White DayWhite Day (ホワイトデー Howaito dē , từ wasei-eigo tiếng Nhật[1]; tiếng Hàn Quốc: 화이트데이, đã Latinh hoá: Hwaiteu dei; tiếng Trung: 白色情人節), nghĩa tiếng Việt là Ngày Trắng, còn gọi là Ngày Valentine Trắng,[2] là ngày lễ được tổ chức vào 14 tháng 3, một tháng sau ngày Valentine ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong và Đài Loan.[3] Hiện nay còn được tổ chức ở nhiều nước khác White Day ở Nhật BảnỞ Nhật Bản, người nữ tặng quà sô cô la (mua ở cửa hàng hoặc tự làm bằng tay) thường là cho người nam vào ngày Valentine trước đó như một biểu lộ của tình yêu. Sô cô la tự làm thường được ưa thích hơn vì đó là dấu hiệu người nam nhận quà là "người duy nhất" của người nữ. Vào White Day xảy ra điều ngược lại: người nam đã nhận "honmei choco" (sô cô la tình yêu, tặng vợ/chồng, người yêu, bạn thân) hoặc "Giri choco" (sô cô la lịch sự hay là sô cô la nghĩa vụ, thường là tặng đồng nghiệp, bạn cùng lớp hay là nhân viên dưới quyền) vào ngày Valentine được mong đợi trả lại thiện ý đó bằng quà tặng, thường là đắt tiền hơn. Ngoài ra còn có Tomo choko (sô cô la tình bạn) là món quà chân thành để tặng cho bạn thân, có thể là bạn gái tặng cho nhau.[4] Hình thức các loại này khác nhau chủ yếu trong tầm mức bỏ công sức chăm chút cẩn thận và số lượng, giá trị quà tặng. Theo truyền thống, quà tặng vào White Day là bánh, kẹo, sô cô la trắng, kẹo dẻo cũng như hàng trang sức, đồ lót và thú nhồi bông. Đôi khi từ sanbai gaeshi (nghĩa đen là "trả lại gấp 3") được dùng để mô tả quy tắc thường được nói đến là món quà trả lễ nên gấp 2 đến 3 lần giá trị của món quà vào ngày Valentine.[5] Ngày 14 tháng 3 tại Nhật cũng được gọi là Ngày Hôn nhân Quốc tế (国際結婚の日) vì vào ngày 14 Tháng 3 năm 1873 (năm thứ sáu của thời kỳ Minh Trị), lần đầu hôn nhân giữa một người Nhật và một người nước ngoài được pháp luật chính thức thừa nhận.[6] Nguồn gốcWhite Day lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1978 ở Nhật Bản. Nó được khởi xướng lần đầu bởi Hiệp hội công nghiệp bánh kẹo quốc gia (全国飴菓子工業協同組合, Toàn Quốc Di Quả Tử Công nghiệp Hiệp Đồng Tổ Hợp) như là một "ngày trả lời" đối với ngày Valentine dựa trên cơ sở rằng người nam nên trả lại người nữ đã tặng họ sô cô la hoặc quà khác vào ngày Valentine. Năm 1977 công ty bánh kẹo Ishimura Manseido (石村萬盛堂, Thạch Thôn Vạn Thịnh Đường) ở thành phố Fukuoka đã tiếp thị kẹo dẻo cho nam giới vào ngày 14 tháng 3, gọi đó là Ngày kẹo dẻo (Marshmallow Day - マシュマロデー).[7] Chẳng bao lâu sau các công ty bánh kẹo đã bắt đầu tiếp thị sô cô la trắng. Ngày nay nam giới tặng sô cô la cả trắng và đen, cũng như các món quà ăn được và không ăn được, như trang sức hoặc các vật có giá trị tình cảm khác, hoặc quần áo như đồ lót cho các phụ nữ đã tặng quà cho họ vào ngày Valentine. Nếu sô cô la tặng cho họ vào ngày Valentine là giri choco, có nghĩa là không phải là sự quan tâm tình yêu thực sự, mà chỉ là quan hệ bạn bè hay là nghĩa vụ tương tác xã hội. Theo thống kê của Hiệp hội Sô cô la và Ca cao tại Nhật Bản năm 2005, khoảng hơn 10% doanh thu của ngành là vào dịp lễ Valentine (400 triệu USD trong tổng số 3,6 tỉ USD doanh thu cả năm).[8] Một cuộc khảo sát khác cho thấy gần 80% phụ nữ ở độ tuổi 20 và 30 sẽ mua sô cô la vào dịp Valentine. Phụ nữ chi tiêu khoảng 20 $ để mua một món honmei choco, và khoảng 6 $ cho mỗi Giri choco để tặng đồng nghiệp, trung bình là tặng 6 người. Như vậy tính ra bình quân mỗi phụ nữ chi khoảng 56 $, chưa tính đến những món quà đi kèm (trung bình là 66 $) và bữa ăn tối thịnh soạn sau đó.[8] Trong ngày Valentine ở Nhật, thường là chỉ nữ giới tặng sô cô la cho nam giới, và vào ngày White Day, nam giới có trách nhiệm tặng lại phụ nữ như một cách thể hiện tình cảm của mình. Phong tục tặng quà đáp lại một tháng sau Ngày lễ tình nhân đã lan rộng ra quốc tế. Một số nơi bên ngoài Nhật Bản có kỷ niệm lễ này, bao gồm Trung Quốc,[9][10] Hàn Quốc,[9][11][12] Đài Loan,[9][11] và Việt Nam.[9][12] Ở Hàn Quốc, một tháng sau Ngày Trắng, những người không nhận được bất kỳ món quà nào, sẽ kỷ niệm vào "Ngày Đen", lễ này được tôn vinh bởi những người không có bạn đời.[13] Xem thêmTham khảo
Liên kết ngoài
|
Portal di Ensiklopedia Dunia