María Luisa của Tây Ban NhaMaría Luisa của Tây Ban Nha hay María Luisa de Borbón y Wettin (tiếng Tây Ban Nha: María Luisa de España, tiếng Đức: Maria Ludovica von Spanien; 24 tháng 11 năm 1745 – 15 tháng 5 năm 1792) là Hoàng hậu La Mã Thần thánh, Vương hậu nước Đức, Vương hậu Hungary, Bohemia và Đại Công tước phu nhân xứ Toscana với tư cách là vợ của Leopold II của Thánh chế La Mã.[1] Thiếu thờiMaria Luisa của Napoli và Sicilia được sinh ra tại Portici, ở Campania, trong cung điện mùa hè (Reggia di Portici). María Luisa là người con gái thứ năm của Carlo VII của Napoli và V của Sicilia cùng vợ là Maria Amalia của Ba Lan. Năm 1759, người bác của Maria Luisa là Fernando VI của Tây Ban Nha qua đời nên cha của Maria Luisa trở thành quốc vương Tây Ban Nha với tên hiệu Carlos III. Kể từ đó, Maria Luisa được biết đến là Infanta Maria Luisa của Tây Ban Nha, và María Luisa cùng gia đình chuyển đến Tây Ban Nha. Đại công tước phu nhân xứ ToscanaMaria Luisa ban đầu được dự định kết hôn với Hoàng đế tương lai Joseph II, nhưng kế hoạch này bị bãi bỏ do sự phản đối của Louis XV của Pháp vì ông muốn Joseph II kết hôn với cháu gái của mình, Isabel của Parma. Vào ngày 16 tháng 2 năm 1764, María Luisa kết hôn ủy nhiệm tại Madrid với Leopold, con trai thứ ba của Maria Theresia I của Áo, Hoàng hậu La Mã thần thánh và Franz I của Thánh chế La Mã cũng như là người thừa kế của Đại công quốc Toscana. Trước khi kết hôn, María Luisa buộc phải từ bỏ quyền thừa kế đối với Tây Ban Nha theo nguyện vọng của Carlos III. Sau khi kết hôn ủy nhiệm, María Luisa đã đến Áo từ Barcelona, Genoa và Bolzano. Năm sau, vào ngày 5 tháng 8, María Luisa kết hôn với Leopold tại Innsbruck. Chỉ vài ngày sau đó, Hoàng đế Franz I qua đời khiến chồng của María Luisa trở thành Đại công tước mới của Toscana và cặp vợ chồng mới cưới chuyển đến Firenze vào ngày 13 tháng 9 năm 1765, định cư tại Palazzo Pitti. María Luisa và chồng sống tại Firenze trong 25 năm. Vào thời điểm cưới, María Luisa được miêu tả là một mỹ nhân có đôi mắt xanh với nét quyến rũ sống động, khiêm tốn và giản dị, có tính cách hào phóng và tốt bụng, và sự thân thiện ấm áp tự nhiên của María Luisa được cho là trái ngược với bản tính hơi lạnh lùng của Leopold.[2] Dưới ảnh hưởng của nền giáo dục Công giáo nghiêm khắc, Maria Luisa đã chịu đựng mọi khó khăn khi mang thai và kết hôn mà không phàn nàn, một vai trò mà María Luisa đã hoàn thành trong cuộc hôn nhân của mình.[2] Cặp vợ chồng được mô tả là hạnh phúc, và Maria Luisa được ghi nhận là một người vợ hỗ trợ và trung thành. María Luisa còn chấp nhận sự không chung thủy của Leopold mà không phàn nàn: trong số những người tình nổi tiếng nhất của Leopold gồm có Anna Gore Cowper và một nữ diễn viên ba lê Livia Raimondi, người đã sinh cho Leopold một người con trai là Luigi von Grün (1788–1814). Leopold còn cho Livia một cung điện riêng tại Piazza San Marco ở Firenze. Với tư cách là Công tước phu nhân xứ Toscana, María Luisa đã được đánh giá cao trong năm đầu tiên ở Firenze, trong nạn đói năm 1765, María Luisa đã cung cấp thực phẩm và viện trợ y tế cho những người nghèo khổ vì thế María Luisa được coi là "hình mẫu lý tưởng về tính nữ".[2] Mặc dù có mặt trong lễ đăng quang của Leopold với tư cách là Đại Công tước vào tháng 7 năm 1768 nhưng María Luisa không hề được đăng quang với tư cách là Đại Công tước phu nhân. Năm 1770, María Luisa tháp tùng Leopold trong chuyến thăm Viên. Cả Maria Luisa và Leopold đều không thích những dịp trang trọng và hiếm khi tham gia đại diện hoặc thực sự ưa thích cuộc sống lễ nghi của triều đình; trong khi Leopold dành thời gian cho chính trị và những thú vui cá nhân của mình, María Luisa cô lập mình gần như hoàn toàn khỏi xã hội thượng lưu và cống hiến hết mình cho việc nuôi dạy con cái.[2] María Luisa cùng chồng đã cho các con của họ một nền giáo dục rất tự do, tránh xa khỏi mọi hình thức cuộc sống cung đình, và thỉnh thoảng đưa chúng đi du lịch ở vùng nông thôn và bờ biển. Tầng lớp quý tộc địa phương hầu như không biết đến María Luisa, và María Luisa cũng giới hạn cuộc sống xã hội riêng của mình trong một nhóm bạn rất nhỏ.[2] Hoàng hậu Thánh chế La MãNăm 1790, sau khi người anh trai của Leopold, Joseph II qua đời, Leopold được thừa kế vùng đất Habsburg ở Trung Âu, và ngay sau đó được bầu làm Hoàng đế La Mã Thần thánh. Lấy tên hiệu là Leopold II, vị Hoàng đế mới đưa gia đình đến Viên, và Maria Luisa đảm nhận vai trò của một Hoàng hậu La Mã Thần thánh, là người áp chót và là người cuối cùng giữ tước vị này cho đến khi chồng bà qua đời. Leopold qua đời gần hai năm sau đó, vào ngày 1 tháng 3 năm 1792 và Maria Luisa cũng qua đời trong chưa đầy ba tháng sau đó, không sống đủ lâu để nhìn thấy con trai cả của mình là Franz được bầu làm Hoàng đế La Mã Thần thánh cuối cùng. María Luisa được chôn cất bên cạnh chồng trong Hầm mộ Hoàng gia. Bình đựng hài cốt của María Luisa được đặt trong Nhà nguyện Loreto của Thánh đường Augustiner ở Viên và nội tạng của María Luisa trong Herzgruft. María Luisa là một trong số 41 người được tổ chức "Đám tang riêng biệt" với việc chia thi thể thành cả ba nơi chôn cất truyền thống ở Viên của thành viên hoàng tộc Habsburg (Hầm mộ Hoàng gia, Herzgruft, Herzogsgruft). Vở opera La clemenza di Tito của Mozart được ủy thác bởi Chính quyền Bohemia như một phần của các hoạt động lễ hội ăn mừng Lễ đăng quang của María Luisa và Leopold với tư cách là Quốc vương và Vương hậu của Bohemia ở Praha vào ngày 6 tháng 9 năm 1791. Trong giới âm nhạc, María Luisa nổi tiếng với thông tin là đã chê bai vở opera của Mozart, cho rằng vở nhạc kịch là "una hiêneria tedesca" (tiếng Ý có nghĩa là "rác rưởi của nước Đức"), tuy nhiên không có sự chắc chắn rằng rằng María Luisa đã đưa ra lời nhận xét này trước khi quyển Rococo-Bilder: nach Aufzeichnungen meines Grossvaters của Alfred Meissner, tuyển tập các câu chuyện về đời sống văn hóa và chính trị ở Praha vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, được xuất bản vào năm 1871.[3] Hậu duệ
Gia phả
Chú thích
Liên kết ngoàiTư liệu liên quan tới María Luisa của Tây Ban Nha tại Wikimedia Commons |