Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 của tỉnh Cà Mau[2][5][3]
Lịch sử
Địa danh Đầm Dơi xuất hiện sớm theo cách gọi dân gian là “xứ đầm lầy có nhiều dơi đậu”. Vùng đất này xưa kia vốn là đầm lầy hoang sơ, cây cối rậm rạp, thích hợp cho loài dơi trú ngụ, ngoài ra còn có các loài chim, cò với nhiều sân chim tự nhiên. “Đầm” là loại hình địa danh chỉ những nơi bị ngập trũng quanh năm, thường là những vùng tương đối rộng lớn, đón nước từ nhiều sông rạch đổ ra, mùa mưa nước ngập sâu, mùa nắng nước cạn hơn.
Tên gọi “Đầm Dơi” đã xuất hiện trong địa bạ triều Nguyễn năm 1836 (năm Minh Mạng thứ 17) là “xứ Đầm Dơi”. Lúc đó theo thống kê đạc điền thì ở huyện Long Xuyên (thuộc tỉnh Hà Tiên) gồm 2 tổng Long Thủy và Quảng Xuyên. Riêng tổng Quảng Xuyên có diện tích ruộng đất trên 445 mẩu, gồm 14 xã thôn, trong đó có “thôn Tân Duyệt ở xứ Đầm Dơi” và “thôn Tân Thuận ở xứ Đầm Quạ” (cũng thuộc về vùng đất Đầm Dơi ngày nay).
Đầm Dơi xưa kia là xứ sở xa xôi heo hút, ít người lui tới vì đường đi lại rất khó khăn, phải quanh co qua nhiều sông rạch. Nên có câu ca dao:
Nồi đất mà úp vung đồng
Con gái Rạch Giá lấy chồng Đầm Dơi
Chiều chiều giậm cẳng kêu trời
Thương cha nhớ mẹ biết đời nào ra.
Thời Việt Nam Cộng hòa, Đầm Dơi là quận của tỉnh An Xuyên được thành lập sau năm 1956, bao gồm có 4 xã: Tân Ân, Tân Duyệt, Tân Thuận, Tân Hoà. Quận lỵ đặt tại xã Tân Duyệt. Ngày 7 tháng 12 năm 1965, quận Đầm Dơi được nhận thêm xã Tân Hưng tách ra từ quận Cái Nước, đồng thời cắt xã Tân Ân nhập vào quận Năm Căn cùng tỉnh.
Ngày 29 tháng 12 năm 1978, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 326-CP[6] về việc phân vạch địa giới hành chính huyện Ngọc Hiển có 18 xã và thị trấn Ngọc Hiển (huyện lỵ).
Ngày 25 tháng 7 năm 1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 275-CP[7] về việc:
Chia xã Tân Duyệt thành 4 xã: Tân Duyệt, Tân Hồng, Tân Dân, Tân Chánh.
Thành lập thị trấn Ngọc Hiển – thị trấn huyện lỵ của huyện Ngọc Hiển trên cơ sở một phần của xã Tân Duyệt.
Chia xã Quách Phẩm B thành xã Ngọc Chánh và xã Tân Hùng.
Chia xã Tạ An Khương thành 4 xã: Thành Điền, Tân Mỹ, Thới Phong, Tạ An Khương.
Chia xã Tân Thuận thành 5 xã: Tân Đức, Hiệp Bình, Thuận Hòa, Tân Lập, Tân Thuận.
Chia xã Tân Tiến thành 4 xã: Nguyễn Huân, Long Hòa, Tân Tiến, Phú Hải.
Ngày 17 tháng 5 năm 1984, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 75-HĐBT[8] về việc cắt 4 xã Quách Phẩm, Trần Phán, Tấn Trung, Hòa Điền của huyện Cái Nước và cắt 5 xã Tân Điền, Tân Ân, Thanh Tùng, Tân Trung, An Lập của huyện Năm Căn sáp nhập vào huyện Ngọc Hiển.
Huyện Ngọc Hiển gồm có 28 xã: Tân Mỹ, Tân Lập, Thành Điền, Thới Phong, Tân Duyệt, Tân Hùng, Tân Thánh, Tân Dân, Tân Thuận, Phú Hải, Hiệp Bình, Thuận Hòa, Long Hòa, Tạ An Khương, Nguyễn Huân, Ngọc Thánh, Tân Đức, Tân Hồng, Tân Tiến, Quách Phẩm, Tân Phán, Tấn Trung, Hoà Điền, Tân Điền, Tân An, Thạnh Tùng, Tân Trung, An Lập và thị trấn Ngọc Hiển (huyện lỵ).
Ngày 17 tháng 12 năm 1984, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 168-HĐBT[1] về việc:
Đổi tên huyện Ngọc Hiển thành huyện Đầm Dơi.
Đổi tên thị trấn Ngọc Hiển thành thị trấn Đầm Dơi.
Ngày 14 tháng 2 năm 1987, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 33B-HĐBT[9] về việc sáp nhập xã Tân Mỹ vào xã Thành Điền.
Ngày 2 tháng 2 năm 1991, Ban Tổ chức Chính phủ ban hành Quyết định số 51/QĐ-TCCP[10] về việc:
Sáp nhập xã Quách Phẩm vào xã Trần Phán.
Sáp nhập xã Tân Điền và xã Tân Hùng vào xã Thanh Tùng.
Sáp nhập xã Tân Hồng và xã Tân Dân vào xã Tân Duyệt.
Sáp nhập xã Thành Điền và xã Thới Phong vào xã Tạ An Khương.
Hợp nhất xã Tân Trung và xã Tân An thành xã Quách Phẩm.
Huyện Đầm Dơi gồm có thị trấn Đầm Dơi và 9 xã: Nguyễn Huân, Quách Phẩm, Tạ An Khương, Tân Đức, Tân Duyệt, Tân Thuận, Tân Tiến, Thanh Tùng, Trần Phán.
Ngày 6 tháng 11 năm 1996, Quốc hội ban hành Nghị quyết[11] về việc chia tỉnh Minh Hải thành tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau. Khi đó, huyện Đầm Dơi thuộc tỉnh Cà Mau.
Ngày 25 tháng 6 năm 1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 42/1999/NĐ-CP[12] về việc thành lập xã Quách Phẩm Bắc trên cơ sở 4.061,5 ha diện tích tự nhiên và 10.291 nhân khẩu của xã Quách Phẩm.
Ngày 29 tháng 8 năm 2000, Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2000/NĐ-CP[13] về việc:
Thành lập xã Tạ An Khương Nam trên cơ sở 3.124,81 ha diện tích tự nhiên và 8.657 nhân khẩu của xã Tạ An Khương.
Thành lập xã Tạ An Khương Đông trên cơ sở 3.208,45 ha diện tích tự nhiên và 8.186 nhân khẩu của xã Tạ An Khương.
Ngày 5 tháng 9 năm 2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 113/2005/NĐ-CP[14] về việc:
Thành lập xã Ngọc Chánh trên cơ sở 5.303,76 ha diện tích tự nhiên và 11.023 nhân khẩu của xã Thanh Tùng.
Thành lập xã Tân Trung trên cơ sở 3.486 ha diện tích tự nhiên và 10.664 nhân khẩu của xã Trần Phán.
Thành lập xã Tân Dân trên cơ sở 2.948 ha diện tích tự nhiên và 6.148 nhân khẩu của xã Tân Duyệt.
Huyện Đầm Dơi có 1 thị trấn và 15 xã như hiện nay.
Kinh tế
Huyện Đầm Dơi có chiều dài bờ biển 22 km, có cửa biển Gành Hào, Hố Gùi, Giá Lồng Đèn,... là điều kiện thuận lợi đề phát triển nghề nuôi trồng thủy sản và kinh tế biển. Đặc biệt nghề nuôi tôm quảng canh và nuôi tôm công nghiệp phát triển mạnh.
Toàn huyện Đầm Dơi có 65.584 ha đất nuôi tôm và 7.720 ha rừng ngập mặn.
Dân số
Huyện Đầm Dơi có diện tích 822,88 km², dân số năm 2019 là 175.629 người,[15] mật độ dân số đạt 213 người/km².
Huyện Đầm Dơi có diện tích 816,07 km²,[2] dân số tính đến ngày 31/12/2022 là 219.262 người (dân số đã quy đổi),[3] mật độ dân số đạt 268 người/km².
Du lịch
Huyện Đầm Dơi có vườn chim Cà Mau, cách thành phố Cà Mau 45 km về phía đông nam là nơi cư ngụ của nhiều loại cò. Chim ở đây làm tổ trên các cây cao, đi kiếm ăn vào buổi sáng.
^Quyết định số 51/QĐ-TCCP ngày 2/2/1991 của Ban Cán bộ – Tổ chức Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới phường, xã thuộc thị xã Bạc Liêu và các huyện Cái Nước, Đầm Dơi, Thới Bình, Trần Văn Thời, U Minh, tỉnh Minh Hải.