Khủng hoảng chính trị Thái Lan 2008–2010Kể từ năm 2008, các cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan, giữa Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD) và Đảng Sức mạnh Nhân dân (PPP) của chính phủ thủ tướng Samak Sundaravej và Somchai Wongsawat, rồi tiếp đó là chính phủ của Đảng Dân chủ Thái Lan của thủ tướng Abhisit Vejjajiva và Mặt trận Quốc gia Thống nhất vì Dân chủ chống độc tài (UDD). Đây là sự tiếp nối của cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan từ 2005–2006, với việc PAD chống lại chính phủ của Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Những người ủng hộ đảng PAD mặc áo vàng, gọi là phe "áo vàng", màu hoàng gia của vua Bhumibol Adulyadej. Những người của đảng UDD mặc áo đỏ, gọi là phe "áo đỏ", ủng hộ thủ tướng bị phế truất Thaksin Shinawatra. Nguồn gốc cuộc khủng hoảngThái Lan đã lâm vào tình trạng bất ổn chính trị kể từ năm 2005, nhưng đỉnh điểm của bất ổn đã bùng lên giữa năm 2008, với tình trạng chính phủ của thủ tướng Samak Sundaravej phải đối mặt với các bất ổn dân sự từ Liên minh Dân chủ Nhân dân (PAD) trong nỗ lực gây sức ép chính phủ tu chính hiến pháp để giảm tỷ lệ đại biểu được bầu ở Quốc hội và ép ông từ chức. Khẩn cấp toàn quốcCác cuộc biểu tình chống chính phủ ở Bangkok của Pd đã bắt đầu vào tháng 5 năm 2008 và lên đến mức căng thẳng vào cuối tháng 8 khi tòa nhà chính phủ và nhiều bộ khác bị những người biểu tình bao vây phong tỏa. Tình trạng khẩn cấp đã được ban bố ở Bangkok vào ngày 2 tháng 9. Ngày 9 tháng 9 năm 2008, dựa trên khiếu nại của các thượng nghị sĩ và Ủy ban bầu cử mùa Hè năm 2008, Tòa án hiến pháp đã cách chức thủ tướng Samak Sundaravej vì ông đã tham gia một cách không phù hợp trong các doanh nghiệp thương mại. Bạo loạnPAD đã giải tán sau cuộc đảo chính quân sự năm 2006 lật đổ chính quyền dân cử của thủ tướng Thaksin Shinawatra. PAD đã tái thành sau khi các đảng thân Thaksin do Samak Sundaravej lãnh đạo giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử năm 2007. Tháng 8 và tháng 9 năm 2008, các thành viên PAD đã chiếm tòa nhà chính phủ[1]. Có hàng chục ngàn thành viên cùng tham dự với PAD, kể cả Srivichai Warriors — người của lực lượng PAD nửa quân sự— những người tự vệ bằng giáp sắt, những cây tre nhọn, không được chuẩn bị trước hàng rào điện.[2][3][4][5][6] Các thành viên PAD và đồng minh đã chiếm các sân bay ở Phuket, Krabi, và Hat Yai, phong tỏa các tuyến đường chính, ngăn chặn tàu hỏa hoạt động ở Thái Lan.[7] Các chiến sĩ Srivichai có vũ trang đã chiếm một đài truyền hình, Dịch vụ phát sóng quốc gia Thái Lan thuộc chính phủ, cũng như nhiều bộ khác.[3][8][9] Bạo động giữa PAD và những người biểu tình chống PAD đã, đến 3/9/2009, làm bị thương vài chục người và một người không rõ về chính trị thiệt mạng.[10] Nhiều nghiệp đoàn ủng hộ PAD đe dọa cắt điện, nước du họ không thể thực hiện lời đe dọa này.[11] PAD đã đe dọa rằng những người trợ giúp giàu có của mình sẽ dẫn đến sự đột biến rút tiền gửi quá độ có thể làm kinh tế Thái Lan mất ổn định, nếu chính phủ không đáp ứng nhu cầu của mình.[12] Phía ủng hộ Thaksin bao vây văn phòng thủ tướng Thái LanVào Thứ Ba ngày 24 tháng 2 năm 2009, hàng ngàn người biểu tình chống chính phủ đã diễn hành tiến về tòa nhà chính phủ và bao vây Phủ Thủ tướng ở thủ đô Bangkok. Họ yêu cầu chính quyền phải giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử sớm, tạo ra tình trạng khủng hoảng chính trị chỉ ít ngày trước khi Thái Lan có một cuộc họp thượng đỉnh quan trọng. Những người biểu tình ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đòi Thủ tướng Abhisit Vejjaijiva phải giải tán chính phủ mới lên nhậm chức được hai tháng, và họ sẽ ở lại tại chỗ trong ít nhất là ba ngày. Những người biểu tình, hô lớn khẩu hiệu "chúng tôi không muốn có chính phủ này," đã tràn qua hàng rào kẽm gai do hàng trăm cảnh sát viên và binh sĩ canh giữ, chiếm quyền kiểm soát các ngả đường quanh phủ thủ tướng. Những người biểu tình mặc áo đỏ này đã mở ra chiến dịch chống đối chính quyền mới kể từ khi một án lệnh của tòa buộc phải giải tán đảng cầm quyền có khuynh hướng thân ông Thaksin hồi tháng 12 năm 2008, mở đường cho vị thủ tướng sinh ra ở Anh và hiện là chủ tịch đảng Dân chủ, ông Abhisit Vejjaijiva, lên nắm quyền. "Chúng tôi sẽ ở lại nơi đây, dù là ba ngày, bảy ngày, một tháng hay một năm," một người biểu tình nói. Để chuẩn bị ngủ đêm trên đường, những người biểu tình đã dựng lều, quầy thực phẩm và một sân khấu ngay bên ngoài cổng vào tòa nhà hành chánh. Cuộc biểu tình đã khiến ông Abhisit phải dời cuộc họp nội các hàng tuần hôm Thứ Ba 24 tháng 2 ra thành phố nghỉ mát Hua Hin, nơi ông sẽ chủ tọa cuộc họp thượng đỉnh của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Những người biểu tình cũng đòi phải đưa trở lại bản hiến pháp năm 1997, vốn đã bị thay thế tiếp theo sau cuộc đảo chánh năm 2006 để lật đổ ông Thaksin. Vương quốc Thái Lan đã phải trải qua nhiều tháng trời rối loạn chính trị giữa những người ủng hộ và chống đối ông Thaksin, người vẫn còn có nhiều ảnh hưởng ở Thái Lan dù phải lưu vong ngoại quốc. Ông Thaksin, một tỉ phú ngành viễn thông, đã gặp sự chống đối mãnh liệt của thành phần quyền lực trong quân đội, hoàng gia và giới chức chính quyền vốn cảm thấy bị đe dọa bởi sự ủng hộ mạnh mẽ của thành phần dân nghèo ở nông thôn dành cho ông Thaksin. Đấu tranh dân chủ bị cấm dự họpVào thứ bảy, 28 tháng 2 năm 2009 các nhà đấu tranh dân chủ nổi tiếng từ Myanmar và Campuchia đã bị cấm không được tham dự một cuộc họp với các nhà lãnh đạo tổ chức Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, gây rắc rối ngay từ ngày đầu của một cuộc họp thượng đỉnh được gọi là bước tiến lịch sử nhằm cải thiện nhân quyền trong vùng. Hai nhà tranh đấu đã bị cấm vào tham dự một cuộc họp về nhân quyền, sau khi các giới chức lãnh đạo Myanmar và Campuchia đe dọa sẽ rời khỏi phòng họp nếu hai người này được cho vào. Các nhà tranh đấu này đã được lựa chọn bởi một diễn đàn nhân quyền trong khu vực nhằm đại diện cho quốc gia của họ, cùng với các nhà tranh đấu từ tám quốc gia khác. Hai giờ sau đó, thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva chính thức khai mạc cuộc họp thượng đỉnh thường niên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á với bài diễn văn có nội dung nhấn mạnh rằng "Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á sẽ đưa con người lên trên hết - trong viễn kiến, trong chính sách và trong chương trình hành động." Phụ tá thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ Scot Marciel, gọi sự kiện xảy ra là "điều đáng tiếc," và các nhà tranh đấu nhân quyền nói điều này một lần nữa chứng tỏ Myanmar sẽ tiếp tục gây khó khăn cho Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á nếu vẫn còn là một thành viên. Cuộc họp đã diễn ra mà không có sự tham dự của hai đại diện, Khin Ohnmar, một nhà tranh đấu Myanmar từng được trao giải nhân quyền Anna Lindh của Thụy Điển vào năm 2008, và Pen Somony thuộc tổ chức Tình nguyện viên Campuchia vì Xã hội Dân sự. Khi các ký giả bao quanh hai nhà tranh đấu bị trục xuất này, ban tổ chức đã vặn nhạc thật lớn để đẩy nhóm này ra ngoài, sau đó tăng cường an ninh, nói với các nhà tranh đấu là họ phải có giấy phép mới được tổ chức họp báo. Ngoại trưởng Thái Lan bị chỉ trích nặng nề trước nghị việnNgoại trưởng Thái Lan, Kasit Piromya, vào thứ sáu 20 tháng 3 năm 2009 đã buộc phải có lời bào chữa trong một cuộc tranh luận gay gắt với phía đối lập liên quan đến vai trò của ông trong các cuộc biểu tình khiến cho hai phi trường ở Bangkok phải đóng cửa vào năm 2008. Ngoại trưởng Kasit bị cáo buộc là đã ủng hộ cuộc chiếm đóng phi trường kéo dài 10 ngày năm 2008 của những người thuộc nhóm Liên minh Dân chủ Nhân dân khiến Thái Lan thiệt hại khoảng 8,3 tỉ Mỹ kim và gây tổn hại cho danh tiếng là nơi nghỉ mát thân thiện của Thái Lan. Ông Kasit bị tố cáo đã nói rằng cuộc phong tỏa, cao điểm của cuộc biểu tình kéo dài bốn tháng trên đường phố nhằm loại trừ các đồng minh chính trị của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra ra khỏi chính quyền, là điều "rất vui." Tuy nhiên ông Kasit không đóng vai trò gì quan trọng trong cuộc biểu tình. "Tôi không phải là một thành viên cốt cán của PAD và cũng không tham dự cuộc họp bàn luận kế hoạch của họ. Tôi được mời đến nói chuyện như một chuyên gia," ông Kasit nói, đề cập đến bài diễn văn ông đọc tại phi trường bị chiếm đóng, "Tôi tham dự phong trào PAD để có thể đạt được dân chủ, có một xã hội tốt đẹp hơn và để chống lại chế độ Thaksin." Các nghị viên đối lập đã thay nhau lên diễn đàn trong ngày thứ nhì của cuộc tranh luận trước khi có cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ ngày thứ bảy, 21 tháng 3 nhằm tìm cách lật đổ chính quyền mới nhậm chức được ba tháng này. Dự thảo nghị quyết bất tín nhiệm cáo buộc Thủ tướng Abhisist Vejajiva và ba bộ trưởng khác trong đảng Dân chủ, kể cả ông Kasit, về tội tham nhũng và không có khả năng điều hành. "PAD và đảng Dân Chủ cùng là một nhóm với nhau. Ông Kasit được bổ nhiệm vào chức vụ ngoại trưởng để đền đáp công lao của ông ta trong việc giúp chiếm đóng phi trường," theo lời nghị viên đối lập VIsaradi Techathirawat. Một người khác cho chiếu hình ảnh ông Kasit phát biểu ở những nơi có biểu tình và cáo buộc ông hành xử như "một tên khủng bố quốc tế." Ông Kasit cũng bị cáo buộc là nhượng lãnh thổ Thái Lan cho Campuchia tiếp theo sự căng thẳng quân sự ở vùng biên giới từng gây ra chạm súng làm thiệt mạng binh sĩ hai bên năm 2008. Phía đối lập cáo buộc ông Kasit cho phép Campuchia xây một con đường trên lãnh thổ Thái Lan để đổi lấy việc Thủ tướng Campuchia, ông Hun Sen, bằng lòng tham dự một cuộc họp của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á mà Thái Lan đứng ra tổ chức vào tháng 2 năm 2009. Tuy nhiên ông Kasit nói không có phần lãnh thổ nào bị mất và bào chữa chủ trương ôn hòa của ông. Những lời chỉ trích ông Kasit được đưa ra một ngày sau khi có cuộc tranh luận liên quan đến Thủ tướng Abhisit Vejjajiva, trong cuộc họp vào thứ năm 19/3 và chỉ chấm dứt vào rạng sáng ngày thứ sáu 20/3. Đảng Dân chủ bị cáo buộc là đã nhận nhiều triệu Mỹ kim tiền hỗ trợ tranh cử và phân phối bất hợp pháp. Ông Abhisit cũng bị cáo buộc là giả mạo báo cáo tài chánh của đảng và trốn thi hành quân dịch. Dự thảo nghị quyết bất tín nhiệm cũng nêu tên Bộ trưởng Tài chánh Korn Chatikavanij, Thứ trưởng Tài chánh Pradit Patharaprasit, bộ trưởng Nội vụ Chavarat Charnvirakul và thứ trưởng của ông là Boonchong Wongtrairat. Cuộc tranh luận chấm dứt vào lúc nửa đêm ngày 20/3 để có thể bỏ phiếu ngày 21/3. Tham khảo
Wikimedia Commons có thêm hình ảnh và phương tiện truyền tải về Khủng hoảng chính trị Thái Lan 2008–2010. |