện ở Trung tâm đào tạo bóng đá Shenley ở Hertfordshire, một trung tâm bóng đá được khánh thành vào năm 1999. Trước đó, câu lạc bộ mượn một khu đất thuộc quyền sở hữu của Trường Đại học Luân Đôn, và đến năm 1961 thì họ tập trực tiếp trên sân Highbury.[112] Đội U18 của học viện bóng đá Arsenal thi đấu sân nhà tại Shenley, và họ cũng có một sân bóng dự bị là Meadow Park;[113] và đây cũng là sân nhà của Boreham Wood.

Cổ động viên

Arsenal trong trận đấu với đội bóng cùng khu vực, Tottenham Hotspur, còn được biết đến là Derby phía Bắc Luân Đôn, vào tháng 11 năm 2010

Các cổ động viên của Arsenal luôn gọi chính họ dưới cái tên "Gooners", cái tên mà bắt nguồn từ biệt danh của đội bóng, "The Gunners" (tiếng Việt: Pháo Thủ). Lượng người hâm mộ của đội bóng đông và hầu như đều trung thành với đội bóng. Hầu hết tất cả các trận đấu trên sân nhà của Arsenal trong mùa giải 2007–08 có số lượng cổ động viên trung bình cho một trận đấu tại giải vô địch quốc gia cao thứ hai trong các câu lạc bộ Anh với 60.070 khán giả/trận, chiếm 99,5% tổng số chỗ ngồi trên sân Emirates.[114] Còn đối với năm 2006 thì số cổ động viên trung bình đứng thứ tư.[115] Arsenal có số cổ động viên trung bình cho một trận đấu cao thứ bảy trong số các câu lạc bộ ở châu Âu, đứng sau Borussia Dortmund, FC Barcelona, Manchester United, Real Madrid, Bayern München, và Schalke.[116][117][118][119] Vị trí của câu lạc bộ nằm liền kề với những khu vực có đông tầng lớp xã hội như Islington, Holloway, Highbury và khu Camden tại Luân Đôn, có những khu vực có đông người lao động như Finsbury Park hay Stoke Newington. Điều đó cho thấy người hâm mộ Arsenal đến từ nhiều tầng lớp xã hội.

Cổ động viên Arsenal trên khán đài

Cũng như các câu lạc bộ bóng đá lớn khác tại nước Anh, Arsenal có một nhóm cổ động viên đã hợp tác chặt chẽ với Hiệp hội các cổ động viên độc lập Arsenal, nhưng đã lập ra một hội độc lập khác. Hiệp hội ủng hộ lòng tin Arsenal (viết tắt: AST[120]) luôn thúc đẩy sự tích cực tham gia ủng hộ câu lạc bộ từ người hâm mộ. Các cổ động viên của câu lạc bộ cũng đã cho xuất bản các tờ báo cổ động chẳng hạn như: The Gooner, Gunflash và loạt báo châm biếm Up The Arse!. Ngoài các bài hát về bóng đá Anh, các cổ động viên còn hát "One-Nil to the Arsenal" (theo giai điệu của bài hát "Go West"), "Boring, Boring Arsenal", bài hát này đã từng là một bài hát mang tính chê bai Arsenal từ cổ động viên, nhưng trớ trêu thay, về sau này các cổ động viên lại hát bài này khi đội nhà chơi tốt.[121]

Cũng có rất nhiều cổ động viên của Arsenal ngoài khu vực Luân Đôn. Kể từ khi truyền hình vệ tinh ra đời, các cổ động viên bóng đá đã không còn phụ thuộc nhiều về vị trí địa lý. Do đó, Arsenal cũng có một số lượng đáng kể cổ động viên ở ngoài Luân Đôn và khắp nơi trên thế giới. Thống kê vào năm 2007, số hội cổ động viên Arsenal như sau: 24% ở Anh, 37% ở Ireland, 49% ở nước ngoài và các khu vực khác đã liên kết với câu lạc bộ.[122] Một báo cáo năm 2005 của Granada Ventures, lúc đó họ đang sở hữu 9,9% cổ phần của đội bóng, ước tính Arsenal có khoảng 27 triệu người hâm mộ trên thế giới.[123] Mùa giải 2014–15, hoạt động quảng bá hình ảnh của câu lạc bộ đến với công chúng được đánh giá là lớn thứ 5 trên thế giới.[124]

Arsenal có lịch sử đối đầu và cũng là đại kình địch đối với đội bóng hàng xóm Tottenham Hotspur, trận đấu giữa hai đội được xem là trận Derby phía Bắc Luân Đôn. Những đội bóng kình địch khác từ Luân ĐônChelsea, FulhamWest Ham. Ngoài ra, Arsenal cũng có những cuộc đối đầu khốc liệt với Manchester United kể từ thập niên 1980, và mạnh mẽ nhất là trong những năm gần đây khi Manchester United và Arsenal đều cạnh tranh cho chức vô địch Ngoại hạng Anh[125]. Trong một cuộc thăm dò trực tuyến năm 2003, Manchester United là đối thủ lớn nhất của Arsenal, tiếp đến là Tottenham và Chelsea.[126] Một cuộc thăm dò năm 2008 cho thấy Tottenham mới là đối thủ lớn nhất.[127][128][129]

Chủ sở hữu và cơ cấu tài chính

Doanh nghiệp chủ sở hữu của đội bóng, Arsenal Holdings plc, hoạt động như một công ty đại chúng trách nhiệm hữu hạn chưa được niêm yết rộng rãi, do đó mà có quyền sở hữu khác nhau lớn so với các câu lạc bộ bóng đá khác. Chỉ có 62.217 cổ phần của Arsenal được phát hành;[130][131] họ không được tham gia giao dịch trong các trao đổi công cộng chẳng hạn như Thị trường Tập đoàn FTSE hoặc Thị trường Đầu tư Lựa chọn Luân Đôn[nb 3]; và họ tương đối ít khi tham gia giao dịch tại hệ thống sàn chứng khoán ICAP và Thị trường Trao đổi Chứng khoán Phái sinh, một thị trường chuyên biệt. Ngày 6 tháng 11 năm 2014, một cổ phần đơn của Arsenal có giá trung bình ở vào khoảng 14.500 Bảng; và giá trị vốn hóa thị trường của câu lạc bộ là vào khoảng 902,2 triệu Bảng.[133] Câu lạc bộ có lợi nhuận kinh doanh trước thuế (không tính đến việc chuyển nhượng cầu thủ) là 62,7 triệu Bảng tính đến hết ngày 31 tháng 5 năm 2009, trong khoản doanh thu 313,3 triệu Bảng.[134]

Cổ đông lớn nhất của Arsenal là một ông bầu thể thao Hoa Kỳ, Stan Kroenke, người đã khởi đầu cho việc đấu thầu câu lạc bộ trong năm 2007,[135] và trong năm 2009 đã nắm giữ 18.594 cổ phần câu lạc bộ (chiếm 29,9%).[136]

Đối thủ cùng tham gia đấu thầu với Kroenke là một người đến từ hệ thống sàn chứng khoán Red & White; một hệ thống do tỷ phú người Nga Alisher Usmanov và một chuyên gia tài chính người Iran tại Luân Đôn, Farhad Moshiri làm đồng chủ sở hữu. Năm 2016, Usmanov đã mua cổ phần của Moshiri.[137][138] Red & White đã bắt đầu tham gia đấu thầu vào tháng 8 năm 2007, được mua cổ phần từ số cổ phần mà cựu phó chủ tịch Arsenal David Dein nắm giữ, và tính đến tháng 10 năm 2013 thì họ sở hữu 18.671 cổ phần của câu lạc bộ (chiếm 30% tổng số).[139] Điều này đã kích hoạt một sự đầu cơ tích trữ trong một cuộc chiến giữa hai nhà thầu Kroenke và Usmanov.[137] Kroenke đồng ý không mua hơn 29,9% cổ phần của đội bóng cho đến ít nhất là tháng 9 năm 2009,[140] trong khi phần dự trữ còn lại từ ban quản trị đội bóng được chào giá lần đầu trên các cổ phần khác cho đến tháng 10 năm 2012.[141]

Đến tháng 10 năm 2011, Kroenke sở hữu 41.574 cổ phần (chiếm 66,82%) và hệ thống sàn chứng khoán Red & White nắm giữ 18.261 cổ phần (chiếm 29,35%).[142] Những đơn vị dưới công ty luật Kroenke, cổ đông lớn nhất của câu lạc bộ, đều phải thực hiện các nghĩa vụ đặt ra lời đề nghị về các cổ phần còn lại trong câu lạc bộ.

Ivan Gazidis trở thành Giám đốc điều hành của câu lạc bộ kể từ năm 2009.[143] Mùa giải 2014–15, Arsenal thu về khoản lợi nhuận 344,5 triệu Bảng, với lợi nhuận trước thuế 24,7 triệu Bảng.[144] Trong đó các doanh nghiệp đã đổ vào đội bóng 329,3 triệu Bảng. Tờ Deloitte Football Money League là đối tác của đội bóng, tổng hợp doanh thu đội bóng. Ấn phẩm này tổng hợp doanh thu 331,3 triệu Bảng và đứng thứ 7 trên thế giới.[124] Arsenal và Deloitte đã tổng hợp doanh thu từ các trận đấu trên sân Emirates là 100,4 triệu Bảng.

Trong văn hóa đại chúng

Arsenal được biết đến trong các phương tiện thông tin và truyền thông đầu tiên. Ngày 22 tháng 1 năm 1927, trận đấu trên sân vận động Highbury với đội Sheffield United là trận đấu bóng đá Anh đầu tiên được phát thanh trực tiếp trên vô tuyến truyền thanh.[145][146] Một thập kỷ sau, ngày 16 tháng 9 năm 1937, trận đấu giữa đội một của Arsenal và đội dự bị của Arsenal đã trở thành trận bóng đá đầu tiên trên thế giới được truyền hình trực tiếp.[145][147] Arsenal cũng xuất hiện trong lần đầu tiên lên sóng của chương trình Match of the Day của kênh BBC, khi chương trình đã chiếu những nét nổi bật của trận gặp Liverpool tại Anfield vào ngày 22 tháng 8 năm 1964.[145][148] Trận đấu giữa Arsenal và Manchester United được phát sóng trên kênh truyền hình trả tiền BSkyB vào tháng 1 năm 2010 là lần đầu tiên phát sóng công khai một sự kiện thể thao dưới dạng truyền hình 3D.[145][149]

Là một trong những câu lạc bộ bóng đá thành công nhất ở nước Anh, Arsenal thường có những nét đặc biệt khi bóng đá được miêu tả trong nền mỹ thuật nước Anh. Họ đã hình thành nên nền tảng của một trong những bộ phim sớm nhất về bóng đá, "Bí ẩn sân vận động Arsenal"[nb 4] (1939).[150] Bộ phim nói về một trận đấu giao hữu giữa Arsenal với một đội bóng nghiệp dư, mà một trong các cầu thủ của họ bị ngộ độc khi tham dự trận đấu. Nhiều cầu thủ Arsenal xuất hiện trong bộ mặt của chính họ và huấn luyện viên George Allison đã có một phần phát biểu.[151] Gần đây, cuốn sách Fever Pitch được viết bởi Nick Hornby là một cuốn tự truyện viết về cuộc sống của Hornby và mối liên hệ với bóng đá và Arsenal nói riêng. Được xuất bản vào năm 1992, cuốn sách đã ra đời trong bối cảnh mà bóng đá đang dần phục hưng và xây dựng lại vị thế[nb 5] trong xã hội Anh vào những năm đầu thập niên 1990.[154] Cuốn sách này đã hai lần được chuyển thể thành phim. Năm 1997, một bộ phim nói về mùa giải 1988–89 mà Arsenal vô địch quốc gia;[155] và một bộ phim ở Hoa Kỳ vào năm 2005 với một cổ động viên của đội bóng chày Boston Red Sox.[156]

Arsenal thường có một lối chơi phòng thủ có những nét ấn tượng, nhưng có khía cạnh "nhàm chán", đặc biệt là vào những năm 1970 và 1980.[121][157] Có nhiều diễn viên hài, chẳng hạn như Eric Morecambe, đã gây cười với các thông tin về kinh phí của câu lạc bộ. Chủ đề này đã được nhắc lại trong một bộ phim của năm 1997, The Full Monty, trong cảnh mà diễn viên chính di chuyển dọc đường biên và giơ tay, cố ý bắt chước trọng tài căng cờ báo bẫy việt vị do hàng phòng ngự Arsenal tạo ra; trong nỗ lực để diễn cho giống với những gì mà Arsenal đã thường làm.[151] Trong một bộ phim tài liệu khác, chiến thuật phòng thủ của câu lạc bộ được nhắc đến trong bộ phim Plunkett & Macleane, trong đó có hai nhân vật có tên Dixon và Winterburn, tên của hai hậu vệ quan trọng một thời của câu lạc bộ, Lee Dixon và Nigel Winterburn.[151]

Một chương trình hài kịch truyền hình ngắn năm 1991 đã mô tả lại những nét nổi bật từ bản phác họa lại với nhân vật Mr Cholmondly-Warner và Grayson nói về trụ sở của Arsenal năm 1933. Họ đã phóng đại những nét giống của các cầu thủ nghiệp dư của Liverpool vào năm 1991 (mặc dù chỉ là bản hư cấu lại).[158]

Trong cộng đồng

Năm 1985, Arsenal thành lập một tổ chức cộng đồng mang tên "Arsenal in the Community" (tiếng Việt: Arsenal với cộng đồng), trong đó họ tổ chức các dự án thể thao, hòa nhập xã hội, phát triển giáo dục và từ thiện. Câu lạc bộ còn trực tiếp tham gia vào một số hoạt động từ thiện khác, và đến năm 1992 thành lập "The Arsenal Charitable Trust" (tiếng Việt: Quỹ Từ thiện Arsenal). Năm 2006, tổ chức này đã quyên góp được hơn 2 triệu Bảng cho quỹ từ thiện địa phương.[159] Các cựu cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp đã từng thi đấu cho câu lạc bộ cũng gây quỹ bằng cách tham dự các trận đấu từ thiện.[160] Mùa giải 2009–10, Arsenal thông báo đã gây quỹ với số tiền kỷ lục 818.897 Bảng cho tổ chức từ thiện dành cho trẻ em ở bệnh viện Great Ormond Street. Mức quỹ dự tính trước đó là 500 nghìn Bảng.[161]

Save The Children trở thành đối tác từ thiện toàn cầu của Arsenal từ năm 2011 và hai bên đã cùng nhau thực hiện nhiều dự án nhằm cải thiện an sinh và phúc lợi cho trẻ em bị tổn thương ở Luân Đôn và ngoài lãnh thổ nước Anh. Vào ngày 13 tháng 9 năm 2016, "The Arsenal Foundation" (tiếng Việt: Quỹ Arsenal) đã quyên góp 1 triệu Bảng, thu được từ trận đấu từ thiện với Milan Glorie trên sân vận động Emirates để xây dựng sân bóng cho trẻ em ở Luân Đôn, Indonesia, Iraq, Jordan và Somalia.[162] Vào ngày 3 tháng 6 năm 2018, Arsenal sẽ có trận đấu với Real Madrid trong khuôn khổ 2018 Corazon Classic Match tại sân vận động Bernabeu, trong đó số tiền thu được từ trận đấu sẽ được sử dụng trong các dự án quyên trợ các trẻ em bị tổn thương do quỹ Real Madrid thực hiện. Hai đội gặp nhau trong trận lượt về trên sân vận động Emirates ngày 8 tháng 9 năm 2018, trong đó số tiền thu được sẽ được chuyển vào quỹ Arsenal.[163]

Thống kê và kỷ lục

Thierry Henry là cầu thủ ghi bàn nhiều nhất của Arsenal, với 228 bàn thắng trong các giải đấu

Arsenal giành tổng cộng 13 chức vô địch quốc gia, đứng thứ ba chỉ sau Manchester United (với 20 chức vô địch) và Liverpool (18 chức vô địch).[164] Họ là đội bóng giành được nhiều chiếc Cúp FA nhất trong lịch sử với 13 chiếc trong phòng truyền thống.[165][166] Arsenal đã từng đoạt được ba cú đúp danh hiệu vô địch quốc gia và FA Cup (vào các năm 1971, 1998, 2002), thành tích này ngang bằng với Manchester United (vào các năm 1994, 1996, 1999),[29][167] và họ cũng là đội bóng đầu tiên giành được cú đúp Cúp FA và Cúp Liên đoàn Anh (vào năm 1993).[168] Arsenal cũng là câu lạc bộ Luân Đôn đầu tiên lọt đến một trận chung kết Champions League, vào năm 2006, lúc đó họ thua 1–2 trước Barcelona.[169]

Arsenal là một trong những câu lạc bộ có một vị trí tốt nhất ở giải vô địch quốc gia trong lịch sử, với việc chỉ 7 lần kết thúc mùa giải ở vị trí từ 15 trở xuống. Họ là đội bóng có thứ hạng trung bình sau khi kết thúc mùa giải cao nhất thế kỷ XX, với thứ hạng trung bình là 8,5.[170] Ngoài ra, họ là một trong sáu câu lạc bộ đoạt Cúp FA 2 lần liên tiếp, vào các năm 2002 và 2003; 2014 và 2015.[171] Arsenal cũng giữ kỷ lục về số trận bất bại dài nhất trong khuôn khổ Giải bóng đá Ngoại hạng Anh với 49 trận, và là đội bóng duy nhất cho đến nay có một mùa giải bất bại ở giải đấu này (mùa giải 2003-04).[172]

David O'Leary hiện đang nắm giữ kỷ lục số trận ra sân nhiều nhất cho Arsenal, với 722 trận đấu trong những năm 1975-1993. Người đồng đội, trung vệ và cũng là cựu đội trưởng của Arsenal, Tony Adams đứng thứ hai, với 669 lần ra sân. Thủ môn ra sân nhiều nhất cho Arsenal là David Seaman, với 564 lần.[173]

Thierry Henry là cầu thủ ghi bàn nhiều nhất cho câu lạc bộ, với 228 bàn thắng từ năm 1999 đến 2007 và đầu năm 2012,[174] vượt qua kỷ lục của Ian Wright với 185 bàn thắng lập được vào tháng 10 năm 2005.[175] Kỷ lục của Wright đứng vững từ tháng 9 năm 1997 khi cầu thủ này vượt qua mốc 178 bàn của cầu thủ chạy cánh Cliff Bastin lập được vào năm 1939.[176] Henry cũng là cầu thủ ghi bàn nhiều nhất tại giải vô địch quốc gia cho câu lạc bộ với 175 bàn,[174] một kỷ lục mà Bastin đã lập và đứng vững tới tháng 2 năm 2006.[177]

Kỷ lục về số cổ động viên dự một trận đấu trên sân nhà của Arsenal là 73.707 khán giả, trong trận cúp C1 châu Âu với RC Lens vào ngày 25 tháng 11 năm 1998, trên sân vận động Wembley, nơi mà trước đây đội bóng chơi các trận đấu tại cúp châu Âu vì những vướng mắc về sân vận động Highbury. Kỷ lục về số cổ động viên dự một trận đấu tại Highbury là 73.295 người, trong trận hòa 0–0 với Sunderland ngày 9 tháng 3 năm 1935.[173] Còn đối với kỷ lục về số cổ động viên trên sân Emirates thì con số là 60.161 người, trong trận hòa 2–2 với Manchester United vào ngày 3 tháng 11 năm 2007.[178]

Arsenal cũng đã làm nên kỷ lục của bóng đá Anh, khi trở thành đội bóng có nhiều mùa giải nhất tại giải vô địch quốc gia trong lịch sử (88 mùa giải tính đến 2014–15) và có chuỗi trận bất bại dài nhất tại giải vô địch quốc gia (với 49 trận từ ngày 7 tháng 5 năm 2003 đến 24 tháng 10 năm 2004).[43] Chuỗi trận bất bại này bao gồm cả 38 trận đấu của mùa giải 2003–04, giúp Arsenal trở thành đội bóng thứ hai sau Preston North End (cách mùa giải đó 115 năm) có một mùa giải bất bại.[41]

Arsenal cũng đã lập kỷ lục giữ sạch lưới tại cúp C1 châu Âu 2005–06 với 10 trận không để đối phương chọc thủng lưới. Họ đã có tổng cộng 995 phút không để thủng lưới, và kết thúc bởi bàn thắng của cầu thủ Barcelona, Samuel Eto'o ở phút thứ 76 trong trận chung kết.[45]

Cầu thủ

Đội hình chính

Tính đến ngày 31 tháng 8 năm 2024[179][180][181]

Ghi chú: Quốc kỳ chỉ đội tuyển quốc gia được xác định rõ trong điều lệ tư cách FIFA. Các cầu thủ có thể giữ hơn một quốc tịch ngoài FIFA.

Số VT Quốc gia Cầu thủ
2 HV Pháp William Saliba
3 HV Scotland Kieran Tierney
4 HV Anh Ben White
5 TV Ghana Thomas Partey
6 HV Brasil Gabriel Magalhães
7 Anh Bukayo Saka
8 TV Na Uy Martin Ødegaard (đội trưởng)
9 Brasil Gabriel Jesus
11 Brasil Gabriel Martinelli
12 HV Hà Lan Jurriën Timber
15 HV Ba Lan Jakub Kiwior
Số VT Quốc gia Cầu thủ
17 HV Ukraina Oleksandr Zinchenko
18 HV Nhật Bản Takehiro Tomiyasu
19 Bỉ Leandro Trossard
20 TV Ý Jorginho
22 TM Tây Ban Nha David Raya
23 TV Tây Ban Nha Mikel Merino
29 TV Đức Kai Havertz
30 Anh Raheem Sterling (cho mượn từ Chelsea)
32 TM Brasil Neto (cho mượn từ Bournemouth)
33 HV Ý Riccardo Calafiori
41 TV Anh Declan Rice

Cho mượn

Ghi chú: Quốc kỳ chỉ đội tuyển quốc gia được xác định rõ trong điều lệ tư cách FIFA. Các cầu thủ có thể giữ hơn một quốc tịch ngoài FIFA.

Số VT Quốc gia Cầu thủ
21 TV Bồ Đào Nha Fábio Vieira (tại Porto đến 30 tháng 6 năm 2025)[182]
24 Anh Reiss Nelson (tại Fulham đến 30 tháng 6 năm 2025)[183]
27 Brasil Marquinhos (tại Fluminense đến 1 tháng 1 năm 2025)[184]
Số VT Quốc gia Cầu thủ
31 TM Estonia Karl Hein (tại Real Valladolid đến 30 tháng 6 năm 2025)[185]
HV Bồ Đào Nha Nuno Tavares (tại Lazio đến 30 tháng 6 năm 2025)[186]
TV Bỉ Albert Sambi Lokonga (tại Sevilla đến 30 tháng 6 năm 2025)[187]

Đội dự bị

Ghi chú: Quốc kỳ chỉ đội tuyển quốc gia được xác định rõ trong điều lệ tư cách FIFA. Các cầu thủ có thể giữ hơn một quốc tịch ngoài FIFA.

Số VT Quốc gia Cầu thủ
37 HV Anh Ryan Alebiosu
39 TV Anh Miguel Azeez
42 Anh Nathan Butler-Oyedeji
47 Anh Khayon Edwards
45 Anh Amario Cozier-Duberry
54 TM Anh James Hillson
Số VT Quốc gia Cầu thủ
55 TV Anh Bradley Ibrahim
63 TV Anh Ethan Nwaneri
65 TV Hà Lan Salah-Eddine Oulad M'Hand
72 HV Anh Lino Sousa
76 HV Anh Reuell Walters

Cầu thủ xuất sắc nhất năm

Tính từ năm 2006 đến nay.[188]

Năm Người nhận giải
2006 Pháp Thierry Henry
2007 Tây Ban Nha Cesc Fàbregas
2008 Tây Ban Nha Cesc Fàbregas
2009 Hà Lan Robin van Persie
2010 Tây Ban Nha Cesc Fàbregas
2011 Anh Jack Wilshere
2012 Hà Lan Robin van Persie
2013 Tây Ban Nha Santi Cazorla
2014 Wales Aaron Ramsey
2015 Chile Alexis Sánchez
2016 Đức Mesut Ozil
2017 Chile Alexis Sánchez
2018 Wales Aaron Ramsey
2019 Pháp Alexandre Lacazette
2020 Gabon Pierre-Emerick Aubameyang
2021 Anh Bukayo Saka
2022 Anh Bukayo Saka
2023 Na Uy Martin Ødegaard

Đội ngũ kỹ thuật

Ban lãnh đạo

Tính đến tháng 11 năm 2020.[189]
Vị trí Người phụ trách
Giám đốc Anh Lord Harris of Peckham
Giám đốc Hoa Kỳ Stan Kroenke
Giám đốc Hoa Kỳ Josh Kroenke
Giám đốc Anh Tim Lewis
Giám đốc điều hành Anh Vinai Venkatesham
Giám đốc kỹ thuật Brasil Edu Gaspar

Ban huấn luyện

Tính đến tháng 8 năm 2020.[189]
Vị trí Người phụ trách
HLV trưởng Tây Ban Nha Mikel Arteta
Trợ lý HLV Hà Lan Albert Stuivenberg
Trợ lý HLV Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland Steve Round
Trợ lý HLV Tây Ban Nha Carlos Cuesta
Trợ lý HLV Thụy Điển Andreas Georgson
Trợ lý HLV Tây Ban Nha Miguel Molina
HLV thủ môn Tây Ban Nha Iñaki Caña Pavón
Bác sĩ Anh Gary O'Driscoll
Giám đốc học viện Đức Per Mertesacker
Huấn luyện viên U23 Anh Steve Bould
Huấn luyện viên U18 Anh Ken Gillard
Huấn luyện viên U16 Anh Trevor Bumstead

Huấn luyện viên trưởng

Có 20 huấn luyện viên chính thức và 6 huấn luyện viên tạm quyền trong lịch sử câu lạc bộ, kể từ khi họ bổ nhiệm Thomas Mitchell vào năm 1897.[190] Huấn luyện viên có nhiệm kỳ dài nhất và có nhiều trận đấu nhất cùng câu lạc bộ là Arsène Wenger; ông cũng là huấn luyện viên có quốc tịch không phải Vương quốc Anh đầu tiên trong lịch sử câu lạc bộ.[191][192] Hai vị chiến lược gia qua đời trong thời gian đương nhiệm là Herbert Chapman và Tom Whittaker.[193]

Các đời HLV trưởng của CLB

Danh hiệu

Quốc nội

  • Cúp Vô địch Quốc gia (bao gồm Giải Hạng nhất trước 1992 và Giải Ngoại hạng Anh từ 1992)[29][194][195][196]
    • Vô địch (13): 1930–31, 1932–33, 1933–34, 1934–35, 1937–38, 1947–48, 1952–53, 1970–71, 1988–89, 1990–91, 1997–98, 2001–02, 2003–04
  • Cúp FA[29][194][195][196]
    • Vô địch (14): 1929–30, 1935–36, 1949–50, 1970–71, 1978–79, 1992–93, 1997–98, 2001–02, 2002–03, 2004–05, 2013–14, 2014–15, 2016–17, 2019–20 (kỷ lục)
  • Cúp Liên đoàn Anh
    • Vô địch (2): 1986–87, 1992–93
  • Siêu cúp Anh[194][195][196][nb 6]
    • Vô địch (17): 1930, 1931, 1933, 1934, 1938, 1948, 1953, 1991 (chia sẻ danh hiệu), 1998, 1999, 2002, 2004, 2014, 2015, 2017, 2020, 2023
  • Cúp Liên đoàn Thế kỷ[198][199]
    • Vô địch (1): 1988–89 (kỷ lục)
  • Cúp giao hữu Luân Đôn[194][195][200][201][202]
    • Vô địch (10): 1921–22, 1923–24, 1930–31, 1933–34, 1935–36, 1953–54, 1957–58, 1961–62, 1962–63, 1969–70 (kỷ lục)
  • Giải bóng đá khu vực Luân Đôn[194][195][196][203][204][205]
    • Vô địch (4): 1931, 1933, 1965, 1966 (kỷ lục)
  • Giải bóng đá các câu lạc bộ phía Nam[206][207]
    • Vô địch (1): 1958–59
  • London Senior Cup[195][208][209]
    • Vô địch (1): 1890–91
  • Cúp bóng đá Luân Đôn[195][210]
    • Vô địch (1): 1890
  • Kent Senior Cup[195][211]
    • Vô địch (1): 1890
  • Premier League Asia Trophy
    • Vô địch (1): 2015

Châu Âu

Cú đúp

Arsenal đã giành được bốn cú đúp, bao gồm:

  • Cú đúp vô địch quốc gia và Cúp FA: 1970–71, 1997–98, 2001–02
  • Cú đúp vô địch Cúp FA và Cúp Liên đoàn Anh: 1992–93

Đội nữ Arsenal

Đội nữ Arsenal năm 2008

Đội nữ Arsenal là câu lạc bộ bóng đá nữ tại Anh liên kết với câu lạc bộ Arsenal. Được thành lập năm 1987 bởi Vic Akers, đội nữ Arsenal trở thành câu lạc bộ bán chuyên nghiệp vào năm 2002, hiện đang thi đấu dưới sự dẫn dắt của Joe Montemurro.[212]

Đội nữ Arsenal là đội bóng thành công nhất trong hệ thống bóng đá nữ của nước Anh. Mùa giải 2008–09, các cô gái Arsenal đã giành cú ăn ba danh hiệu ở nước Anh: FA Women's Premier League, FA Women's Cup và FA Women's Premier League Cup.[213] Họ là câu lạc bộ nữ duy nhất của nước Anh cho đến nay giành được UEFA Women's Champions League (mùa giải 2006–07).[214] Mặc dù đội bóng nam và đội bóng nữ Arsenal hoạt động độc lập với nhau nhưng cả hai vẫn có mối liên quan chặt chẽ. Đội nữ Arsenal được chơi bóng tại sân Emirates một lần mỗi mùa, còn lại họ chơi các trận sân nhà ở Boreham Wood.[215] Tính đến thời điểm hiện tại, đội nữ Arsenal đã giành 46 danh hiệu trong ba mươi năm lịch sử câu lạc bộ.

Xem thêm

Chú giải

  1. ^ Là một núm ở phần cuối của một khẩu pháo, được lắp vào nòng súng, được đi kèm để kiểm soát sự bắn của khẩu pháo.
  2. ^ Ngoại trừ hai trường hợp ở mùa bóng 1894-95.
  3. ^ Tiếng Anh là Alternative Investment Market; Viết tắt: AIM. Đây là một thị trường được thiết kế đặc trưng cho các công ty mới và đang phát triển tại Anh.[132]
  4. ^ "Sân vận động Arsenal" là một tên gọi khác để gọi sân vận động Highbury.
  5. ^ Các đội bóng Anh không được dự cúp châu Âu sau thảm họa ở sân vận động Heysel của nước Bỉ, thảm họa đã khiến cho 39 cổ động viên thiệt mạng trong trận chung kết cúp C1 giữa Liverpool và Juventus năm 1985.[152] 4 năm sau, vào năm 1989, thảm hoạ Hillsbrough làm 96 cổ động viên thiệt mạng và hơn 150 người khác bị thương tại trận bán kết cúp FA giữa LiverpoolNottingham Forest.[153] Chính vì thế mà bóng đá Anh vào cuối những năm 1980 bị suy yếu và xuống cấp rất trầm trọng, sau đó được phục hồi lại bắt đầu từ những năm 1990.
  6. ^ Bao gồm cả giai đoạn với cái tên FA Charity Shield (trước 2002) và FA Community Shield (từ 2002).[197]

Chú thích

  1. ^ “10/05/2017 -'Royal Arsenal' formed in Woolwich”. www.arsenal.com (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 2 tháng 11 năm 2018.
  2. ^ “Special trophy for Gunners”.
  3. ^ “Manchester United lead KPMG's football clubs' enterprise value ranking”. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 5 năm 2018. Truy cập ngày 24 tháng 5 năm 2018.
  4. ^ a b Soar, Phil; Tyler, Martin (2005). The Official Illustrated History of Arsenal. Hamlyn. tr. 23. ISBN 9780600613442 & Kiểm tra giá trị |isbn=: ký tự không hợp lệ (trợ giúp).
  5. ^ Kelly, Andy; Andrews, Mark (ngày 10 tháng 1 năm 2014). “How Arsenal's name changed – Dial Square”. The Arsenal History. Bản gốc lưu trữ 20 tháng 2 năm 2017. Truy cập 20 tháng 2 năm 2017.
  6. ^ Joy 2009, tr. 2
  7. ^ Kelly, Andy; Andrews, Mark (ngày 13 tháng 1 năm 2014). “How Arsenal's Name Changed – Royal Arsenal”. The Arsenal History. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 5 năm 2015. Truy cập 2-0 tháng 2 năm 2017. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |ngày truy cập= (trợ giúp)
  8. ^ Kelly, Andy (ngày 1 tháng 3 năm 2012). “122 years ago today – Arsenal's first Silverware « The History of Arsenal”. www.blog.woolwicharsenal.co.uk. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 3 năm 2016. Truy cập 20 tháng 2 năm 2017.
  9. ^ Kelly, Andy (ngày 7 tháng 3 năm 2012). “121 Years ago today – Royal Arsenal's last trophy « The History of Arsenal”. www.blog.woolwicharsenal.co.uk. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 6 năm 2016. Truy cập 20 tháng 2 năm 2017.
  10. ^ “Royal Arsenal becomes Woolwich Arsenal”. Andy Kelly's Arsenal Resource Website. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 3 năm 2012. Truy cập ngày 13 tháng 10 năm 2010.
  11. ^ Soar & Tyler (2005). The Official Illustrated History of Arsenal. tr. 32–33.
  12. ^ Soar & Tyler (2005). The Official Illustrated History of Arsenal. tr. 40.
  13. ^ Kelly, Andy; Andrews, Mark (ngày 30 tháng 1 năm 2014). “How Arsenal's Name Changed – Arsenal F.C.”. The Arsenal History. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 8 năm 2015. Truy cập ngày 12 tháng 6 năm 2016.
  14. ^ Attwood, Kelly & Andrews 2012, tr. 112. Woolwich Arsenal FC: 1893–1915 The club that changed football
  15. ^ a b c “A Conservation Plan for Highbury Stadium, London” (PDF). Islington Council. ngày 14 tháng 2 năm 2005. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 4 tháng 2 năm 2012. Truy cập ngày 4 tháng 2 năm 2012.
  16. ^ Soar & Tyler (2005). The Official Illustrated History of Arsenal. tr. 18.
  17. ^ “London Underground and Arsenal present The Final Salute to Highbury”. Transport for London. ngày 12 tháng 1 năm 2006. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 11 năm 2011. Truy cập ngày 23 tháng 8 năm 2015.
  18. ^ “Arsenal clinch a hat-trick of titles”. Arsenal F.C. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 1 năm 2010. Truy cập ngày 27 tháng 11 năm 2009.
  19. ^ Brown, Tony (2007). Champions all! (PDF). Nottingham: SoccerData. tr. 6–7. ISBN 1-ngày 94 tháng 2 năm 5891 Kiểm tra giá trị |isbn=: ký tự không hợp lệ (trợ giúp).
  20. ^ Soar & Tyler 2011, tr. 76.
  21. ^ Rippon, Anton (ngày 21 tháng 10 năm 2011). “Chapter Nine”. Gas Masks for Goal Posts: Football in Britain During the Second World War. The History Press. ISBN 978-0-7524-7188-4.
  22. ^ “Post-War Arsenal – Overview”. Arsenal F.C. Truy cập ngày 27 tháng 11 năm 2009.
  23. ^ Brown (2007). Champions all!. tr. 7.
  24. ^ 1970-71 in English football RSSSF.
  25. ^ 1971 - King George of Wembley BBC. Truy cập 18 tháng 8 năm 2015.
  26. ^ Galvin, Robert. “Bertie Mee”. Football Hall of Fame. National Football Museum. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 8 năm 2014. Truy cập 3 tháng 9 năm 2015.
  27. ^ “1972 FA Cup Final”. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 10 năm 2007. Truy cập ngày 26 tháng 10 năm 2007.
  28. ^ 1972-73 in English Football RSSSF.
  29. ^ a b c d e f g “Arsenal”. Football Club History Database. Richard Rundle. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 11 năm 2009. Truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2009.
  30. ^ Hai trận chung kết 2005 và 1979 có các đội tham dự như nhau. CT:Winter, Henry (ngày 19 tháng 4 năm 2005). “Classic final? More like a classic five phút”. Daily Telegraph. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2008.
  31. ^ Clarke, Andy (ngày 26 tháng 3 năm 2009). “Top Ten: Title Run-ins”. Sky Sports. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 3 năm 2017. Truy cập ngày 7 tháng 12 năm 2009.
  32. ^ Bower, Tom (2003). Broken Dreams. Simon & Schuster. ISBN 978-0-7434-4033-2.
  33. ^ Collins, Roy (ngày 18 tháng 3 năm 2000). “Rune Hauge, international man of mystery”. The Guardian. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2008.
  34. ^ Moore, Glenn (ngày 13 tháng 8 năm 1996). “Rioch at odds with the system”. The Independent. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 1 năm 2012. Truy cập ngày 31 tháng 8 năm 2015.
  35. ^ “Angry Wenger denies rumours”. Evening Standard. London. ngày 7 tháng 11 năm 1996. tr. 71.
  36. ^ “1997/98”. www.arsenal.com (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 2 tháng 3 năm 2022.
  37. ^ “2001/02”. www.arsenal.com (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 2 tháng 3 năm 2022.
  38. ^ Sharpe, James (18 tháng 4 năm 2021). “Francis Benali opens up on the pain of losing the 2003 FA Cup final”. Mail Online. Truy cập ngày 2 tháng 3 năm 2022.
  39. ^ McNicholas, James. “Remembering Arsenal's 2005 FA Cup Final Win”. Bleacher Report (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 2 tháng 3 năm 2022.
  40. ^ “Ngày này năm xưa: Arsenal hoàn tất mùa giải bất bại lịch sử”. VOV.VN. Truy cập ngày 2 tháng 3 năm 2022.
  41. ^ a b Hughes, Ian (ngày 15 tháng 5 năm 2004). “Arsenal the Invincibles”. BBC Sport. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2008.
  42. ^ Rooney lại mang nỗi buồn đến với Arsenal VnExpress Truy cạp 22 tháng 8 năm 2015.
  43. ^ a b Fraser, Andrew (ngày 25 tháng 10 năm 2004). “Arsenal run ends at 49”. BBC Sport. Truy cập ngày 27 tháng 8 năm 2008.
  44. ^ Ross, James M. “FA Premier League Champions 1993–2007”. Rec.Sport.Soccer Statistics Foundation. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 9 năm 2008. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2008.
  45. ^ a b “2005/06: Ronaldinho delivers for Barça”. UEFA. ngày 17 tháng 5 năm 2007. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 9 năm 2008. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2008.
  46. ^ Quang Dũng (13 tháng 5 năm 2015). "Tám lần Barca vào chung kết Champions League" VnExpress. Truy cập 26 tháng 8 năm 2015.
  47. ^ Aizlewood, John (ngày 23 tháng 7 năm 2006). “Farewell Bergkamp, hello future”. The Times. UK. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 4 năm 2020. Truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2009.
  48. ^ Chelsea vô địch Carling Cup 2007 Báo Tiền phong. Truy cập 26 tháng 8 năm 2015.
  49. ^ "Thua sốc Birmingham, Arsenal nối dài 6 năm tay trắng" Công ty Truyền hình kỹ thuật số VTC (Việt Nam). Truy cập 18 tháng 8 năm 2015.
  50. ^ Hải Đăng (28 tháng 2 năm 2011). "Thua phút cuối, Arsenal nối dài "cơn khát" danh hiệu" Báo Dân Trí. Truy cập 26 tháng 8 năm 2015.
  51. ^ Hytner, David (18 tháng 5 năm 2014). “Arséne Wenger savours FA Cup win over Hull as Arsenal end drought”. The Guardian. UK. Truy cập 18 tháng 8 năm 2015.
  52. ^ VTV, BAO DIEN TU (17 tháng 5 năm 2014). “Arsenal 3-2 Hull City: Ngược dòng ngoạn mục, Pháo thủ giải cơn khát danh hiệu kéo dài 9 năm”. BAO DIEN TU VTV. Truy cập ngày 2 tháng 3 năm 2022.
  53. ^ Ronay, Barney (10 tháng 8 năm 2014). “Arsenal cruise to Community Shield win over weakened Manchester City”. The Guardian. UK. Truy cập 18 tháng 8 năm 2015.
  54. ^ Taylor, Daniel (ngày 30 tháng 5 năm 2015). “Alexis Sánchez inspires Arsenal to win over Aston Villa”. The Guardian. UK. Truy cập 18 tháng 8 năm 2015.
  55. ^ Cryer, Andy (ngày 2 tháng 8 năm 2015). “Arsenal 1-0 Chelsea”. BBC. UK. Truy cập 18 tháng 8 năm 2015.
  56. ^ Arsenal 1-0 Chelsea: Wenger giải lời nguyền Mourinho VnExpress - Tin nhanh Việt Nam. Truy cập 15 tháng 8 năm 2015.
  57. ^ “Arsenal vươn lên vị trí á quân khi Tottenham đại bại”. Báo điện tử VnExpress. Truy cập ngày 2 tháng 3 năm 2022.
  58. ^ “Arsenal nhận quà an ủi bằng chức vô địch Cúp FA”. Báo Thanh Niên. 28 tháng 5 năm 2017. Truy cập ngày 2 tháng 3 năm 2022.
  59. ^ McNulty, Phil. “Arsenal beat 10-man Chelsea to a win record 13th FA Cup”. BBC.com/football. BBC. Truy cập ngày 27 tháng 5 năm 2017.
  60. ^ “Merci Arsène”. Arsenal F.C. Truy cập ngày 20 tháng 4 năm 2018.
  61. ^ News, V. T. C. (20 tháng 4 năm 2018). “Arsene Wenger chia tay Arsenal: Tạm biệt biểu tượng bất tử”. Báo điện tử VTC News. Truy cập ngày 2 tháng 3 năm 2022.
  62. ^ “Emotional' Wilson on 'great' Wenger”.
  63. ^ “Arsenal đại thắng trong trận cuối của Arsene Wenger ở Emirates”. Báo điện tử VnExpress. Truy cập ngày 2 tháng 3 năm 2022.
  64. ^ “Arsene Wenger cúi đầu cảm ơn CĐV ở trận đấu cuối cùng với Arsenal”. thethaovanhoa.vn. 14 tháng 5 năm 2018. Truy cập ngày 2 tháng 3 năm 2022.
  65. ^ “Unai Emery announced as new Arsenal head coach”. Sky Sports. Truy cập ngày 25 tháng 5 năm 2018.
  66. ^ “Welcome Unai | News | Arsenal.com”.
  67. ^ “14/07/2018 - Boreham Wood - Friendly Match - First Team - A”. www.arsenal.com (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 18 tháng 7 năm 2018.
  68. ^ “Thắng '3 sao', Arsenal vẫn hụt top 4 Ngoại hạng Anh”. VietNamNet. Truy cập 15 tháng 7 năm 2023.
  69. ^ “Đè bẹp Arsenal, Chelsea vô địch Europa League 2018-2019”. Tuổi Trẻ Online. 30 tháng 5 năm 2019. Truy cập ngày 2 tháng 3 năm 2022.
  70. ^ “Unai Emery leaves club”. Arsenal. ngày 29 tháng 11 năm 2019. Truy cập ngày 29 tháng 11 năm 2019.
  71. ^ Sport, Telegraph (ngày 17 tháng 6 năm 2019). “Freddie Ljungberg replaces Steve Bould as Unai Emery's assistant as Arsenal shake up coaching staff”. The Telegraph (bằng tiếng Anh). ISSN 0307-1235. Truy cập ngày 30 tháng 11 năm 2019.
  72. ^ “Arsenal sack Emery after worst run in 27 years”. ESPN.com (bằng tiếng Anh). ngày 29 tháng 11 năm 2019. Truy cập ngày 29 tháng 11 năm 2019.
  73. ^ “Mikel Arteta joining as our new head coach”. Arsenal. ngày 20 tháng 12 năm 2019. Truy cập ngày 20 tháng 12 năm 2019.
  74. ^ “Mikel Arteta asks for Arsenal patience but aims for 'top trophies' as manager”. The Guardian. ngày 20 tháng 12 năm 2019. Truy cập ngày 20 tháng 12 năm 2019.
  75. ^ “Thắng ngược Chelsea, Arsenal vô địch Cúp FA 2020”. Tuổi Trẻ Online. 2 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 2 tháng 3 năm 2022.
  76. ^ “Arsenal change Arteta role as part of restructure”. ESPN.com (bằng tiếng Anh). 10 tháng 9 năm 2020. Truy cập ngày 2 tháng 3 năm 2022.
  77. ^ “Hạ Liverpool sau loạt 'đấu súng', Arsenal đoạt Siêu cúp Anh 2020”. Tuổi Trẻ Online. 30 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 2 tháng 3 năm 2022.
  78. ^ “Arsenal fails to qualify for Europe for 1st time in 25 years”. The Indian Express (bằng tiếng Anh). 24 tháng 5 năm 2021. Truy cập ngày 2 tháng 3 năm 2022.
  79. ^ a b “The Crest”. Arsenal F.C. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 8 năm 2008. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2008.
  80. ^ Free, Dominic (ngày 4 tháng 6 năm 2003). Arsenal v. Reed in the Court of Appeal”. Michael Simkins LLP. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 5 năm 2006. Truy cập 23 tháng 8 năm 2015.
  81. ^ “Arsenal go for a makeover”. BBC Sport. ngày 1 tháng 2 năm 2004. Truy cập 18 tháng 8 năm 2015.
  82. ^ “Crestfallen” (PDF). Arsenal Independent Supporters' Association. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 8 tháng 11 năm 2006. Truy cập 19 tháng 8 năm 2015.
  83. ^ a b “The Arsenal shirt badge”. Arsenal F.C. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 10 năm 2009. Truy cập 28 tháng 5 năm 2016.
  84. ^ “The Art Deco crest”. Arsenal F.C. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 10 năm 2009. Truy cập 28 tháng 5 năm 2016.
  85. ^ “125th anniversary crest”. Arsenal F.C. Truy cập 19 tháng 8 năm 2015.
  86. ^ “The Arsenal home kit”. Truy cập 19 tháng 8 năm 2015.
  87. ^ a b c “Arsenal”. Historical Football Kits. D & M Moor. Truy cập 19 tháng 8 năm 2015.
  88. ^ a b c “Arsenal Kit Design”. Arsenal F.C. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 10 năm 2008. Truy cập 19 tháng 8 năm 2015.
  89. ^ “Hibernian”. Historical Football Kits. D & M Moor. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 8 năm 2008. Truy cập 19 tháng 8 năm 2015.
  90. ^ Rui Matos Pereira (ngày 21 tháng 10 năm 2005). “Secret of Braga's success”. UEFA. Truy cập 19 tháng 8 năm 2015.
  91. ^ “FA Cup Finals”. Historical Football Kits. Truy cập 19 tháng 8 năm 2015.
  92. ^ “Arsenal Change Kits”. Historical Football Kits. D & M Moor. Truy cập 19 tháng 8 năm 2015.
  93. ^ “Club Charter”. Arsenal F.C. Truy cập 19 tháng 8 năm 2015.
  94. ^ “Puma to release three new shirts every season”. The Independent. Truy cập ngày 26 tháng 4 năm 2017.
  95. ^ “Arsenal”. Historical Football Kits. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 5 năm 2019. Truy cập ngày 27 tháng 1 năm 2022.
  96. ^ “Emirates and Arsenal Renew Sponsorship Deal”. www.emirates.com. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 7 năm 2021. Truy cập ngày 24 tháng 2 năm 2019.
  97. ^ “Arsenal partner with 'Visit Rwanda'. Arsenal FC. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 23 tháng 5 năm 2018.
  98. ^ “Adidas and Arsenal launch new home kit”. Arsenal FC. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 7 năm 2019. Truy cập ngày 1 tháng 7 năm 2019.
  99. ^ Inglis, Simon (1996) [1985]. Football Grounds of Britain (ấn bản thứ 3). London: CollinsWillow. tr. 16–17. ISBN 0-00-218426-5.
  100. ^ “Suspension of the Plumstead Ground”. The Times. ngày 7 tháng 2 năm 1895. tr. 6.
  101. ^ “A Conservation Plan for Highbury Stadium, London” (PDF). Islington Council. Tháng 2 năm 2005. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 10 tháng 9 năm 2008. Truy cập 20 tháng 8 năm 2015.
  102. ^ “Highbury”. Arsenal F.C. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 1 năm 2008. Truy cập ngày 20 tháng 8 năm 2015.
  103. ^ “Arsenal get Wembley go-ahead”. BBC Sport. ngày 24 tháng 7 năm 1998. Truy cập 20 tháng 8 năm 2015.
  104. ^ Garner, Clare (ngày 18 tháng 8 năm 1997). “Arsenal consider leaving hallowed marble halls”. The Independent. London. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 8 năm 2009. Truy cập 20 tháng 8 năm 2015.
  105. ^ “Arsenal unveil new stadium plans”. BBC Sport. ngày 7 tháng 11 năm 2000. Truy cập 20 tháng 8 năm 2015.
  106. ^ “Arsenal stadium delay”. BBC Sport. ngày 16 tháng 4 năm 2003. Truy cập 20 tháng 8 năm 2015.
  107. ^ “Bergkamp given rousing farewell”. BBC Sport. ngày 22 tháng 7 năm 2006. Truy cập 20 tháng 8 năm 2015.
  108. ^ “Arsenal name new ground”. BBC Sport. ngày 5 tháng 10 năm 2004. Truy cập 20 tháng 8 năm 2015.
  109. ^ Dawes, Brian (2006). “The 'E' Word”. Arsenal World. Footymad. Truy cập 20 tháng 8 năm 2015.
  110. ^ Riach, James (ngày 23 tháng 11 năm 2012). “Arsenal's new Emirates sponsorship deal to fund transfers and salaries”. The Guardian. London. Truy cập 20 tháng 8 năm 2015.
  111. ^ Emirates Stadium stands to be renamed Arsenal FC, ngày 19/7/2010, truy cập 20 tháng 8 năm 2015.
  112. ^ “The Training Centre”. Arsenal F.C. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 8 năm 2008. Truy cập 20 tháng 8 năm 2015.
  113. ^ “Youth sides to play at Meadow Park”. ngày 30 tháng 7 năm 2013. Truy cập 20 tháng 8 năm 2015.
  114. ^ Kempster, Tony. “Attendances 2007/08”. Truy cập 20 tháng 8 năm 2015.
  115. ^ “All Time League Attendance Records”. NUFC.com. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 10 năm 2007. Truy cập 20 tháng 8 năm 2015.
  116. ^ “German Bundesliga Stats: Team Attendance – 2010–11”. ESPNsoccernet. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 10 năm 2012. Truy cập 20 tháng 8 năm 2015.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  117. ^ “Camp Nou: Average attendance 79,390 | FCBarcelona.cat”. Arxiu.fcbarcelona.cat. ngày 17 tháng 5 năm 2011. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 7 năm 2012. Truy cập 20 tháng 8 năm 2015.
  118. ^ “Barclays Premier League Stats: Team Attendance – 2010–11”. ESPNsoccernet. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 12 năm 2012. Truy cập 20 tháng 8 năm 2015.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  119. ^ “Spanish La Liga Stats: Team Attendance - 2010-11”. ESPNsoccernet. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 12 năm 2013. Truy cập 20 tháng 8 năm 2015.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  120. ^ CĐV Arsenal vẫn dành sự tin tưởng tuyệt đối cho Arsene Wenger Báo Thể thao Văn hóa, truy cập 20 tháng 8 năm 2015.
  121. ^ a b Noble, Kate (ngày 22 tháng 9 năm 2002). “They Came To Reign in Spain”. Time. Truy cập 20 tháng 8 năm 2015.
  122. ^ “Fans Report 2006/2007”. Arsenal F.C. Bản gốc (Word document) lưu trữ ngày 10 tháng 9 năm 2008. Truy cập 20 tháng 8 năm 2015.
  123. ^ “Arsenal FC – the Premiership's fastest growing football brand” (Word document). Granada Ventures. ngày 5 tháng 8 năm 2005. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 6 năm 2007. Truy cập 20 tháng 8 năm 2015.
  124. ^ a b “Deloitte Football Money League” (PDF). Deloitte. Truy cập 13 tháng 2 năm 2016.
  125. ^ “The Classic: Arsenal-Manchester Utd”. FIFA. ngày 17 tháng 1 năm 2007. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 2 năm 2017. Truy cập 28 tháng 5 năm 2016.
  126. ^ “Club Rivalries Uncovered” (PDF). Football Fans Census. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 10 tháng 9 năm 2008. Truy cập 20 tháng 8 năm 2015.
  127. ^ Boffins reveal football's biggest rivalry Lưu trữ 2016-06-30 tại Wayback Machine Sunderland Echo. Truy cập 25 tháng 8 năm 2015.
  128. ^ Anglian Derby England's second greatest rivalry Lưu trữ 2016-01-18 tại Wayback Machine The East Anglian News. Truy cập 25 tháng 8 năm 2015.
  129. ^ “Rivalries League”. The New Football Pools. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 3 năm 2008. Truy cập 13 tháng 10 năm 2015.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  130. ^ “Statement of Accounts and Annual Report 2006/2007 (p43)” (PDF). Arsenal Holdings plc. Tháng 5 năm 2007. Lưu trữ (PDF) bản gốc 10 tháng 9 năm 2008. Truy cập 28 tháng 5 năm 2016.
  131. ^ “Statement of Accounts and Annual Report 2009/2010 (p41)” (PDF). Arsenal Holdings plc. tháng 9 năm 2010. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 22 tháng 11 năm 2010. Truy cập 12 tháng 11 năm 2011.
  132. ^ "Quỹ đầu tư đầu tiên của Việt Nam lên sàn Luân Đôn" Thị trường Chứng khoán Việt Nam. Truy cập 21 tháng 8 năm 2015.
  133. ^ “Arsenal Holdings plc”. ICAP. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 6 năm 2016. Truy cập 28 tháng 5 năm 2016.
  134. ^ “Arsenal Holdings plc: 2009 Financial results”. Arsenal Holdings plc. ngày 28 tháng 9 năm 2009. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 10 năm 2009. Truy cập 21 tháng 8 năm 2015.
  135. ^ Scott, Matt and Allen, Katie (ngày 6 tháng 4 năm 2007). “Takeover gains pace at Arsenal with 9.9% sale”. The Guardian. London. Truy cập 21 tháng 8 năm 2015.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)
  136. ^ “Kroenke increases stake in Arsenal Holdings”. Arsenal F.C. ngày 5 tháng 11 năm 2009. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 11 năm 2009. Truy cập 21 tháng 8 năm 2015.
  137. ^ a b “Russian buys Dein's Arsenal stake”. BBC News. ngày 30 tháng 8 năm 2007. Truy cập 21 tháng 8 năm 2015.
  138. ^ “Everton confirm sale of 49.9% of club to former Arsenal shareholder Farhad Moshiri”. theguardian.co.uk. The Guardian. Truy cập 28 tháng 5 năm 2016.
  139. ^ “Arsenal Holdings PLC: Holding(s) in Company”. Bloomberg. ngày 17 tháng 10 năm 2013. Truy cập 21 tháng 8 năm 2015.
  140. ^ “Kroenke joins Arsenal's Board of Directors”. Arsenal F.C. ngày 19 tháng 9 năm 2008. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 9 năm 2008. Truy cập 19 tháng 9 năm 2008.
  141. ^ “Arsenal board announce revised 'lock-down' agreement”. Arsenal F.C. ngày 18 tháng 10 năm 2007. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 2 năm 2009. Truy cập 21 tháng 8 năm 2015.
  142. ^ “The Arsenal Board | Corporate Info | The Club”. Arsenal.com. ngày 13 tháng 7 năm 2011. Truy cập 21 tháng 8 năm 2015.
  143. ^ “The Arsenal Board | Corporate Info | The Board”. Arsenal.com. ngày 5 tháng 2 năm 2013. Truy cập 21 tháng 8 năm 2015.
  144. ^ “Statement of Accounts and Annual Report 2014/15” (PDF). arsenal.com. Arsenal. Truy cập 28 tháng 5 năm 2016.
  145. ^ a b c d Firsts, Lasts & Onlys: Football – Paul Donnelley (Hamlyn, 2010)
  146. ^ “It Happened at Highbury: First live radio broadcast”. Arsenal F.C. Truy cập 21 tháng 8 năm 2015.
  147. ^ “Happened on this day – 16 September”. BBC Sport. ngày 16 tháng 9 năm 2002. Truy cập 21 tháng 8 năm 2015.
  148. ^ “History of Match of the Day”. BBC Sport. ngày 14 tháng 2 năm 2003. Truy cập 21 tháng 8 năm 2015.
  149. ^ “Fans trial first live 3D sports event”. Sydney Morning Herald. Associated Press. ngày 1 tháng 2 năm 2010. Truy cập 21 tháng 8 năm 2015.
  150. ^ “The Arsenal Stadium Mystery”. IMDb. Truy cập 21 tháng 8 năm 2015.
  151. ^ a b c “Arsenal at the movies”. Arseweb. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 7 năm 2008. Truy cập 21 tháng 8 năm 2015.
  152. ^ “1985: English teams banned after Heysel”. BBC Archive. BBC. ngày 31 tháng 5 năm 1985. Truy cập 21 tháng 8 năm 2015.
  153. ^ “The Taylor Report”. Football Network. Bản gốc lưu trữ ngày 31 tháng 7 năm 2016. Truy cập 28 tháng 5 năm 2016.
  154. ^ “Nick Hornby”. The Guardian. London. ngày 22 tháng 7 năm 2008. Truy cập 28 tháng 5 năm 2016. Critically acclaimed and commercial dynamite, Fever Pitch helped to make football trendy and explain its appeal to the soccerless
  155. ^ “Fever Pitch (1997)”. IMDb. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 10 năm 2008. Truy cập 21 tháng 8 năm 2015.
  156. ^ “Fever Pitch (2005)”. IMDb. Truy cập 21 tháng 8 năm 2015.
  157. ^ May, John (ngày 19 tháng 5 năm 2003). “No more boring, boring Arsenal”. BBC Sport. Truy cập 21 tháng 8 năm 2015.
  158. ^ Association Football – Harry Enfield – Mr Cholmondley-Warner YouTube
  159. ^ “Arsenal Charity Ball raises over £60,000”. Arsenal F.C. ngày 11 tháng 5 năm 2006. Truy cập 21 tháng 8 năm 2015.
  160. ^ “Ex-Pro and Celebrity XI”. Arsenal F.C. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 8 năm 2008. Truy cập 21 tháng 8 năm 2015.
  161. ^ Arsenal smash fundraising target for GOSH Arsenal FC, 2 tháng 8 năm 2010, truy cập 21 tháng 8 năm 2015
  162. ^ “Arsenal legends raise money for child refugees | Save the Children UK blogs”.
  163. ^ “Arsenal Legends v Real Madrid Legends - Tickets”.
  164. ^ Ross, James M (ngày 28 tháng 8 năm 2009). “England – List of Champions”. RSSSF. Truy cập 22 tháng 8 năm 2015.
  165. ^ Ross, James M (ngày 12 tháng 6 năm 2009). “England FA Challenge Cup Finals”. RSSSF. Truy cập 22 tháng 8 năm 2015.
  166. ^ Taylor, Daniel (ngày 31 tháng 5 năm 2015). “FA Cup final: Alexis Sánchez inspires Arsenal to win over Aston Villa”. The Observer. London: Guardian News and Media. Truy cập 22 tháng 8 năm 2015.
  167. ^ Stokkermans, Karel (ngày 24 tháng 9 năm 2009). “Doing the Double: Countrywise Records”. RSSSF. Truy cập 22 tháng 8 năm 2015.
  168. ^ Collins, Roy (ngày 20 tháng 5 năm 2007). “Mourinho collects his consolation prize”. The Daily Telegraph. London. Truy cập 22 tháng 8 năm 2015. Đến nay chỉ có Chelsea là đội thứ hai làm được điều này.
  169. ^ “Arsenal Football Club”. Premier League. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 9 năm 2008. Truy cập 22 tháng 8 năm 2015.
  170. ^ Hodgson, Guy (ngày 17 tháng 12 năm 1999). “Football: How consistency and caution made Arsenal England's greatest team of the 20th century”. The Independent. London. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 5 năm 2009. Truy cập 31 tháng 8 năm 2015.
  171. ^ Ross, James M (ngày 12 tháng 6 năm 2009). “England FA Challenge Cup Finals”. RSSSF. Truy cập 22 tháng 8 năm 2015.
  172. ^ “The Unbeaten Record”. Arsenal Broadband. Truy cập 23 tháng 8 năm 2015.
  173. ^ a b “Club Records”. Arsenal F.C. Truy cập 22 tháng 8 năm 2015.
  174. ^ a b “Goalscoring Records”. Arsenal.com. Truy cập 22 tháng 8 năm 2015.
  175. ^ “Wright salutes Henry's goal feat”. BBC Sport. ngày 19 tháng 10 năm 2005. Truy cập 22 tháng 8 năm 2015.
  176. ^ Ward, Rupert. “Arsenal vs Bolton. 13/09/97”. Arseweb. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 10 năm 2015. Truy cập 22 tháng 8 năm 2015.
  177. ^ “Arsenal 2–3 West Ham”. BBC Sport. ngày 1 tháng 2 năm 2006. Truy cập 22 tháng 8 năm 2015.
  178. ^ “Man Utd game attracts record attendance”. Arsenal F.C. ngày 5 tháng 11 năm 2007. Truy cập 22 tháng 8 năm 2015.
  179. ^ “Squad: First team”. Arsenal F.C. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 16 tháng 8 năm 2022.
  180. ^ “Martin Odegaard named captain”. Arsenal F.C. 30 tháng 7 năm 2022. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 31 tháng 7 năm 2022.
  181. ^ Ornstein, David (15 tháng 8 năm 2022). “Ornstein column: Xhaka and Jesus leadership roles, Edwards rules out Chelsea job”. The Athletic. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 16 tháng 8 năm 2022.
  182. ^ “Fabio Vieira joins Porto on season-long loan”. Arsenal F.C. 28 tháng 8 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 31 tháng 8 năm 2024.
  183. ^ “Reiss Nelson joins Fulham on loan”. Arsenal F.C. 30 tháng 8 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 31 tháng 8 năm 2024.
  184. ^ “Marquinhos joins Fluminense on loan”. Arsenal F.C. 15 tháng 2 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2024.
  185. ^ “Karl Hein joins Real Valladolid on loan”. Arsenal F.C. 13 tháng 8 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 13 tháng 8 năm 2024.
  186. ^ “Nuno Tavares completes loan move to Lazio”. Arsenal F.C. 15 tháng 7 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2024.
  187. ^ “Sambi Lokonga joins Sevilla on season-long loan”. Arsenal F.C. 15 tháng 7 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2024.
  188. ^ “My Football Facts & Stats”. Truy cập 8 tháng 2 năm 2015.
  189. ^ a b “Staff”. Arsenal F.C. Truy cập Ngày 14 tháng 6 năm 2014.
  190. ^ Soar & Tyler (2005). The Official Illustrated History of Arsenal. tr. 30.
  191. ^ “Wenger hungry for further success”. BBC Sport. ngày 2 tháng 10 năm 2009. Truy cập ngày 28 tháng 5 năm 2016.
  192. ^ Davies, Christopher (ngày 8 tháng 12 năm 2008). “700 and not out: Arsenal boss Wenger looking to celebrate memorable day at Porto”. Daily Mail. UK. Truy cập ngày 6 tháng 12 năm 2009.
  193. ^ “The Managers”. Arsenal F.C. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 9 năm 2008. Truy cập ngày 7 tháng 9 năm 2008.
  194. ^ a b c d e www.arsenal.com (16 tháng 12 năm 2008). “Arsenal win their first league title”. Arsenal.com. Truy cập ngày 26 tháng 9 năm 2015.
  195. ^ a b c d e f g h Bernard Joy (1952). Forward, Arsenal!. The Sportsmans Book Club. ISBN 0955921112.
  196. ^ a b c d Michael J Slade (2013). The History of the English Football League: Part One--1888-1930. Strategic Book Publishing. ISBN 1625161832.
  197. ^ Ross, James (ngày 28 tháng 8 năm 2009). “England – List of FA Charity/Community Shield Matches”. RSSSF. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 1 năm 2010. Truy cập 22 tháng 8 năm 2015.
  198. ^ “Is the Europa League history”. Talksport. Truy cập ngày 25 tháng 9 năm 2015.
  199. ^ “Mercantile Credit Centenary Trophy 1988”. FootballDatabase. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 9 năm 2015. Truy cập ngày 2 tháng 9 năm 2014.
  200. ^ “Arsenal in the London Challenge Cup”. The History of Arsenal AISA Arsenal History Society: preserving Arsenal's heritage. Truy cập ngày 2 tháng 9 năm 2015.
  201. ^ Haynes, Graham (1998). A-Z Of Bees: Brentford Encyclopaedia. Yore Publications. tr. 82. ISBN 1 874427 57 7.
  202. ^ “List of winners of discontinued County Cups (Word Document)”. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 3 năm 2007. Truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2007.
  203. ^ “England - List of FA Charity/Community Shield Matches”. The Rec.Sport.Soccer Statistics Foundation. Truy cập ngày 2 tháng 9 năm 2015.
  204. ^ “The History of the Corinthians”. Corinthian-Casuals Football Club. Truy cập ngày 2 tháng 9 năm 2015.
  205. ^ “Honours and Achievements”. Corinthian-Casuals Football Club. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 9 năm 2015. Truy cập ngày 2 tháng 9 năm 2015.
  206. ^ “Arsenal in the Southern Floodlight Challenge Cup (Southern Professional Floodlit Cup)”. The History of Arsenal AISA Arsenal History Society: preserving Arsenal's heritage. Truy cập ngày 2 tháng 9 năm 2015.
  207. ^ “Dead trophies”. Truy cập ngày 26 tháng 9 năm 2015.
  208. ^ www.arsenal.com (16 tháng 12 năm 2008). “Laying the Foundations - Overview”. Arsenal.com. Truy cập ngày 26 tháng 9 năm 2015.
  209. ^ “Royal Arsenal in the London Senior Cup; retiring as cup winners”. The History of Arsenal AISA Arsenal History Society: preserving Arsenal's heritage. Truy cập ngày 2 tháng 9 năm 2015.
  210. ^ “125 years of Arsenal history - 1886-1891”. Arsenal.com. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 9 năm 2015. Truy cập ngày 3 tháng 9 năm 2015.
  211. ^ “1890 Royal Arsenal win their first trophies”. stevegleiber.com. Truy cập ngày 2 tháng 9 năm 2015.
  212. ^ “Clare Wheatley”. Arsenal FC. Truy cập 21 tháng 8 năm 2015.
  213. ^ “Arsenal Ladies Honours”. Arsenal F.C. Truy cập 21 tháng 8 năm 2015.
  214. ^ Mawhinney, Stuart (ngày 7 tháng 5 năm 2007). “Arsenal clinch quadruple”. The Football Association. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 10 năm 2009. Truy cập 22 tháng 8 năm 2015.
  215. ^ “Get to Boreham Wood”. Arsenal F.C. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 9 năm 2008. Truy cập 22 tháng 8 năm 2015.

Đọc thêm

Liên kết ngoài

Nghe bài viết này
(2 parts, 45 phút)
Icon Wikipedia được đọc ra
Các tệp âm thanh này được tạo từ bản phiên bản sửa đổi bài viết ngày
Lỗi: không cung cấp được ngày tháng
và không phản ánh các chỉnh sửa tiếp theo.

 

Prefix: a b c d e f g h i j k l m n o p q r s t u v w x y z 0 1 2 3 4 5 6 7 8 9

Portal di Ensiklopedia Dunia