Vụ bê bối sữa Trung Quốc năm 2008 là một vụ bê bối về an toàn thực phẩm xảy ra tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, trong đó sữa và sữa bột trẻ em đã bị lẫn hóa chấtmelamine. Vụ bê bối này đã ảnh hưởng đến nhiều nước khác bởi các sản phẩm chứa sữa nhiễm bẩn nhập từ Trung Quốc. Đến ngày 22 tháng 9, người ta đã thống kê được gần 53.000 trẻ em đã bị bệnh, hơn 12.800 trẻ phải nằm viện, và 4 trẻ bị chết, với nguyên nhân là sỏi thận và suy thận.[1][2] Chất hóa học đã được trộn vào sữa để làm cho sữa có vẻ có độ đạm cao hơn. Cũng chất hóa học này đã có liên quan đến chuỗi các vụ thu hồi thức ăn cho thú cảnh vào năm 2007. Trong một vụ khác, sữa chất lượng kém đã gây ra cái chết do suy dinh dưỡng của 13 trẻ sơ sinh tại Trung Quốc năm 2004.[3]
Hiện tượng sữa nhiễm bẩn đã bị phát hiện ở 22 công ty Trung Quốc, trong đó có Sanlu (Tập đoàn Tam Lộc), Mengniu, Yili, và Yashili.[4] Sự kiện này đã gây nên những mối lo ngại về an toàn thực phẩm và tham nhũng chính trị ở Trung Quốc, và gây thiệt hại cho danh tiếng của thực phẩm do Trung Quốc xuất khẩu; ít nhất 11 quốc gia đã ngừng nhập khẩu sản phẩm sữa từ Trung Quốc. Tổ chức Y tế Thế giới coi vụ bê bối này là một trong những sự kiện an toàn thực phẩm lớn nhất mà tổ chức này phải đối phó trong những năm gần đây. Tổ chức này nói rằng khủng hoảng lòng tin của người tiêu dùng Trung Quốc sẽ khó vượt qua.[5]
Diễn biến vụ việc
Tập đoàn sữa Sanlu (Tam Lộc) đã nhận được những khiếu nại về chất lượng sữa từ tháng 12-2007.Công ty Fonterra sở hữu 43% cổ phần Sanlu đã biết về hiện tượng sữa Sanlu nhiễm độc từ ngày 14/8/2008 và thông báo cho Đại sứ quán New Zealand ở Bắc Kinh.[6]
Tuy nhiên, do không có thông tin đầy đủ, mãi 17 ngày sau đại sứ quán mới báo cho Bộ Thương mại New Zealand.
Thủ tướng New Zealand Helen Clark biết được vụ việc vào ngày 5/9/2008 và lập tức thông báo thẳng cho các cơ quan ở Bắc Kinh. Tuy nhiên mãi đến giữa tháng 9 chính quyền Bắc Kinh mới có động thái phản ứng. Bà Clark đã phê phán Foterra quá chậm trễ trong việc thông tin.[7]
Nguồn gốc melamine
Theo các chuyên gia thực phẩm Trung Quốc, vụ scandal sữa có chất melamin tại Trung Quốc xuất phát từ các nguyên nhân:
Đàn bò kém sữa: Đa số nông dân Trung Quốc không chăm sóc bò chu đáo. Thường, một đàn bò từ 3-5 con được nuôi trong những điều kiện tồi tệ, thức ăn không đủ, chỗ ở bẩn thỉu, do đó không cho đủ lượng sữa cần thiết.[8]
Thức ăn gia súc nhiễm melamine: Giới chức tại Trung Quốc đã bắt giữ giám đốc hai công ty xuất khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc bị nhiễm hóa chất công nghiệp mà người ta cho rằng đã gây ra cái chết của một số chó và mèo nuôi tại Mỹ. Đầu năm 2008, thức ăn cho gia súc có các thành phần bị nhiễm hóa chất công nghiệp, chất melamine bị cho là nguyên nhân khiến một số súc vật tại Mỹ bị chết.[9]
Nguồn cung cấp sữa kém: Để chạy đua đáp ứng lượng sữa ngày càng cần gia tăng, người nông dân tìm cách biến ít sữa thành nhiều. Một chuyên gia cho biết nông dân pha loãng sữa với nước để làm tăng thể tích sữa bán ra khoảng 30%.[8] Tuy nhiên, pha loãng sữa đồng nghĩa với việc làm giảm hàm lượng chất dinh dưỡng có trong sữa, đặc biệt là protein. Điều này cũng có nghĩa giá sữa sẽ bị giảm đi. Đây chính là lúc mà chất độc melamine được sử dụng. Nhờ giàu hàm lượng nitrogen, melamine tạo cảm giác rằng sữa có nhiều protein hơn trong các cuộc kiểm tra chất lượng.
Các nỗ lực che mắt dư luận
Theo một số bản báo cáo điều tra của các phương tiện truyền thông và cơ quan bảo vệ sức khỏe độc lập, Sanlu đã có những bước đi đáng kể nhằm khỏa lấp vụ tai tiếng. Trong một văn bản vào ngày 11 tháng 8, Teller International - một nhánh phụ trách các vấn đề PR cho Sanlu có trụ sở đặt tại Bắc Kinh đã gợi ý cho Sanlu tìm sự hợp tác với các công cụ tìm kiếm Search Engine trên Web nhằm ngăn chặn sự rò rỉ thông tin tiêu cực của công ty này, đáng kể nhất là trang mạng Baidu. Theo điều tra thì số tiền lại quả do Sanlu đưa ra là 3 triệu tệ (US$440.000) dành cho trang tìm kiếm Baidu.[10]
Thủ tướng New Zealand, bà Helen Clark nói về cách ứng xử của chính quyền địa phương: "Không cần một thông báo thu hồi nào chính thức, họ có thể đặt một cái khăn lên (vụ bê bối) và cố sống chung với nó".[11] Các phương tiện truyền thông quốc tế cho rằng sự trì hoãn thu hồi sản phẩm độc hại là kết quả của tâm lý cầu toàn về một Thế vận hội hoàn hảo của chính quyền, theo đó một chỉ thị đã được đưa ra từ chính quyền Trung ương về việc hạn chế nghiêm ngặt các tin tức liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm đến các kênh truyền thông đại chúng,[11][12][13] điều mà chính quyền luôn bác bỏ.[6] Các bước đi đầu tiên để điều tra về Sanlu đã bị thách thức bởi quyết định trao giải "Thương hiệu 30 năm làm thay đổi cuộc sống người Trung Quốc" - một giải thưởng mang tầm quốc gia của Trung Quốc. Một cuộc họp báo về vinh dự này của Sanlu sau đó đã diễn ra và được đăng trên tờ "Nhân Dân nhật báo" (People's Daily).[14]
Kiểm duyệt
Cùng lúc đó, truyền thông Trung Quốc được chỉ đạo làm giảm bớt tác động thực của vụ bê bối nhằm phòng những phản ứng thái quá đến từ dân chúng.[15] Tất cả các bản tin về vụ việc hầu như chỉ đăng trích từ báo "Xinhua" - cơ quan phát ngôn chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Theo thông lệ, truyền thông luôn biết cách tự kiểm duyệt đối với các bản tin được cho là nhạy cảm và tiêu cực theo kiểu này, điển hình là kênh truyền hình quốc gia CCTV đã dành hầu hết thời lượng phát sóng để tường thuật về chuyến đi sắp tới của tàu Thần châu VII.[16] Tin tức về tiến độ điều tra của Tổng cục Kiểm dịch, Thanh tra và Giám sát Chất lượng Trung Quốc chỉ được đề cập đến trong các bản tin cuối cùng trong ngày.[17]
Theo Nhật báo Phố Wall (The Wall Street Journal), các kiểm duyệt kiểu này không giúp ích nhiều cho giới chức Trung Quốc trước mức độ lan rộng của vụ bê bối. Thay vào đó, tin tức về quyết định thu hồi hay cấm nhập khẩu các sản phẩm sữa có nguồn gốc từ Trung Quốc được các nước đưa ra với mật độ dày đặc đã có tác động đáng kể đến người tiêu dùng Trung Quốc. Dầu vậy, theo các nhà báo trong nước thì các cuộc thảo luận về nguyên nhân của cuộc khủng hoảng, trách nhiệm chính quyền, các nghi vấn về thái độ bao che của nhà chức trách đã bị nghiêm cấm triệt để trên báo chí.[14]
Danh sách các sản phẩm nhiễm melamine
Kết quả do Bộ Y tế Việt Nam công bố
Kết quả đến ngày 7 tháng 10 năm 2008. Cập nhật lần cuối 09:03, ngày 16 tháng 10 năm 2008 (UTC)