Huỳnh Ngọc Huệ

Huỳnh Ngọc Huệ
Chức vụ
Nhiệm kỳ1945 – 1945
Thông tin cá nhân
Quốc tịchViệt Nam
Sinh(1914-08-10)10 tháng 8, 1914
Đại Lộc, Quảng Nam
Mất27 tháng 4, 1949(1949-04-27) (34 tuổi)
Nghĩa Hành, Quảng Ngãi
Đảng chính trịĐảng Cộng sản Đông Dương

Huỳnh Ngọc Huệ (1914 – 1949), Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, lãnh đạo Ủy ban khởi nghĩa thành phố (năm 1945), và là Đại biểu quốc hội của tỉnh Quảng Nam khóa 1 (1946). Ngoài ra, ông còn là một trong những người sáng lập Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và là Ủy viên chấp hành Liên hiệp Công đoàn Thế giới.[1] Với nhiều đóng góp cho cách mạng Việt Nam, ông đã được nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh.[2]

Tiểu sử

Huỳnh Ngọc Huệ còn có bí danh là Hoa, Ngọc và Hồng Chinh, sinh ngày 10 tháng 8 năm 1914 trong một gia đình nông dân có truyền thống cách mạng tại làng Mỹ Hòa, tổng Mỹ Hòa, nay thuộc xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.[3][4]

Cuộc đời

Vè đưa tiễn Huỳnh Ngọc Huệ

Trời làm đủ khổ chưa trời
Có ông Cách mạng qua đời còn non
Phần thì chưa vợ chưa con
Chết chôn chót núi, đầu non một mình
Buổi chôn đông quá biểu tình
Các vị đại biểu về đình An Ba
Phần thì không thấy mẹ cha
Nhân dân, công xưởng đưa ra đăng đồng
Phần thì nhà máy, cơ quan
Đình mọi công việc để đưa chàng Huệ đi
Giấy mực ông đã rành rồi
Lao động quốc tế đứng trong Chấp hành
Từng khuyên các chị các anh
Ta làm cách mạng để dành mai sau
Bây giờ phát bệnh tới đau
Ông Thêu, ông Khiếu nuôi nhau tận tình
Chết rồi đưa đã về đình
Đồng bào đế chế thực tình cánh tay
Anh em dân quân tận tụy cả ngày
Đưa Huỳnh Ngọc Huệ chôn rày núi cao
Toàn dân khóc đã ào ào
Bó người nằm đất đưa vào huyệt sâu.

Năm 1934, Huỳnh Ngọc Huệ tốt nghiệp loại giỏi trường Kỹ nghệ Thực hành Huế và được nhà trường giữ lại làm giáo viên. Trong khoảng thời gian này, ông đã trở thành một trong những nòng cốt của phong trào thanh niên tại Huế. Cuối năm 1937, ông cùng với Tố HữuĐào Duy Dếnh được cử làm đại diện của Đoàn Thanh niên Dân chủ trong nhà trường và Hội hướng đạo; làm Thư ký hội Ái hữu trường Kỹ nghệ Thực hành Huế.[5] Cũng trong năm này, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, sinh hoạt chi bộ ghép giữa hai trường Kỹ nghệ và Quốc học đồng thời trở thành Bí thư Chi bộ đầu tiên.[6] Ngày 26 tháng 3 năm 1938, Đoàn thanh niên dân chủ Huế được thành lập, Huỳnh Ngọc Huệ cùng với Tố Hữu và đào Duy Dếnh đều được cử vào Ban lãnh đạo.[5]

Ba lần bị bắt

Tháng 4 năm 1940, Huỳnh Ngọc Huệ bị Thực dân Pháp bắt giam tại nhà lao Thừa Phủ. Đầu năm 1941, ông bị đày lên Đăk Glei (Kon Tum) và gặp được nhà thơ Tố Hữu tại đây.[2][7] Cũng tại nhà ngục Đăk Glei này, Huỳnh Ngọc Huệ đã được Tố Hữu tặng cho bài thơ "Tiếng hát đi đày".[8][9] Tháng 3 năm 1942, ông cùng với Tố Hữu tổ chức vượt ngục thành công,[10][11] nhưng chỉ vài tháng sau ông lại bị Pháp bắt tại Đà Nẵng và đưa về Đăk Glei.[12][13] Đến năm 1944, ông lại cùng Nguyễn Duy Trinh, Chu Huy Mân và Hà Thế Hạnh tổ chức vượt ngục.[14][15] Vừa về đến Đại Lộc không bao lâu, ông lại bị thực dân Pháp bắt đưa ra nhà tù Hỏa Lò và không lâu sau thì chuyển về Nhà lao Con Gà Tourane (Đà Nẵng).[16][17]

Ngày 10 tháng 3 năm 1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp, Huỳnh Ngọc Huệ được thả ra, ông trở về hoạt động ở Đà Nẵng. Đến tháng 5, trong một cuộc họp bí mật trên sông Thu Bồn, ông được bổ sung vào Ban chấp hành Tỉnh ủy Quảng Nam,[18][19] sau đó được cử giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.[20][21] Tháng 7, Mặt trận Việt Minh thành phố ra đời với tên gọi "Mặt trận Việt Minh thành Thái Phiên", ban thường trực Mặt trận gồm có 7 người là Huỳnh Ngọc Huệ, Lê Văn Quý, Nguyễn Trác, Nguyễn Thị Phi, Nguyễn Xuân Lâm, Nguyễn Văn Tôn và Lê Văn Mậu.[22][23][24]

Giành chính quyền ở Quảng Nam và Đà Nẵng

Ngày 13 tháng 8, ngay khi vừa biết tin Nhật Bản chuẩn bị đầu hàng Đồng Minh, ông đã tức tốc chạy về Tam Kỳ để báo tin.[25][26] Theo đó, Tỉnh ủy Quảng Nam quyết định phát động toàn dân nổi dậy giành chính quyền, không cứng nhắc chờ lệnh của Trung ương hoặc Xứ ủy Trung kỳ nữa.[27][28] Ngày 16 tháng 8, Ủy ban Khởi nghĩa thành phố được thành lập: Lê Văn Hiến làm Trưởng ban, Huỳnh Ngọc Huệ làm Phó ban thường trực.[16][22] Nhờ thông tin tình báo của Huỳnh Ngọc Huệ và quyết định kịp thời của Tỉnh ủy mà Quảng Nam trở thành 1 trong 4 tỉnh thành giành chính quyền sớm nhất cả nước trong Cách mạng Tháng Tám.[29]

Sáng ngày 26 tháng 8, dưới sự chỉ huy của Lê Văn Hiến và Huỳnh Ngọc Huệ, Đà Nẵng đã giành được chính quyền, lá cờ đỏ sao vàng được cắm trên nóc Tòa Đốc lý Tourane (tên của Đà Nẵng thời bấy giờ do Pháp đặt).[29][30] Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Huỳnh Ngọc Huệ đã chỉ đạo Nguyễn Văn Dung và một số cán bộ kỹ thuật nghiên cứu chế tạo thành công súng tiểu liên Sten kiểu Pháp.[3][31] Từ đây đưa đến sự hình thành các binh công xưởng Phan Đăng Lưu, Cao Thắng, rồi tiến đến thành lập các xưởng vũ khí QB140, QB 150, QB 160 và Hạ Lào để trang bị vũ khí cho lực lượng vũ trang địa phương.[32] Đến năm 1951, Quảng Nam – Đà Nẵng đã có 5 xưởng sản xuất vũ khí và có công xưởng mang tên Huỳnh Ngọc Huệ.[33]

Sau Cách mạng Tháng Tám

Tháng 9 năm 1945, sau khi Xứ ủy Trung kỳ được thành lập lại, Nguyễn Chí Thanh – Ủy viên Trung ương Đảng – được cử làm Bí thư, Tố Hữu làm Phó Bí thư và Huỳnh Ngọc Huệ được cử làm Ủy viên Thường vụ, phụ trách Công vận Xứ ủy Trung kỳ. Đến tháng 10, Xứ ủy lại giao cho Huỳnh Ngọc Huệ làm Thư ký Hội Công nhân cứu quốc Trung Bộ.[34][35] Tháng 12, Huỳnh Ngọc Huệ được Mặt trận Việt Minh tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng giới thiệu ra ứng cử Đại biểu Quốc hội.

Sang năm 1946, sau khi đắc cử trở thành Đại biểu Quốc hội Khóa I, Huỳnh Ngọc Huệ là một trong những người tham gia sáng lập Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; tổ chức Đại hội thành lập Liên đoàn Lao động Trung Bộ; được cử vào Ban Chấp hành Liện hiệp công đoàn thế giới.[3] Cũng trong khoảng thời gian đầu năm 1946 này, Huỳnh Ngọc Huệ đã được cử làm Chủ nhiệm kiêm thư ký tòa soạn báo Tay Thợ – "Cơ quan tuyên truyền tranh đấu của công nhân Trung Bộ".[36] Trước tết nguyên đán 1946, Huỳnh Ngọc Huệ đã dành ra số báo thứ 2 của tờ Tay Thợ để mừng tết đầu tiên sau khi độc lập, ngay trang nhất của tờ báo, ông đã cho in tranh vẽ Hồ Chí Minh của họa sĩ Trần Đức Thọ với ghi chú "Hồ Chí Minh – Người cha già của dân tộc Việt Nam".[34]

Tháng 4 năm 1946, Huỳnh Ngọc Huệ được bầu làm Phó Bí thư của Xứ ủy Trung kỳ. Ngày 27 tháng 5, Hội nghị đại biểu công nhân toàn quốc họp ở Hà Nội đã quyết định thành lập Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, ông được giữ chức Tổng thư ký và được cử vào Ban Chấp hành Liên hiệp Công đoàn Thế giới.[1] Cuối năm 1946, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Huỳnh Ngọc Huệ được giao thêm nhiệm vụ trực tiếp chuẩn bị chiến trường Quảng Nam– Đà Nẵng, đồng thời trở thành Chính uỷ đầu tiên của mặt trận này.[37][38][39]

Qua đời

Tưởng niệm

Anh ra đi, tập vở dày đang đọc
Gia tài riêng: chồng sách ở đầu giường
Cùng giấy tờ xếp gọn trong rương
Hai bộ áo màu xanh vải thợ

Lưu Đào

Tháng 3 năm 1949, tại Đại hội Đảng bộ Liên khu V lần thứ I, Huỳnh Ngọc Huệ được bầu làm Phó Bí thư Liên khu ủy. Trong khoảng thời gian này, ông phụ trách trường Đảng ở rừng núi Phú Yên.[40] Ngày 27 tháng 4, khi đang trên đường từ Quảng Ngãi ra Việt Bắc để nhận công tác mới, ông qua đời vì bị nhiễm trùng uốn ván. Đã xuất hiện những bài vè, bài thơ thể hiện sự thương tiếc của người dân Trung bộ đối với sự ra đi của ông.[41] Ông được chôn cất ở Gò Cao, xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi; về sau mộ ông được di dời về Nghĩa trang Gò Cà (Đại Hiệp, Đại Lộc).[42]

Dưới sự ảnh hưởng và đóng góp của Huỳnh Ngọc Huệ cho phong trào cách mạng ở Trung bộ, nhiều tổ chức Đảng,[43] công xưởng,[44] trường học[45] mang tên ông được thành lập.[46] Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã thành lập một "Giải thưởng Huỳnh Ngọc Huệ" để trao cho đoàn viên công đoàn có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước.

Tham khảo

  1. ^ a b “Huỳnh Ngọc Huệ (1914 - 1949)”. Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 11 tháng 1 năm 2021.
  2. ^ a b Phan Xuân Quang (8 tháng 3 năm 2020). “Ngục Đăk Glei và dấu ấn đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ”. Báo Kon Tum điện tử. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 3 năm 2020. Truy cập ngày 11 tháng 1 năm 2021.
  3. ^ a b c Lê Năng Đông (25 tháng 4 năm 2019). “Kỷ niệm 70 năm ngày mất của đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ (27/4/1949-27/4/2019) - "Huỳnh Ngọc Huệ - một chiến sĩ quả cảm và tận tụy của giai cấp lao động Việt Nam". Trang thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Quảng Nam. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 11 tháng 1 năm 2021.
  4. ^ T.Hà (10 tháng 8 năm 2019). “Hội thảo khoa học về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ”. Báo Công an TP Đà Nẵng. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 12 tháng 1 năm 2021.
  5. ^ a b Viện Lịch sử Đảng (1999), tr. 51
  6. ^ “Tiểu sử Huỳnh Ngọc Huệ”. Trường Huỳnh Ngọc Huệ - Đà Nẵng. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 10 năm 2020. Truy cập ngày 11 tháng 1 năm 2021.
  7. ^ Liên đoàn lao động tỉnh Kon Tum (2003). Dương Văn Sao (biên tập). Lịch sử phong trào công nhân, viên chức, lao động và công đoàn tỉnh Kon Tum, 1930-2000. Hà Nội: Nhà xuất bản Lao Động. tr. 44. OCLC 607410181. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 11 tháng 1 năm 2021.
  8. ^ Hội đồng biên tập Tổng tập Văn học Việt Nam (2000). Đinh Gia Khánh; và các đồng nghiệp (biên tập). Tổng tập văn học Việt Nam, Tập 36. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội. tr. 325. OCLC 762053253.
  9. ^ Lê Đăng Nông (11 tháng 9 năm 2019). "Tiếng hát đi đày" và tình bạn của nhà thơ Tố Hữu”. Báo điện tử Quân đội nhân dân. Truy cập ngày 11 tháng 1 năm 2021.
  10. ^ Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kon Tum (2006). Lịch sử phong trào phụ nữ tỉnh Kon Tum, 1930-2001. Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia. tr. 37. OCLC 123009376.
  11. ^ Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Kon Tum (2019). Lịch sử Đảng bộ tỉnh Kon Tum, Tập 1 (1930-1975) (PDF). Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật. tr. 98. ISBN 978-604-57-5271-5.
  12. ^ Nguyễn Duy Trinh (2003), tr. 109
  13. ^ Nhiều tác giả (2005). Nhớ về mùa thu tháng tám: Tuyển hồi ký cách mạng. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. tr. 146–148. OCLC 67612169.
  14. ^ Nguyễn Duy Trinh (2003), tr. 112
  15. ^ Hoàng Quốc Việt (2003). Con đường theo Bác: hồi ký. Hà Nội: Nhà xuất bản Thanh niên. tr. 133. OCLC 58844200.
  16. ^ a b Phương Thạch; Phạm Ngô Minh (2002). Đường phố Đà Nẵng. Nhà xuất bản Đà Nẵng. tr. 83. OCLC 908070107. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 12 tháng 1 năm 2021.
  17. ^ Đảng bộ huyện Đại Lộc (2000), tr. 440
  18. ^ Viện Lịch sử Đảng (1999), tr. 52
  19. ^ Phó Đức Vượng (18 tháng 2 năm 2009). “Bài thơ "Khóc Tố Hữu". Báo Nhân dân. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 17 tháng 1 năm 2021.
  20. ^ Ngô Văn Minh (2007), tr. 118
  21. ^ Nguyễn Hữu Mươi (2000), tr. 49
  22. ^ a b Ngô Văn Minh (2007), tr. 292
  23. ^ Nguyễn Hữu Mươi (2000), tr. 52
  24. ^ Đảng bộ quận Hải Châu (2003), tr. 59
  25. ^ Đảng bộ quận Hải Châu (2003), tr. 60
  26. ^ “Đất Quảng với Cách mạng tháng 8 năm 1945”. Bảo tàng Đà Nẵng. 2 tháng 9 năm 2020. Truy cập ngày 12 tháng 1 năm 2021.
  27. ^ Nguyễn Hữu Mươi (2000), tr. 53
  28. ^ Nguyên Ngọc (2004). Tìm hiểu con người xứ Quảng. Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam. tr. 129. OCLC 135785017. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 11 tháng 1 năm 2021.
  29. ^ a b Bùi Văn Tiến (17 tháng 8 năm 2019). “74 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19-8-1945 – 19-8-2019): Người Bí thư Thành ủy Đà Nẵng trong Cách mạng Tháng Tám”. Báo Đà Nẵng. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 9 năm 2019. Truy cập ngày 11 tháng 1 năm 2021.
  30. ^ Hội đồng biên soạn lịch sử (1995). Nguyễn Phụng Minh (biên tập). Nam Trung Bộ kháng chiến 1945-1975 (ấn bản thứ 2). Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia. tr. 57. OCLC 34973785.
  31. ^ Đỗ Trưởng; Khoa Chương (9 tháng 8 năm 2019). “Tưởng nhớ, tri ân những đóng góp to lớn của nhà cách mạng Huỳnh Ngọc Huệ”. Báo Tin tức. TTXVN. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 17 tháng 1 năm 2021.
  32. ^ Văn Trinh (8 tháng 8 năm 2019). “Huỳnh Ngọc Huệ - con người của tài năng và nhân cách”. Trung Tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình huyện Đại Lộc. Truy cập ngày 11 tháng 1 năm 2021.[liên kết hỏng]
  33. ^ Lưu Anh Rô (11 tháng 8 năm 2019). “Huỳnh Ngọc Huệ với phong trào cách mạng thành phố Đà Nẵng”. Báo Đà Nẵng điện tử. Truy cập ngày 12 tháng 1 năm 2021.
  34. ^ a b Dương Phước Thu (4 tháng 10 năm 2019). “Nhà cách mạng Huỳnh Ngọc Huệ và câu nói: "Hồ Chủ tịch - người cha già của dân tộc Việt Nam". Tạp chí Sông Hương. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 2 năm 2020. Truy cập ngày 11 tháng 1 năm 2021.
  35. ^ Nguyễn Hữu Mươi (2000), tr. 50
  36. ^ Bích Liên (14 tháng 5 năm 2016). “Huỳnh Ngọc Huệ với quê hương”. Báo Quảng Nam điện tử. Truy cập ngày 11 tháng 1 năm 2021.
  37. ^ Nguyễn Duy Trinh (2003), tr. 132
  38. ^ Phan Long (1985). Quảng Nam-Đà Nẵng, 30 năm chiếu đấu và chiến thắng - Tập 1: 1945-1954. Hà Nội: Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. tr. 63. OCLC 40345810. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 12 tháng 1 năm 2021.
  39. ^ Hồng Hạnh (17 tháng 12 năm 2016). “Trung đoàn 96: Lá chắn của Đà Nẵng mùa Đông năm 1946”. Báo điện tử Chính phủ. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 12 tháng 1 năm 2021.
  40. ^ Trần Văn Trà (2006). Miền Nam thành đồng: đi trước về sau. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. tr. 392. OCLC 181373329. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 12 tháng 1 năm 2021.
  41. ^ Đảng bộ huyện Đại Lộc (2000), tr. 316
  42. ^ Đảng bộ huyện Đại Lộc (2000), tr. 443
  43. ^ Vu Gia (2005). Địa chí Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Nhà xuất bản Đà Nẵng. tr. 516. OCLC 951207010. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 12 tháng 1 năm 2021.
  44. ^ Trần Hoàng Kim (1996). Kinh Tế Việt Nam, Chặng Đường 1945-1995 Và Triển Vọng Đến Năm 2020. Nhà xuất bản Thống kê. tr. 35. OCLC 776878444.
  45. ^ Nhiều tác giả (2009). Trường cao đẳng công nghiệp Huế: 110 năm xây dựng & phát triển. Nhà xuất bản Lao động - Xã hội. tr. 9. OCLC 952003182. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 12 tháng 1 năm 2021.
  46. ^ Viện Lịch sử Đảng (1999), tr. 53

Nguồn

Liên kết ngoài