The Velvet Rope
The Velvet Rope là album phòng thu thứ sáu của nghệ sĩ thu âm người Mỹ Janet Jackson, phát hành ngày 7 tháng 10 năm 1997 bởi Virgin Records.[1] Sau khi phát hành album tuyển tập đầu tiên của mình Design of a Decade: 1986-1996 (1995), Jackson tiếp tục trở thành trung tâm của một cuộc đấu thầu thứ hai để giành hợp đồng thu âm với cô. Những công ty thu âm như Sony Music, The Walt Disney Company, và Time Warner đã cố gắng ký hợp đồng với cô, trong khi Virgin tìm cách đàm phán để giữ chân cô. Cuối cùng, Jackson ở lại hãng Virgin và ký một hợp đồng mới trị giá 80 triệu đô-la, trở thành bản hợp đồng thu âm lớn nhất lịch sử ngành công nghiệp âm nhạc lúc bấy giờ. Sau một khoảng thời gian dài đấu tranh với tình trạng suy sụp tinh thần, Jackson bắt đầu phải đối mặt với trạng thái trầm cảm dài hạn, xuất phát từ những tổn thương thuở nhỏ và trong độ tuổi vị thành niên, bao gồm mặc cảm ngoại hình, chán ăn tâm thần và tự gây tổn thương. Nữ ca sĩ đã phát triển bản thu âm mới như là một album chủ đề, với nội dung chính tập trung vào chủ đề nội tâm. Tiêu đề của album là một phép ẩn dụ cho ranh giới tình cảm, cũng như ám chỉ đến nhu cầu đặc biệt của mỗi cá nhân. Về mặt ca từ, nó liên hệ đến những chủ đề như lòng tự trọng, mạng lưới xã hội, ghê sợ đồng tính luyến ái và bạo hành gia đình. Mặc dù Jackson đã đề cập tình dục vào âm nhạc của cô qua album phòng thu trước, janet. (1993), The Velvet Rope thể hiện một bước đi táo bạo hơn, bao gồm nhiều chủ đề như BDSM, thủ dâm, thiên hướng tình dục, và quan hệ đồng giới. Do những nội dung khiêu dâm của nó, album đã củng cố hình ảnh công chúng của Jackson như là một biểu tượng sex. Ngoài ra, việc kết hợp những vấn đề xã hội về khuynh hướng tình dục và chống lại chứng sợ đồng tính cũng đã tạo dựng danh tiếng của cô như là một biểu tượng đồng tính và giúp nữ ca sĩ chiến thắng một Giải thưởng Truyền thông GLAAD cho Âm nhạc nổi bật. The Velvet Rope được đồng viết lời và sản xuất bởi Jackson, người chồng lúc bấy giờ René Elizondo, Jr. và bộ đôi Jimmy Jam & Terry Lewis, bên cạnh sự tham gia hỗ trợ từ nhiều nhà soạn nhạc khác nhau. Những bài hát trong album còn có sự đóng góp của nghệ sĩ dương cầm người Anh Vanessa-Mae, ca sĩ kiêm nhạc sĩ người Canada Joni Mitchell và rapper người Mỹ Q-Tip. Nó là sự kết hợp giữa nhiều thể loại nhạc, bao gồm pop, R&B, trip hop, folk, jazz, rock và nhạc điện tử. Được coi là bản thu âm trưởng thành nhất trong sự nghiệp của Jackson, album được coi là hình mẫu cho nhiều nghệ sĩ pop đương đại muốn chuyển sang những âm thanh tăm tối hoặc nổi loạn hơn và là tiền thân cho sự phát triển của alternative R&B. The Velvet Rope nhận được những phản ứng tích cực từ các nhà phê bình âm nhạc, trong đó họ đánh giá nó như là một "kiệt tác". Nó cũng được liệt kê vào danh sách 500 Album vĩ đại nhất mọi thời đại của tạp chí Rolling Stone. The Velvet Rope ra mắt ở vị trí số một trên bảng xếp hạng Billboard 200, trở thành album quán quân thứ tư liên tiếp của Jackson tại Hoa Kỳ. Nó cũng lọt vào top 5 ở nhiều quốc gia, như Úc, Canada và Vương quốc Anh. Album đã được chứng nhận ba đĩa Bạch kim từ Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Mỹ (RIAA), và đã bán được hơn 10 triệu bản trên toàn thế giới. Sáu đĩa đơn đã được phát hành từ album, trong đó "Got 'til It's Gone" đã giành một giải Grammy cho Video hình thái ngắn xuất sắc nhất, "Together Again" đứng đầu bảng xếp hạng Billboard Hot 100 và trở thành một trong những đĩa đơn bán chạy nhất mọi thời đại, và "I Get Lonely" đã trở thành đĩa đơn thứ 18 liên tiếp của Jackson lọt vào top 10 trên Hot 100, giúp cô trở thành nghệ sĩ nữ duy nhất trong lịch sử bảng xếp hạng làm được điều này, cũng như nhận được một đề cử giải Grammy ở hạng mục Trình diễn giọng R&B nữ xuất sắc nhất. Để quảng bá cho album, Jackson bắt tay thực hiện chuyến lưu diễn The Velvet Rope World Tour, nhận được nhiều lời khen ngợi cho phần dàn dựng sân khấu và khả năng hát trực tiếp của nữ ca sĩ. Danh sách bài hát
Xếp hạng
Chứng nhận
Xem thêmTham khảo
Liên kết ngoài
|
Portal di Ensiklopedia Dunia