Bão Ekeka (1992)

Bão Ekeka
Bão cấp 3 (SSHWS/NWS)
Bão Ekeka ở gần cường độ tối đa
Hình thành28 tháng 1 năm 1992
Tan9 tháng 2 năm 1992
Sức gió mạnh nhấtDuy trì liên tục trong 1 phút:
115 mph (185 km/h)
Áp suất thấp nhất≤ 985 mbar (hPa); 29.09 inHg
Số người chếtKhông có trường hợp nào được báo cáo
Thiệt hại0
Vùng ảnh hưởngMarshall, Chuuk
Một phần của Mùa bão Đông Bắc Thái Bình Dương 1992Mùa bão Tây Bắc Thái Bình Dương 1992

Bão Ekeka là một xoáy thuận nhiệt đới Thái Bình Dương không bình thường - nó đã đạt đến cường độ bão cấp 3 vào khoảng thời gian đầu tháng 2 trong năm [chú thích 1]. Là cơn bão đầu tiên của mùa bão Đông Bắc Thái Bình Dương 1992, Ekeka đã phát triển trên vùng biển xa phía Nam Hawaii trong ngày 28 tháng 1. Sau một quãng thời gian tăng cường độ dần đều, hệ thống đã mạnh lên thành bão cấp 3 vào ngày 2 tháng 2, dù vậy không lâu sau nó đã bắt đầu suy yếu do độ đứt gió không thuận lợi. Ekeka vượt đường đổi ngày quốc tế khi đã giảm cấp xuống là bão nhiệt đới, và ngay sau đó nó tiếp tục suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Với hướng di chuyển lệch dần xuống phía Tây Nam, Ekeka đã đi qua quần đảo Marshall rồi tiếp đến là Chuuk, trước khi tan vào ngày 9 tháng 2 trên khu vực cách Papua New Guinea khoảng 310 dặm (500 km) về phía Bắc. Cơn bão không gây ra bất kỳ thiệt hại nghiêm trọng nào về người hay vật chất.

Lịch sử khí tượng

Biểu đồ thể hiện đường đi và cường độ của bão theo thang Saffir–Simpson
Chú thích biểu đồ
     Áp thấp nhiệt đới (≤38 mph, ≤62 km/h)
     Bão nhiệt đới (39–73 mph, 63–118 km/h)
     Cấp 1 (74–95 mph, 119–153 km/h)
     Cấp 2 (96–110 mph, 154–177 km/h)
     Cấp 3 (111–129 mph, 178–208 km/h)
     Cấp 4 (130–156 mph, 209–251 km/h)
     Cấp 5 (≥157 mph, ≥252 km/h)
     Không rõ
Kiểu bão
▲ Xoáy thuận ngoài nhiệt đới, áp thấp tàn dư, nhiễu động nhiệt đới, hoặc áp thấp gió mùa

Trong giai đoạn El Niño 1991-1992, điển hình như các sự kiện tương tự khác, rãnh gió mùa cũng mở rộng đến vùng Bắc Trung tâm Thái Bình Dương, đây là vùng đại dương nằm giữa đường đổi ngày quốc tế và kinh tuyến 140ºT. Tại thời điểm đó, nhiệt độ nước biển trên bề mặt gần xích đạo ấm một cách lạ thường, và trị số độ đứt gió đồng thời giảm thấp.[1] Vào cuối tháng 1, một vùng mây đối lưu rộng lớn đã xuất hiện và kiên trì tồn tại trong vài ngày tiếp theo trên vùng biển phía Bắc gần xích đạo. Đến ngày 23, vài con tàu đã báo cáo về những cơn gió Tây Nam mạnh trong khu vực;[2]Trung tâm Bão Trung tâm Thái Bình Dương (CPHP) đã bắt đầu theo dõi hệ thống từ ngày 26 tháng 1,[3] khi nó ở cách Ka Lae, điểm cực Nam Hawaii, khoảng 950 dặm (1.530 km) về phía Nam[4] Vùng nhiễu động ngày một tổ chức thêm khi nó di chuyển về phía Tây, và vào ngày 28 tháng 1 hệ thống đã phát triển thành áp thấp nhiệt đới One-C (01-C) tại vị trí cách không xa Kiritimati về phía Bắc và Tabuaeran về phía Đông.[2]

Nhờ những điều kiện thuận lợi, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên nhanh chóng thành một cơn bão nhiệt đới và nó được CPHP đặt tên là Ekeka, một từ tiếng Hawaii. Di chuyển chậm theo hướng Tây - Tây Bắc, Ekeka tiếp tục tăng cường dần đều, đạt đến cấp độ bão cuồng phong vào ngày 30 tháng 1 khi nó ở cách rạn san hô vòng Palmyra khoảng 100 dặm (160 km) về phía Tây Bắc. Vào ngày 2 tháng 2, Ekeka đạt đỉnh với vận tốc gió 115 dặm/giờ (185 km/giờ), tương ứng bão cấp 3 trong thang Saffir-Simpson.[2] Tuy nhiên không lâu sau cơn bão đã suy yếu do độ đứt gió tăng cao, đồng thời tốc độ di chuyển của nó cũng đã tăng khi áp cao cận nhiệt ở phía Bắc mạnh lên.[3] Đến sáng sớm ngày mùng 3, Ekeka suy yếu thành bão nhiệt đới; và vào cuối ngày hôm đó hệ thống đã vượt đường đổi ngày quốc tế đi sang khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương[2]. Khi đó, Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp (JTWC) đánh giá vận tốc gió của cơn bão ở ngưỡng 50 dặm/giờ (85 km/giờ),[3] còn Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) thì ước tính vận tốc gió đạt 60 dặm/giờ (95 km/giờ).[5][chú thích 2] Cùng thời điểm, JMA cũng ước tính áp suất tối thiểu của Ekeka ở mức 985 mbar, đây là trị số áp suất thấp nhất ghi nhận được trong quãng thời gian hoạt động của cơn bão;[5] do CPHP đã không báo cáo một giá trị áp suất nào lúc Ekeka tồn tại trên vùng Trung tâm Thái Bình Dương.[2]

Bão nhiệt đới Ekeka sau đó tiếp tục suy yếu xuống thành áp thấp nhiệt đới trong ngày 4 tháng 2. Hệ thống di chuyển nhanh, vượt qua quần đảo Marshall, và đến ngày mùng 6 thì nó chuyển hướng Tây - Tây Nam.[3] Vào ngày 8 tháng 2, JMA tuyên bố Ekeka đã tan biến;[5] tuy nhiên, JTWC vẫn tiếp tục theo dõi hệ thống như là một áp thấp nhiệt đới yếu khi nó di chuyển qua Chuuk.[3] Cuối cùng thì đến sáng sớm ngày mùng 9, JTWC cũng tuyên bố Ekeka đã tan tại vị trí cách Palau khoảng 800 dặm (1.300 km) về phía Đông - Đông Nam, và cách đường bờ biển Papua New Guinea khoảng 310 dặm (500 km) về phía Bắc.[4]

Tác động và kỷ lục

Không có trường hợp thiệt mạng nào liên quan tới cơn bão được báo cáo.[2] Ekeka đã di chuyển trực tiếp qua quần đảo Marshall mà không gây ra bất kỳ tác động đáng kể nào. Tại Chuuk đã ghi nhận được những cơn gió đạt vận tốc 20 dặm/giờ (30 km/giờ) khi Ekeka tấn công hòn đảo này.[3]

Vào khoảng thời gian Ekeka hoạt động trên vùng Trung tâm Thái Bình Dương, nó đã trở thành một trong số chỉ ba xoáy thuận nhiệt đới từng ghi nhận được tại vùng đặc quyền kinh tế rạn san hô vòng Palmyra, và nó là cơn bão cuồng phong (hurricane) duy nhất từng xuất hiện trong phạm vi khu vực này.[6]

Về vấn đề sự hình thành, Ekeka là một hệ thống hết sức bất thường.[2] Xoáy thuận nhiệt đới thường hiếm khi hình thành trên khu vực phía Đông đường đổi ngày quốc tế vào khoảng thời gian không thuộc mùa bão.[4] Mùa bão chính thức bắt đầu vào ngày 15 tháng 5 trên vùng Đông Thái Bình Dương và 1 tháng 6 trên vùng Trung tâm Thái Bình Dương, và thời điểm kết thúc là ngày 30 tháng 11 cho cả hai khu vực này.[7] Trong dữ liệu chính thức về bão trên Thái Bình Dương, Ekeka là xoáy thuận nhiệt đới duy nhất hoạt động trong tháng 1 hoặc tháng 2 trên vùng đại dương nằm về phía Đông đường đổi ngày quốc tế; như vậy nó cũng đồng thời là xoáy thuận nhiệt đới xuất hiện sớm nhất trong năm trên khu vực Trung tâm Thái Bình Dương từng được ghi nhận.[4]

Chú thích

  1. ^ Bão cấp 3 trở lên trong thang bão Saffir-Simpson được gọi là "major hurricane" - tạm dịch là bão (cuồng phong) lớn, thuật ngữ này hầu như chỉ áp dụng cho khu vực Đại Tây Dương và Đông Bắc (+ Trung tâm) Thái Bình Dương.
  2. ^ JTWC và JMA là hai tổ chức cảnh báo bão trên Tây Bắc Thái Bình Dương hàng đầu, họ có trách nhiệm tiếp tục theo dõi cơn bão thay thế cho CPHP, khi nó di chuyển quá khu vực phạm vi theo dõi của tổ chức này.

Xem thêm

Tham khảo

  1. ^ Kevin R. Kodama & Steven Businger (1998). “Weather and Forecasting Challenges in the Pacific Region of the National Weather Service” (PDF). American Meteorological Society. Truy cập ngày 20 tháng 9 năm 2008.
  2. ^ a b c d e f g Central Pacific Hurricane Center (1992). “The 1992 Central Pacific Tropical Cyclone Season”. Truy cập ngày 20 tháng 9 năm 2008.
  3. ^ a b c d e f Mundell (1993). “Tropical Storm Ekeka (01C)” (PDF). Joint Typhoon Warning Center. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 7 tháng 6 năm 2011. Truy cập ngày 20 tháng 9 năm 2008.
  4. ^ a b c d National Hurricane Center; Hurricane Research Division; Central Pacific Hurricane Center (ngày 7 tháng 7 năm 2014). “The Northeast and North Central Pacific hurricane database 1949–2013”. United States National Oceanic and Atmospheric Administration's National Weather Service. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 9 năm 2014. Truy cập ngày 10 tháng 7 năm 2014. A guide on how to read the database is available here.
  5. ^ a b c RSMC Tokyo-Typhoon Center Japan Meteorological Agency. “RSMC Best Track Data (Text) 1990-1999”. Government of Japan. Bản gốc (TXT) lưu trữ ngày 22 tháng 1 năm 2013. Truy cập ngày 20 tháng 9 năm 2008.
  6. ^ Rusty Brainard (2005). “The State of Coral Reef Ecosystems of the U.S. Pacific Remote Island Areas” (PDF). National Oceanic and Atmospheric Administration. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 10 tháng 6 năm 2010. Truy cập ngày 20 tháng 9 năm 2008.
  7. ^ “Tropical Cyclone Climatology”. FAQ. Central Pacific Hurricane Center. Truy cập ngày 25 tháng 11 năm 2007.