Trịnh Bồng

Trịnh Bồng
鄭槰
Chúa Trịnh
Án Đô Vương
Chân dung Trịnh Bồng trong Trịnh gia chính phả
Trịnh Vương
Tại vịtháng 9 năm 1786tháng 9 năm 1787
Thời kỳLê Mẫn Đế (17861789)
Tiền nhiệmTrịnh Khải
Kế nhiệmChính quyền chúa Trịnh sụp đổ
Thông tin chung
Sinh25 tháng 8 năm 1749
Thăng Long
Mất13 tháng 2, 1791(1791-02-13) (41–42 tuổi)
Ai Lao
Tên thật
Trịnh Bồng (鄭槰)
Tước hiệuCôn Quận Công
Án Đô Vương (晏都王)
Hoàng tộcChúa Trịnh
Thân phụUy Nam Vương Trịnh Giang

Án Đô vương Trịnh Bồng (chữ Hán: 鄭槰; 25 tháng 8 năm 1749 - 13 tháng 2 năm 1791), là vị chúa Trịnh thứ 11 thời Lê Trung hưng và cũng là vị chúa Trịnh cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.

Thân thế

Trịnh Bồng là con của Uy Nam vương Trịnh Giang, sinh năm 1740, anh họ của Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm và là bác họ của Đoan Nam vương Trịnh Khải. Nguyên quán Trịnh Bồng ở làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, Việt Nam. Khi cha con Trịnh Sâm cầm quyền, ông được phong là Côn Quận Công.

Chối bỏ ngôi chúa

Khi xảy ra vụ án năm Canh Tý (1780), Trịnh Khải bị Trịnh Sâm ghét và phế làm con út không cho kế nghiệp, nhưng con thứ là Trịnh Cán mà Tuyên phi sinh ra lại yếu ớt. Lúc đó Trịnh Sâm từng tính đến việc cho Tuyên phi Đặng Thị Huệ nuôi Trịnh Bồng làm người thay thế, trả lại ngôi chúa cho Trịnh Giang.

Trinh Sâm mất, Điện Đô vương Trịnh Cán lên ngôi, kiêu binh nổi loạn giết phụ chính Hoàng Đình Bảo, lật đổ Cán. Mấy lần kiêu binh muốn đến rước Trịnh Bồng lên làm chúa nhưng ông từ chối. Kiêu binh bèn lập Trịnh Khải làm chúa, tức là Đoan Nam vương.

Mạt chúa thời loạn

Cứu vãn nghiệp tổ tiên

Cơ nghiệp của họ Trịnh thời Trịnh Khải đã suy yếu. Kiêu binh làm loạn, triều đình bất lực. Phía nam, quân Tây Sơn thế mạnh như nước. Năm 1786, vua Thái Đức Nguyễn Nhạc cử em là Nguyễn Huệ cùng tướng cũ của Bắc Hà mới về hàng là Nguyễn Hữu Chỉnh mang quân bắc tiến ra Thăng Long.

Quân Trịnh thường ngày đã chểnh mảng việc phòng bị, gặp phải sức tiến công của quân Tây Sơn đã nhanh chóng tan rã. Quân Tây Sơn với khẩu hiệu "Phù Lê diệt Trịnh", chỉ trong 1 tháng đã chiếm được Thăng Long.

Khi Trịnh Khải bỏ trốn lên Sơn Tây, Trịnh Bồng khi đó đã ngoài 40 tuổi, lánh nạn ở huyện Văn Giang (Hưng Yên).

Khi Nguyễn Huệ và vua Thái Đức Nguyễn Nhạc rút về Nam Hà, các tướng cũ của họ Trịnh là Hoàng Phùng Cơ, Đinh Tích Nhưỡng và Dương Trọng Tế khởi binh để khôi phục lại họ Trịnh.

Một người tông tộc khác là Trịnh Lệ mang quân vào chiếm giữ phủ chúa Trịnh để làm chúa. Vua Lê Mẫn Đế vốn được tác động của anh em Tây Sơn, không bằng lòng việc lập lại chúa Trịnh, tình hình ở kinh thành rất căng thẳng.

Đinh Tích Nhưỡng nhân cơ hội đó khuyên Trịnh Bồng lấy danh nghĩa dẹp Trịnh Lệ làm loạn để giúp vua Lê. Nhân đó Trịnh Bồng tập hợp được nhiều tướng sĩ cũ. Cuối cùng phe Trịnh Lệ thất thế, Trịnh Bồng vào yết kiến Lê Mẫn Đế (Chiêu Thống). Chiêu Thống vẫn chỉ phong ông làm Thái úy, tước Côn Quận Công như cũ. Phe Đinh Tích Nhưỡng nhất định ép Chiêu Thống phải phong Trịnh Bồng làm vương. Vua Chiêu Thống không bằng lòng, song vì thế yếu không thể ngăn cản được nên bất đắc dĩ phải chấp nhận, nên phong cho Trịnh Bồng làm Nguyên Soái, Tổng Quốc Chính Án Đô Vương.

Mất ngôi chúa

Trịnh Bồng nhu nhược không điều khiển được công việc, chính sự vào tay Đinh Tích Nhưỡng, vua Lê lại bị lấn át như trước đây. Nghe lời khuyên của các văn thần, vua Chiêu Thống vời Nguyễn Hữu Chỉnh đang trấn thủ ở Nghệ An đem quân về giúp.

Cuối 1786, Nguyễn Hữu Chỉnh được lệnh của vua Lê, mộ được hơn một vạn quân, đánh thốc ra Thăng Long. Các tướng họ Trịnh đều không phải là địch thủ của Hữu Chỉnh nên bị Chỉnh đánh bại.

Trịnh Bồng trốn chạy về xã Dương Xá rồi Quế Võ (Bắc Ninh). Sau đó ông đi Hải Dương - Quảng Yên và Thái Bình mộ quân lương để đánh lại Nguyễn Hữu Chỉnh, nhưng đều bị thất bại.

Trịnh Bồng chạy khỏi kinh thành, Phủ chúa Trịnh được xây từ hơn 200 năm bị Lê Chiêu Thống đốt cháy rụi, và việc Lê Chiêu Thống nghe lời Nguyễn Hữu Chỉnh cho vét hết chuông đồng và tượng đồng ở các chùa, các đền trong nước đem đúc tiền để dùng vào việc quân. Sách Lê Quý kỷ sự chép:

người đương thời có câu mỉa mai:
Thiên hạ thất tự chung, chung thất, nhi đỉnh an tại !
Hoàng thượng phần vương phủ, phủ phần, tức điện diệc không !
Nghĩa là:
Thiên hạ mất chuông chùa, chuông đã mất, vạc dựa vào đâu !
Hoàng thượng thiêu phủ chúa, phủ bị thiêu, điện trơ ra đó ! [1]

Hải Đạt thiền sư

Trịnh Bồng chạy thoát, dâng biểu về cho Lê Chiêu Thống viết:

"Kiếp này sinh ra lỗi thời, gặp lúc nước nhà lắm nạn, rất lo cho việc tôn miếu xã tắc. Dâng biểu trần tình, rất mong được hoàng thượng cho triều kiến..."

Vua Chiêu Thống ngậm ngùi:

"Tấm lòng thật thà của Bồng, trẫm đã lường biết, chỉ vì không khéo xử sự trong lúc gặp biến cố nên mới ra nỗi như thế. Nếu đã nghĩ lại và biết hối, trẫm sẽ có cách đối đãi, chẳng những giữ được dòng dõi mà cũng không mất địa vị giàu sang."

Nguyên lúc đó vua Chiêu Thống bị Hữu Chỉnh lộng quyền, không làm gì được nên lại có ý hợp tác với Trịnh Bồng. Tuy nhiên, khi Chiêu Thống sai người đi đón ông, Nguyễn Hữu Chỉnh hay tin, mang quân đánh tan quân của Đinh Tích Nhưỡng. Nhưỡng thua nặng, không còn thủ hạ, binh khí, bỏ chúa mà chạy. Trịnh Bồng phải sống lẩn lút ở ven biển và cuối cùng ông bỏ đi tu, tự xưng là Hải Đạt thiền sư, đi khắp vùng Lạng Sơn, Cao Bằng.

Có người học trò là Vũ Kiều ở kinh kỳ chạy loạn lên Lạng Sơn gặp ông ở chùa Tam giáo, nhận ra là chúa Trịnh, bèn nói với các tướng bản địa là Hà Quốc Kỳ và Nguyễn Khắc Trần đón ông về nhà, tính chuyện khởi sự. Ông chắp tay nói rằng mọi người nhận nhầm nhưng Vũ Kiều một mực không chịu, khuyên ông bỏ tu hành để khôi phục cơ nghiệp. Ông khóc nói rằng:

Sức ta đã hết, của không còn mà vẫn không thể giành được với trời, nên đành nín nhịn để giữ lấy thân mình, đâu còn dám làm càn để lại lầm lẫn nữa?

Hà Quốc Kỳ và Khắc Trần thấy Trịnh Bồng nói lộ chân tướng, quyết ý giữ lấy ông để ra lệnh cho quân lính. Tuy nhiên, cả hai người đều là tướng không có tài, muốn lợi dụng việc lập ngôi chúa để mưu đồ riêng. Dân trong vùng không phục, nổi dậy giết chết cả Kỳ và Trần.

Huệ Địch công

Khi Lê Chiêu Thống theo chân quân Thanh vào Thăng Long. Sách Lê Quý kỷ sự chép: Giáng phong Yến đô vương Trịnh Bồng xuống làm Huệ địch công. Bồng từ Kim Bảng đến Thăng Long, lạy mừng nhà vua, Tự hoàng mời vào hội kiến, thăm hỏi yên ủi Bồng cảm khóc lạy tạ. Tự hoàng sai phong Bồng làm Huệ Địch công. Sau đó, mỗi khi triều yết, Bồng cũng ngang như bách quan.[2]

Trịnh Bồng được sách Hoàng Lê nhất thống chí miêu tả là người đôn hậu, thật thà, không có hùng tâm làm chúa. Khi bị mất ngôi, cơ nghiệp của cha ông không thể cứu vãn, ông trốn đời bỏ đi tu hành rồi trốn đời đi biệt tích, tuyệt nhiên không nghĩ tới chuyện cầu viện nước ngoài [cần dẫn nguồn].

Sau này quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy tiến chiếm Thăng Long, Lê Chiêu Thống phải chạy sang Trung Quốc, Trịnh Bồng cũng bị truy đuổi gắt gao và phải lánh sang Ai Lao.

Thấy em Chiêu Thống là Lê Duy Chỉ chạy lên Hà Giang chống Tây Sơn, Trịnh Bồng tìm cách bắt liên lạc. Ông lại tự coi mình là chúa, ban chức cho một thuộc hạ là Lê Duy Dao làm Nhập thị, sai soạn thư thay lời mình đề nghị Duy Chỉ hợp sức. Sau khi Duy Chỉ trả lời đồng ý, tháng 10 năm 1790 Trịnh Bồng đến huyện An Sơn phía tây Thăng Long, dự định đánh úp thành này. Nhưng ông không trực tiếp thực hiện mà giao lại việc cho Lê Huy Dao chuẩn bị rồi tự mình ẩn náu về vùng thượng du. Đầu năm sau (1791), Trịnh Bồng qua đời tại Cao Lũng. Cùng lúc đó các thuộc hạ của ông bị lộ mưu tập kích Thăng Long và nhiều người bị quân Tây Sơn bắt giết (Lê Huy Dao trốn thoát).[3]

Theo sách Trịnh gia chính phả, vào ngày 11 tháng 1 ÂL năm Tân Hợi (13 tháng 2 năm 1791), Trịnh Bồng qua đời ở đất Cổ Lũng, Ai Lao, hưởng thọ 43 tuổi. Còn theo Trịnh thị thế gia chép rằng[4]

Năm Tân Hợi (1791), Vương chạy về phía tây, huyện Cẩm Thủy, sách Cổ Lũng với ý đồ khôi phục, bị người Man mưu phản. Cùng năm ngày 14 tháng 4, Vương mất ở xã Dương Xá, thọ 43 tuổi, em là Thái úy Kỳ quận công Trịnh Bang và Trác Trung hầu Trịnh Trạo cũng chết

Điều này dẫn tới khả năng rằng Chúa Trịnh Bồng không phải chết do nguyên nhân tự nhiên, mà là bị người Man mưu phản và giết hại, bởi vì Trịnh Bang và Trịnh Trạo cũng chết theo ông. Con trai của ông là Linh quận công đem di hài của ông táng ở xã Đăng Dương, huyện Phong Lộc cùng với Trác Trung hầu, còn Kỳ quận công vẫn để phần mộ ở xã Dương Xá.

Năm 1802, Gia Long Nguyễn Ánh tiêu diệt Tây Sơn và lên ngôi vua. Ngày 15 tháng 7 năm đó, vua Gia Long hạ dụ rằng

Nhớ xưa: Họ ta cùng họ Trịnh vẫn là thân thích, quãng giữa bắc nam đôi ngả, thành xa cách nhau. Đó là công việc của tiền nhân, ta cũng không nên nói đến nữa. Tay ta trả được hận, dẹp được giặc, trong ngoài thống nhất như một nhà, thì tình thân qua cát từ xưa, lại nên nhớ đến. Vậy chiếu ban cho trong họ đều biết: nên phải bảo nhau, họp chọn lấy năm, sáu người tộc trưởng, có tài cán biện, đến Hành doanh chầu mừng và đưa cả sổ sách gia tiên, để tìm rõ được chi phái đích thứ, mà thu lục cho, để hậu nghĩa hai họ với nhau.

Do đó, con trai của Trịnh Bồng là Trịnh Tư được cho làm giám thủ việc tế tử Tiên vương họ Trịnh.

Gia quyến

  • Vợ:
    • Chính phi Nguyễn Thị Ngọc Viên, người xã Quang Biểu, huyện Yên Việt, con gái Cung Quận công. Năm 1787, bà bị quân Hữu Chỉnh làm nhục, tự vẫn. Truy phong làm Trinh Thuận Tiết Liệt Chính phi.
    • Thục phi Phùng Thị Ngọc Diên (1751 - 1779), con gái Khương Quận công. Tên thụy là Trang Khiết Ôn Dung Ý Đức Thục phi.
  • Con cái:

Trong văn hoá đại chúng

Năm Tác Phẩm Diễn Viên
2010 Tây Sơn hào kiệt Quách Khoa Nam

Xem thêm

Chú thích

  1. ^ Nguyễn Thu, Lê Quý kỷ sự, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội 1974, trang 66
  2. ^ Nguyễn Thu, Lê Quý kỷ sự, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội 1974, trang 117
  3. ^ Hoàng Xuân Hãn, sách đã dẫn, tr 317
  4. ^ Trịnh thị thế gia, đời thứ 13

Tham khảo

  • Hoàng Lê nhất thống chí - Ngô gia văn phái
  • Các triều đại Việt Nam - Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng, Nhà xuất bản thanh niên, 2001
  • Hoàng Xuân Hãn, Những bài khảo cứu, Tạp chí Xưa & Nay - Nhà xuất bản Hồng Đức, 2017