USS Osborne (DD-295)

Tàu khu trục USS Osborne (DD-295) trên đường đi trên sông Hudson, thành phố New York, trong những năm thập niên 1920.Ảnh mang chữ ký của Đô đốc Raymond A. Spruance trong những năm 1960, cựu chỉ huy của Osborne vào những năm 1925-1926
Lịch sử
Hoa Kỳ
Tên gọi USS Osborne (DD-295)
Đặt tên theo Weedon Osborne
Xưởng đóng tàu Bethlehem Shipbuilding Corporation, Squantum Victory Yard
Đặt lườn 23 tháng 9 năm 1919
Hạ thủy 29 tháng 12 năm 1919
Người đỡ đầu bà Elizabeth Osborne Fisher và bà C. H. Cox
Nhập biên chế 17 tháng 5 năm 1920
Xuất biên chế 1 tháng 5 năm 1930
Xóa đăng bạ 22 tháng 10 năm 1930
Số phận
Đặc điểm khái quát
Lớp tàu Lớp tàu khu trục Clemson
Trọng tải choán nước
  • 1.215 tấn Anh (1.234 t) (tiêu chuẩn)
  • 1.308 tấn Anh (1.329 t) (đầy tải)
Chiều dài 314 ft 5 in (95,83 m)
Sườn ngang 31 ft 9 in (9,68 m)
Mớn nước 9 ft 10 in (3,00 m)
Động cơ đẩy
  • 2 × turbine hơi nước hộp số Westinghouse;[1]
  • 4 × nồi hơi 300 psi (2.100 kPa);[1]
  • 2 × trục;
  • công suất 26.500 hp (19.800 kW)
Tốc độ 35 kn (65 km/h)
Tầm xa 4.900 nmi (9.070 km; 5.640 mi) ở tốc độ 15 hải lý trên giờ (28 km/h; 17 mph)
Thủy thủ đoàn tối đa 120 sĩ quan và thủy thủ
Vũ khí

USS Osborne (DD-295) là một tàu khu trục lớp Clemson được Hải quân Hoa Kỳ chế tạo vào cuối Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Nó là chiếc tàu chiến duy nhất của Hải quân Hoa Kỳ được đặt theo tên Trung úy Hải quân Weedon Osborne (1892-1918), người tử trận trong trận Belleau Wood và được truy tặng Huân chương Danh dự.[2] Osborne ngừng hoạt động năm 1930 và bị bán năm 1931 nhằm tuân thủ quy định hạn chế vũ trang của Hiệp ước Hải quân London. Nó được cải biến trang bị động cơ diesel, trở thành chiếc tàu hàng thương mại Matagalpa, bị cháy năm 1942 và cuối cùng bị đánh đắm năm 1947

Thiết kế và chế tạo

Osborne được đặt lườn vào ngày 23 tháng 9 năm 1919 tại xưởng tàu Squantum Victory Yard của hãng Bethlehem Shipbuilding CorporationSquantum, Massachusetts. Nó được hạ thủy vào ngày 29 tháng 12 năm 1919, được cùng đỡ đầu bởi bà Elizabeth Osborne Fisher, chị Trung úy Osborne và bà C. H. Cox; và được đưa ra hoạt động vào ngày 17 tháng 5 năm 1920 dưới quyền chỉ huy của Hạm trưởng, Đại úy Hải quân Dennis L. Ryan.[2]

Lịch sử hoạt động

USS Osborne

Được nhập biên chế vào một lực lượng hải quân thời bình đang trải qua việc cắt giảm nhân lực và chi phí, Osborne với thành phần nhân lực không đầy đủ khởi hành từ Boston, Massachusetts vào ngày 25 tháng 6 để gia nhập Hải đội Khu trục 3 trực thuộc Hạm đội Đại Tây Dương. Các hoạt động giới hạn dọc bờ Đông trong năm 1920 được bổ sung bởi hai tháng thực hành hạm đội và tập trận ngoài khơi Cuba vào đầu năm 1921. Hoạt động từ cảng nhà thường trực ở Charleston, South Carolina hoặc từ các xưởng hải quân Philadelphia hay Brooklyn, nó thường đi về phía Nam mỗi năm cho các cuộc thực tập và cơ động chiến thuật quy mô lớn, vốn được tổ chức không những tại khu vực biển Caribe mà cả đến vùng bờ biển phía Thái Bình Dương của Panama. Dưới sự chỉ huy của Hạm trưởng mới Raymond A. Spruance, vị Đô đốc Tư lệnh tương lai của Đệ TamĐệ Ngũ hạm đội tại Thái Bình Dương trong Thế Chiến II, Osborne khởi hành từ Boston vào ngày 18 tháng 6 năm 1925 cho một lượt bố trí hoạt động kéo dài một năm tại khu vực Tây Địa Trung Hải và dọc theo bờ biển Tây Âu.[2]

Vào ngày 20 tháng 9 năm 1929, nó đi vào Xưởng hải quân Philadelphia để chuẩn bị ngừng hoạt động. Osborne được cho xuất biên chế vào ngày 1 tháng 5 năm 1930; thủy thủ đoàn của nó chuyển sang chiếc USS Taylor (DD-94) vừa mới đưa vào hoạt động trở lại. Tuân thủ những điều khoản hạn chế vũ trang của Hiệp ước Hải quân London, Osborne được cho rút khỏi danh sách Đăng bạ Hải quân vào ngày 22 tháng 10 năm 1930 và bị bán vào ngày 17 tháng 1 năm 1931.[2]

Matagalpa

Con tàu được bán cho hãng Standard Fruit & Steamship CompanyNew Orleans, Louisiana, nơi nó được tháo dỡ cho đến lườn tàu, và được cấu trúc hai phòng trên boong mới, máy phát điện và hai động cơ diesel Ingersoll-Rand 750 hp (560 kW) của hãng Todd Dry Dock and Construction Company. Với tên gọi mới Matagalpa và bốn hầm hàng hóa có khả năng 25.000 chở quày chuối giữa Trung Mỹ và New Orleans, nó hoạt động cho hãng Standard Fruit cho đến khi nổ ra Thế Chiến II. Con tàu được khảo sát và được Hải quân trưng dụng, cho đến nó được chuyển giao cho Lục quân sau khi nảy sinh nhu cầu cấp thiết phải tiếp tế cho Philippines sau khi quân đội Nhật Bản tấn công và phong tỏa lãnh thổ này.[3]

Phục vụ cùng Lục quân Hoa Kỳ

Vào ngày 22 tháng 2 năm 1942, từ Philippines, tướng Douglas MacArthur yêu cầu được hỗ trợ trực tiếp từ Honolulu thay vì từ Australia do không có những nguồn lực cần thiết. Trong vòng một ngày, việc xem xét tình hình ở cấp cao nhất cho thấy ba chiếc tàu khu trục cũ, vốn được cải biến thành tàu vận chuyển trái cây nhanh giờ đây mang tên Masaya, MatagalpaTeapa,[Note 1] và gần đây được Bộ Chiến tranh trưng dụng với mục đích sử dụng cho việc vận chuyển giữa các đảo, được xem là phù hợp cho nhiệm vụ tiếp tế này. Theo mệnh lệnh khẩn cấp của Tổng thống để hỗ trợ cho lực lượng đồn trú tại ArmyCorregidor, Lục quân bắt đầu chuẩn bị cho những con tàu này vượt qua vòng phong tỏa của quân Nhật tại Philippines. Hàng hóa bắt đầu được chuyển đến New Orleans cho các con tàu; chúng dự định khởi hành vào ngày 28 tháng 2 năm 1942, nhưng những khó khăn, bao gồm thiếu hụt pháo thủ các khẩu đội pháo trên tàu, đã trì hoãn chuyến đi.[4] Cuối cùng Masaya lên đường vào ngày 2 tháng 3 năm 1942, Matagalpa vào ngày 11 tháng 3Teapa vào ngày 18 tháng 3. Trong khi tình hình tại Philippines đang ngày càng trở nên tuyệt vọng, các con tàu lại bị buộc phải dừng lại ở Los Angeles để sửa chữa. Đến ngày 13 tháng 4, tướng MacArthur báo cáo việc vượt phong tỏa là vô ích, nhưng Bộ Chiến tranh quyết định vẫn cố thử. Các con tàu lên đường với Matagalpa được cho hướng đến Mindanao, đi đến Honolulu vào ngày 8 tháng 5 năm 1942, quá trễ để có thể giải vây cho Corregidor. Matagalpa cùng các con tàu dự định tiếp tế cho Philippines được chuyển hướng đến Australia.[5][6]

Vào ngày 26 tháng 6 năm 1942, Matagalpa bị cháy đang khi neo đậu tại Sydney, Australia; hàng trăm lính cứu hỏa đã giúp di tản các thùng nhiên liệu và dập lửa. Nó không được sửa chữa, và sau khi chiến tranh kết thúc, nó bị cho đánh đắm ngoài khơi Sydney vào ngày 6 tháng 9 năm 1947.[7][8]

Xem thêm

Chú thích

  1. ^ Từ các nguồn được trích dẫn, thực sự không rõ Teapa nguyên là chiếc Putnam hay Worden. Tổng cộng có bốn tàu được cải biến sang dịch vụ vận chuyển chuối nhanh, trong đó ba chiếc trở thành các tàu vận chuyển nhanh của Lục quân. Việc xem xét các nguồn khác, các diễn đàn chuyên môn và từ nguồn Attempts to Supply The Philippines by Sea: 1942 của tác giả Charles Dana Gibson và E. Kay Gibson cho phép kết luận Putnam đã trở thành Teapa.

Tham khảo

  1. ^ a b c d e Thomas, Donald I., CAPT USN "Recommissioning Destroyers, 1939 Style" United States Naval Institute Proceedings September 1979 tr. 71
  2. ^ a b c d Osborne. Dictionary of American Naval Fighting Ships. Naval History and Heritage Command. Truy cập ngày 20 tháng 2 năm 2012.
  3. ^ Fetterly, Don. “The Saga of SS Masaya. Pacific Wrecks. Truy cập ngày 20 tháng 2 năm 2012.
  4. ^ “Title unknown”.[liên kết hỏng]
  5. ^ Masterson, Dr. James R. (tháng 10 năm 1949). U. S. Army Transportation in the Southwest Pacific Area 1941-1947. Transportation Unit, Historical Division Special Staff, U. S. Army. tr. 29–31.
  6. ^ Morton, Louis (1993). United States Army In World War II The War In The Pacific The Fall Of The Philippines. Washington, D. C.: Center Of Military History United States Army. tr. 398.
  7. ^ Dunn, Peter. “U.S. Army Transport MV Matagalpa In Australian Waters During WWII”. US Army Units In Australia During WW2. Australia @ War. Truy cập ngày 18 tháng 2 năm 2012.
  8. ^ “USS Osborne (DD-295)”. NavSource Naval History. Truy cập ngày 20 tháng 2 năm 2012.

Liên kết ngoài