"Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu" là một khẩu hiệu được phổ biến bởi Karl Marx trong văn kiện Phê phán Cương lĩnh Gotha năm 1875 của ông.[1] Đây là nguyên tắc cho phép sự phân phối tự do về hàng hóa, của cải và dịch vụ.[2] Theo quan điểm chủ nghĩa Marx, sự sắp xếp như vậy có thể đạt được nhờ nguồn sản phẩm và dịch vụ dồi dào mà một xã hội cộng sản có thể sản xuất được; theo ý tưởng này thì với sự phát triển toàn diện của nền sản xuất xã hội và lực lượng sản xuất tự do, mọi nhu cầu của tất cả mọi người sẽ đều được đáp ứng.[3][4]
Nguồn gốc
Đoạn văn hoàn chỉnh có chứa lời của Marx về ý tưởng này trong Phê phán Cương lĩnh Gotha có nội dung như sau:
Trong một giai đoạn cao hơn của xã hội cộng sản chủ nghĩa, khi mà sự phụ thuộc có tính chất nô dịch của họ vào sự phân công lao động không còn nữa và cùng với sự phụ thuộc đó, sự đối lập giữa lao động trí óc với lao động chân tay cũng không còn nữa; khi mà lao động trở thành không những một phương tiện để sinh sống mà bản thân nó còn là một nhu cầu bậc nhất của sự sống; khi mà cùng với sự phát triển toàn diện của các cá nhân, năng suất của họ cũng ngày càng tăng lên và tất cả các nguồn của cải xã hội đều tuôn ra dồi dào – chỉ khi đó người ta mới có thể vượt hẳn ra khỏi giới hạn chật hẹp của cái quyền tư sản và xã hội mới có thể ghi trên lá cờ của mình: làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu![1][3][4]
Mặc dù Marx được cho là người đầu tiên tạo ra thuật ngữ này, nó đã từng được dùng phổ biến trong phong trào xã hội chủ nghĩa trước đó. Ví dụ, khẩu hiệu này đã từng được sử dụng bởi August Becker vào năm 1844[5] và Louis Blanc vào năm 1851.[6] Nguồn gốc của khẩu hiệu này cũng được cho là bởi Étienne-Gabriel Morelly, một người theo chủ nghĩa không tưởng của Pháp,[7][8] người đã gọi cuốn sách Code of Nature năm 1755 của mình là "Những luật lệ thiêng liêng và cơ bản nhằm nhổ bỏ gốc rễ của sự tha hóa và tất cả những điều xấu xa trong một xã hội", trong đó bao gồm:[9]
I. Không có thứ gì trong xã hội thuộc về bất cứ ai, cho dù là tài sản cá nhân hay tư liệu sản xuất, trừ những thứ mà người đó cần phải sử dụng ngay lập tức, nhằm đáp ứng nhu cầu, ý thích hay công việc hằng ngày của người đó. II. Mỗi công dân là một người của cộng đồng, được duy trì, hỗ trợ và sử dụng theo cộng đồng. III. Mỗi công dân sẽ phải có những đóng góp nhất định vào các hoạt động của cộng đồng dựa theo khả năng, tài năng và tuổi tác của người đó; dựa trên điều này mà các nhiệm vụ của mỗi người sẽ được quyết định tuân theo định luật phân phối.
Một câu tương tự cũng có thể được tìm thấy trong Giao ước Guilford năm 1639, khi thành lập một cộng đồng dân cư mới tại đây:
Chúng con, với tên được viết dưới đây, với sự chấp thuận của Chúa mong muốn được định cư tại New England, và nếu có thể, ở phần phía nam của Quinnipiack, xin được nguyện thề, với nhau và với gia đình mình, rằng, nhờ có Chúa giúp đỡ, cùng nhau tham gia công cuộc định cư, và luôn giúp đỡ nhau trong bất cứ công việc chung nào, tùy theo khả năng mỗi người, và theo nhu cầu đặt ra, và chúng con xin hứa sẽ không bỏ rơi nhau hay bỏ dở công cuộc định cư, trừ khi có sự đồng ý của những người còn lại, hoặc của đa số những người đã tham gia thỏa thuận này.[10]
Một số học giả còn tìm ra nguồn gốc của khẩu hiệu này trong cuốn Tân Ước.[11][12] Trong Sách Công vụ Tông đồ lối sống của cộng đồng các tín đồ tại Jerusalem được mô tả là có tính cộng đồng (không có tài sản cá nhân): "phân phát cho mỗi người tùy theo nhu cầu" (διεδίδοτο δὲ ἑκάστῳ καθότι ἄν τις χρείαν εἶχεν):
Chương 4:32–35: 32. Bấy giờ cộng đồng tín hữu đông đảo ấy đồng tâm hiệp ý với nhau, không ai xem bất kỳ những gì mình có là của riêng, nhưng họ xem mọi vật là của chung. 33. Với quyền năng lớn lao, các sứ đồ làm chứng về sự sống lại của Đức Chúa Jesus, và họ thảy đều nhận được ân phước dồi dào. 34. Trong vòng họ, chẳng ai thiếu thốn gì, vì có nhiều chủ đất hoặc chủ nhà đã bán đất hoặc nhà của họ, lấy tiền bán được đem 35. đặt nơi chân các sứ đồ, để phân phát cho mỗi người tùy theo nhu cầu.[13]
Tranh luận
Marx đã vạch ra những điều kiện cụ thể cho phép ý tưởng này được có thể áp dụng—một xã hội nơi công nghệ và sự tổ chức xã hội về căn bản đã loại bỏ nhu cầu về lao động chân tay trong sản xuất, nơi mà "lao động trở thành không những một phương tiện để sinh sống mà bản thân nó còn là một nhu cầu bậc nhất của sự sống".[14] Marx giải thích ý tưởng của ông rằng, trong một xã hội như vậy, mỗi người sẽ được thúc đẩy làm việc vì lợi ích của xã hội mặc dù thiếu vắng một cơ chế xã hội thu hút họ làm việc, vì công việc đã trở thành một hoạt động sáng tạo và thỏa mãn con người. Marx tạo ra phần đầu của khẩu hiệu, "làm theo năng lực" để cho thấy mỗi người không chỉ đơn thuần phải làm việc hết sức, mà mỗi người cũng nên phát triển hết những khả năng của mình.[15][16]
Trong lúc thần học giải phóng đang cố gắng chỉnh sửa lại lời kêu gọi công lý của Công giáo sao cho phù hợp với thuật ngữ theo kiểu chủ nghĩa Marx này, một số người Công giáo đã nhận thấy rằng lời giảng của Chúa Giêsu trong Dụ ngôn Những yến bạc (Mátthêu 25:14–30) chỉ khẳng định phần "làm theo năng lực" (Matt. 25:15), chứ không có phần "hưởng theo nhu cầu".[19]
^Busky, Donald F. (ngày 20 tháng 7 năm 2000). Democratic Socialism: A Global Survey. Praeger. tr. 4. ISBN978-0275968861. Communism would mean free distribution of goods and services. The communist slogan, 'From each according to his ability, to each according to his needs' (as opposed to 'work') would then rule
^ abSchaff, Kory (2001). Philosophy and the problems of work: a reader. Lanham, Md: Rowman & Littlefield. tr. 224. ISBN0-7425-0795-5.
Cohen, G. A. (1995). “Self-ownership, communism, and equality: against the Marxist technological fix”. Self-ownership, freedom, and equality. Cambridge, UK: Cambridge University Press. ISBN0-521-47751-4.