Rhamnus

Rhamnus
Phân loại khoa học
Giới (regnum)Plantae
(không phân hạng)Angiospermae
(không phân hạng)Eudicots
(không phân hạng)Rosids
Bộ (ordo)Rosales
Họ (familia)Rhamnaceae
Phân họ (subfamilia)Rhamnoideae
Tông (tribus)Rhamneae
Chi (genus)Rhamnus
L., 1753[1]
Loài điển hình
Rhamnus catharticus
L., 1753
Các loài
137 và 6 lai ghép. Xem văn bản
Danh pháp đồng nghĩa[2]
Danh sách
  • Alaternus Mill., 1754
  • Ampeloplis Raf., 1838
  • Apetlorhamnus Nieuwl., 1915
  • Apetlothamnus Nieuwl. ex Lunell, 1916
  • Aspidocarpus Neck., 1790
  • Atadinus Raf., 1838
  • Atulandra Raf., 1838
  • Cardiolepis Raf., 1825 nom. illeg. không Wallr., 1822
  • Cervispina Ludw., 1757 vide Dandy, 1967
  • Cervispina Moench, 1794
  • Endotropis Raf., 1825 không Endl., 1838 nom. illeg. không Raf., 1838 nom. illeg.
  • Forgerouxa Neck., 1790
  • Girtanneria Neck., 1790
  • Hettlingeria Neck., 1790
  • Lithoplis Raf., 1838
  • Oreoherzogia W.Vent, 1962
  • Rhamnos St.-Lag., 1880
  • × Rhamzogia W.Vent, 1962
  • Sciadophila Phil., 1857
  • Ventia Hauenschild, 2016

Rhamnus là danh pháp khoa học của một chi thực vật trong họ Rhamnaceae. Khi hiểu theo nghĩa rộng thì nó chứa khoảng 200 loài được công nhận, còn khi hiểu theo nghĩa hẹp hơn thì nó là chứa khoảng 140 loài cây bụi hoặc cây gỗ nhỏ được công nhận. Trong bài này Rhamnus được hiểu theo nghĩa hẹp, với sự tách ra của chi Frangula. Trường hợp tách tiếp các chi như Atadinus, Endotropis, Ventia thì số lượng loài của nó sẽ giảm tương ứng với các loài được tách ra này. Chi tiết về các loài Frangula xem tại bài về chi này.

Tên gọi các loài Rhamnus trong một số ngôn ngữ như tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung và tiếng Anh tương ứng là жостер, nerprun, 鼠李 và buckthorn; được một số tài liệu và từ điển dịch tương ứng thành hắc mai (nghĩa đen là cây mơ đen), táo đen, thử lý (nghĩa đen là mận chuột) và không dịch thành tên Việt với nghĩa đen là gai hươu. Về tên gọi tiếng Việt cho các loài ở Việt Nam, xem Tên gọi dưới đây.

Phân bố

Chi Rhamnus có sự phân bố gần như toàn cầu,[2][3] với khoảng 140 loài có nguồn gốc từ các vùng ôn đới đến nhiệt đới, phần lớn các loài đến từ Đông ÁBắc Mỹ, với một số ít loài ở Châu ÂuChâu Phi.[4]

Các loài ở Bắc Mỹ bao gồm R. alnifolia xuất hiện trên khắp lục địa, R. lanceolata ở miền trung và đông nam, R. crocea ở phía tây. Mặc dù không có nguồn gốc từ khu vực này, R. cathartica có thể được tìm thấy ở Bắc Mỹ.[5]Nam Mỹ, R. diffusa là một loại cây bụi nhỏ có nguồn gốc từ các rừng mưa ôn đới Valdivia của Chile.

Đặc điểm

Các loài của Rhamnus là cây bụi hoặc cây gỗ nhỏ đến trung bình,[6] cao 1–10 mét (3,3–32,8 ft), hiếm khi cao đến 15 mét (49 ft), với tán lá sớm rụng hoặc hiếm khi là thường xanh; có nguồn gốc chủ yếu ở Đông ÁBắc Mỹ, nhưng cũng được tìm thấy trên khắp vùng ôn đới và cận nhiệt đới ở Bắc bán cầu, và nhiều nơi ở vùng cận nhiệt đới Nam bán cầu trong một số khu vực thuộc Châu PhiNam Mỹ. Loài R. cathartica bản địa Châu Âu có thể phát triển như một loài thực vật xâm lấn ở các vùng của CanadaHoa Kỳ, nơi nó đã tự nhiên hóa.[7]

Các cành hoặc là không có gai hoặc là kết thúc bằng một gai gỗ. Tên gọi thông thường trong tiếng Anh là buckthorn (nghĩa đen là gai hươu) bắt nguồn từ các gai gỗ nhọn ở tận cùng mỗi cành cây có ở nhiều loài. Các loài với lá sớm rụng và lá thường xanh đều có trong chi này. Các lá của chúng là lá đơn, dài 3–15 xentimét (1,2–5,9 in), mọc cách (so le), mọc đối hoặc gần như tạo thành cặp đôi (gần mọc đối). Phiến lá không phân chia và gân lá lông chim. Các mép lá có răng cưa hoặc hiếm khi nguyên. Một đặc điểm khác biệt của nhiều loài Rhamnus là đường gân lá cong lên về phía chóp đỉnh lá. Hầu hết các loài có hoa nhỏ, màu xanh lục ánh vàng, lưỡng tính hoặc đơn tính, hiếm khi hoa tạp tính; mọc đơn lẻ hoặc trong các xim hoa ở nách lá, chúng là cành hoa hoặc chùy hoa dạng xim chứa một vài hoa. Đài hoa hình chuông đến hình chén, với 4 hoặc 5 lá đài hình trứng-hình tam giác, có gờ khác biệt nhiều hay ít ở mặt gần trục. Cánh hoa 4 hoặc 5 nhưng một số loài có thể thiếu cánh hoa. Cánh hoa ngắn hơn lá đài. Hoa có 4 hoặc 5 nhị hoa được các cánh hoa có chiều dài bằng hoặc ngắn hơn bao quanh. Bao phấn đính lưng. Bầu nhụy thượng, rời, thuôn tròn, với 2-4 ngăn. Chúng ra quả là quả hạch giống như quả mọng có màu đen hoặc đỏ, chứa 2-4 hạch, hình trứng ngược-hình cầu hoặc hình cầu. Hạt hình trứng ngược hoặc thuôn dài-hình trứng ngược, không rãnh hoặc có mép ở mặt xa trục hoặc ở mặt bên với một rãnh dài, hẹp. Hạt có nội nhũ mọng thịt.[4]

Các loài Rhamnus có thể bị nhầm lẫn với giác mộc (Cornus), do chúng có chung đặc điểm là hệ gân lá cong; trên thực tế, "giác mộc" cũng là tên địa phương của R. prinoides ở miền nam Châu Phi. Hai loại cây này rất dễ phân biệt bằng cách xé rách từ từ một chiếc lá; sơn thù du sẽ tiết ra những sợi nhựa mủ mỏng màu trắng, trong khi Rhamnus thì không.

Phân loại

Tới nay tồn tại hai xu hướng trong việc xác định giới hạn chi Rhamnus là:

  • Xu hướng thứ nhất hiểu Rhamnus theo nghĩa hẹp, với sự tách ra của các chi Frangula, AlaternusOreoherzogia hoặc duy trì Rhamnus bao gồm cả AlaternusOreoherzogia, nhưng tách riêng chi Frangula.
  • Xu hướng thứ hai hiểu Rhamnus theo nghĩa rộng, với sự gộp tất cả các chi Frangula, AlaternusOreoherzogia vào trong Rhamnus.

Công trình mang tính bao hàm toàn diện đầu tiên trong việc tách riêng chi Frangula là của Grubov (1949).[8] Các phân loại học liên quan tới Rhamnus tại Châu Âu theo xu hướng này của Grubov,[9][10] nhưng các phân loại học thực vật Tân Thế giới lại theo hướng hiểu Rhamnus theo nghĩa rộng.[11][12][13][14][15][16]

Năm 2004, phân tích phát sinh chủng loài của Bolmgren và Oxelman cho thấy cả Alaternus, FrangulaOreoherzogia đều có sự hỗ trợ mạnh cũng như hỗ trợ cho sự công nhận Frangula là một chi đơn ngành. Dung giải giữa Alaternus, Oreoherzogia và phần còn lại của Rhamnus s.str. ít rõ ràng, vì thế các tác giả đề xuất phục hồi chi Frangula.[17]

Năm 2013, Amy Pool đã thực hiện tiếp việc tách Frangula ra khỏi Rhamnus.[18] Hiện nay, các cơ sở dữ liệu thực vật như POWO,[19] Tropicos,[20] WCVP[21] đều ghi nhận việc tách riêng của Frangula.

Về mặt hình thái học, các đặc trưng thuyết phục nhất để công nhận Frangula bao gồm thiếu các vảy chồi nụ, hạch quả không nứt, hạt nhẵn bóng với mỏ ở đáy dạng sụn dày lên thò ra qua đáy của hạch quả. Ngược lại, ở Rhamnus thì có các vảy chồi nụ, hạch quả nứt ở mặt bụng và hạt có rãnh, không có phần dày lên ở đáy và được bao bọc hoàn toàn trong hạch quả trước khi nứt.[18]

Các đặc trưng phân biệt khác bao gồm:[18]

  • Frangula hoàn toàn không có gai; lá chủ yếu mọc so le (hiếm khi mọc đối); hoa lưỡng tính thường mẫu 5 (hiếm khi mẫu 4); chén hoa nứt theo đường vòng ở xa phía dưới đáy lá đài (hiếm khi không nứt); lá đài mọng với gờ rõ nét; cánh hoa khá phát triển, có vuốt ở đáy; bầu nhụy thường 3 ngăn (hiếm khi 2); vòi nhụy đơn, thường không thò ra, với đầu nhụy chẻ ba; hạch quả không nứt, mở tại đáy.
  • Rhamnus thì gai có hoặc không; lá mọc so le hoặc mọc đối hoặc cả hai; hoa hoặc đơn tính hoặc lưỡng tính mẫu 4 hoặc 5 nhưng chủ yếu là đơn tính mẫu 4; chén hoa không nứt theo đường vòng (hiếm khi nứt tại hoặc ngay phía dưới đáy lá đài); lá đài thường mỏng dạng giấy với gờ không rõ nét; cánh hoa kém phát triển, không có vuốt ở đáy hoặc đôi khi không có cánh hoa ở các hoa cái; bầu nhụy 2-4 ngăn; vòi nhụy với 2-4 khe chẻ, thường thò ra, với đầu nhụy đơn; hạch quả nứt, đóng tại đáy trước khi nứt.

Các loài

Danh sách 137 loài và 6 loài lai ghép lấy theo Plants of the World Online.[2]

Lai ghép

Các loài ở Việt Nam

Theo POWO, ở Việt Nam có 7 loài Rhamnus theo nghĩa hẹp như sau:[2]

và 4 loài Frangula như dưới đây.[19]

Tên gọi

Tên gọi của các loài trong tiếng Việt chưa có sự thống nhất, có thể là do số lượng loài ít, sinh sống trong rừng khó tìm thấy và ít giá trị. Phạm Hoàng Hộ (1999) trong Cây cỏ Việt Nam Quyển 2, khi viết về các mục từ từ 5749 (trang 447) đến 5758 (trang 449) chỉ có tên gọi cho mục từ 5750 R. crenatus (= Frangula crenata) là bút mèo, vang trầm.[24] Các tác giả khác như:

  • Nguyễn Thái Bình (2012)[25] tại Phụ lục 01 mục từ 629 gọi R. nepanensis ([sic] = R. napalensis) là táo rừng, trùng với tên gọi thông thường của Ziziphus oenoplia.
  • Nguyễn Tuấn Bằng (2014)[26] tại Phụ lục 1 Mục từ 371 gọi R. crenata (= F. crenata) là mận rừng.
  • Nguyễn Thị Hoa (2015)[27] gọi Rhamnus và các loài R. henryi (= F. henryi), R. crenata (= F. crenata) và các thứ R. crenata var. crenata, R. crenata var. parvifolia, R. longipes (= F. longipes), R. grisea (= F. grisea), R. bodinieri, R. hainanensisR. napalensis tương ứng là chi Mận rừng, mận rừng henryi, mận rừng, mận rừng, mận rừng lá nhỏ, mận rừng cuống dài, mận rừng cám, mận rừng bodinieri, mận rừng hải nam, cồng cua.
  • Đinh Thị Hoa (2017)[28] tại Phụ lục 01 các mục từ 762-765 gọi R. bodinieri là mận rừng bodinier, R. crenatus (= F. crenata) là mận rừng, R. henryi (= F. henryi) là mận rừng henry, R. nepalensis (= R. napalensis) là cồng cua.
  • Trần Văn Hải (2020)[29] tại trang 204 (mục từ 969 Bảng 3.11) và trang 349 (Danh lục cây chữa mụn nhọt) gọi R. crenata (= F. crenata) là bốt mèo.

Sử dụng

Rhamnus cathartica.

Quả của hầu hết các loài có chứa chất nhuộm màu vàng và hạt giàu protein. Dầu từ hạt được sử dụng để làm dầu bôi trơn, mực inxà phòng.[4] Nhiều loài đã từng được sử dụng để sản xuất thuốc nhuộm. R. utilis cung cấp màu xanh lục Trung Hoa, một loại thuốc nhuộm màu xanh lục-vàng được sử dụng để tạo ra màu xanh lục sáng cho lụa và len.[30] Một loài khác, R. saxatilis, cung cấp thuốc nhuộm màu vàng "quả mọng Ba Tư", được làm từ quả.

Một số loài có thể gây ra bệnh đa dây thần kinh mất myelin viêm nhiễm mạn tính.[31]

R. cathartica, một loài bản địa phổ biến rộng ở Châu Âu từng được sử dụng trong quá khứ như một loại thuốc nhuận tràng. Ở nước Anh vào giữa thế kỷ 17 thì nó là loại thuốc nhuận tràng bản địa duy nhất.[32][33] Nó còn được biết đến trước thời kỳ của Linnaeus với tên gọi Spina Cervina.[32][34] Quả giống như quả mọng của Spina Cervina có màu đen và chứa nước quả màu ánh xanh lục, cùng với 4 hạt mỗi quả; điều này giúp phân biệt chúng với những quả Alnus glutinosagiác mộc (Cornus), do chúng chỉ chứa 1 hoặc 2 hạt trong quả và nước quả không có màu xanh lục. Xi-rô của nó được cho là có mùi vị khó chịu và khó uống.[35] Độc tính của nó làm cho nó trở thành một loại thảo dược đầy rủi ro và nó không còn được sử dụng nữa.[36] R. prinoides được gọi là gesho ở Ethiopia, nơi nó được sử dụng để làm một loại rượu mật ong gọi là tej. Loài R. alaternus cũng cho thấy một số hứa hẹn trong việc sử dụng làm thuốc.[37]

Hình ảnh

Chú thích

  1. ^ Carl Linnaeus, 1753. Rhamnus. Species Plantarum 1: 193.
  2. ^ a b c d Rhamnus trong Plants of the World Online. Tra cứu ngày 28-8-2021.
  3. ^ Rhamnus in Flora of Pakistan”. Efloras.org. Truy cập ngày 7 tháng 5 năm 2013.
  4. ^ a b c Rhamnus in Flora of China”. Efloras.org. Truy cập ngày 7 tháng 5 năm 2013.
  5. ^ Kurylo, J. S.; Knight, K. S.; Stewart, J. R.; Endress, A. G. (2007). “Rhamnus cathartica: Native and naturalized distribution and habitat preferences”. The Journal of the Torrey Botanical Society. 134 (3): 420–430. doi:10.3159/1095-5674(2007)134[420:RCNAND]2.0.CO;2. ISSN 1095-5674.
  6. ^ Archibold, William; Brooks, Darin; Delanoy, L. (1997). “An investigation of the invasive shrub European Buckthorn, Rhamnus cathartica L., near Saskatoon, Saskatchewan”. Canadian Field-Naturalist. 111 – qua ResearchGate.
  7. ^ Knight, Kathleen S.; Kurylo, Jessica S.; Endress, Anton G.; Stewart, J. Ryan; Reich, Peter B. (ngày 1 tháng 12 năm 2007). “Ecology and ecosystem impacts of common buckthorn (Rhamnus cathartica): a review”. Biological Invasions (bằng tiếng Anh). 9 (8): 925–937. doi:10.1007/s10530-007-9091-3. hdl:11299/175602. ISSN 1573-1464. S2CID 10701363.
  8. ^ Грубов В. И., 1949. Монографический обзор рода Rhamnus L. Труды Ботанического института АН СССР. 1(8): 1-423.
  9. ^ Tutin T. G., 1968. Rhamnus L., Frangula Miller., tr. 244-245 trong T. G. Tutin, V. Heywood, N. A. Burges, D. M. Moore, D. H. Valetine, S. M. Walters & D. A. Webb (chủ biên). Flora Europaea Vol. 2. Nhà in Đại học Cambridge.
  10. ^ Kartesz J. T. & Gandhi K. N., 1994. Nomenclatural notes for the North American flora XIII. Phytologia 76: 441-457.
  11. ^ Standley P. C. & J. A. Steyermark, 1949. Rhamnaceae trong Flora of Guatemala. Fieldiana, Bot. 24(6): 277-292.
  12. ^ Nowicke J. W., 1971. Rhamnaceae trong R. E. Woodson & R. W. Schery (chủ biên). Flora of Panama. Ann. Missouri Bot. Gard. 58: 267-283.
  13. ^ Johnston M. C. & L. A. Johnston, 1978. Rhamnus. Fl. Neotrop. 20: 1-96.
  14. ^ Fernández N., 1986. Rhamnaceae. Flora de Veracruz 50. Instituto Nacional de Investigaciones sobre Recursos Bióticos, Xalapa.
  15. ^ Johnston M. C., 2001. Rhamnaceae. Tr. 2192-2200 trong W. D. Stevens, C. Ulloa U., A. Pool & O. M. Montiel (chủ biên). Flora de Nicaragua. Vol. 3. Monogr. Syst. Bot. Missouri Bot. Gard. 85.
  16. ^ Steyermark J. A. & Berry P. E., 2004. Rhamnaceae. Tr. 473-484 trong P. E. Berry, K. Yatskievich & B. K. Holst (chủ biên). Flora of the Venezuealan Guayana. Vol. 8: Poaceae - Rubiaceae. Nhà in Vườn Thực vật Missouri, St. Louis.
  17. ^ Bolmgren L. & Oxelman B., 2004. Generic limits in Rhamnus L. s.l. (Rhamnaceae) inferred from nuclear and chloroplast DNA sequence phylogenies. Taxon 53(2): 383-390, doi:10.2307/4135616.
  18. ^ a b c Amy Pool, 2013. New species, combinations, and lectotypifications in Neotropical and Northern Mexican Frangula (Rhamnaceae). Novon A Journal for Botanical Nomenclature 22(4): 447-467, doi:10.3417/2013009.
  19. ^ a b Frangula trong Plants of the World Online. Tra cứu ngày 28-8-2021.
  20. ^ Tropicos, Frangula Mill..
  21. ^ Frangula trên World Checklist of Vascular Plants (WCVP).
  22. ^ Wallich N., 1824. Ceanothus napalansis. Flora Indica; or Descriptions of Indian Plants, by the Late William Roxburgh 2: 375.
  23. ^ Lawson M. A., 1875. Rhamnus nipalensis. Flora of British India 1(3): 640.
  24. ^ Phạm Hoàng Hộ, 1999. Cây cỏ Việt Nam. Quyển II, mục từ 5749-5758, trang 447-449. Nhà xuất bản Trẻ.
  25. ^ Nguyễn Thái Bình, 2012. Nghiên cứu hiện trạng đa dạng sinh học tại khu rừng Tân Phượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Luận văn thạc sĩ, 137 trang. Trường Đại học Lâm nghiệp.
  26. ^ Nguyễn Tuấn Bằng, 2014. Nghiên cứu tính đa dạng nguồn tài nguyên cây làm thuốc làm cơ sở cho việc bảo tồn và phát triển bền vững tại khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh Lưu trữ 2021-08-28 tại Wayback Machine. Luận văn thạc sĩ, 116 trang. Đại học Quốc gia Hà Nội.
  27. ^ Nguyễn Thị Hoa, 2015. Bước đầu nghiên cứu phân loại chi Mận rừng (Rhamnus L.) ở Việt Nam. Khóa luận tốt nghiệp đại học, 55 trang. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.
  28. ^ Đinh Thị Hoa, 2017. Nghiên cứu tính đa dạng thực vật tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha, tỉnh Sơn La. Luận án tiến sĩ, 244 trang. Trường Đại học Lâm nghiệp.
  29. ^ Trần Văn Hải, 2020. Nghiên cứu đa dạng hệ thực vật bậc cao có mạch tại Vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén, tỉnh Cao Bằng. Luận án tiến sĩ, 447 trang. Học viện Khoa học và Công nghệ.
  30. ^ Brunello F., 1973. The Art of Dyeing in the History of Mankind. AATCC, trang 381.
  31. ^ “Peripheral Neuropathy: Peripheral Nervous System and Motor Unit Disorders: Merck Manual Professional”. Merckmanuals.com. Truy cập ngày 7 tháng 5 năm 2013.
  32. ^ a b Philosophical Transactions: Quyển 2, số 23, 11-3-1666 theo lịch cũ, tại A preface to the third year of these tracts, trang 409.
  33. ^ Philosophical Transactions: Quyển 2, số 23, 11-3-1666 theo lịch cũ, Some observables about load-stones, and sea-compasses, trang 424.
  34. ^ Elizabeth Blackwell, "A Curious Herbal, Containing Five Hundred Cuts Of The Most Useful Plants" Lưu trữ 2021-08-28 tại Wayback Machine, tr.134.
  35. ^ William Lewis, "An Experimental History Of The Materia Medica".
  36. ^ Plants for a Future: Rhamnus cathartica.
  37. ^ Zeouk, Ikrame; Bekhti, Khadija (ngày 1 tháng 3 năm 2020). “A critical overview of the traditional, phytochemical and pharmacological aspects of Rhamnus alaternus: a Mediterranean shrub”. Advances in Traditional Medicine (bằng tiếng Anh). 20 (1): 1–11. doi:10.1007/s13596-019-00388-8. ISSN 2662-4060. S2CID 199453600.