Max Wolf
Maximilian Franz Joseph Cornelius Wolf (21 tháng 6 năm 1863 – 3 tháng 10 năm 1932) là một nhà thiên văn học người Đức, tiên phong trong lĩnh vực chụp ảnh thiên văn. Ông là trưởng khoa Thiên văn học trường Đại học Heidelberg và giám đốc đài quan sát Landessternwarte Heidelberg-Königstuhl từ 1902 đến 1932. Ông sinh ở Heidelberg, con trai của bác sĩ nổi tiếng trong vùng Dr. Franz Wolf. Bố của ông là người có ảnh hưởng lớn đến sự yêu thích khoa học của ông khi đã xây một phòng quan sát và thí nghiệm khoa học tại gia đình. Chính tại nhà mình, Max Wolf lần đầu tiên phát hiện ra sao chổi 14P/Wolf năm 1884, khởi đầu trong sự nghiệp của ông.[1] Max Wolf học đại học Heidelberg và nhận bằng tiến sĩ năm 1888, trở thành giảng viên bộ môn thiên văn học ở trường này từ năm 1890. Năm 1902 ông được bổ nhiệm làm giám đốc đài quan sát "Landessternwarte Heidelberg-Königstuhl" và công tác tại đây cho đến khi qua đời.[2] Sự nghiệpÔng có nhiều bài báo nghiên cứu về lĩnh vực thiên văn quan sát.[1] Max Wolf cùng với Edward Barnard đã lập bản đồ và phân loại khoảng 1000 sao thông qua quan trắc chuyển động riêng của chúng.[3] Ông phát hiện ra sao lùn đỏ Wolf 359, một trong những ngôi sao gần Hệ Mặt Trời. Những ngôi sao này có ý nghĩa vì chúng chuyển động riêng lớn và mờ, lại nằm gần Mặt Trời, giống như sao Barnard, mà cho tới thời điểm đó đa số các nhà thiên văn nghĩ rằng vũ trụ chỉ có những ngôi sao sáng và ở xa.[3] Ông tiếp tục lập bản đồ sao và cho tới khi qua đời đã hoàn thiện được danh mục khoảng 1500 sao.[4] Ông là người đầu tiên làm sáng tỏ bản chất của tinh vân tối, mà William Herschel trước đây từng gọi là "những cái hố trên bầu trời". Cùng với Barnard, hai ông đã cẩn thận quan sát và chứng minh rằng đây là những đám mây bụi và cản trở ánh sáng.[5] Max Wolf cũng phát hiện ra bốn siêu tân tinh, SN 1895A (VW Vir), SN 1909A (SS UMa), SN 1920A, và cùng với Reinmuth, SN 1926A; cũng như thực hiện quan sát sự trở lại của sao chổi Halley vào năm 1910.[5] Ông đã phát hiện ra hơn 200 tiểu hành tinh thuộc vành đai tiểu hành tinh.[5]
Giải thưởng và vinh danh
Tên của ông được đặt cho một hố va chạm trên Mặt Trăng, và tiểu hành tinh 827 Wolfiana mang tên ông. Tham khảo
Liên kết ngoài
|
Portal di Ensiklopedia Dunia