Lưu Tri Viễn

Hậu Hán Cao Tổ
後漢高祖
Hoàng đế Hậu Hán
Tại vị10 tháng 3, 947[1][2]10 tháng 3, 948
Tiền nhiệmSáng lập triều đại
Kế nhiệmHậu Hán Ẩn Đế
Thông tin chung
Sinh4 tháng 3, 895[3]
Mất10 tháng 3, 948[1][1][4]
Niên hiệu
Thiên Phúc (天福) (kế thừa của Hậu Tấn Cao Tổ) 947
Càn Hựu (乾祐) 948
Thụy hiệu
Duệ Văn Thánh Vũ Chiêu Túc Hiếu Hoàng đế (睿文聖武昭肅孝皇帝)
Miếu hiệu
Cao Tổ (高祖)
Hoàng tộcHậu Hán

Lưu Tri Viễn (劉知遠) (4 tháng 3, 89510 tháng 3, 948), sau đổi lại là Lưu Hạo (劉暠), miếu hiệu Hậu Hán Cao Tổ ((後)漢高祖), người tộc Sa Đà - là khai quốc chủ của Hậu Hán, triều đại thứ tư trong Ngũ Đại Thập Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Triều đại do ông lập ra, nếu không tính thời kì Bắc Hán - là triều đại yểu mệnh nhất trong lịch sử Trung Quốc, chỉ có 3 năm.

Lưu Tri Viễn nguyên là bộ tướng thân cận dưới quyền Tiết độ sứ Hà Đông Thạch Kính Đường. Khi Thạch Kính Đường mượn quân Khiết Đan chiếm ngôi Tấn đế ở Trung Nguyên (936), ông được bổ nhiệm làm Tiết độ sứ trọng trấn Hà Đông. Năm 946, Hậu Tấn bị Liêu (tức Khiết Đan) tiêu diệt, và sau đó quân Liêu không hợp thủy thổ mà phải rút quân về phương bắc. Lưu Tri Viễn nhân Trung Nguyên vô chủ, dẫn quân chiếm Khai Phong, xưng đế lập ra Hậu Hán. Tuy nhiên ông chỉ làm vua được 10 tháng thì đã chết; triều đại của ông cũng chỉ duy trì thêm được có 3 năm rồi bị diệt vong.

Nguồn gốc và giáo dục

Lưu Tri Viễn chào đời năm 895, dưới thời vua Chiêu Tông nhà Đường, tại Thái Nguyên, trong một gia đình quý tộc người Sa Đà. Cha ông là Lưu Điền, tướng phục vụ dưới trướng Tiết độ sứ Hà Đông[5]). Mẹ ông là Yên thị, vợ của Lưu Điền.[3] Ông có ít nhất một người anh em cùng cha (không rõ là có cùng mẹ hay không), Lưu Sùng.[6] Yên thị — sau khi Lưu Điền mất — lại có con với một người đàn ông họ Mộ Dung. Người anh em cùng mẹ này với Lưu Tri Viễn có tên gọi là Mộ Dung Ngạn Siêu.[7] Lúc trẻ, Lưu Tri Viễn được ghi nhận là nghiêm cẩn và lễ độ. Ông là một chiến tướng đắc lực dưới quyền của Lý Tự Nguyên, con nuôi của Lý Khắc Dụng.[3]

Năm 907, kẻ địch của Lý Khắc DụngChu Toàn Trung, Tiết độ sứ Tuyên Vũ[8]), đang kiểm soát triều đình nhà Đường, cướp ngôi vua của Đường Ai Đế, chấm dứt triều Đường, đặt quốc hiệu là Lương. Lý Khắc Dụng và các trấn quân phiệt khác từ chối công nhận tân hoàng đế, và Lý Khắc Dụng bấy giờ tuyên bố độc lập, lấy tên nước là Tấn. Sau khi Khắc Dụng mất, con ông ta là Lý Tồn Úc kế nhiệm, tiếp tục chống lại Hậu Lương.[9] Năm 919, trong trận chiến ở Đức Thắng[10]), một pháo đài của phía Bắc Hoàng Hà mà Lý Tồn Úc xem như một cứ điểm quan trọng, con rể Lý Tự NguyênThạch Kính Đường, bị quân Hậu Lương đánh tới tấp, rồi bị ngã ngựa. Lưu Tri Viễn đang chiến đấu ở gần Thạch Kính Đường, đưa ông ta lên ngựa và bỏ chạy, vì họ cố tình chạy từ từ nên quân Hậu Lương cho rằng phía trước có phục kích, vì thế không rượt theo nữa. Từ đó, ông và Thạch Kính Đường trở nên thân thiện với nhau.[11]

Dưới quyền Thạch Kính Đường

Năm 923, Lý Tồn Úc diệt Hậu Lương, lập ra Hậu Đường. Năm 927, Lý Tự Nguyên chiếm được ngôi hoàng đế Hậu Đường. Lý Tự Nguyên phong cho Thạch Kính Đường làm Tiết độ sứ Hà Đông. Kính Đường cho ông cùng Chu Khôi trở thành các tướng tâm phúc dưới quyền Kính Đường. Lưu Tri Viễn trông coi việc quân và Chu Khôi quản việc tài chính[12]

Năm 934, con trai của Lý Tự Nguyên là Lý Tòng Hậu là hoàng đế Hậu Đường, các cố vấn của Tòng Hậu là Chu Hoằng ChiêuPhùng Vân, vốn bất hòa với cả Thạch Kính ĐườngLý Tòng Kha (con nuôi của Minh Tông Lý Tự Nguyên), Tiết độ sứ Phượng Tường[13]), quyết định dời họ đi nơi khác. Mùa xuân năm 934, hai người này dời Lý Tòng Kha từ Phượng Tường đến Hà Đông, Thạch Kính Đường từ Hà Đông đến Thành Đức[14]), và dời Tiết độ sứ Thành Đức Phạm Diên Quang đến Thiên Hùng[15]). Lý Tòng Kha vì lo sợ sẽ bị giết nên tiến hành nổi dậy. Ông ta đánh bại liên tiếp hai đội quân do Lý Tòng Hậu cử đến, do Dương Tư ĐồngKhang Nghĩa Thành chỉ huy. Lý Tòng Hậu bỏ trốn khỏi Lạc Dương chạy về phía bắc, trong khi đó Thạch Kính Đường nghe tin Lý Tòng Kha khởi nghĩa, định dẫn quân tới Lạc Dương giúp Lý Tòng Hậu. Ngày 16 tháng 5, Lý Tòng Hậu và đoàn tùy tùng đến Vệ châu[16] thì gặp được Thạch Kính Đường, nhưng Kính Đường đổi ý và cho rằng lúc này khó mà đánh bại được Lý Tòng Kha, liền trở mặt với Lý Tòng Hậu. Các tướng dưới quyền Lý Tòng HậuSa Thủ VinhBôn Hồng Tiến tức giận và lập kế giết Thạch Kính Đường, kết quả thất bại. Nghe được tin, Lưu Tri Viễn theo lệnh của Thạch Kính Đường giết hết tùy tùng của Lý Tòng Hậu. Thạch Kính Đường sau đó đến Lạc Dương xưng thần với Lý Tòng Kha, để Lý Tòng Hậu ở lại Vệ châu. (Lý Tòng Kha sau đó tự xưng là hoàng đế, và bức tử Lý Tòng Hậu.). Mặc dù Lý Tòng Kha chán ghét và e ngại Thạch Kính Đường, nhưng do vợ của Kính Đường là Ngụy quốc Trưởng Công chúa và Tào Thái Hậu lên tiếng, Thạch Kính Đường mới được cho về Hà Đông.[17]

Năm 935, lúc Thạch Kính Đường đang cùng với quân đội Hà Đông đóng tại Hãn châu[18] chống lại cuộc tấn công của quân Khiết Đan, thì sứ giả do Lý Tòng Kha phái đến cung cấp mũ áo mùa hè cho quân sĩ. Khi sứ giả đọc chiếu lệnh, quân sĩ nhiều lần nhắm vào chủ tướng mà tung hô vạn tuế. Thạch Kính Đường lo sợ sẽ bị nghi ngờ là có ý đoạt ngôi, nên theo lời khuyên của Đoàn Hi Nghiêu, đã sai Lưu Tri Viễn chém đầu 36 binh sĩ dẫn đầu làm bậy. Tuy nhiên điều đó không làm bớt đi lòng nghi ngờ của Lý Tòng Kha đối với Thạch Kính Đường.[17]

Năm 936, tin rằng Thạch Kính Đường sẽ khởi nghĩa và nghĩ cần thiết phải diệt trừ trước khi ông ta kịp chuẩn bị, Lý Tòng Kha hạ chiếu dời Kính Đường từ Hà Đông đến Thiên Bình[19] và cử Tống Thẩm Kiền làm Tiết độ sứ Hà Đông. Thạch Kính Đường lo sợ và hỏi ý các tướng tá. Triệu Oanh khuyên Kính Đường đến Thiên Bình. Tiết Dung không có ý kiến. Lưu Tri Viễn khuyên nên chống lại, có Thang Duy Hàn cũng tán thành ý kiến của ông, và ông này còn khuyên chủ tướng hãy cầu viện Khiết Đan. Kính Đường đồng ý, sai Duy Hàn soạn biểu thư, tôn Liêu chủ Da Luật Đức Quang là cha, cắt đất Lữ Long[20] và các châu thuốc trấn Hà Đông nằm ở phía bắc Nhạn Môn quan cho Khiết Đan. Lưu Tri Viễn lại không đồng ý nhượng bộ như vậy, nói rằng việc xưng con là rất nhục nhã còn hơn là xưng thần, và không nhất thiết phải cắt đất, song Kính Đường không nghe theo lời ông.[21]

Quân Hậu Đường do Trương Cảnh Đạt chỉ huy tiến đến Thái Nguyên và thiết lập vòng vây. Lưu Tri Viễn được cử lên thành cự địch. Ông trị quân nghiêm chỉnh và công chính, vì thế các tướng sĩ vẫn giữ lòng trung thành. Khi Kính Đường lên thành xem xét, Tri Viễn nói với ông ta, "Tôi thấy Trương Cảnh Đạt và quân của hắn đào hào sâu, xây đài cao, tất là muốn bao vây lâu dài. Bọn chúng thật ra chẳng có tài gì đặc biệt khiến mình phải lo đâu. Bấy giờ chúa công nên gửi thư cầu người bên ngoài tới giúp. Giữ thành không khó, Tri Viễn thần có thể tự đảm đương." Thạch Kính Đường cầm tay, vỗ lưng và khen ngợi ông.[21]

Cuối năm đó, Liêu Thái Tông đem quân Khiết Đan tới thành Thái Nguyên, giao chiến với quân Hậu Đường. Kính Đường sai Tri Viễn đến hỗ trợ quân Khiết Đan, và liên quân Khiết Đan - Hà Đông đánh bại quân Hậu Đường, giết rất nhiều người. Tàn quân Đường rút lui về trại Tấn An gần Thái Nguyên, liên quân kéo đến bao vây Tấn An. Theo lời khuyên của Tri Viễn, Kính Đường sai giết 1000 tù binh Hậu Đường.[21]

Thời Hậu Tấn

Thời Hậu Tấn Cao Tổ

Mùa đông năm 936, Liêu Thái Tông phong cho Thạch Kính Đường làm Hậu Tấn hoàng đế. Chính quyền mới được thiết lập, Lưu Tri Viễn được giao trọng trách chỉ huy đội quân túc vệ. Sau đó, khi quân Hậu Đường ở Tấn An đầu hàng, liên quân Khiết Đan - Hậu Tấn nam tiến thẳng tới Lạc Dương, tướng Phạm Diên Quang (người vừa ám sát Trương Cảnh Đạt và hàng Tấn) được phong làm thống lĩnh, đứng trên Lưu Tri Viễn, còn ông được trao quyền Tiết độ sứ ở Bảo Nghĩa[22]. Cuối cùng, khi liên quân tiến đến Lộ châu[23], Liêu Thái Tông quyết định dừng binh ở đây và lui về để người Hán không bị hoảng sợ bởi sự xuất hiện ở người ngoại tộc. Trước khi trở về, ông ta bảo Kính Đường rằng, "Bọn Lưu Tri Viễn, Triệu Oanh, Thang Duy Hàn có đại công khai quốc. Nếu chúng không phạm đại tội thì không được trừ bỏ."[21]

Thạch Kính Đường tiến tới Lạc Dương, Lý Tòng Kha cùng gia quyết và các đại thần tuyệt vọng nhảy vào lửa tự sát. Kính Đường tiến vào Lạc Dương, sai Tri Viễn chiêu an dân chúng, quân sĩ trong thành. Sử sách ghi nhận Lưu Tri Viễn giữ quân nghiêm cẩn, để quân sĩ người Hán ở yên trong trại và hậu đãi các tướng sĩ Khiết Đan, vì thế không cướp bóc quấy nhiễu nhân dân. Chỉ trong vài ngày, tình hình trong thành trở lại ổn định.[21]

Năm 937, Phạm Diên Quang, trước đó dù đã xưng thần với Hậu Tấn, đã khởi binh tại Thiên Hùng. Không lâu sau, tướng Trương Tòng Tân cũng nổi dậy gần Lạc Dương và kiểm soát thành trị. Thạch Kính Đường lúc này đã dời đô đến Khai Phong, cử Dương Quang Viễn, Đỗ Trọng Uy dẫn binh thảo phạt. Vào lúc đó, bởi vì những cuộc nổi loạn này (cũng như một cuộc nổi loạn khác tại Hoạt châu[24]), người dân Trung Nguyên đều khiếp sợ. Kính Đường hỏi ý Tri Viễn phải làm gì, ông trả lời như sau:[25]

Hoàng đế hưng khởi, phải là do Thiên Mệnh. Lúc ngự giá ở Tấn Dương (tức Thái Nguyên), không có nhiều hơn năm ngày lương thực, mà cuối cùng vẫn có thể lập quốc được. Nay thiên hạ vững bền; ta có quân lính tinh nhuệ; với lại ở phía bắc đã kết minh với bọn Di Địch cường thịnh (tức Khiết Đan). Bọn nhãi nhép đó sao có thể làm được chi? Thánh thượng hãy ban ân điển cho văn võ hai ban để trấn an chúng. Lại xin cho thần nắm quyền dẫn quân. Nếu mà có đủ cả ân uy, kinh thành không có gì đáng lo. Gốc rễ mà an toàn thì cành lá cũng không có gì đáng ngại.

Sau đó Lưu Tri Viễn thiết lập quân lệnh nghiêm ngặt, vì thế quân sĩ không ai dám kháng lệnh. Sau đó, Tòng Tân bị đánh bại và bị giết trên đường chạy trốn, còn Diên Quang đầu hàng Hậu Tấn.[25] Mùa thu năm 937, ông được dời làm quyền Tiết độ sứ Trung Vũ[26]. Mùa đông năm 938, ông được giao quyền chỉ huy quân mã cả nước,[3] sau khi Dương Quang Viễn được bổ nhiệm làm Tiết độ sứ Thiên Hùng.[25] Ông ở Trung Vũ không lâu thì dời tới Quy Đức[27].[3] Khi đó, Kính Đường cũng ban cho ông cùng Đỗ Trọng Uy vinh dự tể tướng, chức danh Đồng Trung thư Môn hạ Bình chương sự, ông cảm thấy bị sỉ nhục khi phải đứng ngang hàng với Trọng Uy, vì ông coi Trọng Uy chẳng có công cán gì lớn mà nhận được ân điển chỉ vì quan hệ thông gia với nhà vua. Biết Tri Viễn bất mãn, Kính Đường tức giận, dự định cách binh quyền của ông. Tuy nhiên, Triệu Oanh cho rằng Lưu Tri Viễn bảo vệ Thái Nguyên từng lập đại công mà khuyên can nhà vua. Kính Đường bèn sai Hàn lâm học sĩ Hòa Ngưng đến chỗ của ông tuyên chiếu một lần nữa. Lúc này ông đã nhận ra tình hình bất lợi cho mình, nên phải kính cẩn mà thụ chiếu.[28]

Năm 940, ông được phái đi trấn thủ Nghiệp Đô (鄴都, tức Ngụy châu, trị sở Thiên Hùng quân). Năm 941, nhà vua lo lắng rằng Tiết độ sứ Thành Đức An Trọng Vinh, có quan hệ tốt với nước Liêu, sẽ nổi dậy, bèn dời Lưu Tri Viễn làm Tiết độ sứ Hà Đông. Đỗ Trọng Uy, hiện là phó của Tri Viễn, được phong lên làm thống lĩnh quân đội triều đình. Việc này là theo ý của các tể tướng Phùng ĐạoLý Tung, ông trở nên căm ghét hai người này.[28]

Cuối năm 941, An Trọng Vinh tạo phản, liên minh với Tiết độ sứ Sơn Nam Đông Đạo[29] An Tòng Tiến, tuyên bố rằng mình có sự ủng hộ từ ba bộ lạc Thổ Dục Hồn, Đạt Thát, Khế Bật. Để chặn viện quân Thổ Dục Hồn giúp An Trọng Vinh, Tri Viễn cử Quách Uy gặp thủ lĩnh Thổ Dục HồnBạch Thừa Phúc, hứa sẽ tặng đất chăn gia súc cho bọn họ (đất thả gia súc của người Thổ trước kia nằm ở bắc Hà Đông, giờ đã cắt cho Liêu quốc), và còn chỉ ra rằng An Trọng Vinh sẽ thất bại. Thừa Phúc nghe theo, bỏ Trọng Vinh mà quy hàng Tri Viễn. Ông cho người Thổ các vùng đất ở quanh vùng Thái Nguyên và Lan châu, Thạch châu [30], đưa một số người lính thiện chiến của Thừa Vinh đến làm việc cho mình và cho ông ta làm Tiết độ sứ Đại Đồng[31] — nhưng chỉ là trên danh nghĩa, vì Đại Đồng giờ đã là đất của Liêu quốc). Điều này cộng thêm việc Đạt Thát, Khế Bật không thể liên quân với Trọng Vinh, đã làm cuộc khởi nghĩa này suy yếu,[28] rồi sớm thất bại.[32]

Vào lúc này, Thạch Kính Đường bệnh nặng, muốn cho con trai duy nhất là Thạch Trọng Duệ kế vị, sai Phùng Đạo phụ tá. Lại theo kế đã lập ra, cho triệu Tri Viễn từ Hà Đông về kinh giúp đỡ ấu chúa. Tuy nhiên, con nuôi của Kính Đường là Tề vương Thạch Trọng Quý đã chặn lại mệnh lệnh đó trước khi chiếu thư tới Thái Nguyên. Không lâu sau nhà vua mất, Phùng Đạo bàn với Cảnh Diên Quảng cho rằng đất nước cần có vua lớn tuổi, do đó lập Thạch Trọng Quý làm đế. Lưu Tri Viễn sau khi biết hết mọi việc, trở nên căm tức Trọng Quý.[32]

Thời Thạch Trọng Quý

Thạch Trọng Quý nghe theo lời Cảnh Diên Quảng, dùng chính sách cứng rắn với triều Liêu, trong đó có việc từ chối xưng thần, mà chỉ xưng cháu (vì Thạch Kính Đường trước xưng là "nhi hoàng đế", gọi Liêu Thái Tông là "phụ hoàng đế"), và bắt các nhà buôn Khiết Đan đang làm ăn ở Trung Nguyên, tịch thu gia sản của họ. Lưu Tri Viễn biết rằng lời khuyên của Diên Quảng về sau sẽ trở thành đại họa cho quốc gia, nhưng vì Diên Quảng khi đó quyền thế quá lớn, nên ông không dám khuyên ngăn. Thay vào đó, ông cho tuyển thêm quân để tăng cường lực lượng cho quân đội Hà Đông, lập ra 10 cánh quân để chống lại cuộc xâm lược của nước Liêu trong tương lai.[32]

Năm 944, Liêu cử đại quân đánh mạnh vào lãnh thổ Hậu Tấn. Tướng Tấn là Chu Nho bí mật liên lạc với Tiết độ sứ Bình Lư[33] Dương Quang Viễn để cùng nhau nổi loạn hưởng ứng người Liêu. Theo như minh ước này, Thái Tông hoàng đế lúc này đang cùng đại quân đóng ở Thiên Hùng, sai chú là Da Luật An Đoan, đem quân tiến đánh Hà Đông. Để đối phó vơi quân Liêu quốc, Thạch Trọng Quý bổ nhiệm Lưu Tri Viễn chỉ huy quân chặn đánh lực lượng đến từ U châu (thủ phủ Lữ Long quân) cùng Đỗ Uy (tức Đỗ Trọng Uy, vì kiêng húy Thạch Trọng Quý nên đổi tên), Tiết độ sứ Thuận Quốc (tức Thành Đức, đổi tên sau thất bại của An Trọng Vinh) làm phó tướng và Mã Toàn Tiết, Tiết độ sứ Nghĩa Vũ[34] làm giám quân nhằm tìm cách đánh lạc hướng lực lượng chính của Liêu. Tuy nhiên, sau khi đánh bại quân của Da Luật An Đoan, Lưu Tri Viễn lại không đưa quân hỗ trợ cho hai tướng kia và đưa quân lên phía bắc để tấn công Liêu theo mệnh lệnh của Thạch Trọng Quý,[32] để Đỗ và Mã tại Hình châu[35]. Sau khi Dương Quang Viễn thua trận bị giết, và quân Liêu rút lui, ông vẫn được làm thống soái các đạo quân ở phía bắc. Nhưng Thạch Trọng Quý nghi ngờ ông, nói rằng, "Thái Nguyên không giúp trẫm, hẳn là có ý khác. Tốt nhất là nên trừ đi sớm!" Ông biết được tinh thế của mình rất nguy hiểm, và quyết định hành sự cẩn trọng và cất quân giữ chặt Hà Đông. Khi Quách Uy thấy Lưu Tri Viễn thường tỏ ra lo lắng, bèn khuyên rằng,

"Hà Đông có núi cao sông dài bảo vệ. Người Hà Đông có truyền thống dũng mãnh thiện chiến, người tốt ngựa tốt ở đây chẳng thiếu. Lúc hòa bình thì chăm chỉ làm ruộng; lúc có chiến sự thì hăng hái tiến lên. Đó là cái vốn quý để lập nên vương nghiệp. Sao tướng công lại buồn phiền?"[36]

Sau đó Trọng Quý phong cho ông làm Thái Nguyên vương, sau đổi là Bắc Bình vương.[3] Trong khi đó, do Bạch Thừa Phúc lập công trong cuộc chiến, nhà vua cho triệu ông ta về kinh về ban thưởng rất nhiều. Đến năm 946, Thừa Phúc làm trấn thủ Hoạt châu cùng với Trương Tòng Ân, trong khi người dân các bộ lạc Thổ Dục Hồn của ông ta được chăn gia súc ở các vùng Thái Nguyên - Lan - Thạch. Khi họ phạm lỗi, Tri Viễn trừng phạt không khoan thứ. Người Thổ thấy rằng quân Hậu Tấn quá yếu và còn lo sợ sự nghiêm khắc của Tri Viễn. Phó thủ lĩnh Bạch Khả Cửu, có địa vị chỉ đứng sau Bạch Thừa Phúc trong tộc, dẫn người hàng Liêu. Liêu Thái Tông bổ nhiệm làm Thứ sử Vân châu (雲州, nay thuộc Đại Đồng), nhằm mua chuộc Thừa Phúc. Tri Viễn e ngại Thừa Phúc, theo lời khuyên của Quách Uy, ông quyết định chống lại người này. Uy còn khuyên ông giết Thừa Phúc để lấy hết gia sản của ông ta mà nuôi quân đội. Cho nên ông trình biểu lên Thạch Trọng Quý, nói rằng, "Người Thổ Dục Hồn thường hay phản bội, khó mà chế ngự được chúng. Thỉnh dời hết vào trong nội địa". Trọng Quý ra lệnh chuyển khoảng 1,900 người Thổ vào các châu quận bên trong. Sau đó, ông lừa cho Thừa Phúc và 4 tướng lĩnh thân cận của người này vào thành Thái Nguyên; sau đó kể tội họ có ý mưu phản. Sau đó sai quân bao vây và giết hết bọn người Thổ Dục Hồn, tổng cộng khoảng 400 người, tịch thu gia sản của họ. Triều đình Hậu Tấn biểu dương hành động của ông. Sử sách ghi nhận kể từ đó, Thổ Dục Hồn ngày một suy yếu.[37]

Cùng lúc đó, em cùng mẹ với Lưu Tri Viễn là Mộ Dung Ngạn Siêu đang giữ chức thứ sử Bộc châu[38], bị kết tội tự ý thu thuế, và thu gom lúa cấp cho quân sĩ mà không theo lệnh của triều đình. Ở triều đình, đại thần Lý Ngạn Thao có oán với Ngạn Siêu, và thuyết phục Phùng Ngọc (anh của bà Phùng hoàng hậu) hãy xử tử Ngạn Siêu. Tri Viễn đệ thư cầu xin tha thứ cho em trai. Tể thần Lý Tung thấy rằng rất nhiều tướng lĩnh trong nước có hành động tương tự với Ngạn Siêu, và nếu Ngạn Siêu bị xử tử thì bọn họ sẽ tự thấy bất an. Cho nên, Ngạn Siêu được tha mạng nhưng bị đày sang Phòng châu[39]).[37]

Năm 946, Liêu Thái Tông lại muốn nam hạ, sai Triệu Diên Thọ dùng kế trá hàng, khiến Phùng Ngọc, Lý Trung bị mắc lừa. Triều Tấn lấy Đỗ Trọng Uy, Lý Thiệu Chân đem quân bắc phạt. Quân của Trọng Uy vừa tiến vào lãnh thổ Liêu thì gặp vua Liêu, ông ta đang thống lĩnh đại quân chờ đợi. Quân Tấn bị đại bại tại cầu Trung Độ[40]. Thái Tông hoàng đế vừa uy hiếp, vừa thủ dụ rằng nếu Trọng Uy chịu hàng thì sẽ phong cho làm hoàng đế Trung Quốc, Trọng Uy tuân theo. Bởi vì gần như toàn bộ quân mã cả nước đã giao cho Trọng Uy cho nên bấy giờ Khai Phong không có quân trấn thủ, quân Liêu nhanh chóng tiến vào. Thạch Trọng Quý, ban đầu nghĩ đến việc triệu Tri Viễn dẫn quân cứu giá, nhưng cuối cùng quyết định đầu hàng, Hậu Tấn từ đó chính thức diệt vong.[37]

Ứng phó với nhà Liêu

Liêu Thái Tông tự xưng hoàng đế Trung Quốc, phần lớn các tiết độ sứ Hậu Tấn đều đến Khai Phong xưng thần với ông ta, trừ có Sử Khuông Uy, Tiết độ sứ Chương Nghĩa[41]Hà Trọng Kiến, Tiết độ sứ Hùng Vũ[42], hai người này giết sứ giả Khiết Đan và xưng thần với Hậu Thục. Về phía Lưu Tri Viễn, ông cho tăng cường phòng thủ ở Hà Đông và sai cận thần Vương Tuấn đến dâng biểu xin quy phục triều Liêu, trong biểu chương có ba nội dung chính. Thứ nhất, ông chúc mừng Thái Tông hoàng đế vào được Khai Phong. Thứ hai, ông xin được phép ở lại Thái Nguyên chứ không vào chầu vì Thái Nguyên là vùng đất có sự pha trộn giữa người Hán và người Man, tình hình phức tạp. Thứ ba, ông nói sẽ dâng đồ triều cống lên hoàng đế nhưng vì tướng Liêu là Lưu Cửu cứ đóng quân ngoài thành khiến dân chúng bực bội, nếu Cửu mà rút quân thì ông sẽ lập tức cống nạp.[2]

Đáp lại, Thái Tông hoàng đế viết thư ca ngợi ông, trong thư gọi ông là "con". Ông ta cũng hạ lệnh ban cho ông một cây roi (thứ này Liêu Thái Tông trước kia chỉ ban cho một người là hoàng thúc Da Luật An Đoan). Sau đó, Tri Viễn gửi phó sứ Thái Nguyên Bạch Văn Kha đến Khai Phong cống nạp một chú ngựa quý. Tuy nhiên, vua Thái Tông nhận thấy rằng Tri Viễn vẫn đang xem xét thế cục và không muốn thần phục Liêu, nên hạ lệnh cho Văn Kha trở về nhắn với ông rằng, "Nhà người trước không giúp Nam triều (Hậu Tấn), nay cũng không giúp Bắc triều (Liêu). Nhà người có ý gì?" Quách Uy cho là không nên thần phục Liêu, biện giải rằng, "Bọn Man rất ghét chúng ta. Như Vương Tuấn báo lại, người Khiết Đan tham tàn độc ác, làm sao mà ở lại Trung Quốc lâu được." Ngoài ra còn có nhiều người khuyên ông nên lập tức nổi dậy chống Liêu, nhưng ông từ chối:[2]

Đôi khi dùng quân phải thần tốc, nhưng đôi lúc cũng phải từ từ, dựa theo thời thế mà hành động. Gần đây, bọn Khiết Đan mới đánh bại 10 vạn quân Tấn, chiếm giữ kinh thành, khí thế như hổ đói. Nếu chưa có biến cố gì, thì không thể hành động đột ngột? Ta thấy rằng bọn chúng chỉ muốn có vàng bạc gấm vóc mà thôi. Khi bọn chúng thỏa mãn rồi thì tự sẽ lui về phương bắc. Bây giờ ta đợi chúng rời đi, rồi xua quân chiếm lấy lãnh thổ. Đó mới là thượng sách.

Tuy nhiên, khi Trương Tòng Tân, khi đó đang là Tiết độ sứ Chiêu Nghĩa[43], có lãnh địa ở gần Lạc Dương, theo lệnh từ triều Liêu, muốn đi tới Khai Phong để làm lễ phiên thần với Thái Tông, mà cũng âm thầm qua lại với Hà Đông. Ông viết thư cho Tòng Tân rằng, "Tôi chỉ là một trấn nhỏ, làm sao mà dám kháng lại đại quốc? Quân hầu nên đi trước, tôi sẽ theo sau." Tòng Tân do đó đến Khai Phong. Cùng lúc đó, Cao Tòng Hối, quốc vương Kinh Nam sai sứ đến triều cống cho triều Liêu, nhưng cũng bí mật gửi thư khuyến tiến cho Lưu Tri Viễn.[2]

Khi ông nhận được tin Hà Trọng Kiến đã hàng Thục và than rằng vì Trung Nguyên không có chủ nên phải đầu hàng, các cố vấn khuyên ông nên tự lập làm vua, nhưng ông do dự. Nghe được tin Liêu Thái Tông đã đưa Thạch Trọng Quý đến sâu trong lãnh thổ Liêu, ông tuyên bố sẽ đưa quân chặng đánh đội hộ tống và rước Tấn đế vào Thái Nguyên. Tuy nhiên, Quách UyDương Bân, lập luận với ông rằng bấy giờ lòng người ông yên, mà nếu ông tiếp tục ngần ngại e là sẽ tạo cơ hội cho kẻ khác. Ông đồng tình, vào ngày 10 tháng 3 thì tự xưng hoàng đế, nhưng chưa đổi quốc hiệu, vẫn dùng niên hiệu Thiên Phúc của Hậu Tấn Cao Tổ[1][2]

Làm hoàng đế

Tiến quân Khai Phong

Được tin Lưu Tri Viễn xưng đế, Liêu Thái Tông sai các tướng chuẩn bị thảo phạt. Tuy nhiên, các trấn xung quanh bắt đầu xưng thần với họ Lưu. Thấy rằng người Hán đang bắt đầu chống lại mình, Thái Tông hoàng đế quyết định trở về phương bắc, để lại em họ là Tiêu Hàn (cháu của thái hậu Thuật Luật Nguyệt Lý Đóa) ở lại trấn giữ Khai Phong với chức vụ là Tiết độ sứ Tuyên Vũ. Ông ta mắc bệnh trên đường về, và chết tại Hằng châu (thủ phủ Thuận Quốc quân) ngày 18 tháng 5 năm 947.[2] Cháu của ông ta là Vĩnh Khang vương Da Luật Nguyễn đánh bại quân của Triệu Diên Thọ, rồi tự xưng là Liêu Thế Tông.[4][2]

Cùng lúc, Lưu Tri Viễn lập phu nhân Lý thị làm hoàng hậu. Được tin Liêu chủ đã rời Khai Phong, ông quyết định tiến quân vào, sai Thạch Hoằng Chiêu làm tiên phong, tiến vào Lạc Dương và Khai Phong. Tiêu Hàn hoảng sợ muốn trở về phương bắc, nhưng lo sợ nếu không để ai đó trấn giữ Khai Phong, thì khó mà rút lui an toàn. Ông ta bèn kiếm con út của Hậu Đường Minh TôngLý Tòng Ích rồi tôn làm hoàng đế trước khi rời khỏi Khai Phong. Mẹ của Tòng Ích và Vương Thục thái phi thấy tình hình không có lợi, nên khuyên Tòng Ích tự giáng làm Lương vương, và dâng thư nghênh đón Lưu Tri Viễn vào Lạc Dương. Tri Viễn tiến quân vào, sai Quách Tòng Nghĩa đến Khai Phong giết Lý Tòng Ích và Vương Thái phi.[2]

Cai trị tại Khai Phong

Lưu Tri Viễn đóng ở Khai Phong, gọi nơi này là Đông Kinh, còn Lạc Dương là Tây Kinh. Ông cũng cải quốc hiệu là Hán, nhưng vẫn còn dùng niên hiệu Thiên Phúc, nói rằng, "Lòng ta còn chưa quên nhà Tấn." Trong khi đó, các tiết độ sứ lần lượt quy phục ông; bao gồm Đỗ Trọng Uy hiện đang giữ chức Tiết độ sứ Thiên Hùng quân, nhưng Trọng Uy lại e ngại vì trước đó mình từng nịnh bợ triều Liêu. Được tin nhà Hậu Hán hạ lệnh dời mình tới Quy Đức và dời Tiết độ sứ Quy Đức Cao Hành Chu dến Thiên Hùng, Trọng Uy làm phản và cầu cứu tướng Liêu Da Luật Ma Đáp, người mà Liêu Thái Tông phái đến tiếp quản Hằng châu. Tri Viễn tuyên bố thảo phạt Trọng Uy và cho Hành Chu làm nguyên soái, Mộ Dung Ngạn Siêu làm phó. Không lâu sau, quân Hán tại Hằng châu chống lại Da Luật Ma Đáp ông ta phải bỏ chạy, Trọng Uy bị bỏ bơ vơ một mình.[4]

Tuy nhiên, Trọng Uy tiếp tục cố thủ tại Nghiệp Đô được hậu thuẫn của tướng Liêu là Trương Liễn đóng quân ở U châu để chống lại Tri Viễn. Hành Chu quyết định vây thành mà không đánh, để đợi trong thành hết lương. Lưu Tri Viễn quyết định đến quân tiền xem xét tình hình (vì Trọng Uy từng tuyên bố nếu Tri Viễn đến thì sẽ hàng ngay), và cuộc tấn công của Mộ Dung Ngạn Siêu gặp thất bại, cho nên Hành Chu quyết định tiếp tục vây thành. Cuối năm đó, thành hết lương thực, Trọng Uy đầu hàng. Lưu Tri Viễn nuốt lời hứa khi trước là sẽ tha cho Trương Liễn, đã ra lệnh xử tử ông ta cùng các thuộc hạ, dù quân sĩ được thả về U châu. Trọng Uy được tha chết, nhưng gia sản bị tịch thu sung công. Sử gia Bắc TốngTư Mã Quang có lời chê trách trong cuốn Tư trị thông giám:[4]

(Hậu) Hán Cao Tổ giết 1,500 người vô tội ở U châu, đó là bất nhân. Hứa hẹn với Trương Liễn rồi xử chết ông ta, đó là bất tín. Đỗ Trọng Uy phạm đại tội mà lại tha, đó là thưởng phạt bất minh. Nhân nghĩa là dùng để gắn kết người dân, có tín nghĩa mới có thể thu phục người khác, luật pháp lập ra để trị kẻ có tội. Không có ba điều này, làm sao mà giữ cơ nghiệp được? Bởi vậy cơ nghiệp không lâu dài chẳng có gì là lạ.

Cùng lúc đó, ở miền biên viễn phía tây, con trai của Triệu Diên ThọTriệu Khuông Tán, Tiết độ sứ Kim Xương[44] cùng Hầu Ích, Tiết độ sứ Phượng Tường, e ngại là sẽ bị triều đình Hậu Hán tiêu diệt, bèn xưng thần với Hậu Thục.

Theo Cựu Ngũ Đại sử, do tác động của vu phun trào núi lửa ở dãy núi Trường Bạch thuộc Định An Quốc (đời vua Liệt Vạn Hoa), ngày 16 tháng 12 năm 947, ngày 25 tháng 12 năm 947 và ngày 6 tháng 1 năm 948 có hiện tượng băng men (xảy ra khi mưa đóng băng hoặc mưa phùn chạm vào bề mặt) ở nhà Liêu (đời vua Liêu Thế Tông) và Hậu Hán (đời vua Lưu Tri Viễn).

Mùa xuân năm 948, Tri Viễn cử Vương Cảnh Sùng đánh Triệu, Hầu hai tướng. Triệu Khuông Tán lúc này đang chuẩn bị rời trấn để đến thủ phủ Thành Đô của Hậu Thục, tuy nhiên, quân sư của ông ta là Lý Thứ thuyết phục xưng thần với Hậu Hán, vì Hậu Thục chỉ là một tiểu quốc không nhờ cậy được. Khuông Tán sai Thứ đến Khai Phong dâng biểu xưng thần và biện hộ cho hành động của mình. Hầu Ích cũng làm theo. Tri Viễn quyết định vẫn cho Vương Cảnh Sùng đến phía tây, lấy lí do rằng sứ giả Hồi Cốt bị người Đảng Hạng (Định Nan quân) chặn đánh và cần được hộ tống đến kinh. Ông bảo Cảnh Sùng rằng, "Triệu Khuông Tán với Hầu Ích lòng dạ khó đoán. Khi khanh tới đó, thì đòi chúng vào triều, chúng mà đến thì thôi. Nếu mà chúng trì hoãn và xem xem tình hình, thì cứ tùy nghi mà hành sự." Khi Vương Cảnh Sùng đến thủ phủ Kim Xương là Trường An, thấy Triệu Khuông Tán đã khởi hành đến kinh, nên bàn tính hành động thế nào với Hầu Ích, ông này đang chống lại Hậu Thục nhưng chưa chịu vào kinh ngay lập tức.[4]

Trong lúc chiến dịch với Đỗ Trọng Uy đang diễn ra, hoàng trưởng tử Lưu Thừa Huấn, được nhìn nhận là tốt bụng, trung thành, thông minh và có tài, qua đời. Người trong nước buồn thương về cái chết của Thừa Huấn. Bản thân nhà vua cũng rất đau thương đến nỗi thành bệnh. Mùa xuân năm 948, bệnh tình trở nặng, bèn phó thác con thứ Lưu Thừa Hựu cho Tô Phùng Cát, Dương Bân, Thạch Hoằng Chiêu, và Quách Uy, nói,

"Hơi tàn của trẫm không còn nhiều, không thể nói hết ra những lời trong lòng. Thừa Hựu tuổi trẻ yếu đuối, sau khi trẫm chết đi, hậu sự đều giao phó cho các khanh."

Ông cũng dặn họ hãy canh chừng Đỗ Trọng Uy. Cùng ngày hôm đó (ngày 10 tháng 3 năm 948) Lưu Tri Viễn mất, các quan đại thần giấu việc, rồi làm mệnh lệnh buộc Trọng Uy và các con ông ta phải chết. Lại ban hành một chiếu thư khác, phong Lưu Thừa Hựu làm Chu vương; không lâu sau mới phát tang cho Hậu Hán Cao Tổ, và tôn Chu vương lên làm vua kế vị.[4]

Gia quyến

Chú thích

  1. ^ a b c d Academia Sinica, Chuyển hoán Trung Tây lịch
  2. ^ a b c d e f g h Tư trị thông giám, quyển 286.
  3. ^ a b c d e f Cựu Ngũ Đại sử, quyển 99.
  4. ^ a b c d e f Tư trị thông giám, quyển 287.
  5. ^ 河東, trị sở nay thuộc Thái Nguyên, Sơn Tây, Trung Quốc
  6. ^ Tân Ngũ Đại sử, quyển 18.
  7. ^ Cựu Ngũ Đại sử, quyển 130.
  8. ^ 宣武, trị sở nay thuộc Khai Phong, Hà Nam, Trung Quốc
  9. ^ Tư trị thông giám, quyển 266.
  10. ^ 德勝, nay thuộc Bộc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
  11. ^ Tư trị thông giám, quyển 271.
  12. ^ Tư trị thông giám, quyển 278.
  13. ^ 鳳翔, trị sở nay thuộc Bảo Kê, Thiểm Tây, Trung Quốc
  14. ^ 成德, trị sở nay thuộc Thạch Gia Trang, Hà Bắc, Trung Quốc
  15. ^ 天雄, tức Ngụy Bác, trị sở nay thuộc Hàm Đan, Hà Bắc, Trung Quốc
  16. ^ Nay thuộc Bộc Dương, Hà Nam. Trung Quốc
  17. ^ a b Tư trị thông giám, quyển 279.
  18. ^ 忻州, nay thuộc Hãn Châu, Sơn Tây, Trung Quốc
  19. ^ 天平, trị sở nay thuộc Thái An, Sơn Đông, Trung Quốc
  20. ^ 盧龍, trị sở nay thuộc thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc
  21. ^ a b c d e Tư trị thông giám, quyển 280.
  22. ^ 保義, trị sở nay thuộc Trú Mã Điếm, Hà Nam, Trung Quốc
  23. ^ 潞州, nay thuộc Trường Trị, Sơn Tây, Trung Quốc
  24. ^ 滑州, nay thuộc An Dương, Hà Nam, Trung Quốc
  25. ^ a b c Tư trị thông giám, quyển 281.
  26. ^ 忠武, trị sở nay thuộc Hứa Xương, Hà Nam, Trung Quốc
  27. ^ 歸德, trị sở nay thuộc Thương Khâu, Hà Nam, Trung Quốc
  28. ^ a b c Tư trị thông giám, quyển 282.
  29. ^ 山南東道, trị sở nay thuộc Tương Dương, Hồ Bắc, Trung Quốc
  30. ^ Nay đều thuộc Lữ Lương, Sơn Tây, Trung Quốc
  31. ^ 大同, trị sở nay thuộc Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
  32. ^ a b c d Tư trị thông giám, quyển 283.
  33. ^ 平盧, trị sở nay thuộc Duy Phường, Sơn Đông, Trung Quốc
  34. ^ 義武, trị sở nay thuộc Bảo Định, Hà Bắc, Trung Quốc
  35. ^ 邢州, nay thuộc Hình Đài, Hà Bắc, Trung Quốc
  36. ^ Tư trị thông giám, quyển 284.
  37. ^ a b c Tư trị thông giám, quyển 285.
  38. ^ 濮州, nay thuộc Bộc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
  39. ^ 房州, nay thuộc Thập Yển, Hồ Bắc, Trung Quốc
  40. ^ 中度橋, nay thuộc Bảo Định, Hà Bắc, Trung Quốc
  41. ^ 彰義, trị sở nay thuộc Bình Lương, Cam Túc, Trung Quốc
  42. ^ 雄武, trị sở nay thuộc Thiên Thủy, Cam Túc, Trung Quốc
  43. ^ 昭義, trị sở nay thuộc Trường Trị, Sơn Tây, Trung Quốc
  44. ^ 晉昌, trị sở nay thuộc Tây An, Thiểm Tây, Trung Quốc
  • Mote, F.W. (1999). Imperial China: (900-1800). Harvard University Press. tr. 13.

Nguồn tham khảo

Lưu Tri Viễn
Nhà Lưu (947–950)
Sinh: , 895 Mất: , 948
Tước hiệu
Tiền nhiệm
Không (triều đại thành lập))
Hoàng đế Hậu Hán
947–948
Kế nhiệm
Lưu Thừa Hữu (Ẩn Đế)
Tiền nhiệm
Liêu Thái Tông
Hoàng đế Trung Hoa (Trung Sơn Tây)
947–948
Tiền nhiệm
Lý Tòng Ích
Hoàng đế Trung Hoa (Khai Phong)
947–948
Tiền nhiệm
Liêu Thế Tông
Hoàng đế Trung Hoa (Trung Nguyên)
947–948