Y Phôn Ksor

Đây là một tên người Ê Đê; họ tên được viết theo thứ tự tên trước, họ sau: họ là Ksor.
Nghệ sĩ ưu tú
Y Phôn Ksor
Nhạc sĩ Y Phôn Ksor năm 2023.
Thông tin cá nhân
Sinh
Ngày sinh
17 tháng 3, 1961 (63 tuổi)
Nơi sinh
buôn Sơk, Dliê Yang, Ea H'leo, Đắk Lắk, Việt Nam Cộng hòa
Giới tínhnam
Quốc tịch Việt Nam
Nghề nghiệpNhạc sĩ
Sự nghiệp âm nhạc
Vai tròNhạc sĩ
Năm hoạt động1987 - nay
Trường pháiÂm nhạc dân tộc
Chủ đềDân tộc Tây Nguyên
Tác phẩmĐi tìm lời ru nữ thần mặt trời
Đôi chân trần...

Y Phôn Ksor là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của khu vực Tây Nguyên, Việt Nam. Ông được biết đến khi sáng tác các ca khúc đậm chất âm nhạc dân tộc thiểu số Tây Nguyên, đặc biệt với các ca khúc "Chim Phí bay về cội nguồn", "Đi tìm lời ru nữ thần mặt trời", "Đôi chân trần".[1]

Tiểu sử

Y Phôn Ksor sinh ngày 17 tháng 3 năm 1961,[2] tại buôn Sơk, xã Dliê Yang huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk.[1][3] Y Phôn là người dân tộc Ê đê nhưng lại mạng họ Ksor của người Gia Rai.[4] Ông là con thứ 5 trong gia đình có 8 anh chị em,[5] mẹ ông là một nghệ nhân thổi sáo đing puốt, bố là nghệ nhân chơi chiêng;[6] lên 7 tuổi ông đã chơi thạo đàn goong, lên 11 tuổi đã theo đoàn biểu diễn cồng chiêng.[3] Nhà Y Phôn khi đó có 4 dàn chiêng với giá trị khá cao.[7]

Sự nghiệp

Năm 1983, Y Phôn theo học Thanh nhạc tại Trường Trung học Nghệ thuật Đắk Lắk, là một trong số sinh viên khóa đầu của khoa và là học trò của nghệ sĩ Linh Nga Niê Kđăm.[2][4][7] Năm 1987, Y Phôn tốt nghiệp[4] nhưng không theo nghệ thuật chuyên nghiệp mà làm nương rẫy phụ giúp gia đình; song ông vẫn tự sáng tác nhạc.[3][7] Năm 1990, Y Phôn về làm cán bộ phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ea H’leo,[8] bài hát đầu tay của ông là "Lời ru mùa lúa", nhưng phải đến năm 1992, khi tham dự trại sáng tác âm nhạc khu vực Tây Nguyên, ông trình làng ca khúc "Chim phí bay về cội nguồn" thì mới bắt đầu được chú ý đến.[6] Ca khúc này giúp Y Jack Arul đoạt huy chương bạc Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 1993.[7]

Năm 1993, Y Phôn chuyển đến công tác tại Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk giữ vai trò hát bè cho nghệ sĩ Y Moan, đồng thời sáng tác được một số ca khúc mới "Đi tìm lời ru nữ thần mặt trời", "Đôi chân trần".[6] "Đi tìm lời ru nữ thần mặt trời" đã giúp ca sĩ Y Moan đoạt huy chương vàng tại Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 1995.[7] Ca khúc chỉ được biết đến rộng rãi qua màn biểu diễn của ca sĩ Y Jack Arul tại Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc năm 1997.[6] Năm 1995, ông sáng tác ca khúc "Đôi chân trần", ca khúc trở nên phổ biến qua giọng hát Y Moan và là ca khúc duy nhất ông viết lời bằng tiếng Việt phổ thông. Các ca khúc khác, Y Phôn thường viết lời bằng tiếng Ê đê trước sau đó chuyển nghĩa sang tiếng Việt.[9]

Năm 2004, theo lời nhạc sĩ An Thuyên,[10] Y Phôn được cử đi học Sáng tác tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội[7][11] Ông từng làm đến vị trí Phó trưởng Đoàn ca múa nhạc dân tộc Đắk Lắk.[2][3] Y Phôn KSơr còn biên soạn giáo trình, tham gia công tác giảng dạy cồng chiêng và các loại nhạc cụ của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên cho thế hệ trẻ.[12]

Năm 2018, Y Phôn Ksor được phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú và nghỉ hưu năm 2021.[3]

Gia đình

Vợ ông là bà H’Nhat Kpă, tốt nghiệp Trường Đại học Văn hóa Tây Nguyên, sau đó làm giảng viên âm nhạc. Con gái đầu của họ tốt nghiệp chuyên ngành quản lý tài nguyên môi trường. Còn con trai là sinh viên Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng.[3]

Hoạt động

Sáng tác

Đi tìm lời ru Nữ thần Mặt Trời, Cư Mga dấu chân qua, Đôi chân trần, Chim phí bay về cội nguồn,[2] Hoang sơ lời kể khan, Lời của mẹ ru, Giọt mưa trắng,[7] Cô gái trở về một mình, Tak tà đêm trăng[13] Hai dòng sông (tiếng Êđê), Chiếc gùi, ...

Chương trình

2020 – Khách mời chương trình Dấu ấn tài hoa của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước[11]

Giải thưởng

  • 1999 – Giải B của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam với ca khúc Đi tìm lời ru Nữ thần Mặt Trời[2][3]
  • 1997 – Giải Khuyến khích Hội Nhạc sĩ Việt Nam với ca khúc Chim Phí bay về cội nguồn[3]
  • Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam[5]
  • Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch[5]
  • Bằng chứng nhận Huy chương Vàng “Tác phẩm Đi tìm Lời ru Nữ thần mặt trời”[5]
  • Bằng chứng nhận Huy chương Vàng Tác phẩm: Độc tấu Ching Kram[5]

Tham khảo

  1. ^ a b Hữu Long (19 tháng 1 năm 2023). “Đằng sau ca khúc "Đôi chân trần" của nhạc sĩ Y Phôn Ksơr”. Báo Lao động. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 2 năm 2023. Truy cập ngày 16 tháng 7 năm 2023.
  2. ^ a b c d e quantri (2 tháng 9 năm 2016). “Y Phôn Ksơr”. Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 2 năm 2023. Truy cập ngày 16 tháng 7 năm 2023.
  3. ^ a b c d e f g h Vũ Long (4 tháng 2 năm 2023). “Nhạc sĩ Y Phôn Ksor mong ước làm liveshow đầu tiên”. Báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 2 năm 2023. Truy cập ngày 16 tháng 7 năm 2023.
  4. ^ a b c Lê Bích Phượng (7 tháng 2 năm 2023). “Y Phôn hát không bao giờ hú”. VOV5 World. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 16 tháng 7 năm 2023.
  5. ^ a b c d e Hoàng Yến (22 tháng 6 năm 2022). “Người nhạc sĩ "chân trần" của buôn làng Tây Nguyên”. Báo Giao thông. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 16 tháng 7 năm 2023.
  6. ^ a b c d Thành Nguyễn (1 tháng 3 năm 2016). “Nhạc sĩ Y Phôn Ksor - Chim phí của đại ngàn”. Báo Khánh Hòa. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 16 tháng 7 năm 2023.
  7. ^ a b c d e f g Nguyễn Phương Liên (5 tháng 8 năm 2006). “Y Phôn Ksor - người "hát dưới mặt trời". Báo Nhân Dân. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 16 tháng 7 năm 2023.
  8. ^ Uông Thái Biểu (7 tháng 7 năm 2022). “Tìm về miền cội nguồn hoang sơ”. Báo Lâm Đồng. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 16 tháng 7 năm 2023.
  9. ^ Mạnh Tiến (11 tháng 7 năm 2023). “Y Phôn "Đôi chân trần": Có lửa trong tim và nỗi buồn trong mắt!”. Hội âm nhạc Hà Nội. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 3 năm 2023. Truy cập ngày 16 tháng 7 năm 2023.
  10. ^ “Hát giữa mọi người không ngại ngần”. Báo Nhân Dân điện tử. 17 tháng 6 năm 2005. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 16 tháng 7 năm 2023.
  11. ^ a b Đức Hòa (16 tháng 4 năm 2020). “Nhạc sĩ Y Phôn K'sor với lời ru của đại ngàn”. Báo Bình Phước. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 16 tháng 7 năm 2023.
  12. ^ Trịnh Chu (15 tháng 3 năm 2019). “Cho đời một tiếng chiêng”. Báo Công an Nhân dân điện tử. Truy cập ngày 17 tháng 7 năm 2023.
  13. ^ Đình Đối (20 tháng 12 năm 2013). “Y Phôn Ksor - hoang sơ cội nguồn”. Báo Đắk Lắk. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 16 tháng 7 năm 2023.