Odonus niger

Odonus niger
Phân loại khoa học
Giới (regnum)Animalia
Ngành (phylum)Chordata
Lớp (class)Actinopterygii
Bộ (ordo)Tetraodontiformes
Họ (familia)Balistidae
Chi (genus)Odonus
Gistel, 1848
Loài (species)O. niger
Danh pháp hai phần
Odonus niger
(Rüppell, 1836)
Danh pháp đồng nghĩa
  • Xenodon niger Rüppell, 1836
  • Balistes erythrodon Günther, 1870
  • Zenodon caeruleolorum Fowler, 1904

Odonus niger, còn gọi là cá bò đuôi én trong tiếng Việt, là loài cá biển duy nhất thuộc chi Odonus trong họ Cá bò da. Loài này được mô tả lần đầu tiên vào năm 1836.

Từ nguyên

Tên chi Odonus bắt nguồn từ odoús (ὀδούς; "răng, ngà") trong tiếng Hy Lạp cổ đại, là tên thay thế cho Xenodon mà Rüppell 1836 đặt ra vì trùng với Xenodon Boie 1826, tên trước đó của một chi rắn. Từ xenodon vốn ghép từ xénos (ξένος; "kỳ lạ") và odoús, hàm ý ban đầu có lẽ dùng để chỉ hai chiếc răng trên có màu đỏ nhô ra như răng nanh.[1]

Tính từ định danh niger trong tiếng Latinh có nghĩa là "đen bóng", hàm ý đề cập đến màu xanh đen/xanh tím của loài cá này tùy theo góc độ người chụp.[1]

Phạm vi phân bố và môi trường sống

Từ Biển Đỏ dọc theo bờ biển Đông Phi, O. niger được phân bố rộng khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trải dài về phía đông đến quần đảo Marquisesquần đảo Société (Polynésie thuộc Pháp), ngược lên phía bắc đến Nam Nhật Bản (gồm cả quần đảo Ogasawara), xa về phía nam đến rạn san hô Great Barrier (Úc), Nouvelle-CalédonieTonga.[2]

Việt Nam, O. niger đã được ghi nhận tại vịnh Nha Trangquần đảo Trường Sa.[3]

O. niger sống trên các rạn san hôhải lưu mạnh chảy qua, độ sâu đến ít nhất là 40 m.[4]

Mô tả

O. niger

Chiều dài cơ thể lớn nhất được ghi nhận ở O. niger là 50 cm (tính luôn chiều dài của cả thùy đuôi),[4] nhưng chiều dài thường thấy là khoảng 30 cm.[5]

Hai răng trên đặc biệt phát triển, màu đỏ, có thể nhìn thấy ngay cả khi miệng đóng lại. Có khoảng 7 hàng gai nhỏ ở thân sau. Vây đuôi lõm sâu, hai thùy phát triển khi trưởng thành. Thân màu xanh tím (có thể sẫm đen do góc chụp). Vùng đầu thường sáng màu hơn, có thể phớt vàng. Rìa vây lưng sau và vây hậu môn có viền xanh nhạt.[6]

Số gai ở vây lưng: 3; Số tia vây ở vây lưng: 33–36; Số gai ở vây hậu môn: 0; Số tia vây ở vây hậu môn: 28–31; Số tia vây ở vây ngực: 15–16.[6]

Sinh thái học

O. niger thường bơi thành đàn. Thức ăn của chúng bao gồm các loài động vật phù du, giáp xác, tảohải miên (bọt biển).[4][7]

Vào thời điểm sinh sản, những con O. niger cái sẽ bơi đến sống trong lãnh thổ của một con đực (nhưng cá cái không tự lập riêng một lãnh thổ). Cá đực O. niger cũng tham gia vào việc bảo vệ trứng cùng với những con cá cái trong hậu cung.[8]

O. niger có thể sống đến 16 năm, là tuổi thọ lớn nhất được ghi nhận ở loài này.[9]

Thương mại

Ngoài là một loài cá cảnh phổ biến, O. niger còn được bán tươi hoặc muối khô trong các chợ cá.[5] Tuy nhiên, chúng là một thành phần không quan trọng trong ngành ngư nghiệp.[4]

Tham khảo

  1. ^ a b Christopher Scharpf biên tập (2022). “Order Tetraodontiformes (part 2)”. The ETYFish Project Fish Name Etymology Database.
  2. ^ Paolo, Parenti (2021). “Annotated Checklist of Fishes of the Family Balistidae”. International Journal of Zoological Investigations. 7 (2): 656. doi:10.33745/ijzi.2021.v07i02.049. ISSN 2454-3055.
  3. ^ Nguyễn Hữu Phụng (2004). “Thành phần cá rạn san hô biển Việt Nam” (PDF). Tuyển tập Báo cáo Khoa học Hội nghị Khoa học "Biển Đông-2002": 275–308.
  4. ^ a b c d K. Matsuura (2001). “Balistidae” (PDF). Trong Kent E. Carpenter; Volker H. Niem (biên tập). The living marine resources of the Western Central Pacific. Roma: FAO. tr. 3925. ISBN 92-5-104051-6.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách biên tập viên (liên kết)
  5. ^ a b Ranier Froese và Daniel Pauly (chủ biên). Thông tin Odonus niger trên FishBase. Phiên bản tháng 6 năm 2024.
  6. ^ a b Randall, Roger C.; Allen, Gerald R.; Steene (1997). Fishes of the Great Barrier Reef and Coral Sea. Nhà xuất bản Đại học Hawaii. tr. 454. ISBN 0-8248-1895-4.
  7. ^ Suyani, Nitin Kanji; Rajesh, Mridula; Rajesh, Kothanahally Mallegowda (2021). “First report on the diet and reproductive biology of red-toothed triggerfish Odonus niger (Ruppell, 1836) from the south-eastern Arabian Sea”. Journal of the Marine Biological Association of the United Kingdom. 101 (5): 827–837. doi:10.1017/S0025315421000771. ISSN 0025-3154.
  8. ^ Kawase, Kiroshi (2002). “Simplicity and diversity in the reproductive ecology of triggerfish (Balistidae) and filefish (Monacanthidae)” (PDF). Fisheries science. 68 (1): 119–122. doi:10.2331/fishsci.68.sup1_119.
  9. ^ Vaitheeswaran, T.; Malathi, S.; Prabakar, K.; Neethiselvan, N.; Venkataramani, V. K. (2015). “Age and growth of red toothed triggerfish Odonus niger (Ruppell, 1836) (Family: Balistidae) off Thoothukudi, Southeast coast of India (08° 53.6'N 78° 16'E and 08° 53.8'N 78° 32'E) – (36 M)” (PDF). International Journal of Fisheries and Aquatic Studies. 2 (5): 204–209. ISSN 2347-5129.

 

Prefix: a b c d e f g h i j k l m n o p q r s t u v w x y z 0 1 2 3 4 5 6 7 8 9

Portal di Ensiklopedia Dunia