Akebono (tàu khu trục Nhật) (1930)

Akebono
Tàu khu trục Akebono trên đường đi, ngày 29 tháng 7 năm 1936
Lịch sử
Nhật Bản
Tên gọi Akebono
Đặt hàng Năm tài chính 1923
Xưởng đóng tàu Fujinagata Shipyards
Số hiệu xưởng đóng tàu Tàu khu trục số 52
Đặt lườn 25 tháng 11 năm 1929
Hạ thủy 7 tháng 11 năm 1930
Nhập biên chế 31 tháng 7 năm 1931
Xóa đăng bạ 10 tháng 1 năm 1945
Số phận Bị không kích đánh chìm tại Cavite, Philippines, 14 tháng 11 năm 1944
Đặc điểm khái quát
Lớp tàu Lớp tàu khu trục Fubuki[1]
Trọng tải choán nước
  • 1.750 tấn (tiêu chuẩn)
  • 2.050 tấn (tái tạo)
Chiều dài
  • 115,3 m (378 ft) (mực nước)
  • 118,4 m (388 ft 6 in) (chung)
Sườn ngang 10,4 m (34 ft 1 in)
Mớn nước 3,2 m (10 ft 6 in)
Động cơ đẩy
  • 2 × turbine hộp số Kampon
  • 4 × nồi hơi
  • 2 × trục
  • công suất 50.000 mã lực (37,3 MW)
Tốc độ 70 km/h (38 knot)
Tầm xa 9.200 km ở tốc độ 26 km/h (5,000 hải lý ở tốc độ 14 knot)
Thủy thủ đoàn tối đa 219
Vũ khí

Akebono (tiếng Nhật: 曙) là một tàu khu trục hạng nhất của Hải quân Đế quốc Nhật Bản, thuộc lớp Fubuki bao gồm hai mươi bốn chiếc, được chế tạo sau khi Chiến tranh Thế giới thứ nhất kết thúc. Khi được đưa vào hoạt động, những con tàu này là những tàu khu trục mạnh mẽ nhất thế giới.[2] Chúng phục vụ như những tàu khu trục hàng đầu trong những năm 1930, và tiếp tục là những vũ khí lợi hại trong cuộc Chiến tranh Thái Bình Dương. Akebono là một cựu binh từng tham gia một số trận chiến trong những năm đầu của chiến tranh trước khi bị không kích đánh chìm tại Cavite, Philippines, vào ngày 14 tháng 11 năm 1944 trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Thiết kế và chế tạo

Việc chế tạo lớp tàu khu trục Fubuki tiên tiến được chấp thuận vào năm tài chính 1923 như một phần của chương trình có tham vọng cung cấp cho Hải quân Đế quốc Nhật Bản một ưu thế về chất lượng so với những tàu chiến hiện đại nhất của thế giới.[3] Khả năng thể hiện của lớp Fubuki là một bước nhảy vọt so với các thiết kế tàu khu trục trước đó, nên chúng được gọi là các"tàu khu trục đặc biệt"(tiếng Nhật: 特型 - Tokugata). Kích thước lớn, động cơ mạnh mẽ, tốc độ cao, bán kính hoạt động lớn và vũ khí trang bị mạnh chưa từng có khiến cho các tàu khu trục này có được hỏa lực tương đương nhiều tàu tuần dương hạng nhẹ của hải quân các nước khác.[4] Akebono, được chế tạo tại hãng đóng tàu Fujinagata Shipyards tại Osaka, là chiếc thứ tám của một loạt tàu được cải tiến, bao gồm kiểu tháp pháo có thể nâng các khẩu pháo chính 127 mm (5 inch)/50 caliber Kiểu 3 lên một góc 75° so với nguyên thủy 40°, cho phép sử dụng chúng như pháo lưỡng dụng có thể chống lại máy bay.[3]

Akebono được đặt lườn vào ngày 25 tháng 10 năm 1929. Nó được hạ thủy vào ngày 7 tháng 11 năm 1930 và đưa ra hoạt động vào ngày 31 tháng 7 năm 1931.[5] Nguyên được dự định mang số hiệu đơn giản là"Tàu khu trục số 52", nó được hoàn tất dưới tên gọi Akebono.

Lịch sử hoạt động

Khi hoàn tất, Akebono được phân về Hải đội Khu trục 7 thuộc Hạm đội 2 Hải quân Đế quốc Nhật Bản. Trong cuộc Chiến tranh Trung-Nhật, từ năm 1937, Akebono hỗ trợ cho các cuộc đổ bộ lực lượng Nhật Bản lên Thượng HảiHàng Châu. Từ năm 1940, nó được phân công tuần tra dọc theo bờ biển và hỗ trợ cho việc đổ bộ lên miền Nam Trung Quốc, và sau đó là việc chiếm đóng Đông Dương thuộc Pháp.

Vào lúc xảy ra cuộc tấn công Trân Châu Cảng, Akebono được phân về Hải đội Khu trục 7 thuộc Không hạm đội 1 Hải quân Đế quốc Nhật Bản, nhưng đã không thể tham gia cuộc tấn công do một chân vịt bị hư hại, và được giữ lại làm lực lượng dự bị tại vùng biển Nội địa như một tàu bảo vệ.

Công việc sửa chữa hoàn tất vào giữa tháng 1 năm 1942, và Akebono nằm trong thành phần hộ tống cho các tàu sân bay HiryūSōryū trong cuộc không kích xuống Ambon. Sau đó nó nằm trong thành phần hộ tống cho các tàu tuần dương NachiHaguro trong cuộc tấn công của lực lượng Nhật Bản nhằm chiếm đóng Đông Ấn thuộc Hà Lan. Vào ngày 1 tháng 3, trong trận chiến biển Java Sea, Akebono đã trợ giúp vào việc đánh chìm HMS Exeter, HMS EncounterUSS Pope.[6] Nó quay trở về xưởng hải quân Yokosuka để sửa chữa vào cuối tháng 3.

Vào cuối tháng 4, Akebono hộ tống cho các tàu tuần dương MyōkōHaguro đến Truk, rồi sau đó gia nhập lực lượng của Đô đốc Takeo Takagi tham gia Trận chiến biển Coral.[7] Vào cuối tháng 5, nó hộ tống tàu sân bay Zuikaku từ Truk quay trở về xưởng hải quân Kure.

Trong thời gian diễn ra trận Midway vào đầu tháng 6, Akebono tham gia lực lượng tấn công cảng Dutch, Alaska trong Chiến dịch quần đảo Aleut, rồi quay trở về Yokosuka vào đầu tháng 7. Ngày 14 tháng 7, Akebono được điều về Hạm đội Liên hợp, và đã hộ tống thiết giáp hạm Yamato và tàu sân bay Taiyō trong trận chiến Đông Solomon vào ngày 24 tháng 8. Akebono tiếp tục tháp tùng Taiyō cho đến tháng 9, rồi cho tàu sân bay Unyō từ tháng 10 năm 1942 đến tháng 2 năm 1943. Cho đến hết năm 1943, Akebono tiếp tục phục vụ như là tàu hộ tống cho Unyō, Taiyō, Ryūhō, Zuihō hoặc Junyō trong nhiều hoạt động khác nhau khắp Thái Bình Dương, ngoại trừ một giai đoạn trong tháng 12 khi nó được phân công một số chuyến đi vận chuyển"Tốc hành Tokyo"tại khu vực quần đảo Solomon.[8]

Vào ngày 1 tháng 1 năm 1944, Akebono được phân về Hạm đội 5 Hải quân Đế quốc Nhật Bản. Vào ngày 14 tháng 1, nó đã vớt 89 người sống sót từ tàu khu trục chị em Sazanami trên đường đi đến Truk. Quay trở về Yokosuka vào ngày 25 tháng 1 để sửa chữa và tái trang bị, sau đó nó được điều về Quân khu Bảo vệ Ōminato và thực hiện việc tuần tra tại các vùng biển phía Bắc cho đến tháng 10. Tuy nhiên, do hoàn cảnh tồi tệ cho phía Nhật Bản tại Philippine, trong trận chiến vịnh Leyte nó được tái bố trí vào Lực lượng nghi binh của Đô đốc Kiyohide Shima tham gia trận chiến eo biển Surigao vào ngày 24 tháng 10. Ngày hôm sau, Akebono vớt khoảng 700 người sống sót từ chiếc tàu tuần dương hạng nặng Mogami đã bị hư hại nặng, rồi sau đó đánh chìm nó bằng một quả ngư lôi.[9]

Ngày 13 tháng 11 năm 1944, trong khi cùng với tàu khu trục Akishimo neo đậu tại Cavite gần Manila, Akebono bị máy bay Không lực Mỹ tấn công. Những quả bom ném trúng đích khiến cả hai bốc cháy; vào ngày hôm sau, một vụ nổ trên chiếc Akishimo đã làm thủng một lỗ trên lườn tàu Akebono, khiến nó chìm thẳng đứng tại vùng nước nông, ở tọa độ 14°35′B 120°55′Đ / 14,583°B 120,917°Đ / 14.583; 120.917, cùng làm 48 thành viên thủy thủ đoàn thiệt mạng và 43 người khác bị thương.[10]

Ngày 10 tháng 1 năm 1945, Akebono được rút khỏi danh sách Đăng bạ Hải quân.[5]

Danh sách thuyền trưởng

Tham khảo

Chú thích

  1. ^ Các đặc tính lấy từ: Fitzsimons, Bernard, ed. Illustrated Encyclopedia of 20th Century Weapons and Warfare (London: Phoebus, 1978), Volume 10, trang 1040-1041,"Fubuki".
  2. ^ Globalsecurity.org. “IJN Fubuki class destroyers”.
  3. ^ a b F Fitzsimons, Illustrated Encyclopedia of 20th Century Weapons and Warfare (London: Phoebus, 1977), Volume 10, trang 1040.
  4. ^ Peattie & Evans, Kaigun, trang 221-222.
  5. ^ a b Nishidah, Hiroshi (2002). “Fubuki class 1st class destroyers”. Materials of the Imperial Japanese Navy. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 7 năm 2012. Truy cập ngày 9 tháng 10 năm 2010.
  6. ^ Brown. Warship Losses of World War II
  7. ^ Morison. Coral Sea, Midway and Submarine Actions, May 1942-August 1942.
  8. ^ Nevitt, Allyn D. (1997). “IJN Akebono: Tabular Record of Movement”. Long Lancers. Combinedfleet.com. CombinedFleet.com Bản gốc Kiểm tra giá trị |url= (trợ giúp) lưu trữ ngày 20 tháng 9 năm 2010. Truy cập ngày 9 tháng 10 năm 2010.
  9. ^ Morison. Leyte, June 1944-January 1945,
  10. ^ D’Albas. Death of a Navy: Japanese Naval Action in World War II.

Thư mục

Liên kết ngoài