Tiểu đoàn 307
Tiểu đoàn 307 là tiểu đoàn chủ lực cơ động đầu tiên tại Nam bộ của Quân đội nhân dân Việt Nam trong Chiến tranh Đông Dương. Tiểu đoàn được nhiều người biết đến một phần cũng do một bài hát cùng tên của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí viết về tiểu đoàn này. Trên thực tế, vẫn còn một tiểu đoàn 307 khác cũng từng tham chiến tại miền Nam Việt Nam. Cả hai tiểu đoàn này về sau đều được tuyên phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Chiến tranh Đông DươngTiểu đoàn được thành lập ngày 1 tháng 5 năm 1948 tại vùng căn cứ Đồng Tháp Mười gồm lực lượng của Khu 8 và một bộ phận quan trọng của Trung đoàn 99 Bến Tre hợp thành, với tên "Tiểu đoàn liên quân lưu động". Tiểu đoàn làm lễ xuất quân ngày 5 tháng 7 tại căn cứ Giồng Luông, xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Sau đó, vì thấy tên gọi "Tiểu đoàn Liên quân lưu động" dài, dễ lộ bí mật, trên cho đơn vị đổi tên thành Tiểu đoàn 307. Trong năm đầu tiên, tiểu đoàn đã đánh thắng hai trận nổi tiếng ở Mộc Hóa và La Bang (Trà Vinh), mỗi trận tiêu diệt một tiểu đoàn địch. Cuối năm 1949, Tư lệnh Khu 8 Trần Văn Trà phát động sáng tác ca khúc ca ngợi Tiểu đoàn 307 mới thành lập nhưng đã đánh thắng nhiều trận lớn. Nhà thơ Nguyễn Bính sáng tác bài thơ "Cửu Long Giang" đăng trên báo "Tổ quốc" - Khu 8, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc thành bài hát nổi tiếng "Tiểu đoàn ba lẻ bảy". Khi đó tiểu đoàn đang đóng trên bờ sông Nhị Mỹ, Cao Lãnh, Long Châu Sa. Bài hát có xuất xứ ở vùng Cao Lãnh, Đồng Tháp sau phổ biến khắp Nam Bộ, lan rất nhanh trong bộ đội và cả trong nhân dân. Tối 1 tháng 10 năm 1950, lần đầu tiên bài hát được phát sóng trên Đài Tiếng nói Nam Bộ kháng chiến do Tổ quân nhạc Khu 8 trực tiếp biểu diễn.[1] Với ca từ chắc nhịp, dễ nhớ "Ai đã từng đi qua sông Cửu Long Giang, Cửu Long giang sóng trào nước xoáy. Ai đã từng nghe tiếng Tiểu đoàn, tiếng Tiểu đoàn 307! Buổi xuất quân Tiểu đoàn năm ấy, cả Tiểu đoàn thề dưới sao vàng, người chiến sĩ tiếc gì máu rơi, buổi xuất quân Tiểu đoàn năm ấy nguyện một lòng gìn giữ non sông…", bài hát đã đi vào lòng nhiều thế hệ người Việt Nam. Tính đến năm 1954, Tiểu đoàn 307 đã hơn đánh 110 trận lớn nhỏ. Sau Hiệp định Genève, 1954, Tiểu đoàn 307 hành quân về tiếp quản thị xã Cà Mau và thị trấn Tắc Vân, sau đó xuống tàu tập kết ra Bắc, được tái tổ chức lại thành Tiểu đoàn 7, thuộc Trung đoàn 3, Sư đoàn 330[2] đóng quân tại Thanh Hóa dưới quyền chỉ huy của Sư đoàn trưởng Đồng Văn Cống. Lịch sử của Tiểu đoàn 307 thời Chiến tranh Đông Dương có ba người tiểu đoàn trưởng. Tiểu đoàn trưởng đầu tiên của Tiểu đoàn 307 là ông Đỗ Huy Rừa quê ở làng La Ngạn, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Ông đã chỉ huy Tiểu đoàn tại các trận Mộc Hóa, La Bang, ông hy sinh năm 1949. Kế nhiệm ông là Nguyễn Văn Tiên, người về sau trở thành một trong những chỉ huy không quân nổi tiếng, được thăng đến hàm Trung tướng. Tiểu đoàn trưởng cuối cùng trước lúc Tiểu đoàn 307 lên đường tập kết ra Bắc là ông Phạm Hồng Sơn, quê ở Hà Tây.[3]
Kháng chiến chống Mỹ - NgụyNgày 30 tháng 7 năm 1967, Bộ tư lệnh Quân khu 9, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã cho thành lập một tiểu đoàn chủ lực lấy phiên hiệu là Tiểu đoàn 307, tại xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau. Tiểu đoàn được phiên chế trong đội hình Trung đoàn 1, trung đoàn chủ lực của quân khu[4]. Từ cuối năm 1967 đến năm 1975, tiểu đoàn đã tham gia nhiều trận đánh khắp vùng miền Tây Nam Bộ. Tháng 10 năm 1976, cùng với các đơn vị chủ lực khác của miền Tây Nam Bộ, tiểu đoàn được phiên chế vào đội hình của Sư đoàn 330. Năm 1978, tiểu đoàn trong đội hình của Sư đoàn, tham gia chiến đấu trong Chiến tranh biên giới Tây Nam trên tuyến biên giới An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp. Năm 1979, tiểu đoàn sang Campuchia truy quét quân Khmer Đỏ cho đến khi rút về nước năm 1989. Sau khi về nước, Tiểu đoàn 307 được tái tổ chức lại, thay đổi phiên hiệu thành Tiểu đoàn 2, thuộc Trung đoàn 1, Sư đoàn 330 - Quân khu 9. Vinh danhĐiều khá trớ trêu là Sư đoàn 330 có cả hai tiểu đoàn 307 khác nhau. Tiểu đoàn 307 thời Chiến tranh Đông Dương nay là Tiểu đoàn 7, thuộc Trung đoàn 3; tiểu đoàn 307 thời Chiến tranh Việt Nam nay là Tiểu đoàn 2, thuộc Trung đoàn 1. Ngày 22 tháng 12 năm 1979, Tiểu đoàn 307 thời Chiến tranh Việt Nam (từ năm 1989 đổi phiên hiệu thành Tiểu đoàn 2) được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tuy nhiên, mãi đến ngày 2 tháng 9 năm 2005, Nhà nước Việt Nam mới phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Tiểu đoàn 307 thời Chiến tranh Đông Dương (nay là Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 3). Ngày 5 tháng 7 năm 2008, tỉnh Bến Tre đã tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của Tiểu đoàn 307.[5] Ca khúc Tiểu đoàn 307 cũng đã được chương trình phát thanh của Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Tháp và chương trình phát thanh của Đài Phát thanh - Truyền hình Bến Tre lấy làm nhạc hiệu Tham khảo
|
Portal di Ensiklopedia Dunia