Trong khoáng vật học, hình dạng và kích thước được sử dụng để mô tả cho các kiểu (còn gọi là dạng thường hay tập tính) phát triển của các tinh thể thường gặp nhất, hay các tinh thể xuất hiện phổ biến của mỗi khoáng vật.
Dạng thường tinh thể hay tập tính tinh thể là hình dạng bên ngoài đặc trưng của một tinh thể đơn lẻ hay của một nhóm tinh thể. Dạng thường tinh thể phụ thuộc vào dạng tinh thể học và các điều kiện phát triển, nói chung tạo ra các bất thường do không gian hạn hẹp của môi trường kết tinh, điều thường thấy trong các loại đá.[1][2]
Một số thuật ngữ được các nhà khoáng vật học sử dụng dùng để mô tả các dạng thường tinh thể rất hữu dụng để phân biệt các khoáng vật gần giống nhau. Việc phân biệt một số dạng thường giúp các nhà khoáng vật học xác định một lượng lớn các khoáng vật. Một số dạng thường chỉ đặc trưng cho một số loại khoáng vật, mặc dù hầu hết các khoáng vật tồn tại ở một số dạng thường khác nhau (sự hình thành các dạng thường đặc biệt được xác định bởi các điều kiện cụ thể trong quá trình khoáng vật đó kết tinh). Dạng thường tinh thể thường bị nhầm lẫn khi cấu trúc bên trong tinh thể không thể hiện rõ.
Các yếu tố ảnh hưởng đến dạng thường tinh thể bao gồm: sự kết hợp của hai hay nhiều dạng tinh thể; các tạp chất trong quá trình phát triển tinh thể; song tinh và các điều kiện phát triển tinh thể (như nhiệt độ, áp suất, không gian) cũng như các điều kiện phát triển cụ thể, như sự tạo khía. Các khoáng vật thuộc cùng một hệ tinh thể không nhất thiết phải có cùng một dạng thường. Một số dạng thường của khoáng vật là duy nhất đối với các biến thể của nó cũng như tùy theo khu vực: ví dụ như hầu hết sa phia kết tinh ở dạng hình thùng thuôn dài, nhưng các tinh thể tìm thấy ở Montana lại có hình bảng mập. Dạng bảng mập thường chỉ có thể thấy ở ruby. Cả ruby và saphia đều là các biến thể của corundum.
Một số khoáng vật có thể thay thế các khoáng vật có trước nhưng vẫn giữ được dạng nguyên thủy của chúng: quá trình này gọi là sự thay thế đồng hình. Ví dụ phổ biến nhất là trong thạch anhđá mắt hổ thì amiăng của crocidolit được thay thế bằng silica. Trong khi thạch anh ở dạng tự hình (euhedral) thường tạo ra các tinh thể thuôn dài giống hình lăng trụ, thì dạng sợi nguyên thủy của crocidolit được bảo tồn trong đá mắt hổ.
Việc công nhận dạng thường tinh thể có thể hỗ trợ trong việc nhận dạng và mô tả khoáng vật, do dạng thường tinh thể là biểu hiện bề ngoài của sắp xếp nguyên tử có trật tự nội tại.[1] Tuy nhiên, phần lớn các tinh thể tự nhiên lại không thể hiện các dạng thường lý tưởng và nói chung bị biến dạng. Vì thế, điều cũng rất quan trọng là mô tả chất lượng của hình dạng của mẫu khoáng vật:
Tự hình (tiếng Anh: euhedral, idiomorphic, automorphic; tiếng Trung: 自形): Tinh thể có giới hạn toàn bộ bằng các mặt đặc trưng của nó, được tạo hình dạng tốt;
Á tự hình (tiếng Anh: subhedral, hypidiomorphic, hypautomorphic, tiếng Trung: 亚自形): Tinh thể có giới hạn một phần bằng các mặt đặc trưng của nó cũng như một phần bằng các bề mặt bất thường;
Tha hình (tiếng Anh: anhedral, xenomorphic, allotriomorphic; tiếng Trung: 它形): Tinh thể không có bất kỳ mặt đặc trưng nào, bị biến dạng hoàn toàn.
Tự nó không là một một dạng thường tinh thể, mà là một điều kiện trong số các đường nét có thể phát triển trên các mặt tinh thể nhất định trên một số khoáng vật nào đó. Trên mặt tinh thể có các vết khía nằm trong mặt phẳng vuông góc với phương phát triển tinh thể.
^ abCornelis Klein, 2007. Minerals and Rocks: Exercises in Crystal and Mineral Chemistry, Crystallography, X-ray Powder Diffraction, Mineral and Rock Identification, and Ore Mineralogy. Wiley, ấn bản lần 3, ISBN978-0471772774.
^Hans-Rudolph Wenk & Andrei Bulakh, 2004. Minerals: Their Constitution and Origin. Cambridge, ấn bản lần 1, ISBN978-0521529587.