Vũ Hữu (chữ Hán: 武有, 1437[1]–1530) là một nhà toán học người Việt, và cũng là một danh thần dưới triều đại Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông. Ông còn được coi là nhà toán học đầu tiên của Việt Nam.
Tiểu sử, sự nghiệp
Ông người làng Mộ Trạch, tổng Thì Cử, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương, nay là làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Năm Quang Thuận thứ 4 đời vua Lê Thánh Tông (Quý Mùi 1463), ông đỗ Hoàng giáp.
Vũ Hữu đã kinh qua các chức vụ như Khâm hình viện lang trung, Thượng thư bộ Hộ, Thượng thư bộ Lễ trong triều đình nhà Hậu Lê, sau được tặng phong Thái bảo. Mặc dù về hưu năm 70 tuổi, đển năm 90 tuổi (1527), ông vẫn được vua tin dùng, sai mang cờ tiết đi phong vương cho Mạc Đăng Dung. Khi đó ông có tước là Tùng Dương hầu.
Công trình toán học
Công trình toán học ông để lại cho hậu thế nổi bật là Lập Thành Toán Pháp (立 成 算 法). Sách này gồm cách đo ruộng, tính diện tích ruộng; hình vẽ các thửa ruộng có hình phức tạp và cách tính diện tích loại ruộng này; cách tính bằng bàn tính, bằng phép cửu chương, cửu quy; một số bài tính đố, có cho biết đáp số.[2] Các phép đo ruộng đất được tính theo đơn vị mẫu, sào, thước (24 mét vuông) và tấc (1/10 thước).
Sách Công dư tiệp ký ghi lại câu chuyện sau: Vua Lê Thánh Tông muốn thử tài của Vũ Hữu, nên đã giao cho ông sửa chữa ba cửa Đoan Môn, Đại Hưng và Đông Hoa của thành Thăng Long. Tuân lệnh, Vũ Hữu dùng thước đo chiều cao, chiều dài, chiều rộng của các cửa thành và tính ra số gạch đá, vật liệu phải dùng. Kết quả là khi xây xong, đá không thừa một tấc, gạch không thiếu một viên, quy mô các cửa thành được sửa chữa không sai một ly, một tấc. Vua Lê Thánh Tông rất hài lòng đã ban chiếu khen thưởng Vũ Hữu.
Gia đình
Em ruột ông là Vũ Phong, Vô địch đô vật[3] làm Cẩm y vệ Chỉ huy sứ.
Vết ố
Sách Đại Việt sử ký toàn thư có chép:
- Năm Quang Thuận thứ 8 (năm 1467), thi khoa Hoành từ. Điểm gọi các quan vào thi, tất cả là 30 người. Bấy giờ, Khâm hình viện lang trung Vũ Hữu, Viên ngoại lang Nguyễn Đình Khoa 5 người đều cáo ốm không vào thi. Vua lấy làm lạ, hỏi ra mới biết họ chỉ thích hối lộ. Nhân thế, vua dụ các quan trong triều rằng:
- "Việc hình án phức tạp khó khăn, có ba điều vất vả: Một là suốt ngày cặm cụi vất vả, khổ sở. Hai là xử án không đúng, chịu tội làm sai. Ba là án tụng chất đống, khó lòng xét xử tường tận. Có ba điều vất vả ấy dẫu người không bệnh cũng đến phát ốm, huống chi là có bệnh".
- Đó là nói giễu Vũ Hữu.
Chú thích
- ^ Có tài liệu chép là sinh năm 1443.
- ^ “Thông tin Lập thành Toán pháp”. Viện nghiên cứu Hán-Nôm. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 8 năm 2017. Truy cập ngày 22 tháng 8 năm 2017.
- ^ Vũ Phong (武 風):
Mộ Trạch còn có Trạng vật Vũ Phong, tên hiệu là Tồn Trai, con thứ 5 của Vũ Bá Khiêm, em ruột Hoàng giáp Vũ Hữu. Ông tướng ngũ đoản, có biệt tài về đô vật, đã quật ngã các đô lực sĩ hộ vệ vua Lê Thánh Tông trong một cuộc thử sức, lại có tiếng chính trực và tháo vát, được vua tin dùng, cho làm Chỉ huy sứ Cẩm y thị vệ. Có lần ông được sung vào sứ bộ sang nhà Minh biểu diễn tài đô vật. Ông đã thắng các tay đô vật nổi tiếng của Tàu, đem lại vẻ vang cho dân tộc. Khiến vua Minh Hiến Tông phải khen ngợi, gọi ông là “Lý Tôn Hiến An Nam,” ý sánh ông với danh tướng họ Lý đời Đường Hy Tông, cũng vóc người nhỏ bé nhưng giỏi võ và sức mạnh phi thường, có công dẹp yên loạn Hoàng Sào. Người đương thời tôn xưng Võ Phong là Trạng Vật. Còn Hoàng giáp Lê Quang Bí, liệt ông vào các nhân vật lịch sử và có thơ vịnh:
Ngũ đoản tằng xưng tướng mạo kỳ,
Tang bồng hồ thỉ hảo nam nhi.
Nhất môn bá trọng quang tiền nghiệp
Thiên tải minh lương kết chủ tri
Ứng biến đạt tài thi hữu chính,
Xứng bình lệnh dữ bá vu thì.
Tử tôn vinh thịnh đoan phi ngẫu,
Chủng đức cao dao thị ngã si (sư).
Bản dịch trong “Tự Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam”:
Tướng xem ngũ đoản thật phi thường
Hồ thỉ làm trai chí bốn phương
Nếp cũ thêm tươi hàng bá trọng,
Ngàn xưa được gặp chúa minh lương.
Khen tay chính trị tài thông biến,
Giữ mực công minh tiếng chẳng thường.
Con cháu vinh hoa âu cũng bởi,
Ai trồng cây đức để làm gương.
Tham khảo