Yên Dũng

Yên Dũng
Huyện
Huyện Yên Dũng
Biểu trưng
Chùa Vĩnh Nghiêm tại xã Trí Yên
Hành chính
Quốc gia Việt Nam
VùngĐông Bắc Bộ
TỉnhBắc Giang
Huyện lỵThị trấn Nham Biền
Trụ sở UBNDThị trấn Nham Biền
Phân chia hành chính2 thị trấn, 16 xã
Giải thể1/1/2025[1]
Tổ chức lãnh đạo
Chủ tịch UBNDBùi Quang Huy
Chủ tịch HĐNDNguyễn Viết Tuấn
Bí thư Huyện ủyThạch Văn Chung
Địa lý
Tọa độ: 21°12′16″B 106°14′27″Đ / 21,20444°B 106,24083°Đ / 21.20444; 106.24083
Yên Dũng trên bản đồ Việt Nam
Yên Dũng
Yên Dũng
Vị trí huyện Yên Dũng trên bản đồ Việt Nam
Diện tích191,74 km²[1][2]
Dân số (31/12/2023)
Tổng cộng176.980 người[1][2]
Mật độ923 người/km²
Khác
Mã hành chính221[3]
Biển số xe98-G1-AG
Websiteyendung.bacgiang.gov.vn

Yên Dũng là một huyện cũ thuộc tỉnh Bắc Giang, Việt Nam.

Huyện Yên Dũng được sáp nhập vào thành phố Bắc Giang vào ngày 1 tháng 1 năm 2025.

Địa lý

Trước khi giải thể, huyện Yên Dũng nằm ở phía nam của tỉnh Bắc Giang, có núi Nham Biền chạy theo hướng đông - tây, nằm cách thành phố Bắc Giang khoảng 15 km về phía nam, cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 59 km. Huyện có vị trí địa lý:

Huyện Yên Dũng có diện tích 191,74 km², dân số năm 2023 là 176.980 người,[1][2] mật độ dân số đạt 923 người/km².

Huyện ly là thị trấn Nham Biền (nay là phường Nham Biền thuộc thành phố Bắc Giang) cách thành phố Bắc Giang cũ khoảng 15 km về hướng đông nam. Sông Thương uốn lượn chảy qua địa bàn huyện cung cấp phù sa cho các xã Xuân Phú, Tân Liễu, Tiến Dũng, Trí Yên, Lão Hộ...

Tỉnh Bắc Giang nổi tiếng với ba con sông lớn chạy xuyên qua tỉnh là sông Lục Nam, sông Thương, và sông Cầu. Cả ba con sông này đều chảy qua huyện Yên Dũng và hội tụ tại Kiếp Bạc, Hải Dương.

Lịch sử

Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết vào thời Trần, huyện có tên là Cổ Dũng – lỵ sở đóng tại làng Cổ Dũng nằm ở phía nam.

Thời thuộc Minh, huyện bị chia đôi: phía nam Nham Biền, vẫn giữ tên Cổ Dũng, lỵ sở như cũ (nay là xóm Huyện, xã Tiến Dũng) còn phía bắc Nham Biền gọi là huyện Yên Ninh, lỵ sở đặt tại Nội Hoàng (nay là xóm Huyện, thôn Chiền).

Năm 1419, huyện Yên Ninh bị gộp vào Phượng Sơn, Long Nhỡn để thành huyện mới Phượng Nhỡn.

Thời Lê, phần đất thuộc Yên Ninh cũ sáp nhập trở lại với huyện Cổ Dũng thành huyện Yên Dũng, có 88 xã trại, lỵ sở đặt tại Như Thiết, sau đó chuyển tới Sen Hồ.

Huyện Yên Dũng từ thời Lê đến thời nhà Nguyễn thuộc phủ Lạng Giang, trấn Kinh Bắc, giáp giới với các huyện Yên Thế, Yên Việt, Bảo Lộc, Phượng Nhỡn, Quế Dương.

Cuối thế kỷ 19, Yên Dũng có 11 tổng: Ngọc Cục, Tự Lạn, Thiết Sơn, Dĩnh Sơn, Mật Ninh, Hoàng Mai, Mỹ Cầu, Phúc Tằng, Tư Mai, Cổ Dũng với 80 xã phường.

Dưới thời Pháp thuộc, sau khi lập tỉnh Bắc Giang (10-1895) Yên Dũng có các thay đổi về địa giới hành chính:

  • Tổng Ngọc Cục chuyển sang huyện Yên Thế. Năm tổng: Đa Mai, Thiết Sơn, Mật Ninh, Dĩnh Sơn, Tự Lạn chuyển sang huyện Việt Yên. Tổng Phúc Tằng chia làm hai tổng Phúc Long và Phấn Sơn.
  • Tổng Quang Biểu, Hương Tảo từ Việt Yên chuyển sang huyện Yên Dũng.

Các đơn vị hành chính trên tồn tại được khoảng 20 năm (1895-1914), sau đó lại tiếp tục thay đổi. Các xã Phúc Tằng, Điêu Liễn, Phúc Long, Thượng Phúc, Hùng Lãm chuyển sang tổng Hoàng Mai. Phường Á Lữ đưa sang tổng Thọ Xương huyện Phất Lộc. Xã Chuế Dương về tổng Quế Nham huyện Yên Thế. Xã Mỏ Thổ nhập vào tổng Thiết Sơn. Phường Tam Kỳ sang tổng Trí Yên, huyện Phượng Nhỡn. Lỵ sở vẫn đóng ở Sen Hồ.

Đến năm 1924, địa giới huyện Yên Dũng lại có sự xáo trộn lớn:

  • Tổng Mỹ Cầu cùng Đa Mai nhập vào phủ Lạng Giang. Ba tổng Phúc Long, Hoàng Mai, Quang Biểu chuyển về Việt Yên.
  • Bốn tổng Phấn Sơn, Tư Mai, Cổ Dũng, Hương Tảo ở lại huyện Yên Dũng với 32 xã, huyện lỵ chuyển về phố Chợ Neo thuộc tổng Tư Mai.

Sau Cách mạng tháng Tám, các tổng của Yên Dũng đổi thành liên xã hoặc xã mang tên mới. Trong khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang diễn ra ác liệt, Tỉnh ủy Bắc Giang xét thấy sự cần thiết trong việc chỉ đạo thống nhất giữa khu du kích nam Lạng Giang với căn cứ du kích Yên Dũng, được Liên khu ủy Việt Bắc chấp thuận, ngày 6 tháng 9 năm 1952 đã ra Quyết nghị số 06/NQBB/BG sáp nhập 5 xã thuộc nam Lạng Giang (Tân Dân, Trí Yên, Thái Sơn, Dĩnh Kế, Lan Mẫu) và 2 xã thuộc nam Lục Ngạn (Bắc Lũng, Yên Sơn) vào huyện Yên Dũng. Cùng thời gian đó, 2 xã Chí Minh, Tân Mỹ sáp nhập trở lại huyện, đưa huyện Yên Dũng từ 9 xã ở tả ngạn sông Thương lên tới 16 xã ở cả hai bên sông.

Đến tháng 6 năm 1956, 16 xã kể trên chia thành 25 xã: chia xã Phấn Dũng thành 2 xã: Đồng Sơn, Tân Liễu, chia xã Mỹ Nội thành 2 xã: Nội Hoàng, Tiền Phong, chia xã Đồng Tiến thành 2 xã: Dũng Tiến, Đại Đồng, chia xã Đức Giang thành 2 xã: Tiến Dũng, Đức Sơn, chia xã Đồng Việt thành 2 xã: Đồng Việt, Việt Tiến, chia xã Trí Yên thành 2 xã: Trí Yên, Hồng Phong, chia xã Tân Dân thành 3 xã: An Đào Tràng, Tam Sơn, Xuân Phú, chia xã Dĩnh Kế thành 2 xã: Hùng Tiến, Tân Tiến.

Ngày 21 tháng 1 năm 1957, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 24-TTg chuyển 2 xã Yên Sơn, Bắc Lũng sang huyện Lục Nam mới thành lập.

Ngày 17 tháng 5 năm 1958, Bộ Nội vụ ra Quyết định số 172-NV. Theo đó, chia xã Lan Mẫu thành 3 xã: Lan Mẫu, Đại Lâm, Lão Hộ, chia xã Hùng Tiến thành 2 xã: Dĩnh Kế, Dĩnh Trì, chia xã Quang Trung thành 2 xã: Quang Trung, Nham Sơn, chia xã Thái Sơn thành 2 xã: Thái Sơn, Thái Đào. Huyện Yên Dũng có 28 xã trực thuộc.

Ngày 27 tháng 2 năm 1961, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 33/CP chuyển các xã Dĩnh Kế, Dĩnh Trì, Thái Đào, Đại Lâm về huyện Lạng Giang quản lý và chuyển xã Lan Mẫu về huyện Lục Nam quản lý.

Ngày 27 tháng 10 năm 1962, hai tỉnh Bắc GiangBắc Ninh hợp nhất thành tỉnh Hà Bắc, huyện Yên Dũng bao gồm 23 xã: Cảnh Thụy, Đồng Phúc, Đồng Sơn, Đồng Việt, Đức Giang, Lạc Gián, Lãng Sơn, Lão Hộ, Nham Sơn, Nội Hoàng, Quỳnh Sơn, Song Khê, Tân An, Tân Liễu, Tân Mỹ, Tân Tiến, Thắng Cương, Tiến Dũng, Tiền Phong, Trí Yên, Tư Mại, Xuân Phú và Yên Lư.[4]

Ngày 22 tháng 2 năm 1975, đổi tên xã Lạc Gián thành xã Hương Gián.[5]

Ngày 29 tháng 8 năm 1994, thành lập thị trấn Neo, thị trấn huyện lỵ huyện Yên Dũng trên cơ sở 3 thôn: Tân An (xã Cảnh Thụy), Phấn Lôi (xã Nham Sơn), Bến Đám (xã Tân Liễu).

Ngày 6 tháng 11 năm 1996, huyện Yên Dũng thuộc tỉnh Bắc Giang vừa được tái lập.[6]

Ngày 12 tháng 7 năm 2007, thành lập thị trấn Tân Dân trên cơ sở điều chỉnh 494,34 ha diện tích tự nhiên và 5.448 nhân khẩu của xã Tân An.

Ngày 27 tháng 9 năm 2010, sáp nhập 4 xã: Đồng Sơn, Song Khê, Tân Mỹ, Tân Tiến vào thành phố Bắc Giang.

Ngày 1 tháng 1 năm 2020, sáp nhập thị trấn Neo và 2 xã: Nham Sơn, Thắng Cương thành thị trấn Nham Biền, sáp nhập thị trấn Tân Dân và xã Tân An thành thị trấn Tân An.[7]

Đến cuối năm 2023, huyện Yên Dũng có 18 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 2 thị trấn: Nham Biền (huyện lỵ), Tân An và 16 xã: Cảnh Thụy, Đồng Phúc, Đồng Việt, Đức Giang, Hương Gián, Lãng Sơn, Lão Hộ, Nội Hoàng, Quỳnh Sơn, Tân Liễu, Tiến Dũng, Tiền Phong, Trí Yên, Tư Mại, Xuân Phú, Yên Lư.

Ngày 28 tháng 9 năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1191/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023 – 2025 (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2025).[1] Theo đó, sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên 191,74 km² và quy mô dân số 176.980 người của huyện Yên Dũng vào thành phố Bắc Giang.

Xã hội

Giáo dục

Các trường trung học phổ thông trên địa bàn huyện:

  1. THPT Yên Dũng 1 (thị trấn Nham Biền)
  2. THPT Yên Dũng 2 (thị trấn Tân An)
  3. THPT Yên Dũng 3 (xã Cảnh Thụy)
  4. Trung tâm giáo dục thường xuyên (thị trấn Nham Biền)
  5. THPT Dân lập Quang Trung (xã Cảnh Thụy).

Làng nghề

Các làng nghề xưa, nghề phụ trong huyện:

Văn hóa

Đây là một vùng đất cổ có bề dày về lịch sử văn hoá và truyền thống khoa bảng. Yên Dũng là một vùng đất thiêng với huyền thoại 99 con chim phượng hoàng hốt cấu tạo nên dãy Nham Biền; có Chùa Vĩnh Nghiêm (xã Trí Yên) gắn liền với thiền phái Trúc lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập từ thế kỷ XIII, chùa được coi là trường đại học Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam. Yên Dũng cũng nơi sinh ra hai cha con tiến sĩ Đào Toàn Mân và Trạng nguyên Đào Sư Tích (xã Song Khê).

Chú thích

  1. ^ a b c d e “Nghị quyết số 1191/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023 – 2025”. Cổng thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam. 28 tháng 9 năm 2024. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 10 năm 2024. Truy cập ngày 11 tháng 10 năm 2024.
  2. ^ a b c UBND tỉnh Bắc Giang (20 tháng 3 năm 2024). “Đề án nhập địa giới hành chính huyện Yên Dũng với thành phố Bắc Giang; sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và thành lập các phường thuộc thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang”. Cổng thông tin điện tử thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 3 năm 2024. Truy cập ngày 25 tháng 3 năm 2024.
  3. ^ Tổng cục Thống kê
  4. ^ “Nghị quyết về việc hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng và sáp nhập xã Hữu Sản thuộc huyện Đình Lập, tỉnh Hải Ninh, huyện Sơn Động, tỉnh Hà Bắc”.
  5. ^ Quyết định số 11-BT năm 1975
  6. ^ “Nghị quyết về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh do Quốc hội ban hành”.
  7. ^ “Nghị quyết số 813/NQ-UBTVQH14 năm 2019 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Bắc Giang”.

Tham khảo