Vụ 47.800 đồng

Diễn biến

Huỳnh Thị Ngọc Trâm (sinh 1997) là học sinh lớp 5 tại trường tiểu học An Hiệp 2, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Em được bầu làm lớp phó học tập lớp 5/1, và cùng với bạn Hồng Anh Thư ở lớp 5/2 được giao giữ 47.800 đồng – là tiền tiết kiệm của học sinh hai lớp để dành tổ chức liên hoan cuối năm học.[1] Số tiền này ban đầu được giữ trong một ống heo nhưng sau đó đã bị đập ra trước thời gian dự kiến khi chưa có người thu.[2] Theo quy đổi giá tiền của Đài Á Châu Tự Do thời điểm đó, 47.800 đồng chỉ đủ để mua hai đến ba bát phở. Khoản tiết kiệm này sau đó đã bị mất không lý do. Ngày 14 tháng 3 năm 2007, Tổng Đội trưởng nhà trường Lê Văn Xem gọi riêng Trâm và Thư lên văn phòng để hỏi số tiền trên hiện đang nằm ở đâu. Trâm nói đã đưa hết cho Thư giữ, trong khi Thư nói ngược lại đã giao cho Trâm. Do điều tra không có kết quả, hiệu trưởng trường là Lưu Văn Ca yêu cầu thầy Xem lấy xe máy chở cả hai em lên đồn công an xã An Hiệp để xét hỏi tiếp.[1]

Ở đồn công an, Trâm và Thư bị tách ra hai phòng để viết bản tường trình và xét hỏi riêng. Tại đây, Lê Văn Thanh và Võ Văn Thanh – lần lượt là trưởng và phó công an xã – cùng với chủ tịch Hội phụ nữ xã Lê Thị Kim Em và phó chủ tịch Hội nông dân xã Trần Văn Lang đã cùng phối hợp điều tra và lập biên bản đối với hai đương sự mà không có người giám hộ bên cạnh. Huỳnh Thị Ngọc Trâm đã nhất mực không nhận lấy tiền; sau khi bị cán bộ công an và thầy Xem ép cung suốt 2 giờ đồng hồ, hăm dọa sẽ bắt tù nếu không nói thật, cuối cùng em khai nhận đã lấy số tiền trên.[1] Trâm sau đó được đưa trở về nhà vào 11:00 trưa (GMT+7:00) cùng ngày.[3]

Sau khi trở về nhà, Huỳnh Thị Ngọc Trâm rơi vào "hoảng loạn", "như người mất hồn". Đến buổi đêm em vùng dậy kêu khóc xin đừng bắt khai nhận. Trong những ngày tiếp đó, Trâm ở nhà không đến trường và luôn chùm chăn kín mít khi nghe tiếng động cơ xe máy vì sợ bị bắt giao cho công an.[1] Thầy giáo và các bạn đã đến thuyết phục em trở lại học nhưng không thành.[3] Gia đình đã hai lần đưa em đến khám tại Bệnh viện Tâm thần Thành phố Hồ Chí Minh và bị chẩn đoán là "stress cấp tính".[4] Thời gian này Trâm được gửi về nhà bà ngoại để ổn định tinh thần và phải uống thuốc an thần theo chỉ định.[3] Đến đêm ngày 6 tháng 4 năm 2007, do bệnh tình tiến triển nặng lên nên gia đình đã đưa Trâm lên bệnh viện Đa khoa Sa Đéc trong tình trạng la thét, không tiếp xúc, thể hiện rối loạn về hành vi.[4] Tại lần tái khám thứ ba ở Bệnh viện Tâm thần ngày 10 tháng 4, diễn tiến bệnh em xấu hơn với các phản ứng tâm lý mãnh liệt như hung hăng, gào khóc, la hét, đánh và cắn người nhà.[1]

Phản ứng

Truyền thông báo chí

Nghi án lần đầu được đưa ra trước công luận vào ngày 4 tháng 4 năm 2007, với loạt bài của cây bút Hồng Lĩnh đăng trên tờ Tiền phong.[1][3] Sau khi các báo điện tử đăng tải, vụ việc tiếp tục xuất hiện trên hàng loạt báo in từ địa phương tới trung ương. Các trang báo tại Việt Nam hầu như đều có riêng bài tường thuật cũng như phóng sự điều tra về sự vụ, thành công tạo nên làn sóng "chấn động" trong dư luận.[1] Có hàng trăm ý kiến phản hồi cùng các cuộc gọi đến tòa soạn báo đã thể hiện thái độ phẫn nộ trước vụ việc, yêu cầu phải thực thi pháp luật nghiêm chỉnh, không chỉ cách chức điều chuyển công tác mà còn phải truy tố trách nhiệm hình sự với những người tham gia ép cung.[1]

Huỳnh Thị Ngọc Trâm đã viết nhật ký về vụ việc cũng như vẽ một số hình nguệch ngoạc miêu tả lại khung cảnh buổi hỏi cung. Một bức trong đó vẽ công an vừa đứng vừa cầm gậy vừa chỉ vào biên bản nói: "Khai mau, nếu mày nói không lấy thì tao nhốt mày", còn Huỳnh Thị Ngọc Trâm trong tư thế ngồi nói "Tôi không có mà".[4] Các bức vẽ này sau đó đã được chụp lại và đăng công khai trên các mặt báo trong nước, gây nên xúc động mạnh với công chúng.[1][4]

Cơ quan công quyền

Sau khi vụ việc thu hút sự chú ý, phó Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Trần Thanh Nghiêm đã lên án hành động đưa cháu bé 10 tuổi đi hỏi cung không người giám hộ là "không thể chấp nhận được", đồng thời yêu cầu phải xử lý trách nhiệm với Hiệu trưởng trường An Hiệp 2 và các cá nhân có liên quan.[3]

Phát ngôn viên của Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em, một cơ quan ngang cấp Bộ, đã tuyên bố ủng hộ gia đình em Trâm trong vụ việc và trong trường hợp người nhà không kiện thì cơ quan bảo vệ trẻ em tại địa phương sẽ được ủy quyền để đưa vấn đề này ra tòa.[1]

Hệ quả

Ảnh hưởng

Tham khảo

  1. ^ a b c d e f g h i j Nam Nguyên (14 tháng 4 năm 2007). “Câu chuyện thương tâm của bé gái bị ép cung đến nỗi điên loạn”. Đài Á Châu Tự Do. Truy cập ngày 24 tháng 1 năm 2025.
  2. ^ Quý Hiên; Kiến Giang (17 tháng 4 năm 2007). “Vụ 'hỏi cung' em Trâm: GV chủ nhiệm cũng bị kiểm điểm”. Tiền phong. Truy cập ngày 24 tháng 1 năm 2025.
  3. ^ a b c d e Hồng Lĩnh (4 tháng 4 năm 2007). “Một HS 10 tuổi hoảng loạn vì bị Hiệu trưởng nghi lấy 47.800 đồng”. Tiền phong. Truy cập ngày 24 tháng 1 năm 2025.
  4. ^ a b c d Hồng Lĩnh (9 tháng 4 năm 2007). “Bé Trâm phải nhập viện vì bệnh tình ngày càng nặng”. Tiền phong. Truy cập ngày 24 tháng 1 năm 2025.

 

Prefix: a b c d e f g h i j k l m n o p q r s t u v w x y z 0 1 2 3 4 5 6 7 8 9

Portal di Ensiklopedia Dunia