Vương quốc al-Abwab
Vương quốc al-Abwab là một nền quân chủ Nubia thời Trung Cổ ở khu vực ngày nay là miền trung Sudan. Ban đầu là một tỉnh thuộc miền bắc Alodia, nước này trở thành một vương quốc độc lập từ năm 1276. Từ đó trở đi, al-Abwab được sử sách Ả Rập ghi chép nhiều lần do dính líu đến những cuộc chiến giữa nước láng giềng phía bắc Makuria và Vương quốc Mamluk của Ai Cập. Trong các cuộc xung đột này, al-Abwab thường đứng về phe Mamluk. Vương quốc được đề cập lần cuối vào năm 1367, nhưng dựa trên niên đại của đồ gốm chế tác nơi đây, al-Abwab có thể đã tiếp tục tồn tại cho đến thế kỷ 15 hoặc thậm chí là 16. Dưới thời trị vì của vua Funj Amara Dunqas (trị. 1504–1533/4), vùng này được xác định đã trở thành một phần của Vương quốc Hồi giáo Funj. Vị tríVị trí chính xác của vương quốc al-Abwab vẫn chưa được xác định rõ ràng. Theo nhà truyền giáo thế kỷ 10 al-Aswani, thành phố Atbara nằm ở al-Abwab. Dù vậy, ông cũng cho rằng biên giới phía bắc của vương quốc nằm xa hơn về phía bắc, tại khúc quanh sông Nin lớn. Vào năm 1317 al-Abwab nằm quanh nơi hợp lưu của sông Atbara và sông Nin, trong khi vào năm 1289, sử sách ghi chép rằng có thể mất khoảng ba ngày để đi từ đảo Mograt đến nơi đây, cho thấy biên giới phía bắc của vương quốc nằm gần Abu Hamad.[2][a] Đến đầu thế kỷ 20, người Sudan được ghi nhận sử dụng thuật ngữ al-Abwab (الأبواب, cửa ngõ) để mô tả một khu vực gần Meroe.[4] Nhà khảo cổ học David Edwards nói rằng nền văn hóa hiện vật của thung lũng sông Nin nằm giữa Abu Hamad, nơi dòng sông uốn cong về phía tây, ngoài ra sông Atbara liên quan tới Makuria chứ không phải Alodia.[5] Lịch sửNguồn gốcKhông có nhiều thông tin về lịch sử al-Abwab.[6] Trong thời kỳ tiền độc lập, đây là tỉnh cực bắc của Alodia.[7] Vua Alodia có thể đã bổ nhiệm một quan chức để cai quản tỉnh này.[8] Hiện vật khảo cổ học từ kinh đô Alodia Soba cho thấy thành phố suy tàn từ thế kỷ 12, và có thể là cả vương quốc.[9] Al-Abwab tách khỏi Alodia dù không rõ trong hoàn cảnh nào;[10] đến năm 1276, nơi đây xuất hiện với tư cách một vương quốc độc lập[10] kiểm soát "những vùng lãnh thổ rộng lớn", theo al-Mufaddal.[11] Dưới thời AdurNước này được đề cập do dính líu đến cuộc chiến giữa Makuria và Vương quốc Hồi giáo Mamluk: David của Makuria tấn công Aydhab và Aswan, kích động sultan của Mamluk Baybars trả đũa. Tháng 3 năm 1276, quân Mamluk tiến đến Dongola và đánh bại David trong trận chiến, buộc quân vương Makuria chạy trốn đến vương quốc phía nam al-Abwab. Tuy nhiên, vua của al-Abwab Adur lập tức giao nộp ông cho phe Hồi giáo.[12] Theo al-Nuwayri, điều này xảy ra sau khi Adur đánh thắng David rồi bắt ông làm tù binh.[13] Al-Mufaddal cho rằng ông giao nộp David vì sợ uy sultan của Mamluk.[11] Sau cuộc chiến, người Mamluk đưa một vị vua bù nhìn lên ngôi ở Dongola[14] rồi cử một kẻ ám sát tới từ al-Abwab để theo dõi ông ta.[15] Sử sách tiếp tục nhắc đến Adur năm 1286, khi ông cử một sứ thần diện kiến sultan của Mamluk. Không chỉ tặng vị sultan một con voi và một con hươu cao cổ, sứ thần còn tuyên bố thần phục ông;[10] song cũng than phiền rằng vua bù nhìn Mamluk ở Dongola tỏ thái độ thù địch.[16] Đầu năm sau, người Mamluk cử một sứ thần đến đáp lễ.[17] Vào năm 1290, Adur được cho là đã tiến hành chiến dịch chống lại một vị vua Makuria tên Any, người đã đào tẩu khỏi đất nước trước đó một năm. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ Any là ai[18] khi vào năm 1289, Dongola có hai vị vua mang tên Shemamun và Budemma,[19] nên có thể ông chỉ đơn thuần là một thủ lĩnh. Ngoài cuộc chiến chống lại Any, Adur còn tham gia chiến dịch trấn áp một vị vua vô danh đã xâm chiếm vùng đất Anaj, có thể ám chỉ Alodia. Ông tuyên bố rằng một khi các chiến dịch thành công, toàn bộ Bilad al-Sudan sẽ nằm dưới quyền của quốc vương Mamluk.[20] Năm 1292 vua Makuria buộc tội Adur tàn phá đất nước mình.[21] Tiếp xúc với người MamlukNăm 1316, người Mamluk lại xâm lược Makuria với ý đồ thay thế vị vua bất tuân Karanbas bằng quân vương Hồi giáo Barshambu. Karanbas chạy trốn đến al-Abwab và ở lại đây suốt bốn thập kỷ trước khi vua al-Abwab bắt giữ ông và giao cho quân Mamluk.[22] Một năm sau, al-Abwab tiếp xúc trực tiếp với người Mamluk khi một đội quân Mamluk truy đuổi những toán cướp Bedouin qua miền trung Sudan đến thị trấn cảng Sawakin, đi về phía tây đến Atbara, sau đó ngược dòng đến khi tới được Kassala. Cuối cùng do không bắt được toán cướp du mục, người Mamluk xuôi ngược dòng Atbara rồi cập bến tại al-Abwab.[23] Al-Nuwayri tuyên bố quốc vương của al-Abwab đã gửi quân nhu cho đội quân này dù quá sợ hãi khi gặp mặt họ. Mặc dù vậy, quân đội Mamluk bắt đầu cướp bóc đất nước để lấy lương thực trước khi tiếp tục hành quân đến Dongola.[24] Đến thế kỷ 14 và 15 các bộ lạc Bedouin đã càn quét phần lớn Sudan.[25] Năm 1367, quốc vương Mamluk trao đổi thư từ với tù trưởng (shaykh) Junayd của bộ tộc Ả Rập Jawabira, một nhánh của Banu Ikrima.[26] Vị thủ lĩnh này đến Nubia khi đi cùng các cuộc xâm lược của Mamluk.[27] Theo al-Qalqashandi, ông đã cư trú ở al-Abwab, cùng với một tù trưởng bộ lạc Ả Rập khác tên là Sharif.[28] Chấm dứtCác nguồn tài liệu không còn đề cập đến al-Abwab sau thế kỷ 14.[29] Song, bằng chứng khảo cổ học từ khu vực cho thấy al-Abwab vẫn tồn tại cho đến khi Vương quốc Hồi giáo Funj trỗi dậy, vì đồ gốm Cơ đốc giáo đã được tìm thấy cùng với đồ gốm Funj.[30] Do đó, giới sử học kết luận nhà nước al-Abwab "chắc chắn" phát triển mạnh cho đến thế kỷ 15 và thậm chí có thể là thế kỷ 16.[6] Dưới thời vị vua Funj đầu tiên, Amara Dunqas (trị. 1504–1533/4), ông đã thống nhất thung lũng sông Nin của Sudan ở tận phía bắc Dongola.[31] Tôn giáoVào năm 1412, Al-Qashqandi đã ghi chép rằng vua của al-Abwab có tước hiệu tương tự như vua Kilikia, ngụ ý al-Abwab là một quốc gia Kitô giáo. Dân chúng trong vùng tiếp tục chế tác đồ gốm Cơ Đốc giáo cho đến khi người Funj trỗi dậy.[30] Tuy vậy, vua Adur có lẽ là một người Hồi giáo,[6] khi kẻ ám sát được lệnh sultan của Baybars trông chừng vua bù nhìn Makuria là một tín đồ Hồi giáo dòng Isma'il.[15] Các bộ lạc Bedouin chiếm Nubia trong thế kỷ 14 và 15 là người Hồi giáo dù chỉ trên danh nghĩa. Tuy nhiên, họ góp phần Hồi giáo hóa đất nước bằng cách kết hôn với người Nubia.[32] Lịch sử truyền thống của người Sudan cho biết một thầy giảng Sufi đã đến khu vực này trong thế kỷ 15. Có những ý kiến cho rằng ông định cư ở Berber vào năm 1445 hoặc gần al-Mahmiya (phía bắc Meroe) hồi cuối thế kỷ 15.[33] Ghi chú
Tham khảo
Thư mục
|