Nghê (Chữ Hán: 猊) hay còn gọi là Toan Nghê (Chữ Hán: 狻猊 ) là một động vật thần thoại trong văn hóa Việt Nam, là biến thể kết hợp từ lân (hay sư tử) và chó ( Có thể là Tạng Ngao hay Ngao Tạng ) , thường được dùng làm linh vật trước cổng đình chùa, đền, miếu ở Việt Nam. Ở làng quê miền Bắc Việt Nam, trước cổng làng bao giờ cũng có một con Nghê đá lớn để bảo vệ cả làng, trước cổng đình có đặt Nghê đá, và trước cổng mỗi nhà thường có thờ con chó đá nhỏ bé ngồi trước canh giữ cho gia chủ, ở nông thôn miền Nam trước cổng nhà thì người dẫn cũng hay đặt tượng chó bằng gốm.
Các chú thích trong bài hoặc đoạn này phải hoàn chỉnh hơn để có thể được kiểm chứng. Bạn có thể giúp cải thiện bài bằng cách bổ sung các thông tin còn thiếu trong chú thích như tên bài, đơn vị xuất bản, tác giả, ngày tháng và số trang (nếu có). Nội dung nào ghi nguồn không hợp lệ có thể bị nghi ngờ và xóa bỏ. (Tìm hiểu cách thức và thời điểm xóa thông báo này)
Bài viết hoặc đoạn này cần người am hiểu về chủ đề này trợ giúp biên tập mở rộng hoặc cải thiện. Bạn có thể giúp cải thiện trang này nếu có thể. Xem trang thảo luận để biết thêm chi tiết.
Nguồn gốc
Nghê là linh vật bản địa hóa Kỳ Lân do người Việt sáng tạo ra, khác hẳn với kỳ lân hay sư tử. Nghê là hóa thân của con chó, được nâng tầm lên để ngang hàng với Tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng) và khác với con sư tử của người Trung Quốc. Nghê là Linh vật bản địa của người Việt Nam. Là con vật canh giữ về mặt tinh thần, chống lại các thứ tà ma, ác quỷ. Phật giáo có hình tượng "Phật sư", nghĩa là con sư tử nhà Phật. Mang tính Phật, nó bớt đi những điều hung dữ, lược bỏ yếu tố mãnh thú, trở thành con sư tử của nước Phật.
Con nghê người Việt mang âm hưởng Ấn Độ, Phật giáo. So sánh với con sư tử Thái, Lào thì gần, nhưng so với sư tử người Trung Quốc thì khác. Sư tử Trung Quốc theo hướng mãnh thú, dã thú; nghê thì có yếu tố linh thú, có sự linh thiêng. Nghê không chỉ xuất hiện trong các làng quê Bắc Bộ mà còn hiện diện trong các kiến trúc cung đình ở Huế. Trước cửa Hiển Nhơn và trước Miếu Môn Thế Tổ Miếu trong Hoàng Thành Huế có hai đôi nghê đá đứng chầu. Khác với hình tượng các con nghê ở đồng bằng Bắc Bộ, hai đôi nghê ở Huế đã được "cung đình hóa" với các chi tiết chạm trổ cầu kỳ, tạo thành các chòm lông xoắn ở đầu, mang tai và đuôi, xen kẽ các đao lửa ở 4 chân và sống lưng.
Trước đây người ta gọi nó là con "tịch tà", trừ điều xấu. Nó là hiện thân của con chó, là con vật gần gũi với đời sống người Việt Nam, Con nghê đội đèn có trong đồ đồng Đông Sơn muộn. Cấp độ xuất hiện con nghê ngày càng dày đặc. Ngai vàng thời Nguyễn đều có đôi nghê chầu dưới. Nghê là sư tử thiêng. Thời Nguyễn, hai hình thái phổ biến, thiết đình ở điện Thái Hòa vẫn còn hình con nghê. Điều này khẳng định vị thế tối cao của nghê trong xã hội bấy giờ. Do nhiều biến cố lịch sử ta không còn cung điện, nhưng thời Nguyễn, con nghê có vị trí cao, là biểu tượng giàu giá trị: tận trung, tận tâm, trung thành tuyệt đối, sáng suốt. Nó được đặt vào vị trí có thể soi xét, phân biệt tà ngay, được chào đón, hoan hỉ.[1]
Hiện vật
Các cổ vật có hình con nghê của Bảo tàng Guimet (Paris)[2]:
Chân đèn có tượng Nghê, với ký hiệu cho biết được chế tạo vào năm 1637 tại Bát Tràng.
Đĩa vẽ hình Nghê, được sản xuất cho thị trường Trung Đông và những nước theo Hồi giáo.
Các hiện vật hình con nghê của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Hà Nội):
Đỉnh có nắp, men trắng xám rạn. Triều Lê Trung Hưng, tháng 4 năm Vĩnh Hựu 2 (1736). Đỉnh có nắp hình vòm, chỏm là tượng Nghê vờn ngọc, xung quanh trổ thủng bát quái, gờ miệng phẳng, thân phình, 3 chân thú chạm nổi hổ phù, 2 quai hình rồng. Trang trí nổi các băng văn dây lá lật, hồi văn chữ T, lá đề và rồng trong mây. Minh văn khắc dưới đế. Vĩnh Hựu vạn vạn niên chi nhị, tứ nguyệt nhật cung tác). Men rạn trắng xám.
Nậm rượu, men nhiều màu. Triều Mạc – Lê Trung Hưng, thế kỷ 16 – 17. Nậm có cổ cao hình trụ, miệng đứng, thân chia 6 múi nổi hình cánh hoa, chạm nổi hình Nghê và hoa, viền đế tô nâu. Men trắng ngà và xanh rêu.
Tượng Nghê, men trắng ngà và xanh rêu. Triều Lê Trung Hưng, thế kỷ 17. Tượng Nghê trên bệ chữ nhật, tư thế ngồi chầu, 2 chân trước chống, 2 chân sau khuỵu gập lại, đầu ngẩng, cổ đeo chuỗi nhạc nổi. Xung quanh thân và chân chạm mây. Đế chữ nhật chạm mây, hoa sen và hồi văn. Men trắng ngà và xanh rêu.
Hũ có nắp, men rạn và lam. Triều Nguyễn, niên hiệu Gia Long (1802–1819). Nắp hũ hình vòm có chỏm là tượng Nghê vờn ngọc, vẽ mây xung quanh. Hũ có gờ miệng uốn, cổ ngắn, vai phình, thân cao, đế rộng. Vai đắp nổi 4 đầu sư tử ngậm vòng tròn. Vẽ lam đề tài phong cảnh sơn thủy, nhà cửa, cây lá, người đội ô, người chèo thuyền. Minh văn viết bằng men lam dưới đế. "Gia Long niên chế" (Chế tạo trong niên hiệu Gia Long).
Hũ có nắp, men nâu trắng và lam. Triều Nguyễn, niên hiệu Gia Long (1802–1819). Nắp có chỏm hình Nghê vờn ngọc, vẽ hoa lá men lam. Hũ có gờ miệng phẳng, cổ ngắn, vai phình, đáy lõm. Trên vai đắp nổi 4 đầu sư tử ngậm vòng. Xung quanh thân vẽ lam tiêu – tượng, mã – liễu, tùng – lộc. Minh văn viết 4 chữ. "Gia Long niên tạo" (Chế tạo trong niên hiệu Gia Long). Men nâu, trắng và lam.
Đài thờ có nắp, men rạn, ngà. Triều Lê Trung Hưng, thế kỷ 18. Đài thờ có 2 phần, miệng hình ô van, nắp trang trí nổi núm hình Nghê, băng lá lật, mai – trúc – cúc – tùng, chữ "vạn", hổ phù. Men rạn ngà.
Tượng Nghê, bằng sành. Triều Lê-Nguyễn, thế kỷ 18 – 19. Nghê đứng trên bệ chữ nhật, quanh thân chạm nổi văn mây. Màu đỏ nâu.
Tượng Nghê, bằng sành. Triều Lê-Nguyễn, thế kỷ 18 – 19. Nghê quỳ trên bệ chữ nhật, đuôi xoắn, thân chạm nổi văn mây. Màu đỏ nâu.