Thổ cải
Thổ cải (土改; đánh vần: Tǔgǎi) là phong trào tiêu diệt giai cấp địa chủ và phân phát lại ruộng đất[1] từ cuối Nội chiến Trung Quốc đến đầu thời Cộng hòa Nhân dân, do lãnh tụ Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông phát động.[2] Giai cấp chứ không phải chủng tộc là mục tiêu của chiến dịch, gọi là "diệt giai" tức diệt tuyệt giai cấp.[3] Trong 30 năm thay đổi kinh tế xã hội vào thời Mao, giai cấp địa chủ bị xóa bỏ, lúc cải cách xong hoặc đã bị xóa bỏ ở đại lục, hoặc đã chạy trốn đến Đài Loan.[4] Năm 1953, ở Trung Quốc chỉ còn Tân Cương, Tây Tạng, Thanh Hải, và Tứ Xuyên là những vùng mà cải cách ruộng đất chưa hoàn tất và sau đó Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt tay vào việc biến tài sản của giai cấp địa chủ cũ thành công sản do tập thể sở hữu thông qua các "hợp tác xã nông nghiệp". Nguồn gốcVào giữa thế kỷ 19, phong trào Thái bình Thiên Quốc tiến hành chính sách tịch thu phân phát lại ruộng đất trong ít lâu. Sau Cách mạng Tân Hợi vào năm 1911, Tôn Trung Sơn là người sáng lập Quốc dân Đảng đề xướng cải cách để cho sự phân phát ruộng đất được bình quân, sau này Tưởng Giới Thạch thực hiện. Khác với nông dân Nga trước Cách mạng tháng 10, nông dân Trung Quốc có thể sở hữu hoặc thuê ruộng và họ bán lúa má kiếm tiền ở các chợ làng, nhưng xã hội bị quan trường chi phối. Lúc trung ương bắt đầu mất chính quyền vào cuối thế kỷ 19 và cuối cùng tan rã vào năm 1911, quý tộc thị tộc được tăng thêm thế lực.[5] Ngay năm 1927, Mao Trạch Đông biết rằng cách mạng xuất phát từ nông thôn. Trong bài Khảo sát phong trào nông dân Hồ Nam, Mao chủ trương cổ võ nông dân nghèo đấu tranh, bấy giờ là chiến lược không chính thống, vì nông dân không thể thật sự được giải phóng trừ phi dùng vũ lực lật đổ điền chủ.[6] Đảng Cộng sản Trung Quốc cần làm cải cách ruộng đất vừa để thực thi chương trình bình đẳng xã hội, vừa để nắm giữ được nông thôn. Diễn biến
Lúc đầu (1946-1948)Vào những thập niên tiếp theo sau, ĐCS Trung Quốc cẩn thận suy xét chiến lược: mức độ bạo lực nên tới mức độ nào, có nên tranh thủ nông dân trung lưu là những người nắm giữ khá nhiều ruộng nhất hay không; có nên phân phát lại tất cả ruộng đất cho dân cày nghèo hay không.[11] Dẫu Đảng Cộng sản Trung Quốc giữ đường lối ôn hòa theo Tôn Trung Sơn vào Chiến tranh Trung–Nhật lúc còn trong Mặt trận Liên hiệp thứ hai, không cho tiền thuê đất vượt 37,5% mùa màng và cũng không phân phát lại ruộng đất, nhưng khi Nội chiến Trung Quốc bùng nổ vào năm 1946 thì Mao bắt đầu đẩy mạnh việc dùng lại các chính sách cực đoan để vận động những nông dân nghèo chống giai cấp địa chủ, tuy nhiên các quyền của nông dân trung lưu được bảo vệ và ông nói rõ rằng nông dân giàu không phải là địa chủ.[12] Chỉ thị ngày 7 tháng 7 năm 1946 mở đầu thời kỳ 18 tháng mà mọi tài sản của các nông dân giàu có và địa chủ đều bị tịch thu bằng vũ lực và phát lại cho nông dân nghèo. Các nhóm công tác của ĐCSTQ nhanh phân loại dân làng thành các mức địa chủ, nông dân giàu, trung lưu, nghèo và bần cố nông, nhưng vì họ chẳng được các nhóm công tác mời dự vào công việc, nên những người nông dân giàu và trung lưu chóng giành được lại quyền lực.[13] Luật Ruộng đất tháng 10 năm 1947 thêm dầu vào lửa.[14] Trung ương ĐCSTQ cử các nhóm công tác xuống các làng để trao quyền cho những nông dân nghèo vốn không có ruộng đất, buộc các địa chủ phải xóa bỏ tiền thuê đất mà họ miệt thị là "bóc lột phong kiến", và họ phát động nông dân nghèo nổi dậy tịch thu ruộng đất của các địa chủ. Các nhóm công tác phát động những nông dân nghèo và không có đất tấn công các gia tộc và gia đình địa chủ đứng đầu của các làng ở gần kề để cho chiến dịch không bị những người trung thành với gia đình đó ngăn cản.[15] Ở một ngôi làng tại miền nam Hà Bắc, một người nước ngoài chép rằng bốn người đã bị ném đá chết.[16] Ở làng Trường Trang Thôn, William Hinton báo là ít nhất một tá người đã bị những nông dân địa phương đánh chết.[17] Cao trào (1949-1953)Ngay sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập vào năm 1949, chính sách cải cách ruộng đất "nghiêng dữ dội về phía cực đoan". Theo Philip Short là người soạn tiểu sử Mao Trạch Đông, có lần ông chỉ đạo "không được kìm hãm sự quá khích quá sớm".[2] Khác với "nông dân giàu có" được bảo vệ ít nhiều và nông dân nghèo không bị tổn hại, địa chủ phải tự vệ.[18] Các vụ nông dân nghèo đánh đập chống lại địa chủ, tuy ĐCSTQ không chính thức khuyến khích, song cũng chẳng cấm đoán. Vấn đề này, Mao nhấn mạnh rằng chính người dân, chứ không phải cơ quan an ninh, nên thi hành Luật Cải cách ruộng đất và tiêu diệt những địa chủ đã áp bức họ. Cách làm này khác rất nhiều với cách làm của Liên Xô,[2] vì Mao Trạch Đông cho là việc nông dân tự tay tấn công địa chủ sẽ ràng buộc họ với cách mạng lâu dài hơn là việc họ chỉ đứng xem một cách bị động.[2] Jean-Louis Margolin luận rằng cải cách ruộng đất dùng bạo lực không phải vì nó cần thiết, do Đài Loan và Nhật Bản đều làm được mà không tanh máu, nhưng bởi mục đích chính là diệt bỏ "kẻ thù giai cấp nông dân" và trao quyền lực địa phương cho cộng sản, chứ không phải là phân phát lại ruộng đất: vài năm sau cải cách, phần lớn ruộng đất phải được giao cho các trang trại tập thể. Chứng cớ là cả ở những làng nghèo khó là một nửa miền Bắc Trung Quốc, không thể có địa chủ lớn, nhưng vẫn có "địa chủ" bị bức hại, vì có chính sách ở vài vùng yêu cầu lựa "ít nhất một địa chủ, và thường là hai ba, ở hầu như mọi làng để xử tử công khai".[19] Ví dụ: ở làng Vũ Công, 70 hộ trong tổng số 387 hộ bị liệt lại từ hạng nông dân trung lưu vào hạng nông dân giàu có và đã trở thành mục tiêu đấu tranh giai cấp.[20] Chỉ riêng ở tỉnh Quảng Tây, từ 180 đến 190 nghìn địa chủ bị giết theo một quan chức báo cáo. Bên cạnh đó, ở làng của một giáo viên Công giáo, 2,5% dân số bị xử tử.[10] Vài người bị khép tội làm điền chủ hoặc bị chôn sống, hoặc bị chặt xác, hoặc bị bóp cổ, hoặc bị bắn chết.[18] Ở nhiều làng, phụ nữ của địa chủ bị "phân phát lại" làm vợ lẽ hay con gái cho nông dân hoặc bị ép cưới những kẻ ngược đãi chồng họ.[21][22] Ước tính số người bị chếtSố người bị chết ước tính ở vào khoảng giữa 200.000 tới 2 triệu;[23][19][24] Chu Ân Lai ước đoán là 830.000 người đã bị giết, còn Mao Trạch Đông thì ước đoán là từ hai đến ba triệu người.[7] Từ năm 1949 đến năm 1953, số người bị giết ước tính là từ 200.000 đến 800.000 ở mức thấp[23][25][19] và từ 2.000.000[23][26][27] đến 5 triệu[26][28] ở mức cao, đồng thời từ 1,5 triệu[8] đến 6 triệu[9] người bị giam cầm ở các trại lao động cải tạo, nhiều người vào không ra lại.[9] Philip Short trỏ ra rằng con số ước tính chưa bao gồm hàng trăm nghìn người tự sát vì các "phiên phê phán đấu tranh" của hai phong trào tam phản ngũ phản nổi lên cùng lúc;[29] 28.000.000[10] người bị chết là con số của học giả nước ngoài. Theo ĐCSTQ, 830.000 người bị giết là ước tính của Chu Ân Lai, còn của Mao Trạch Đông thì là từ 2 đến 3 triệu.[7] Phó Chủ tịch Hội đồng Quân sự và Hành chính Trung Nam báo cáo rằng 15% trong số 50.000.000 nông dân giàu có và điền chủ của Trung Quốc bị hành quyết và 25% bị giải đến các trại lao động cải tạo.[10] Địa chủ trả thùVào Nội chiến Trung Quốc, Quốc dân Đảng giúp thành lập "Hoàn hương đoàn" (還鄉團; Huán xiāng tuán) bao gồm những địa chủ muốn giành lại ruộng đất tài sản bị phát lại cho nông dân và quân du kích ĐCSTQ, họ cũng bắt lính nông dân và tù binh Đảng cộng sản.[30] Tới khi nội chiến kết thúc vào năm 1949, Hoàn hương đoàn vẫn tiếp tục đánh du kích trong một thời gian nhằm chống lại Đảng cộng sản và những người cộng tác cùng ĐCSTQ.[30] Phân phát lại ruộng đấtRuộng đất từng thuộc về các điền chủ được biến thành tài sản tập thể, dẫn đến việc thành lập các "hợp tác xã nông nghiệp".[31] Vào giữa thập niên 50, trong lúc Đại nhảy vọt nổi lên có cải cách ruộng đất thứ hai ép buộc những nông dân cầy cấy riêng tham gia các hợp tác xã, tạo thành các công xã nhân dân có quyền quản lý tài sản theo nguyên tắc phân phát đồng đều. Chính sách này nói chung thất bại[32] và bị bỏ vào năm 1962. Kết quả là quyền sở hữu tư liệu sản xuất cơ bản được trao cho ba cấp, có quyền sở hữu ruộng đất thuộc về đội sản xuất. Quyền sở hữu ruộng cày trước cải cách ở Trung Quốc[33][a]
Quyền sở hữu ruộng cày sau cải cách ở Trung Quốc[33][b]
Ảnh hưởng kinh tếSử gia Walter Scheidel viết rằng sự hung bạo của phong trào cải cách ruộng đất đã làm giảm đáng kể sự bất bình đẳng kinh tế. Ông đưa ra làng Trường Trang Thôn làm bằng cớ:
Năm 1958, chế độ tư hữu ruộng đất bị xóa bỏ, hộ trên cả Trung Quốc đều tổ chức thành các công xã nhân dân, hợp tác xã do nhà nước quản lý. Các công xã nhận lệnh từ chính phủ với chỉ tiêu sản xuất nhiều ngũ cốc hơn để cung cấp cho dân trong thành phố và dùng để xuất khẩu kiếm ngoại tệ. Đại nhảy vọtVào Đại nhảy vọt, chính phủ cưỡng mua ngũ cốc theo giá cố định để tích trữ cứu đói và thực hiện đầy đủ các hiệp định thương mại với Liên Xô. Tổng cộng thuế và các lần cưỡng mua chiếm 30% mùa màng vào năm 1957, để lại rất ít phần dư thừa.[35] Từ năm 1958 đến năm 1960, Trung Quốc tiếp tục ròng xuất khẩu đáng kể ngũ cốc, bất chấp nạn đói hoành hành ở vùng nông thôn, vì Mao muốn giữ thể diện và thuyết phục các nước ngoài rằng kế hoạch của ông thành công. Chính phủ quyết không tiếp nhận viện trợ nước ngoài: khi Nhật Bản xin Ngoại trưởng Trần Nghị được ngầm chuyên chở 100.000 tấn lúa mì đến Trung Quốc, Trần Nghị nói không. Hoa Kỳ cũng biết là Trung Quốc đang xuất khẩu lương thực sang châu Phi và Cuba đương lúc trong nước còn đói kém và nói rằng "chúng tôi không được Trung Cộng đánh hiệu rằng họ sẽ tiếp nhận bất cứ thực phẩm nào."[36] Sản lượng giảm nhiều đến mức ngay ở khu vực thành thị khẩu phần cũng vơi đi nhiều, song chính nông thôn là vùng đói kém lớn, nơi mà nông dân còn rất ít ngũ cốc để ăn do số liệu thống kê về sản lượng bị thổi phồng quá mức. Cải cách ruộng đất ở Đài LoanSau khi rút lui tới Đài Loan, Quốc dân Đảng cũng tiến hành cải cách ruộng đất thông qua Ủy ban Phục hưng nông thôn Trung-Mỹ,[37] bằng cách loại bỏ giai cấp Địa chủ. Nông dân được phát ruộng đất và chiến dịch này đã làm gia tăng rất nhiều sản xuất nông nghiệp của Đài Loan.[38] Những địa chủ tại địa phương bị tịch thu ruộng đất đã không thể làm chính phủ ngả theo về phía họ, do phần lớn các đảng viên Quốc dân đảng đều đến từ đại lục.[39] Xem thêmChú thích
Tham khảo
Thư mục tham khảo và đọc thêm
Liên kết ngoài
|