Ông nội là Trần Hiệu, thời Minh Thần Tông tham gia chiến tranh Nhâm thìn, làm Ngự sử giám chinh Uy quân, mất ở Triều Tiên, được tặng Quang lộc khanh. Năm Thiên Khải thứ 2 (1622) thời Minh Hy Tông, Diễn đỗ tiến sĩ, được gia nhập Hàn lâm viện, làm Thứ cát sĩ, thụ chức Biên tu. Thời Sùng Trinh, Diễn đã trải qua các chức vụ: Thiếu chiêm sự, Chưởng Hàn Lâm viện, Trực giảng diên. Tháng giêng ÂL năm Sùng Trinh thứ 13 (1640), Diễn được thăng làm Lễ bộ hữu thị lang, Hiệp lý chiêm sự phủ. [Minh sử 2]
Tháng 4 ÂL năm ấy, Diễn đối đáp vừa ý Sùng Trinh đế, được thăng làm Lễ bộ tả thị lang kiêm Đông các đại học sĩ, tiến vào Nội các. Năm thứ 14 (1641), Diễn được thăng làm Lễ bộ thượng thư, đổi làm Văn Uyên các đại học sĩ. Năm thứ 15 (1642), Diễn nhờ trấn áp nghĩa quân ở Sơn Đông, được gia hàm Thái tử thiếu bảo, đổi làm Hộ bộ thượng thư, Vũ Anh điện đại học sĩ. Tháng 5 ÂL năm thứ 16 (1643), Diễn được thay Chu Duyên Nho làm Thủ phụ của Nội các. Tháng giêng ÂL năm sau (1644), Diễn có kết quả khảo sát tốt, được gia Thiếu bảo, đổi làm Lại bộ thượng thư, Kiến Cực điện đại học sĩ. [Minh sử 3]
Tháng 2 ÂL cùng năm, nghĩa quân Lý Tự Thành uy hiếp kinh thành, Diễn xin từ chức, Sùng Trinh đế đồng ý. Tháng 3 ÂL, nghĩa quân chiếm được thành, Diễn bị giam trong doanh trại của tướng nghĩa quân là Lưu Tông Mẫn. Sử cũ chép: nhờ giao nộp rất nhiều bạc, Diễn được tha chết; dã sử chép: tên đầy tớ của Diễn oán chủ, tố cáo với nghĩa quân nơi ông chôn giấu kho tàng, khiến nghĩa quân tức giận, tra tấn ông rất tàn bạo. Ngày 12 tháng 4 ÂL, Lý Tự Thành rút chạy khỏi Bắc Kinh, e ngại quan viên nhà Minh sẽ là hậu hoạn, bèn giết sạch bọn họ, Diễn cũng bị hại. [Minh sử 4][Minh quý bắc lược 2]
Tính cách
Diễn kém tài, ít học, nhưng khéo thiết lập quan hệ. Mới gia nhập Hàn Lâm viện, Diễn đã cấu kết với hoạn quan. Nhờ hoạn quan dò biết câu hỏi, Diễn trả lời vừa ý hoàng đế, được gia nhập Nội các. [Minh sử 5] Về sau Diễn thay Chu Duyên Nho làm thủ phụ, nhờ hoạn quan súc siểm với hoàng đế, đuổi khéo Vương Ứng Hùng – đồng minh chánh trị của Duyên Nho. [Minh sử 6]
Diễn tính hèn hạ, lại cay nghiệt; ghét Phó đô ngự sử Phòng Khả Tráng, Hà Nam đạo Trương Huyên không ăn cánh với mình, gièm pha với Sùng Trinh đế, đẩy họ vào ngục. [Minh sử 7]
Đánh giá
Diễn thay Chu Duyên Nho làm Nội các thủ phụ, trở thành người được Sùng Trinh đế tín nhiệm nhất, quan viên trong triều kéo nhau nương tựa ông. Nhưng đương lúc nước nhà nguy cấp, Diễn chẳng những không đóng góp gì cho chánh sự, mà còn vơ vét tài sản cho riêng mình, [Minh sử 8] tìm cách xoa dịu hoàng đế cho qua mọi việc. [Minh quý bắc lược 3]
Nghĩa quân Lý Tự Thành ngày càng đến gần Bắc Kinh, mọi người đề nghị Ngô Tam Quế ở mặt bắc lui về hỗ trợ, Diễn kiên trì phản đối. Đến khi tình hình nguy ngập, Sùng Trinh đế đồng ý gọi Ngô Tam Quế, Diễn không an lòng, xin từ chức, mà đế vẫn u mê, đãi ngộ ông trọng hậu. [Minh sử 9] Đến khi quan viên đua nhau kể tội Diễn, đế mới tỉnh ngộ. [Minh sử 10]
Diễn đã rời chức, nhưng chưa thể rời khỏi kinh thành, vì khối tài sản trong nhà quá lớn, bỏ lại thì đáng tiếc, chuyển đi thì e ngại khắp nơi loạn lạc. Cứ lần lữa mãi cho đến khi nghĩa quân tiến vào Bắc Kinh, Diễn trở thành tù nhân, hối hận đã muộn. [Minh sử 11][Minh quý bắc lược 4] Dã sử kể rằng vào lúc kinh thành thất thủ, Diễn ảo tưởng vẫn được an lành sau khi nhà Minh sụp đổ. [Minh quý bắc lược 5]
^Minh sử, tlđd: Tổ là Hiệu, trong niên hiệu Vạn Lịch làm Ngự sử giám chinh Uy quân, tốt ở Triều Tiên, được tặng Quang lộc khanh. Diễn đỗ tiến sĩ năm Thiên Khải thứ 2, được cải Thứ cát sĩ, thụ Biên tu. Thời Sùng Trinh, trải các quan chức Thiếu chiêm sự, Chưởng Hàn Lâm viện, Trực giảng diên. Tháng giêng năm thứ 13, được cất nhắc làm Lễ bộ hữu thị lang, Hiệp lý chiêm sự phủ.
^Minh sử, tlđd:... nên trả lời một mình xứng với ý chỉ, lập tức được bái chức Lễ bộ tả thị lang kiêm Đông các đại học sĩ, cùng Tạ Thăng đồng vào Các. Năm sau, được tiến Lễ bộ thượng thư, cải Văn Uyên các. Năm thứ 15, nhờ công dẹp cướp ở Sơn Đông được gia Thái tử thiếu bảo, cải Hộ bộ thượng thư, Vũ Anh điện. Bị hặc nên xin bãi, ưu chỉ an ủi lưu lại. Tháng 5 năm sau, Chu Duyên Nho rời vị, bèn làm Thủ phụ. Lại nhờ công giữ thành, được gia Thái tử thái bảo. Tháng giêng năm thứ 17, khảo mãn [3], được gia Thiếu bảo, cải Lại bộ thượng thư, Kiến Cực điện.
^Minh sử, tlđd: Sang tháng, bị bãi chánh. Sang tháng tiếp theo, đô thành hãm, nên cũng gặp nạn... Giặc hãm kinh sư, cùng bọn Ngụy Tảo Đức đều bị bắt, giam trong doanh của tướng giặc là Lưu Tông Mẫn. Hôm ấy hiến 4 vạn lạng bạc, giặc vui, không gia hình. Ngày 8 tháng 4, đã được thả. Ngày 12, Tự Thành sắp đông tiến chống lại Tam Quế, lo các đại thần làm hậu hoạn, giết cả họ. Diễn cũng ngộ hại.
^Minh sử, tlđd: Diễn kém tài ít học, khéo kết nạp. Mới vào quán [4], lập tức cùng nội thị liên hệ. Trang Liệt đế chọn dùng Các thần, thường đích thân phát sách (thẻ gấp), dựa vào câu trả lời để xem có khả năng hay không!? Tháng 4 năm ấy, trung quan dò biết mấy việc đế muốn hỏi, ngầm gởi cho Diễn, nên trả lời một mình xứng với ý chỉ, lập tức được bái chức Lễ bộ tả thị lang kiêm Đông các đại học sĩ, cùng Tạ Thăng đồng vào Các.
^Minh sử, tlđd: Vương Ứng Hùng được triệu đến, rồi bị trả về, là Diễn ra sức đấy [5].
^Minh sử, tlđd: Diễn làm người đã hèn hạ lại còn cay nghiệt. Ghét Phó đô ngự sử Phòng Khả Tráng, Hà Nam đạo Trương Huyên không chịu phụ thuộc, nhân họp đề cử Các thần mà gièm với đế, bọn Khả Tráng 6 người đều bị hạ lại [6].
^Minh sử, tlđd: Từ sau khi Duyên Nho bị bãi, đế dựa dẫm và tin cậy nhất là Diễn. Kẻ cậy nhờ Duyên Nho trong đài tỉnh, kéo hết đến cửa của Diễn. Đương bấy giờ, thế nước như trứng chồng, trong ngoài đều biết không giữ nổi. Diễn không có việc gì để trù hoạch, nên nhờ nhận của đút mà nổi tiếng.
^Minh sử, tlđd: Đến khi Lý Tự Thành hãm Thiểm Tây, bức Sơn Tây, đình nghị rút binh của Ngô Tam Quế ở Ninh Viễn vào giữ Sơn Hải quan, sách ứng kinh sư. Ý đế cũng như vậy, Diễn kiên trì nói không thể. Sau đó đế quyết kế thi hành, Tam Quế ban đầu dùng thuyền đi biển đưa dân Liêu vào quan, quay trở lại mới chở được, mà giặc đã hãm Tuyên, Đại. Diễn sợ không tự an, xưng bệnh xin bãi. Chiếu hứa cho, ban phí đường sá 50 lạng vàng, tiền tệ các loại [7], trạm dịch đưa đi.
^Minh sử, tlđd: Diễn đã từ chức, Kế Liêu tổng đốc Vương Vĩnh Cát dâng sớ ra sức vu tội, xin xử theo phép tắc, Cấp sự trung Uông Duy Hiệu, Tôn Thừa Trạch cũng hết lời nghị luận. Diễn vào từ biệt, nói phù tá không tốt, tội đáng chết. Đế giận nói: "Mày có chết không đủ lấp được tội." Mắng đuổi ông đi.
^Minh sử, tlđd: Diễn nhiều tài sản, không thể đi gấp. Giặc hãm kinh sư, cùng bọn Ngụy Tảo Đức đều bị bắt, giam trong doanh của tướng giặc là Lưu Tông Mẫn.
^Minh quý bắc lược, tlđd: Trước đó, Diễn trách mắng một tên đầy tớ, đầy tớ hận ông, bèn ra thú với giặc, nói nhà chủ rất giàu. Còn cho biết nơi mỗ có 48,000 lạng bạc, ngọc cũng đầy cả đấu, lính giặc nghe theo mà đi, đào lên quả nhiên như lời kể. Vì thế chảy nước dãi không thôi. Chịu hình thảm nhất, tướng ngụy là Ngưu Kim Tinh lấy 2 sợi dây sắt xâu bàn tay trái – phải của ông, đi đâu cũng dắt theo, bước chậm một chút, roi da đánh loạn, mình không còn chỗ lành, cuối cùng bị giết chết.
^Minh quý bắc lược, tlđd: Trước đó vào tháng 2, Diễn xin hưu, Thượng đồng ý, ban vàng lụa; ban đầu Thượng ưu giặc Tần (tức Thiểm Tây), Diễn nói "không đáng lo".
^Minh quý bắc lược, tlđd: Đến nay không tự an mà xin đi. Nhưng giấu diếm tài sản nặng nề, biết ngoài kinh đô giặc cướp đầy dẫy, lần lữa chờ đợi, nên cũng gặp nạn. Có nói: "Hiến 30,000 lạng bạc, 3,000 lạng vàng, 3 đấu ngọc."
^Minh quý bắc lược, tlđd: Tôi thấy Tiều sử [8] nói: "Giặc vào kinh, Diễn nói nhỏ với người hiểu biết rằng: ‘Tôi đem qua mơ ở trên núi cưỡi rồng mà bay, ngoảnh lại thấy không có đuôi." Khách lấy lời nịnh hót để chúc mừng, Diễn rất vui. Có chí làm sằng, chưa lâu thì gặp vạ.[9]
Chú thích
^“中国历代宰相传略”. Google Books. Truy cập 23 tháng 8 năm 2016.
^Nguyên văn: 考满/khảo mãn, là chế độ khảo sát đối với quan viên đời Minh, Thanh. Kết quả được chia làm 3 đẳng: xứng chức, bình thường và không xứng chức
^Nguyên văn: 入馆/nhập quán. Quán là sở quan, ở đây ý nói Tam quán; vì vậy Nhập quán nghĩa là tiến vào đảm nhiệm quan chức phục vụ trong tam quán. Đời Tống, tam quán là Sử quán, Chiêu Văn quán, Tập Hiền viện, riêng lấy Quảng Văn, Thái Học, Luật Học cũng gọi là tam quán, phụ trách giáo dục
^Theo Minh sử – Vương Ứng Hùng truyện, Chu Duyên Nho trở lại làm Nội các thủ phụ, e ngại bọn ngự sử không ăn cánh với mình, ra sức tiến cử Ứng Hùng, để Ứng Hùng giúp ông ta chống đỡ dư luận. Nhưng Ứng Hùng chưa về thì Duyên Nho đã bị bãi chức, lại thêm bọn hoạn quan vạch trần mối quan hệ của hai người Duyên Nho – Ứng Hùng, khiến Sùng Trinh đế không gặp Ứng Hùng. Ứng Hùng xin gặp đế không được, xin về quê thì được đáp ứng ngay, nên xấu hổ ra đi
^Nguyên văn: 下吏/hạ lại, nghĩa là giao cho quan lại tư pháp thẩm vấn
^Nguyên văn: 彩币四表里/thải tệ tứ biểu lý. Thải tệ là tiền tệ nói chung, ở đây ý nói tài chính nhà Minh suy kiệt, triều đình tận dụng nhu cầu của dân gian để phát hành nhiều loại công văn có giá trị như hối phiếu; biểu ý nói xa, lý ý nói gần
^Tiều sử thông tục diễn nghĩa (樵史通俗演义), quen gọi là Tiều sử hay Tiều sử diễn nghĩa là một bộ tiểu thuyết chương hồi được xuất bản vào đầu đời Thanh. Tác phẩm này về mặt văn học không quá xuất sắc, nhưng về mặt sử học lại được đánh giá cao. Nhiều truyện ký đương thời như Minh quý bắc lược (明季北略), Bình khấu chí (平寇志), Tiểu thiển kỷ niên (小腆纪年), Đào hoa phiến (桃花扇) trích dẫn tác phẩm này
^Rồng không có đuôi ý nói vương triều lâm nguy. Theo Liệt nữ truyện – Biện thông: Sở xử Trang điệt kể rằng Sở Khoảnh Tương vương thay ngôi của cha mình là Sở Hoài Vương, tiếp tục tin dùng các gian thần của Hoài Vương là Tử Lan và Cận Thượng, tuần du vui thú, không lo chánh sự, bé gái 12 tuổi họ Trang (Trang điệt) nhân lúc Khoảnh Tương vương xuất tuần, tìm gặp mà can rằng rằng: "大鱼失水, 有龙无尾, 墙欲内崩, 而王不视/đại ngư thất thủy, hữu long vô vĩ, tường dục nội băng, nhi vương bất thị/cá lớn mất nước, có rồng không đuôi, tường muốn vỡ lỡ, mà vương không thấy." (về sau Trang điệt được lập làm phu nhân của Khoảnh Tương vương, địa vị chỉ kém Trịnh Tụ, gọi là Trang cơ)