Châu Âu về mặt địa chất và địa lý là một bán đảo hay tiểu lục địa, hình thành nên phần cực tây của đại lục Á-Âu, hay thậm chí Phi-Á-Âu, tùy cách nhìn. Theo quy ước, nó được coi là một lục địa, trong trường hợp này chỉ là một sự phân biệt thuần về văn hóa hơn là địa lý. Phía bắc giáp Bắc Băng Dương, phía tây giáp Đại Tây Dương, phía nam giáp Địa Trung Hải và biển Đen, tuy nhiên về phía đông thì hiện không rõ ràng. Tuy nhiên có thể coi dãy núi Ural được coi là vùng đất với địa lý và kiến tạo rõ rệt đánh dấu ranh giới giữa châu Á và châu Âu (xem chi tiết trong bài Địa lý châu Âu). Khi được coi là một lục địa thì châu Âu thuộc loại nhỏ thứ hai trên thế giới về diện tích, vào khoảng 10.600.000 km², và chỉ lớn hơn Úc. Xét về dân số thì nó là lục địa xếp thứ ba sau châu Á và châu Phi. Dân số của châu Âu vào năm 2003 ước tính vào khoảng 799.466.000: chiếm vào khoảng một phần tám dân số thế giới.
Lịch sử Châu Âu mô tả những sự kiện của con người đã diễn ra trên lục địa Châu Âu. Từ thời tiền sử tới thời hiện đại. Châu Âu có một lịch sử dài, nhiều biến động và đậm nét văn hóa.
Lịch sử châu Âu thời tiền sử bắt đầu với công cuộc định cư của người vượn đứng thẳng, giống Neanderthals, và loài người hiện đại. Lịch sử được ghi lại bắt đầu từ thời kỳ cổ đại cùng với giai đoạn cực thịnh của văn hóa Hy Lạp sau các cuộc chinh phục của Alexander đại đế. Quyền lực sau đó nằm trong tay đế chế La Mã, một đế chế rộng lớn trải dọc từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Tây Ban Nha, từ Bắc Phi tới Scotland. Sự bành trướng của đế chế La Mã đặt nền tảng cho sự ra đời của hàng loạt đế chế mà chưa bao giờ được thấy trước đó ở châu Âu. Cho đến khi hoàng đế Marcus Aurelius qua đời, đế chế La Mã, đế chế kéo dài từ năm 27 trước Công Nguyên tới năm 476 sau Công Nguyên, đã biết đến những đối thủ mới trên thế giới. Nó bị vượt mặt bởi hàng loạt cuộc xâm chiếm dã man và bắt đầu thu hẹp dần, với quyền lực trung tâm được chuyển từ Roma tới Constantinopolis, với một thời kỳ La Mã được gọi là thời kỳ đen tối, đánh dấu bằng sự tàn tạ trong giáo dục, trong tổ chức xã hội và bởi những sự xâu xé ăn thịt của rất nhiều những người xâm lược, đặc biệt là người Viking, Avar, Hungary và người Ả Rập.
Giai đoạn trung cổ được đánh dấu bằng sự tái thiết xã hội có tổ chức, chủ yếu là các đường lối phong kiến, và sự thống trị ở phương Bắc của giáo hội công giáo La Mã. Ở phương Đông, sự xâm nhập của đạo Hồi làm bùng nổ cuộc Thập tự chinh, và cuối cùng dẫn đến sự đổ vỡ của Đế quốc Byzantine. Thời trung cổ được tiếp nối bởi công cuộc Phục hưng, một sự tái khám phá giá trị và tri thức cổ điển, làm bàn đạp cho phong trào Cải cách Kháng Cách, một phong trào tôn giáo và chính trị đã chứng kiến phần lớn Bắc Âu từ bỏ giáo hội công giáo La Mã đồng thời tái xác định văn hóa cũng như các khối liên minh ở khắp lục địa. Thời kỳ này cũng chính là nền tảng cho sự phát triển của bành trướng thuộc địa, củng cố sức mạnh ở các quốc gia thuộc Đại Tây Dương của Anh Quốc, Pháp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đồng thời mở rộng tầm ảnh hưởng của châu Âu tới châu Mỹ, châu Phi, Ấn Độ và phương Đông. Thời kỳ này là bước ngoặt cho cuộc cách mạng công nghiệp và thời kỳ tri thức được biết đến là khai sáng. Từ thế kỷ 17, rất nhiều các quốc gia ở châu Âu thực hiện hàng loạt những cuộc cách mạng, trong đó nổi bật nhất là cách mạng Pháp, cuộc cách mạng mở đầu cho hàng loạt cuộc chinh phạt của Napoleon.
Châu Âu về mặt truyền thống được coi là một trong bảy châu lục. Tuy nhiên về mặt địa văn học, châu Âu là một bán đảo tây bắc của khối đất liền rộng lớn hơn được gọi là châu lục Á-Âu (hoặc Phi-Á-Âu): Châu Á chiếm phần lớn phía đông của đất rộng liên tục này (ngoại trừ kênh đào Suez tách Châu Á và châu Phi) và chia sẻ một thềm lục địa chung. Biên giới phía đông của châu Âu được phân chia bởi dãy núi Ural ở Nga. Ranh giới phía đông nam với châu Á không được xác định phổ biến. Thông thường nhất là dùng dãy Ural hoặc theo cách khác, sông Emba được sử dụng làm ranh giới khả dĩ. Ranh giới tiếp tục đến biển Caspi, đỉnh của dãy núi Kavkaz, hoặc theo cách khác, sông Kura ở Kavkaz, và tiếp tục đến Biển Đen; Bosporus, biển Marmara, và Dardanelles kết thúc ranh giới châu Á. Địa Trung Hải ở phía nam phân cách châu Âu với châu Phi. Ranh giới phía tây là Đại Tây Dương, Iceland, chỏm giữa Đại Tây Dương và phần Greenland gần hơn (Bắc Mỹ) so với lục địa châu Âu, nói chung người ta đưa vào châu Âu vì lý do văn hoá. Đang có cuộc tranh luận về trung tâm địa lý của châu Âu nằm ở đâu.
Liên minh châu Âu hay Liên hiệp châu Âu (tiếng Anh: European Union), viết tắt là EU, là một liên minh kinh tế chính trị bao gồm 27 quốc gia thành viên chủ yếu thuộc châu Âu. EU được thành lập bởi Hiệp ước Maastricht vào ngày 1 tháng 11 năm 1993 dựa trên Cộng đồng châu Âu (EC). Với hơn 500 triệu dân, EU chiếm 30% (18,4 tỉ đô la Mỹ năm 2008) GDP danh nghĩa và khoảng 22% (15,2 tỉ đô la Mỹ năm 2008) GDP sức mua tương đương của thế giới.
Kinh tế châu Âu là nền kinh tế của hơn 710 triệu người sống trong 48 quốc gia khác nhau ở châu Âu. Giống như các lục địa khác, tài sản của các quốc gia châu Âu không đều nhau, mặc dù theo GDP và điều kiện sống, số người nghèo nhất vẫn có mức sống cao hơn nhiều so với những người nghèo ở các lục địa khác. Sự khác nhau về tài sản của các quốc gia có thể nhìn thấy rõ nét giữa các nước Đông Âu và Tây Âu. Trong khi các quốc gia Tây Âu có GDP và mức sống cao, nhiều nền kinh tế Đông Âu vẫn bị ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng của Liên Xô và Nam Tư trước đây. Thuật ngữ châu Âu ở đây không chỉ các nước ở chỉ ở châu Âu mà còn tính cho một số nước mặc dù về mặt địa lý thuộc châu Á, hoặc một phần thuộc châu Á, nhưng tính chất địa chính trị và kinh tế, văn hóa thuộc châu Âu như Azerbaijan và Cyprus...
Nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức, có GDP danh nghĩa đứng thứ 3 toàn cầu, và đứng thứ 5 nếu tính theo sức mua tương đương; nền kinh tế đứng thứ 2 là Vương quốc Anh, xếp thứ 5 toàn cầu theo GDP danh nghĩa và xếp thứ 6 theo sức mua tương đương. Liên minh châu Âu, giống như một quốc gia riêng rẽ, có nền kinh tế lớn nhất thế giới (theo xác định của IMF và WB - 2005) hoặc đứng thứ 2 trên thế giới (theo CIA World Factbook - 2006)-- xem Danh sách quốc gia theo GDP (PPP).
Xem thêm...