Thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương

Thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (thường được gọi ngắn là thành phố thuộc thành phố) là một loại hình đơn vị hành chính cấp hai tại Việt Nam, tương đương với huyện, quận, thị xãthành phố thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện).

Thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương là một đô thị của một thành phố trực thuộc trung ương và cùng chung bộ tiêu chí với thành phố thuộc tỉnh.

Lịch sử

Thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương là loại hình đơn vị hành chính mới có từ năm 2013. Trước đó, theo Hiến pháp năm 1992[1], thành phố trực thuộc trung ương chỉ gồm ba loại hình đơn vị hành chính cấp huyện là quận, huyện và thị xã.

Sau khi sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của tỉnh Hà Tây cũ vào ngày 1 tháng 8 năm 2008, Hà Nội có hai thành phố là Hà ĐôngSơn Tây[2], tình trạng này duy trì đến ngày 7 tháng 5 năm 2009. Tuy nhiên vào thời điểm đó hai thành phố này được coi là các thành phố thuộc tỉnh do chưa có quy định về thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương và đang trong giai đoạn chờ Chính phủ ban hành nghị quyết để điều chỉnh lại (việc điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện và cấp xã khi đó thuộc thẩm quyền của Chính phủ, còn Quốc hội chỉ thông qua việc điều chỉnh địa giới hành chính ở cấp tỉnh[1]). Điều này cũng tương tự các trường hợp thành phố Đà Nẵng trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ vẫn còn tồn tại một thời gian sau khi thành phố Đà Nẵng trực thuộc trung ương được thành lập (1/1–23/1/1997) hay thành phố Cần Thơ trực thuộc tỉnh Cần Thơ cũ vẫn tồn tại sau ngày thành lập thành phố Cần Thơ trực thuộc trung ương (1/1–2/1/2004). Khi đó các thành phố này không được xem là thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương mà chỉ là trường hợp ngoại lệ trong giai đoạn chờ nghị quyết của Chính phủ về việc thành lập các quận, huyện mới. Ngày 8 tháng 5 năm 2009, thành phố Hà Đông đã được chuyển thành quận và thành phố Sơn Tây chuyển thành thị xã theo nghị quyết của Chính phủ.[3]

Quy định trong luật pháp

Toàn cảnh Khu đô thị mới Thủ Thiêm tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2015

Trong Hiến pháp 2013, Chương IX: Chính quyền địa phương[4], Khoản 1 Điều 110 có quy định: "Tỉnh chia thành huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh; thành phố trực thuộc trung ương chia thành quận, huyện, thị xã và đơn vị hành chính tương đương" tuy nhiên không đề cập rõ "đơn vị hành chính tương đương" là gì. Việc bổ sung đơn vị hành chính tương đương cấp huyện này là cơ sở hiến định quan trọng để tổ chức các mô hình cơ quan quản lý tại các đô thị có mức độ đô thị hóa cao ở Việt Nam[5]. Cụ thể, Thành phố Hồ Chí Minh lúc bấy giờ đang xúc tiến thí điểm Đề án chính quyền đô thị mà trong cấu trúc có đơn vị hành chính thành phố thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.[5]

Trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015[6] (sửa đổi, bổ sung 2019[7]), quy định tại Điều 2: Đơn vị hành chính, Chương I: Những quy định chung:

Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm có:

1. Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh);

2. Huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện);

3. Xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã);

4. Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Tiêu chuẩn của đơn vị hành chính

Theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13[8] của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành năm 2016, tại Điều 5, Mục 2: Tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị, Chương I: Tiêu chuẩn của đơn vị hành chính thì một thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn như sau:

Điều 5. Tiêu chuẩn của thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương

1. Quy mô dân số từ 150.000 người trở lên.

2. Diện tích tự nhiên từ 150 km² trở lên.

3. Đơn vị hành chính trực thuộc:

a) Số đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc có từ 10 đơn vị trở lên;

b) Tỷ lệ số phường trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã từ 65% trở lên.

4. Đã được công nhận là đô thị loại I hoặc loại II hoặc loại III; hoặc khu vực dự kiến thành lập thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương đã được phân loại đạt tiêu chí của đô thị loại I hoặc loại II hoặc loại III.

5. Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đạt quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết này.

Lịch sử

Ngày 9 tháng 12 năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 1111/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2021)[9]. Theo đó, thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức.

Ngày 24 tháng 10 năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1232/NQ-UBTVQH15[10] về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Hải Phòng giai đoạn 2023 – 2025 (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2025). Theo đó, thành lập thành phố Thủy Nguyên thuộc thành phố Hải Phòng trên cơ sở toàn bộ 261,91 km² diện tích tự nhiên; quy mô dân số 382.103 người của huyện Thủy Nguyên và điều chỉnh 7,19 km² diện tích tự nhiên khu vực đảo Vũ Yên tại phường Đông Hải 1 thuộc quận Hải An.

Danh sách thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương

Thành phố Trực thuộc Diện tích
(km²)
Dân số
(người)
Mật độ
(người/km²)
Hành chính Thành lập Loại Hình ảnh
Thủ Đức Thành phố Hồ Chí Minh 211,56 1.013.795 4.800 34 phường 01/01/2021 I
Thủy Nguyên Hải Phòng 269,10 397.570 1.477 17 phường, 4 xã 01/01/2025 III
(2024)

Xem thêm

Chú thích

  1. ^ a b “Hiến pháp số 68/LCT/HĐNN8 của Quốc hội: Hiến pháp năm 1992”.
  2. ^ “Nghị quyết số 15/2008/QH12 về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan do Quốc hội ban hành”.
  3. ^ “Nghị quyết số 19/NQ-CP về việc xác lập địa giới hành chính xã Đông Xuân thuộc huyện Quốc Oai; các xã Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung thuộc huyện Thạch Thất; huyện Mê Linh thuộc thành phố Hà Nội; thành lập quận Hà Đông và các phường trực thuộc; chuyển thành phố Sơn Tây thành thị xã Sơn Tây thuộc thành phố Hà Nội”.
  4. ^ “Hiến pháp 2013, Chương IX: Chính quyền địa phương”. Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 5 năm 2021. Truy cập ngày 14 tháng 1 năm 2021.
  5. ^ a b “Đổi mới tổ chức đơn vị hành chính theo Hiến pháp năm 2013”. Tạp chí nghiên cứu lập pháp. 1 tháng 3 năm 2014.
  6. ^ “Luật số 77/2015/QH13 của Quốc hội: Luật tổ chức chính quyền địa phương”.
  7. ^ “Luật số 47/2019/QH14 của Quốc hội: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương”.
  8. ^ “Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành”.
  9. ^ “Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 năm 2020 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh”.
  10. ^ “Nghị quyết số 1232/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Hải Phòng giai đoạn 2023 – 2025”. Cổng thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam. 24 tháng 10 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 11 năm 2024. Truy cập ngày 2 tháng 11 năm 2024.