Let Go là album phòng thu đầu tay của ca sĩ kiêm nhạc sĩ sáng tác bài hát người Canada Avril Lavigne. Album do Arista Records phát hành vào ngày 4 tháng 6 năm 2002. Trong một năm sau bản hợp đồng thu âm với Arista, Lavigne chật vật do mâu thuẫn trong định hướng âm nhạc. Cô chuyển về Los Angeles để thu những chất liệu đầu cho album, song âm thanh của nhạc phẩm không làm hãng đĩa vừa ý. Cô hợp tác cùng đội ngũ sản xuất The Matrix, và chính họ là những người hiểu tầm nhìn album của cô. Các nhà phê bình xem Let Go là album thuộc thể loại alternative rock với âm thanh mang hơi hướng pop punk và post-grunge.
Album được ghi nhận là tác phẩm nhạc pop đầu tay ăn khách nhất năm 2002 và giành được tới 7 đĩa Bạch kim của Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm (RIAA) ở Hoa Kỳ. Nhạc phẩm đã nhận được số đông những đánh giá tích cực, song phần sáng tác Lavigne vẫn bị một bộ phận giới phê bình phê phán. Album tiêu thụ cực kỳ tốt tại Canada, lấy được chứng nhận kim cương của Music Canada, cũng như đoạt nhiều đĩa bạch kim ở những quốc gia khắp thế giới, kể cả Liên hiệp Anh - nơi cô trở thành nữ nghệ sĩ đơn ca trẻ nhất sở hữu album quán quân ở đất nước này.
Let Go đã tiêu thụ hơn 16 triệu bản toàn thế giới, trở thành album bán chạy nhất của Lavigne tính đến nay và là album bán chạy nhất của một nghệ sĩ Canada trong thế kỷ 21. Theo Billboard, đây là album bán chạy thứ 21 của thập niên. Một cuộc bầu chọn của độc giả Rolling Stone vinh danh Let Go là album hay thứ tư ở thập niên 2000. Album được xem là nhạc phẩm góp phần làm thay đổi thị trường nhạc pop punk, giúp xây dựng vị trí của thể loại trong thị trường đại chúng và góp phần làm gia tăng các ban nhạc pop punk có thành viên nữ hát chính và nhạc pop chịu ảnh hưởng từ punk của giới nữ nghệ sĩ. Ngày 18 tháng 3 năm 2013, Let Go được tái phát hành với bộ đĩa kép cùng album thứ hai Under My Skin của Lavigne - chúng được phát hành qua RCA Records. Album còn được Try to Shut Me Up Tour hỗ trợ quảng bá từ tháng 12 năm 2002 đến tháng 6 năm 2003.
Hoàn cảnh ra đời
Tháng 11 năm 2000,[1] Ken Krongard (đại diện bộ phận tìm kiếm và quản lý nghệ sĩ - A&R) đã mời Antonio "L.A." Reid (giám đốc hãng Arista Records lúc ấy) tới phòng thu đặt ở Manhattan của nhà sản xuất Peter Zizzo để nghe Lavigne hát. Màn thử giọng kéo dài 15 phút của Lavigne làm Reid "quá đỗi ấn tượng"[2] đến mức anh ngay lập tức ký hợp đồng để cô về dưới trướng Arista với thỏa thuận làm hai album trị giá 1,9 triệu đô la Mỹ (USD)[A] cùng điều khoản thêm 1,4 triệu USD cho phí tạm ứng trước.[3] Vào lúc này, Lavigne thấy rằng cô hòa nhập tự nhiên với nhóm trượt ván ở trường trung học tại quê nhà - hình ảnh ấy được truyền tải qua album đầu tiên của cô, dẫu vậy dù cô thích trượt ván, song chốn học đường lại làm cô bất an. Nhờ có được hợp đồng thu âm, cô bỏ học để tập trung vào sự nghiệp âm nhạc,[1] song vẫn chưa thông báo cho cha mẹ về quyết định của mình. "Tôi không định từ chối [hợp đồng thu âm]. Đó là giấc mơ của cả đời tôi. Họ biết tôi muốn nó nhiều đến mức nào và việc tôi đầu tư vào nó nhiều ra sao."[4][5]
Lavigne chuyển về Los Angeles để cộng tác với nhạc sĩ sáng tác và nhà sản xuất Clif Magness, và anh trao cho cô toàn quyền sáng tạo trong khâu sáng tác. Lavigne và Magness cùng chắp bút "Losing Grip" và "Unwanted" - những bài hát mà cô xem là phản ánh tầm nhìn về toàn bộ album của cô.[6] Tuy nhiên, Arista không ưng những bài hát quá nặng phần guitar mà Lavigne đang sáng tác, làm hãng đĩa phải đi tìm những nhà sản xuất khác để đáp ứng nhu cầu của họ.[7]
Hai năm sau ngày ký hợp đồng, Lavigne (lúc ấy còn vô danh) đã thu hút sự chú ý của đội sản xuất gồm ba người tên là The Matrix. Arista không thể tìm được hướng đi đúng đắn cho Lavigne, vì thế quản lý của đội này, ông Sandy Roberton đã đề xuất cho họ làm việc cùng nhau: "Sao các anh không cho cô ấy làm việc cùng The Matrix trong vài ngày nhỉ?"[8] Theo thành viên Lauren Christy, họ từng nghe những bài hát đầu tiên của Lavigne và thấy chúng chứa "cái chất của Faith Hill". Ngay khi thấy Lavigne bước chân vào phòng thu, The Matrix thấy định hướng âm nhạc của Lavigne không ăn khớp với hình ảnh và dáng dấp của cô.[8] Sau khi trò chuyện với Lavigne trong một giờ đồng hồ, "chúng tôi hiểu là cô ấy không hạnh phúc, song không biết mình muốn đi về đâu."[8] The Matrix thể hiện các bài hát của cô bằng ảnh hưởng của Faith Hill, vì chúng là kiểu bài hát mà hãng đĩa muốn Lavigne hát. Song Lavigne từ chối khi nói muốn những bài hát mang hơi hướng punk rock.[9] Lavigne trình bày cho The Matrix nghe một bài hát mà cô từng thu âm và cực kỳ yêu thích - một bài với âm thanh gợi đến ban nhạc rock System of a Down. May thay, trước khi lập The Matrix, những dự án đầu của các thành viên đều theo hướng pop-rock, vì thế bộ ba dễ dàng nhận ra Lavigne muốn thu âm gì và biết chính xác việc cần làm với cô. Họ bảo cô hãy trở lại vào ngày hôm sau. Trong khi đó, bộ ba đã cùng nhau sáng tác một bài hát - về sau dựng thành "Complicated" - và một bài nữa có tên "Falling Down" (xuất hiện trong album nhạc phim Sweet Home Alabama). Họ thể hiện những bài này cho Lavigne khi cô trở lại vào ngày hôm sau; những bài hát này sau cùng đã giúp cho cô hình dung rõ hơn về con đường mà mình nên chọn.[8]
Khi Josh Sarubin (giám đốc bộ phận A&R và là người ký hợp đồng với Lavigne) nghe "Complicated", ông biết là bài đó hợp với cô. Lavigne trình bày bài hát cho Reid và nhận được cái gật đầu của anh về định hướng âm nhạc mà Lavigne và The Matrix đang theo đuổi, rồi anh chọn "Complicated" làm đĩa đơn chủ đạo của album.[8] Reid đưa Lavigne về chỗ The Matrix để họ cùng làm việc, ban đầu dự kiến kéo dài trong một tháng.[7][9] Arista trao cho nhóm quyền tùy ý sáng tác và sản xuất mười bài hát (làm họ mất tới hai tháng thực hiện).[8] Album lúc đầu định được đặt tựa là Anything but Ordinary dựa theo bài nhạc cùng tên mà The Matrix sản xuất, nhưng Lavigne đề nghị Reid đổi tựa album thành Let Go.[6][10]
Lavigne đã cùng The Matrix thu các bài nhạc tại Decoy Studios, một phòng thu đặt tại khu ngoại ô tại Los Angeles còn có tên gọi khác là Valley Village.[7] Cô cũng làm việc với nhà sản xuất kiêm nhạc sĩ Curt Frasca và Peter Zizzo - chủ phòng thu ở Manhattan mà Lavigne check-in trước khi lấy được hợp dồng thu âm Arista, và đó cũng là nơi Lavigne thu một số bài nữa.[13][9] Thành viên Scott Spock của The Matrix là kỹ sư thu âm chính của dự án, còn Tom Lord-Alge nhận nhiệm vụ trộn âm các bài.[7] Lavigne đã thu âm hết trên nền "các bản khí nhạc mà đa số đã hoàn thiện". Spocks tiết lộ Lavigne thường thu từng bài trong năm hoặc sáu lần, "và có thể 90% thành phẩm cuối cùng đến từ những lần thu đầu tiên hoặc thứ hai." The Matrix cũng góp giọng cho phần hát bè.[7]
Do được giới thiệu là ca sĩ kiêm nhạc sĩ sáng tác, việc Lavigne tham gia đã làm nảy sinh những vấn đề nghiêm trọng. Lavigne ẩn ý rằng cô là tác giả chính của album. Trong bài viết được xuất bản trên tạp chí Rolling Stone, Lavigne cho biết khi cộng tác với The Matrix, từng thành viên ở trong phòng thu khi họ viết nhạc, song không hề viết phần guitar, lời hay giai điệu. Theo Lavigne, cô và Christy cùng sáng tác toàn bộ phần lời. Graham là người nghĩ ra một vài đoạn guitar, "và tôi sẽ đáp kiểu 'Yeah, tôi thích đó,' hoặc 'Không, tôi không thích đó.' Chẳng bài hát nào là không phải của tôi cả."[6]
The Matrix - đội ngũ sản xuất sáu bài hát cho Lavigne, mà năm bài xuất hiện trong album[7] - từng lên tiếng giải thích về cách thức họ hợp tác. Theo họ, nhóm sáng tác chủ yếu ở ba đĩa đơn: "Complicated", "Sk8er Boi" và "I'm with You" - ba bài này được xây dựng nhờ sử dụng đàn guitar và dương cầm. Christy chia sẻ: "Avril sẽ đến và hát chút giai điệu, thay đổi ca từ chỗ này hay chỗ kia."[6] Reid bình luận về vấn đề ghi công: "Nếu tôi đang tìm đĩa đơn cho một nghệ sĩ, tôi chẳng quan tâm là ai sáng tác nó. Avril có quyền tự do làm những gì cô ấy thật sự thoải mái, và những bài hát thể hiện góc nhìn của cô. ... Avril luôn tự tin về những ý tưởng của mình."[6]
Dẫu cần những bài hát pop để "tạo sức đột phá" khi bước vào ngành, Lavigne thấy "Complicated" không phản ánh bản thân và kĩ năng sáng tác của cô. Tuy nhiên, cô rất biết ơn bài hát vì nó đã thành công làm bệ phóng cho sự nghiệp của cô. Cô yêu thích bài "Losing Grip" hơn, vì "nó có ý nghĩa hơn rất nhiều khi xuất phát trực tiếp từ chính người nghệ sĩ".[6]
Phát hành và quảng bá
Album được phát hành vào ngày 4 tháng 6 năm 2002 tại thị trường Canada và Hoa Kỳ. Sau đó, vào ngày 22 tháng 7, Let Go có mặt trên kệ bán đĩa toàn thế giới, và vào ngày 26 tháng 8 ở một vài vùng của châu Âu, tính cả Liên hiệp Anh và Ireland. Một bản album của DataPlay được phát hành vào tháng 9 năm 2002. Trước đó, Arista đã chốt được thỏa thuận với DataPlay vào nam 2002 và đưa vào Let Go cùng các album của ca sĩ nhạc rock Santana và ca sĩ Whitney Houston.[14][15]
Mặc dù Lavigne nhắm tới đối tượng khán giả thiếu niên - chiến lược tiếp thị được xem là bệ phóng thành công cho sự nghiệp của cô;[6][16] Lavigne lại trình bày nhạc trên các chương trình nghĩ lễ tập hợp nhiều nghệ sĩ do đài phát thanh tài trợ khắp Hoa Kỳ[17] - chiếc lược tiếp thị làm tăng doanh số của album trong mùa. Cô khởi động chuyến lưu diễn chính đầu tiên mang tên Try to Shut Me Up Tour - diễn ra vào ngày 23 tháng 1 năm 2003, và khép lại vào ngày 4 tháng 6 năm 2003. Lavigne đi tour cùng ban nhạc - tay trống Matthew Brann, tay bass Mark Spicoluk, và các tay guitar Jesse Colburn và Evan Taubenfeld - và cô đã cùng họ lập nhóm sau khi ký hợp đồng.[13] Trong các đêm trình diễn, cô đưa vào toàn bộ các bài của Let Go, các bài hát B-sides cùng với bản cover bài "Knockin' on Heaven's Door" của Bob Dylan và "Basket Case" của Green Day.[18]
Lavigne đã ghi hình tiết mục của cô trong đêm diễn tại Buffalo, New York vào ngày 18 tháng 5 năm 2003 - ngày cuối của chuyến lưu diễn ở Bắc Mỹ mà cô đã đi trình diễn trong suốt năm tuần. Đĩa DVD ghi lại chuyến lưu diễn lấy tựa đề My World được phát hành vào ngày 4 tháng 11 năm 2003, do Arista Records và 20th Century Fox Home Entertainment hợp tác phát hành. Đĩa DVD ghi lại buổi nhạc, thước phim đằng sau hậu trường, năm video âm nhạc (MV) và đĩa CD audio gồm 6 bài tặng kèm (đưa vào cả bài "Why" chưa từng được phát hành).[19]
Đĩa đơn
"Complicated" (do Arista phát hành làm đĩa đơn chủ đạo của album) được xem là màn chào sân tới nhóm khán giả thuộc mọi lứa tuổi của Lavigne.[9] Tuy nhiên, dẫu có thể tạo ra sức hấp dẫn nhân khẩu học đa dạng, video âm nhạc của đĩa đơn lại có cảnh Lavigne và ban nhạc của cô đi gây rối tại một trung tâm thương mại: "kiểu hình ảnh có thể làm người lớn nghĩ 'Dọn dẹp mớ đó đi!' hơn là chạy ra mua đĩa nhạc."[16] Bài hát chiếm ngôi bảng xếp hạng ở nhiều nước và giành được hai đề cử giải Grammy cho Bài hát của năm và Trình diễn giọng pop nữ xuất sắc nhất.[20]
Đĩa đơn thứ hai "Sk8er Boi" thì nhắm tới đối tượng thiếu nhi thiên về pop punk.[9] Bản phát hành của "Sk8er Boi" đã tạo ra bất đồng giữa nhiều đạo diễn chương trình phát thanh. Tuy nhiên, ấn tượng của họ đã đảo chiều khi thính giả giúp họ thay đổi; những lần đầu phát đĩa đơn đã gặt hái thành công, cho thấy sức phổ biến với thính giả sau đại học lẫn thanh thiếu niên. Bài hát đã giành ngôi quán trên bảng xếp hạng mainstream của Hoa Kỳ.[16]
"I'm with You" được phát hành vào cuối tháng 11 năm 2002, gần với dịp Giáng Sinh để nhắc nhở phụ huynh về album, rằng nếu không tự mua album thì hãy mua nó cho bất kì đứa trẻ nào trong gia đình họ.[9][16] Bài hát trở thành một nhạc phẩm thành công nữa của Lavigne khi giành hạng 4 trên Billboard Hot 100, quán quân trên đài phát thanh mainstream và top 10 tại thị trường Canada-Liên hiệp Anh. Bài hát không được phát hành chính thức ở Úc song vẫn được phát thanh lẫn phát hình ở đây. Tính đến nay, Let Go là album duy nhất của Lavigne sở hữu nhiều đĩa đơn lọt top 10 ở Hoa Kỳ. Ca khúc cũng giành được hai đề cử Grammy ở cùng hạng mục như "Complicated". Khâu sắp xếp lịch phát hành các đĩa đơn trong album, khi "I'm with You" là đĩa đơn thứ ba, được xem là "gây tranh cãi", vì "một số người cho rằng 'I'm with You' là cú hích tiềm năng lớn nhất trong album", và bài hát có thể xây dựng Lavigne thành nghệ sĩ trưởng thành hơn nếu được phát hành đầu tiên.[16] Theo Reid, "Một vài người thật sự không hiểu chuyện. Nếu cho video lên vị trí đầu tiên, có một vài lo ngại rằng có thể vì bài hát quá trẻ trung và vui đùa, nó có thể làm những người yêu nhạc nghiêm túc xa lánh hơn."[16]
"Mobile" là đĩa đơn thứ năm, được phát hành ở New Zealand vào tháng 5 năm 2003. Sau đó bài hát được dùng trong các bộ phim điện ảnh The Medallion (2003), Wimbledon (2004) và xuất hiện đôi chút trong phim Just Married. Năm 2011, một video âm nhạc (MV) của bài hát bị rò rỉ trên Internet. MV được làm từ những thước phim chính thức, song chưa bao giờ được hoàn thành.[22]
Bản kỷ niệm 20 năm
Một phiên bản mới của Let Go (do John Feldmann tái trộn âm) được phát hành vào ngày 3 tháng 6 năm 2022, trùng với dịp phát hành kỷ niệm 20 năm ra mắt album gốc. Album chứa phiên bản khác của mười ba bài gốc, cộng thêm sáu bài tặng kèm.
Một bản thu mới của "Breakaway" có trong đĩa tái phát hành này. Ban đầu Lavigne sáng tác bài hát vào năm 2001, song chuyển bài cho ca sĩ người Mỹ Kelly Clarkson để Clarkson thu âm cho nhạc phim The Princess Diaries 2: Royal Engagement. Bản thu nháp gốc của Lavigne từng bị rò rỉ trực tuyến vào năm 2014.[23][24][25]
Let Go nhận được đa số phản ứng tích cực từ giới phê bình, nhận được số điểm 68/100 trên Metacritic, dựa trên các bài đánh giá thu thập từ chính ấn phẩm.[31] Các nhà phê bình xem Let Go là album thuộc thể loại alternative rock[36] với âm thanh mang hơi hướng pop punk và post-grunge.[37] Nhà phê bình âm nhạc Pat Blashill của Rolling Stone ghi rằng album "chất chứa đủ đầy thêm hàng tá bài thánh ca truyền cảm nữa trong cái cảm giác bất an của Total Request". Blashill khen Lavigne sở hữu "giọng hát tuyệt vời", nói thêm rằng cô sáng tác album cùng "đội ngũ sáng tác bài hit chất lượng".[33] Christina Saraceno của AllMusic lưu ý rằng Lavigne "xử lý khéo léo nhiều phong cách", đồng thời khen cô là "một nhạc sĩ sáng tác bài hát có năng lực và giọng hát năng khiếu". Tuy nhiên, Saraceno nhận xét rằng "ở tuổi của cô, cứ tưởng tượng xem cô vẫn đang đi tìm chỗ đứng của mình, vay mượn từ âm nhạc mà cô nghe lúc trưởng thành".[26] John Perry của tạp chí Blender nhận xét ngắn gọn Let Go là "một tác phẩm guitar-pop đầu tay xuất sắc".[27] Bài đánh giá trên tạp chí Q khen ngợi Lavigne đã thể hiện "phong cách âm nhạc vượt xa tuổi của cô ấy".[31] Kaj Roth của ấn phẩm Melodic thấy Lavigne "hát thật đáng yêu và một vài bài hát giống kiểu của Alanis Morissette".[29] Đánh giá của Jon Caramanica từ tạp chí Entertainment Weekly (chấm album điểm B−) thì ghi: "Tác phẩm đầu tay guitar rock một màu và thiếu sáng tạo của Lavigne chỉ được vớt vát nhờ sự thiết tha trong những bài hát của cô."[28]
Một vài cây viết đánh giá có nhận định tương tự về chất lượng ca từ ở một số bài hát trong album. Saraceno cho rằng Lavigne "vẫn phải trưởng thành đôi chút để sáng tác phần lời", khẳng định "Sk8er Boi" chỉ ra "nhược điểm về mặt ca từ" và gọi cách diễn đạt của cô trong "Too Much to Ask" là "lúng túng và đôi khi là ngớ ngẩn".[26] Perry lưu ý phần lời của "Sk8er Boi" là "ngờ nghệch một cách dễ thương".[27]
Giải thưởng
Album đã mang về cho Lavigne nhiều giải thưởng âm nhạc từ các tổ chức khắp thế giới. Thành công trong biểu diễn thương mại của album đã giúp Lavigne được ghi danh là Nghệ sĩ mới xuất sắc nhất tại giải Video âm nhạc của MTV 2002[38] cũng như đoạt giải Âm nhạc Thế giới cho Ca sĩ Canada bán đĩa chạy nhất. Cô cũng thắng ba giải - gồm Nghệ sĩ nữ yêu thích, Nghệ sĩ đột phá và Giải Phong cách - nhiều hơn bất kỳ nghệ sĩ trình diễn nào tại giải MTV châu Á 2003.[39] Cô nhận năm đề cử cho album tại giải Grammy 2003, tính cả Nghệ sĩ mới xuất sắc nhất và Album giọng pop xuất sắc nhất. Các đĩa đơn "Complicated" và "I'm with You" của album nhận được đề cử Bài hát của năm lần lượt vào các năm 2003 và 2004, nâng tổng số đề cử của album lên con số tám.[40][41] Lavigne còn được đề cử ở sáu hạng mục tại giải Juno 2003 - được tổ chức ở Ottawa - và thắng bốn giải, tính cả Album xuất sắc nhất và Nghệ sĩ mới xuất sắc nhất.[42]
Let Go đã gặt hái thành công về mặt thương mại tại Hoa Kỳ, được tạp chí Entertainment Weekly tán dương là một trong những tác phẩm pop đầu tay ăn khách nhất năm 2002.[16] Theo Billboard, tính đến 2022, Let Go nằm trong số 15 album thành công nhất thế kỷ 21 mà không có đĩa đơn quán quân nào trên Billboard Hot 100.[51] Album ra mắt Billboard 200 ở vị trí số tám nhờ doanh số 62.000 đơn vị rồi nhảy vọt lên hạng hai (vị trí cao nhất). Màn ra mắt tốt của tác phẩm có sự thúc đẩy từ thành công "Complicated", bài hát nhận được tần suất phát nhạc lớn trên MTV.[52] Doanh số bán theo tuần ngày càng tăng giúp cho album trụ trong top 10 của bảng xếp hạng trong 37 tuần.[53] Album tiêu thụ ở mức ít nhất là 100.000 bản mỗi tuần cho đến cuối năm 2002, dễ dàng tích lũy doanh số hơn hai triệu đơn vị.[9] Theo báo cáo của tạp chí Entertainment Weekly vào tháng 12 năm 2002, báo cáo ghi rằng album đã bán ra 3,9 triệu bản, trở thành album bán chạy thứ ba trong năm 2002 tại Hoa Kỳ.[54] Số liệu cuối năm do Nielsen SoundScan công bố cho biết Let Go đã tiêu thụ hơn 4,1 triệu bản tại Hoa Kỳ, tích lũy được sau 30 tuần phát hành album.[55][56]Let Go nhận được cú đúp đĩa bạch kim của Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Hoa Kỳ.[53] Thành tích này mang lại cho Let Go danh hiệu album đầu tay ăn khách nhất năm 2002 và album đầu tay bán chạy nhất của một nữ nghệ sĩ.[57] Ngày 30 tháng 4 năm 2003, RIAA cấp chứng nhận cho album tới sáu đĩa bạch kim, đánh dấu lượng tiêu thụ hơn sáu triệu đơn vị.[58] Đây vẫn là album bán chạy nhất của Lavigne tính đến nay, với 6,9 triệu bản tiêu thụ ở Hoa Kỳ và hơn 16 triệu đĩa bán ra toàn thế giới.
Trên bảng xếp hạng, album giành được những vị trí cao nhất tăng dần trong và sau các kỳ nghỉ lễ. Sau tiết mục khai mạc show ở giải Âm nhạc Billboard 2002, Let Go tiếp tục nằm trong top đĩa bán chạy nhất dịp lễ với doanh số 272.000 bản trong tuần đó.[59] Nhạc phẩm đạt mức doanh số tuần cao nhất trong số báo Billboard ngày 4 tháng 1 năm 2003 với 363.000 bản. Dẫu vươn cao nhất đến hạng hai vào tháng 9 năm 2002, Let Go đã nhảy từ vị trí số ba lên số hai trên Billboard 200 ở số báo ngày 1 tháng 2 năm 2003.[60] Nguyên nhân của sự tăng doanh số là do màn xuất hiện của Lavigne với vai trò nghệ sĩ khách mời tại Saturday Night Live vào ngày 11 tháng 1. Đã có những cáo buộc cô hát nhép song trong một buổi phỏng vấn lúc bấy giờ, Lavigne cho biết cô chưa bao giờ hát nhép hay có ý định đó. Cũng trong thời gian này, Lavigne nhận được nhiều sự đưa tin của giới truyền thông do các đề cử của cô tại giải Grammy 2003 và việc cô khởi động tour diễn Bắc Mỹ đầu tiên.[61] Tại Liên hiệp Anh, album mất nhiều thời gian hơn để chiếm ngôi đầu bảng UK Albums Chart. Ở tuần phát hành thứ 18 và nhờ có mặt trong xếp hạng năm 2003, album đã giành ngôi quán quân, vươn lên vị trí này sau dịp nghỉ lễ, giúp Lavigne phá kỷ lục thành nghệ sĩ nữ trẻ nhất đứng đầu bảng thời điểm ấy.[62] Tuy nhiên, kỷ lục đã bị Joss Stone xô đổ vào tháng 10 năm 2004, khi album Mind Body & Soul ra mắt ở ngôi quán quân trên UK Albums Chart lúc mà cô mới 17 tuổi và năm tháng.[63]
Doanh số bán album trên thị trường quốc tế tăng vọt nhờ thành công nối tiếp của "Sk8er Boi".[64]Let Go là album bán chạy thứ 12 trong năm 2003 tại Liên hiệp Anh.[65] Album có sáu lần nhận đĩa bạch kim của British Phonographic Industry.
Let Go cũng bán rất chạy ở Canada, vượt mốc doanh số một triệu đơn vị trong chưa đầy một năm. Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Canada đã trao cho album chứng nhận kim cương vào tháng 5 năm 2003.[66] Đây là album bán chạy nhất của một nghệ sĩ Canada trong thế kỷ 21 (tính đến năm 2008).[67] Ở Úc, Let Go có bảy lần được chứng nhận đĩa bạch kim của Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Úc vào năm 2003, dựa trên doanh số 490.00 đơn vị từ bán buôn đến bản lẻ. Đây là album bán chạy thứ mười trong năm 2002, và là album bán chạy thứ ba trong năm 2003 tại quốc gia này.
Tác động và di sản
Let Go đứng thứ hai mươi trong danh sách những album vĩ đại nhất mọi thời đại trên Billboard 200 của nghệ sĩ nữ.[68] Một cuộc bầu chọn của độc giả Rolling Stone vinh danh Let Go là album hay thứ tư ở thập niên 2000.[69] Album được xem là một trong những nhạc phẩm làm thay đổi thị trường nhac pop punk, giúp củng cố vị trí của dòng nhạc trên thị trường đại chúng và góp phần làm tăng các ban nhạc pop punk có nữ hát chính và nhạc pop chịu ảnh hưởng từ punk của giới nữ nghệ sĩ.[70]
^Phiên bản tiêu chuẩn và phiên bản giới hạn tại Nhật Bản đạt vị trí thứ 6 trên bảng xếp hạng Nhật Bản, trong khi phiên bản tặng kèm đặc biệt đạt vị trí thứ 28 và phiên bản tại Nhật Bản đạt vị trí thứ 241.
^Tại Hàn Quốc, Let Go đã bán được 177.731 bản tính đến tháng 5 năm 2003.[165] và phiên bản đóng gói lại của album đã bán được 31.728 bản tính đến tháng 8 năm 2003.[166]
^Thorley, Joe (2003). Avril Lavigne: the unofficial book (bằng tiếng Anh). Luân Đôn: Virgin. tr. 30. ISBN1-85227-049-7. Truy cập ngày 28 tháng 3 năm 2024. Reid was there and offered her a record deal, rumoured to be worth in excess of 1.9 million USD, on the spot. Shortly after, Avril was also offered a 1.4 million USD publishing advance. That's pretty big.
^ abcdefgEliscu, Jenny (20 tháng 3 năm 2003). “Little Miss Can't Be Wrong”. Rolling Stone (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 3 năm 2009. Truy cập ngày 28 tháng 3 năm 2024.
^ abcdefJackson, Blair (1 tháng 11 năm 2002). “Recording Vocals”. Mixonline.com (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 3 năm 2009. Truy cập ngày 28 tháng 3 năm 2024.
^ abcdefgWillman, Chris (1 tháng 11 năm 2002). “Avril Lavigne The Anti-Britney”. Entertainment Weekly (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 10 năm 2012. Truy cập ngày 28 tháng 3 năm 2024.
^Burlingame, Jeff. Avril Lavigne: Celebrity with Heart (bằng tiếng Anh). tr. 39. ISBN9780766034075. The album, by the way, almost had a different name. Label boss L.A. Reid thought the album should be named after one of its songs, "Anything but Odinary". But Avril Lavigne had other ideas, and told Reid as much. She called him and said, "Dude, I don't want to name it that. Can I just name 'Let Go'.
^ abcdefghWillman, Chris (5 tháng 11 năm 2002). “'Boi,' Oh Boy”. Entertainment Weekly (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 10 năm 2012. Truy cập ngày 28 tháng 3 năm 2024.
^Benson, John (1 tháng 5 năm 2003). “Avril Lavigne / 15 April 2003 / Cleveland (CSU Convocation Center)”. Billboard.
^Sporich, Brett; The Hollywood Reporter; Carpenter, Troy (18 tháng 9 năm 2003). “Fox/Arista Prep Avril, Neptunes DVDs”. Billboard (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 9 năm 2014. Truy cập ngày 28 tháng 3 năm 2024.
^ abcSaraceno, Christina. “Let Go: Avril Lavigne” (bằng tiếng Anh). AllMusic. Truy cập ngày 28 tháng 3 năm 2024.
^ abcPerry, John. “Avril Lavigne: Let Go” (bằng tiếng Anh). Blender. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 2 năm 2009. Truy cập ngày 28 tháng 3 năm 2024.
^ abCaramanica, Jon (14 tháng 6 năm 2002). “Let Go (2002)”. Entertainment Weekly (bằng tiếng Anh): 100. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 10 năm 2012. Truy cập ngày 28 tháng 3 năm 2024.
^“CG: Avril Lavigne”. RobertChristgau.com (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 10 năm 2008. Truy cập ngày 28 tháng 3 năm 2024.
^ abBlashill, Pat (2 tháng 7 năm 2002). “Avril Lavigne: Let Go”. Rolling Stone (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 7 năm 2018. Truy cập ngày 28 tháng 3 năm 2024.
Werde, Bill (12 tháng 6 năm 2002). “Avril Lavigne: Simple Truths of A 'Complicated' Girl”. Modern Rock. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 9 năm 2014. Truy cập ngày 10 tháng 9 năm 2014 – qua washingtonpost.com. Some of the songs are hard, with grungy metal undertones
Liss, Sarah (20 tháng 6 năm 2002). “Avril Lavigne, New and Notable Releases”. Now Toronto. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 11 năm 2019. Truy cập ngày 18 tháng 3 năm 2024. ...a proclivity for punk and big, slightly grungy guitars.
^LeBlanc, Larry (7 tháng 4 năm 2003). “Avril Nabs Four Juno Awards”. Billboard (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 7 năm 2013. Truy cập ngày 28 tháng 3 năm 2024.
^Susman, Gary (27 tháng 2 năm 2002). “White America”. Entertainment Weekly (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 7 năm 2008. Truy cập ngày 28 tháng 3 năm 2024.
^“Gold and Platinum” (bằng tiếng Anh). Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Hoa Kỳ. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 8 năm 2013. Truy cập ngày 28 tháng 3 năm 2024.
^“The Billboard 200: Let Go”. Billboard (bằng tiếng Anh). 1 tháng 2 năm 2003. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 9 năm 2013. Truy cập ngày 28 tháng 3 năm 2024.
^Martens, Todd (22 tháng 1 năm 2003). “Norah Jones Remains on Top”. Billboard (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 6 năm 2014. Truy cập ngày 28 tháng 3 năm 2024.
^Sexton, Paul (6 tháng 1 năm 2003). “Avril Skates To No. 1 in the U.K.”. Billboard (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 6 năm 2013. Truy cập ngày 28 tháng 3 năm 2024.
^“Bestselling Albums 2003”(PDF) (bằng tiếng Anh). British Phonographic Industry. Lưu trữ(PDF) bản gốc ngày 30 tháng 9 năm 2007. Truy cập ngày 28 tháng 3 năm 2024.
^アヴリル・ラヴィーンのアルバム売り上げランキング [Bảng xếp hạng doanh số bán album của Avril Lavigne] (bằng tiếng Nhật). Oricon. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 6 năm 2013. Truy cập ngày 25 tháng 11 năm 2013.
^Salaverrie, Fernando (tháng 9 năm 2005). Sólo éxitos: año a año, 1959–2002 (bằng tiếng Tây Ban Nha) (ấn bản thứ 1). Madrid: Fundación Autor/SGAE. ISBN84-8048-639-2.
^2002年 アルバム年間TOP100 [Year-End Albums Chart of 2002] (bằng tiếng Nhật). Oricon. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 1 năm 2008. Truy cập 28 tháng 3 năm 2024 – qua GeoCities.
^“2003년 - POP 음반 판매량” (bằng tiếng Korean). MIAK. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 7 năm 2007. Truy cập 28 tháng 3 năm 2024.Quản lý CS1: ngôn ngữ không rõ (liên kết)