Khúc thụy du

"Khúc thụy du" 
của Du Tử Lê
Quốc giaViệt Nam Cộng hòa
Ngôn ngữTiếng Việt
Thể thứcThơ năm chữ
Ngày xuất bản1968; 57 năm trước (1968)

"Khúc thụy du" là một bài thơ của Du Tử Lê sáng tác vào năm 1968. Đây là một trong những bài thơ nổi tiếng trong sự nghiệp của ông và được nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc thành bài hát cùng tên.[1][2]

Hoàn cảnh sáng tác

Bài thơ được Du Tử Lê sáng tác vào năm 1968, với nguồn cảm hứng tình yêu của ông với một cô sinh viên ngành dược. Ông đã lấy tên đệm của cô gái là "Thụy", cộng với chữ đầu trong bút danh của mình "Du" làm nhan đề cho bài thơ. Nguyên gốc bài thơ có hơn 100 câu, tuy nhiên khi đăng trên tạp chí lại bị cắt một phần ba, sau này tác giả không nhớ bài thơ gốc nên sử dụng văn bản đã lược đi để in sách.[3][4][5][6]

Chuyển thể

"Khúc thụy du"
Bài hát
Thu âmTuấn Ngọc
Thể loạiNhạc hải ngoại
Sáng tácDu Tử Lê
Soạn nhạcAnh Bằng

Năm 1983, tập thơ tái bản tại Mỹ do một học sinh mang theo tặng Du Tử Lê bản in trước năm 1975. Hai năm sau, nhạc sĩ Anh Bằng đến tìm gặp Du Tử Lê tại một quán cà phê và cho biết mình là người đã phổ nhạc bài thơ của ông, dù trước đó hai người chưa từng quen biết.[4][5][7][8] Bài hát được nhiều ca sĩ trong và ngoài nước thể hiện như Quang Dũng,[6] Vũ Khanh, Ngọc Lan, Hồ Hoàng Yến. Nhưng phiên bản của Tuấn Ngọc thể hiện bằng chất giọng trầm buồn đã giúp bài hát trở nên phổ biến.[9][10]

Bài hát viết theo nhịp 3/4, nhạc sĩ Anh Bằng đã chọn nhiều câu trong đoạn hai, ông còn sáng tác thêm một số câu thơ để phổ nhạc. Việc chuyển từ thơ sang nhạc của nhạc sĩ Anh Bằng cũng có nhiều ý kiến, cho rằng bài hát không truyền tải hết thông điệp và ý nghĩa của bài thơ, số khác thì cho rằng bài hát làm giảm đi sự đau thương, u ám của bài thơ.[3][4]

Đánh giá

Viết trên báo VnExpress, Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận xét: "Tác phẩm thể hiện phong cách ngôn ngữ đặc trưng của Du Tử Lê, nhiều day dứt, tuyệt vọng. Ngoài gửi gắm mong ước cuộc tình kéo dài mãi mãi kể cả khi chết đi, bài thơ là tiếng cảm thán về số phận hữu hạn, mong manh của mỗi người. Khi được thổi hồn bằng ngôn ngữ âm nhạc, tác phẩm có chiều sâu, dễ đi vào lòng người hơn".[3] Hà Thu của báo VnExpress, nhận định bài thơ "Khúc thụy du" khi được nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc "không còn vẻ bi thương như tác phẩm gốc mà toát lên vẻ đẹp của tình yêu đôi lứa".[3]

Xem thêm

Tham khảo

  1. ^ Hòa Bình (9 tháng 6 năm 2018). “Phiêu lãng với "Khúc thụy du" của Du Tử Lê”. Người lao động. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 10 năm 2021. Truy cập 7 tháng 10 năm 2021.
  2. ^ Lê Công Sơn (9 tháng 10 năm 2019). “Nhà thơ Du Tử Lê, tác giả 'Khúc thụy du', qua đời”. Thanh niên. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 10 năm 2021. Truy cập 7 tháng 10 năm 2021.
  3. ^ a b c d Hà Thu (9 tháng 10 năm 2019). 'Khúc Thụy Du' - từ ý thơ đến bản nhạc tình bất hủ”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 10 năm 2021. Truy cập 7 tháng 10 năm 2021.
  4. ^ a b c Mộc Uyển (13 tháng 7 năm 2018). 'Khúc thụy du' - Từ thơ Du Tử Lê tới bản nhạc vạn người mê”. Zing News. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 10 năm 2021. Truy cập 7 tháng 10 năm 2021.
  5. ^ a b Hoàng Hương (11 tháng 9 năm 2019). “Nửa thế kỷ 'Khúc Thụy Du': Thụy bây giờ về đâu?”. Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 10 năm 2021. Truy cập 7 tháng 10 năm 2021.
  6. ^ a b Dương Cầm (13 tháng 11 năm 2015). “Tác giả nhạc phẩm "Khúc thụy du" qua đời vì bệnh ung thư”. An Ninh Thủ Đô. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 11 năm 2021. Truy cập 8 tháng 10 năm 2021.
  7. ^ Nguyên Linh (2 tháng 11 năm 2019). "Khúc thụy du" – tình khúc buồn từ ý thơ”. Báo Thanh Hóa. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 10 năm 2021. Truy cập 7 tháng 10 năm 2021.
  8. ^ Thanh Hằng (10 tháng 10 năm 2019). "Cha đẻ" của "Khúc Thụy du": "Tôi luôn nhớ về Việt Nam với nỗi nhớ khủng khiếp". VietTimes. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 1 năm 2021. Truy cập 8 tháng 10 năm 2021.
  9. ^ Dung Phạm (9 tháng 10 năm 2019). “Xúc động nghe Tuấn Ngọc hát 'Khúc thụy du' của cố nhà thơ Du Tử Lê”. VTC News. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 10 năm 2021. Truy cập 7 tháng 10 năm 2021.
  10. ^ Thiên Anh (9 tháng 10 năm 2019). “Những bài hát nổi tiếng được phổ từ thơ Du Tử Lê”. Thanh niên. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 7 năm 2021. Truy cập 7 tháng 10 năm 2021.