Doraemon tại Việt NamDoraemon là series manga Nhật Bản được sáng tác bởi họa sĩ Fujiko F. Fujio dành cho thiếu nhi vào năm 1969. Tác phẩm kể về một chú mèo máy từ thế kỉ 22 với những bảo bối thần kì trở về quá khứ giúp cậu bé Nobita cải thiện cuộc sống. Sau đó tác phẩm được chuyển thể thành phim hoạt hình, trò chơi điện tử, nhạc kịch... và được xuất sang nhiều quốc gia trên thế giới. Vào cuối năm 1992, tác phẩm được Nhà xuất bản Kim Đồng mang về Việt Nam và đến năm 1996 thì xuất bản có bản quyền dưới nhan đề Đôrêmon. Từ năm 2010, tác phẩm được được tái phát hành dưới nhan đề mới Doraemon trên tinh thần bám sát nguyên tác. Riêng với anime và điện ảnh, series được trình chiếu có bản quyền trên kênh truyền hình HTV3 từ năm 2010 đến năm 2022 với nhiều tập phim đã lên sóng. Bắt đầu từ năm 2013, Megastar (nay là CJ CGV) chính thức mang loạt phim điện ảnh trình chiếu trên màn ảnh rộng. Manga
Doraemon được Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản lần đầu tiên từ cuối năm 1992 (với tham khảo từ bản tiếng Thái), khi chưa được phép của tác giả. Ngày 11/12/1992 được coi là "ngày sinh" của Doraemon tại Việt Nam.[1] Năm 1996 Nhà xuất bản Kim Đồng chính thức thương lượng được bản quyền của Doraemon từ Nhà xuất bản Shogakukan. Tại Việt Nam, nhà xuất bản Kim Đồng là nhà xuất bản duy nhất được chuyển nhượng bản quyền, phát hành bản tiếng Việt của tất cả các phiên bản của Doraemon. Trong phiên bản truyện tại Việt Nam, tên các nhân vật được "Việt hóa" một phần,[2] và được gắn các biệt danh Mèo ú Đôrêmon, Nôbita hậu đậu, Chaien lồi rốn hay Xêkô mỏ nhọn. Một chuyên mục nhỏ ở cuối truyện mang tên "Văn phòng Đôrêmon" xuất hiện từ tập 16,[1] thông qua "Thông tấn xã Nôbita" tương tác với độc giả. Bộ truyện cũ được cho là đã bỏ qua một số chi tiết, hoặc một số chỗ dịch chưa chuẩn xác.[2] Theo công ước Bern, Nhà xuất bản Kim Đồng đã ngưng việc xuất bản đầu sách có tựa đề Đôrêmon và thay thế bằng phiên bản mới mang tên Doraemon phát hành lần đầu vào ngày 29/05/2010, trong đó tên các nhân vật được phiên âm rōmaji, đọc từ phải sang trái như phiên bản tại Nhật, nội dung truyện cũng được dịch sát hơn.[3] Tập Nobita Tây du ký chỉ được ra mắt dưới dạng hai tập truyện tranh màu.[4][5] Từ năm 2005 đến nay một số truyện được chuyển thể từ seri mới tuy chưa được ra mắt nhưng đã có kế hoạch ra dưới hình thức các tập truyện tranh màu, riêng tập Nobita và người khổng lồ xanh bị in lậu bởi Nhà xuất bản Đà Nẵng với tựa đề Mèo máy thông minh và đã được thu hồi.[6]
Anime và phim điện ảnhTrong thập niên 1990 một số tập đầu của xê-ri anime 1979 đã được được phát hành tại Việt Nam bởi Công ty Điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh (nay là Công ty Cổ phần Truyền thông-Điện ảnh Sài Gòn) và Hãng phim Phương Nam dưới dạng băng VHS và VCD mà chủ yếu là mua lại từ bản lồng tiếng Trung Quốc. Đến thập niên 2000, các tập này tiếp tục đươc phát sóng trên các truyền hình như VTV1 (lồng tiếng Việt giọng miền Bắc) và VTC1. Từ năm 2010, các tập tiếp theo của loạt phim được mua bản quyền trình chiếu trên kênh HTV3 với phiên bản lồng tiếng Việt bao gồm 185 tập mỗi tập gồm 2 câu chuyện khác nhau chủ yếu là các tập sản xuất từ năm 1990 trở đi. Kể từ tháng 12 năm 2015, kênh HTV3 bắt đầu trình chiếu các tập thuộc xê-ri 2005. Về sau các tập phát sóng trên HTV3 được POPS Worldwide phát hành lại trên nền tảng kĩ thuật số.[7] Cuối thập niên 1990 và đầu thập niên 2000, một số tập phim điện ảnh Doraemon cũng đã được phát hành tại Việt Nam, thuyết minh bởi Công ty Điện ảnh TPHCM và phát hành bởi Hãng phim Phương Nam. Với nhiệm vụ Đại sứ của Doraemon, phim Nobita no Kyōryū 2006 được trình chiếu tại Liên hoan phim Nhật Bản ngày 11 tháng 10 năm 2008.[8] Trong năm 2012 và 2013, loạt phim điện ảnh Doraemon trở lại Việt Nam do TVM Corp. sản xuất với phiên bản lồng tiếng Việt phát sóng trên kênh HTV3 bắt đầu từ phim Nobita và hành tinh muông thú đến Nobita và binh đoàn người sắt (ngoại trừ các phim từ năm 1995 đến 1998).[9] Cuối năm 2013, Megastar (CJ CGV Vietnam) chính thức mang loạt phim điện ảnh Doraemon về Việt Nam chiếu rạp với phim mở đầu là Nobita và viện bảo tàng bảo bối. Cuối năm 2017, Purpose Media tiếp nối trình chiếu Nobita và hòn đảo diệu kì - Cuộc phiêu lưu của loài thú đồng thời trình chiếu lại các bộ phim đã chiếu rạp từ năm 2013 đến 2015. Tagger (một đại lý của Animation Int'l) là đơn vị chịu trách nhiệm cấp phép bản quyền cho Doraemon tại Việt Nam từ năm 2013, trước đó là Umezawa.[10][11][12]
Đón nhậnBộ sách lập tức thành sự kiện của ngành xuất bản Việt Nam năm 1992 khi chỉ sau một tuần, bốn tập truyện Doraemon (mỗi tập 108 trang) đã bán hết 40.000 bản.[13] Tại đại hội phát hành sách 1993, Bộ Văn hóa đã đánh giá việc ra bộ sách Đôrêmon là sự kiện chấn động đối với việc lành mạnh hóa thị hiếu của thiếu nhi, cả thanh niên và người lớn.[1] Tính cho đến năm 2006 đã có khoảng 40 triệu[14] đến 50 triệu bản[15] Doraemon được phát hành tại Việt Nam, một kỉ lục về xuất bản của truyện tranh nước ngoài tại thị trường Việt Nam[14]. Bộ truyện đã để lại dấu ấn trong lòng nhiều thế hệ độc giả. Doraemon cũng xuất hiện trong nhiều hoạt động văn hóa[16][17], nhân vật Doraemon cũng là Đại sứ văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam. Tác giả Fujiko F. Fujio được Bộ văn hóa thông tin Việt Nam trao tặng huy chương "Chiến sĩ văn hóa" vào năm 1996 do đã đóng góp vào công tác giáo dục trẻ em qua truyện Doraemon.[18] Quỹ học bổng Doraemon (quỹ hỗ trợ giáo dục trẻ Việt Nam) do ông Nguyễn Thắng Vu và tác giả Fujiko Fujio sáng lập ngày 31 tháng 8 năm 1996, với số tiền ban đầu là 1 tỷ đồng, từ số tiền bản quyền trong ba năm từ 1992 đến 1995 (do chính tác giả Fujimoto Hiroshi trao tặng) và một phần lợi nhuận từ việc phát hành bộ truyện, nhà xuất bản Kim Đồng.[15] Quỹ Doraemon liên tục được bổ sung hằng năm từ lợi nhuận của việc xuất bản Doraemon. Đến năm 2010, tổng số vốn của quỹ lên đến 4 tỷ đồng, quỹ này đã trao trên 6000 suất học bổng cho các học sinh nghèo trên khắp Việt Nam.[2] Ông Nguyễn Thắng Vu đã trao tặng cho quỹ học bổng này 1 tỷ đồng tiền cá nhân trong khoảng thời gian bệnh ung thư trở nặng trước lúc qua đời.[19] Đến năm 2017, quỹ đã trao hơn 10000 học bổng với trị giá trên 7 tỷ đồng. Quỹ Doraemon được đánh giá là một quỹ văn hóa - giáo dục phi chính phủ vào loại sớm nhất ở Việt Nam.[20] Bộ truyện nằm trong top 10 sách được yêu thích trong lễ trao giải Giải thưởng Fahasa 2018.[21] Ảnh hưởngĐầu năm 2011, phong trào chế truyện Doraemon nở rộ trên cộng đồng mạng Việt Nam.[22] Nhiều hội chế truyện trên các mạng xã hội, các diễn đàn được thành lập, các cuộc thi chế được tổ chức. Nội dung của các truyện chế xoay quanh nhiều vấn đề mang tính thời sự, những câu chuyện thường ngày trong cuộc sống và những quan điểm của giới trẻ dưới góc nhìn hóm hỉnh. Nhiều video clip âm nhạc chế truyện Doraemon cũng lần lượt xuất hiện. Vào tháng 9 năm 2012, công ty Ajinomoto Việt Nam đã lấy hình ảnh Doraemon vào quảng cáo sản phẩm Aji-Mayo của công ty này. Cùng năm, lễ hội "Doraemon và những người bạn" đã diễn ra tại Thảo Cầm Viên, Thành phố Hồ Chí Minh do Nhà Xuất bản Kim Đồng tổ chức để kỷ niệm 20 năm "Mèo ú đến Việt Nam".[23] Doraemon còn là đề tài cho MV ca nhạc Mình yêu nhau đi của ca sĩ Bích Phương nhân dịp Valentine. Nội dung video ca nhạc xoay quanh mối tình giữa cặp đôi có ngoại hình đối lập qua trung gian là những cuốn manga Doraemon bởi cả hai đều có cùng sở thích. Nội dung này được các bạn trẻ gọi là Mối tình Doraemon.[24] Năm 2015, Acecook hợp tác với Tagger cho ra mắt sản phẩm mì ăn liền Doraemon. Từ năm 2016, Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Giao thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo của Việt Nam cùng với Tập đoàn Mainichi Nhật Bản đã hợp tác với nhau phát động chương trình "Doraemon với An toàn giao thông" nhằm tuyên truyền phổ biến, giáo dục Trật tự an toàn giao thông cho trẻ em Việt Nam.[25] Dế Rôbốt Nhân tài ảo thuật là một loạt truyện tranh Việt Nam được xuất bản bởi công ty Phan Thị. Do hình thức xây dựng câu chuyện có nhiều điểm tương đồng với Doraemon nên được cho là đạo nhái.[26] Sau khi truyện vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận, nhóm tác giả lên tiếng thừa nhận rằng tác phẩm đã học hỏi từ Doraemon nhưng trên nguyên lý "Innovation".[27] Một đoạn nhạc chế từ năm 2019 về các nhân vật trong Doraemon do Lê Dương Bảo Lâm thể hiện trong chương trình Sàn đấu ca từ trở nên phổ biến vào năm 2022 dù bị chỉ trích phản cảm.[28] Chú thích
Liên kết ngoài
|