Chi Tràm

Tràm
Minh họa của tràm lá dài (Melaleuca leucadendra) vào thế kỷ 19
Phân loại khoa học
Giới (regnum)Plantae
(không phân hạng)Angiospermae
(không phân hạng)Eudicots
(không phân hạng)Rosids
Bộ (ordo)Myrtales
Họ (familia)Myrtaceae
Chi (genus)Melaleuca
L.
Các loài

Chi Tràm (danh pháp khoa học: Melaleuca) là một chi thực vật có hoa trong họ Đào kim nương (Myrtaceae). Theo các ước tính khác nhau chi này chứa 220-236 loài, tất cả đều có mặt tại Úc với phần lớn các loài (khoảng 230) là đặc hữu của Úc, các loài còn lại có ở Malaysia, Indonesia, New Guinea, quần đảo SolomonNouvelle-Calédonie.

Đặc điểm

Tùy theo loài mà chúng có thể là cây bụi hay cây thân gỗ, cao tới 2–30 m, thông thường với lớp vỏ cây dễ tróc. Lá của chúng là thường xanh, mọc so le, hình trứng hay mũi mác, dài 1–25 cm và rộng 0,5–7 cm, mép lá nhẵn, màu xanh lục sẫm hay xanh xám. Hoa mọc thành cụm dày đặc dọc theo thân, mỗi hoa với các cánh hoa nhỏ và một chùm nhị mọc dày dặc; màu hoa từ trắng tới hồng, đỏ, vàng nhạt hay ánh lục. Quả là dạng quả nang nhỏ chứa nhiều hạt nhỏ.

Chi Melaleuca có quan hệ họ hàng gần với chi Callistemon, khác biệt chính giữa hai chi là các nhị hoa nói chung rời ở Callistemon nhưng mọc thành chùm ở Melaleuca.

Trong tự nhiên, các loài Melaleuca nói chung được tìm thấy trong các rừng thưa, rừng gỗ hay vùng đất có cây bụi, cụ thể là dọc theo các dòng suối và rìa các đầm lầy.

Một loài tràm khá nổi tiếng là cây tràm trà (Melaleuca alternifolia, tiếng Anh gọi là "Tea tree", một số tài liệu dịch thành cây trà, dễ gây nhầm lẫn với các loài trong chi Camellia), là đáng chú ý vì tinh dầu của nó có tác dụng kháng sinh và kháng khuẩn, trong khi vẫn an toàn trong sử dụng đối với các ứng dụng đắp ngoài da. Nó được sản xuất ở quy mô thương mại, và được tung ra thị trường dưới tên gọi Tea Tree Oil. Cây tràm trà trên thực tế không dùng làm trà uống, nhưng có lẽ được đặt tên như vậy là do màu nâu của nhiều nguồn nước do lá rụng của loài này cũng như của các loài tương tự gây ra, ví dụ nổi tiếng xem hồ Brown (đảo Stradbroke)). Tên gọi "tràm trà" cũng được sử dụng cho chi có quan hệ họ hàng là Leptospermum. Cả Leptospermum và Melaleuca trên thực tế đều là các loại cây dạng sim của họ Myrtaceae.

Tại Australia, các loài Melaleuca đôi khi bị ấu trùng của các loài sâu bướm trong họ Hepialidae (chủ yếu là chi Aenetus như A. ligniveren) phá hại. Chúng đào bới thân cây theo đường nằm ngang rồi sau đó theo chiều dọc xuống phía dưới.

Melaleuca là các cây trồng phổ biến trong vườn ở cả Australia và các khu vực nhiệt đới khác trên khắp thế giới. Tại các đầm lầy ở HawaiiFlorida, Melaleuca quinquenervia (tràm lá rộng) đã được đưa vào nhằm hỗ trợ cải tạo hệ thống thoát nước của các khu vực trũng đầm lầy. Tuy nhiên, kể từ đó nó đã trở thành loài xâm hại nguy hiểm. Quần thể tràm đã gần như tăng lên gấp 4 lần ở miền nam Florida trong một thập kỷ, như được ghi chú trong SRFer Mapserver Lưu trữ 2007-09-07 tại Wayback Machine của IFAS.

Các loài

Có hơn 200 loài tràm được công nhận, phần lớn trong số chúng là loài đặc hữu của Úc.[1] Một số ít loài có mặt ở Malesia và 7 loài đặc hữu của New Caledonia.[1][2] Dưới đây là danh sách các loài:

Sử dụng

Truyền thống

Bông (hoa) tràm lá dài

Thổ dân Úc sử dụng lá tràm cho nhiều mục đích y học, như nhai lá non để giảm đau đầu hay cho các mục đích chữa trị khác.

Độ mềm và dẻo của tràm làm cho nó trở thành cây cực kỳ hữu ích cho thổ dân Australia. Nó được dùng để lớp lót coolamon (một kiểu đồ đựng của thổ dân Úc) khi dùng như là chiếc nôi cho trẻ em, cũng như để làm băng trong băng bó vết thương, chiếu ngủ hay trong vai trò của vật liệu xây dựng các túp lều. Nó cũng được dùng để bao gói thực phẩm khi nấu nướng (tương tự như các tấm nhôm lá mỏng ngày nay), hay làm áo mưa dùng một lần, cũng như để chèn các lỗ hổng trong xuồng canoe. Trong ngôn ngữ Gadigal, nó được gọi là Bujor.[3]

Hiện đại

Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng tinh dầu từ cây tràm trà (Melaleuca alternifolia) có tính kháng khuẩn và kháng sinh hiệu quả cao trong điều trị dạng thuốc đắp, mặc dù nó có thể gây ngộ độc khi sử dụng dưới dạng thuốc uống với liều lượng lớn hay khi người bệnh là trẻ em. Trong một vài trường hợp, các sản phẩm thuốc đắp có thể bị hấp thụ theo đường da và gây ra ngộ độc.

Tinh dầu tràm có thể được tìm thấy trong các dung dịch hữu cơ cho các loại dược phẩm mà được tuyên bố là có thể loại bỏ các dạng mụn cóc, như virus u nhú ở người. Tuy nhiên, chưa có chứng cứ khoa học nào chứng minh cho tuyên bố này ("Forces of Nature: Warts No More").

Tinh dầu tràm là thành phần hoạt hóa trong Burn-Aid, một loại thuốc phổ biến để sơ cứu các vết bỏng nhỏ.

Tinh dầu tràm trà cũng được sử dụng trong nhiều loại thuốc chữa bệnh cho cá cảnh (chẳng hạn Melafix và Bettafix) để xử lý nhiễm khuẩn và nhiễm nấm. Bettafix là dung dịch loãng của dầu tràm trà trong khi Melafix là dung dịch đặc hơn. Chúng được sử dụng chủ yếu để gia tăng tái phát triển vây và mô. Các loại thuốc này hay dùng cho cá chọi Xiêm nhưng cũng có thể dùng cho các loài cá khác.

Xâm hại

Một loài tràm là tràm lá rộng (Melaleuca quinquenervia) được du nhập Florida (Hoa Kỳ) vào đầu thế kỷ 20 để giúp mở rộng đất đai bằng cách rút nước các đầm lầy. Cây này cũng được trồng lấy bóng mát trong vườn. Không ngờ, tràm lá rộng mọc lan thành khóm dày đặc, ganh đua với thảm thực vật bản địa và gây thiệt hại môi sinh, nhất là vũng lầy khoảng 391.000 mẫu Anh ở phía nam Florida. Cây này nay bị liệt trong danh sách các loài xâm hại nguy hiểm, nên bị ngăn cấm của DEP.[4]

Ảnh

Chú thích

  1. ^ a b Craven, Lyn. “Melaleuca group of genera”. Centre for Plant Biodiversity Research. Truy cập ngày 8 tháng 4 năm 2008.
  2. ^ “Genre Melaleuca L.”. Endémía - Faune & Flore de Nouvelle-Calédonie. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 12 năm 2014. Truy cập ngày 8 tháng 4 năm 2008.
  3. ^ “aboriginal_bush_foods”. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 5 năm 2006. Truy cập ngày 13 tháng 10 năm 2007.
  4. ^ “Melaleuca”. Plant Conservation Alliance's Alien Plant Working Group Least Wanted. National Park Service (United States). ngày 27 tháng 6 năm 2006. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2007.

Xem thêm

Liên kết ngoài