Trần Quang Đức

Trần Quang Đức
Trần Quang Đức gảy Cao sơn lưu thủy ở lục hà trì
Trần Quang Đức gảy Cao sơn lưu thủy ở lục hà trì
Tên bản ngữ
Trần Quang Đức (陳光德)
Sinh(1985-05-16)16 tháng 5 năm 1985
Hải Phòng, Việt Nam
Tư cách công dân Việt Nam
Alma materTHPT Thái Phiên
Đại học Bắc Kinh
Thể loạiVăn chương
Giải thưởng nổi bậtGiải nhất Nhịp cầu Hán ngữ (汉语桥) (2004)
Giải sách hay – Ngàn năm áo mũ (2014)
Chữ ký
Website
TQDblog

Trần Quang Đức (sinh năm 1985 tại Hải Phòng) là một tác giả và dịch giả Việt Nam.[1]

Tiểu sử

Trần Quang Đức (陳光德), hiệu Vân Trai (雲齋), sinh ngày 16 tháng 05 năm 1985 tại thành phố Hải Phòng trong một gia đình có truyền thống Nho phong. Thuở nhỏ, anh bắt đầu được ông nội hướng dẫn tự học và đọc Hán tự, sau đó tiếp thụ thêm các kiến thức về chữ Nôm.

Năm 2003, anh tốt nghiệp trường THPT Thái Phiên (Hải Phòng), sau đó thi đỗ trường Đại học Ngoại ngữ Quốc gia Hà Nội. Năm 2004, anh đoạt giải nhất cuộc thi Nhịp cầu Hán ngữ nên nhận học bổng sang du học Đại học Bắc Kinh. Sau bốn năm lưu học ở Bắc Kinh, anh hồi hương và công tác tại Viện Văn học.

Sự nghiệp

Năm 2010, trong một lần tầm khảo tại thư khố Viện Hán Nôm, Trần Quang Đức vô tình phát hiện một thủ cảo của tác gia Liễu Am Trần Danh Án nhan đề Tây Sơn hành (Tản Ông di tập, A.2157, TVVHN). Đây kì thực là một dâm thi mường tượng đêm tân hôn của Quang Trung đếNgọc Hân công chúa nhằm bỉ bác triều Tây Sơn.[2] Sự phát hiện này cung cấp thêm một áng văn đặc sắc cho dòng văn chương thời Lê mạt vốn ít cứ liệu.

Cận tết nguyên đán 2014, dư luận đả kích Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SHB) in tờ lịch có nội dung "sai lịch sử" hồ Hoàn Kiếm khi nói rằng vua Lê cầm kiếm đuổi rùa. Khi được báo giới phỏng vấn, Trần Quang Đức dẫn các sách Sơn cư tạp thuật, Tang thương ngẫu lục, Đại Nam nhất thống chí, Hà thành kim tích khảo để giải thích rằng: Đây chỉ là truyền thuyết chứ không phải lịch sử. Vả chăng, tình tiết "vua Lê trả kiếm" chỉ xuất hiện sớm nhất ở đầu thế kỉ XX trong Quốc văn giáo khoa thư, phỏng theo một chi tiết trong truyền thuyết Arthur. Trước thế kỉ XX, mọi thư tịch đều nói rằng, vua Lê cầm kiếm đuổi rùa hoặc ném rùa, vì thế nội dung lịch chí ít khớp với cổ thư.[3]

Sau đó ít lâu, giữa năm 2014, Trần Quang Đức quyết định rời Viện Văn học, hạ quyết tâm trở thành một nhà nghiên cứu tự do, và tiến hành hợp tác dài hạn với Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam.

Trần Quang Đức (người giơ tay) cùng học trò vãn cảnh Thiên Phúc tự, tháng 09 năm 2014.

Cũng trong thời gian này, anh mở lớp dạy Hán Nôm tự do, thu hút một lượng lớn học sinh từ nhiều lứa tuổi theo học, trong đó chiếm phần đông là những người trẻ thuộc thế hệ 8x, 9x.[4] Trong quá trình giảng bài, ngoài truyền thụ những tri thức Hán Nôm phổ quát, Trần Quang Đức còn lôi cuốn người nghe bởi phong cách dạy trẻ trung, thân cận; đồng thời gây khác biệt với những lớp học truyền thống bởi ý thức giáo dục mới lạ của mình. Anh được dư luận những năm này coi là một giảng viên có xu hướng cổ vũ học sinh phát triển những phản biện trong khóa học với phương châm "học thuật luôn cần sự ngờ vực", và rằng một văn hóa hay lịch sử chỉ dựa trên chiến tranh chém giết thì chỉ là thứ lịch sử văn hóa quá sức độc hại, "không ích lợi gì cho muôn một".[4]

Trên Facebook cá nhân cũng như thông qua nhiều phương tiện truyền thông khác, Trần Quang Đức duy trì việc đăng tải các nội dung có liên quan đến việc khai thác tư liệu Hán Nôm nhằm đưa bộ môn này tới gần hơn với công chúng phổ thông. Ngoài ra, anh cũng là một trong số ít học giả tương đối phóng khoáng trong việc đưa ra những phản biện và đối thoại xung quanh những vấn đề liên quan đến lịch sử được công luận quan tâm, tới mức bị một số nhà nghiên cứu chê là "liều".

Với tôi, việc dạy học Hán Nôm là thông qua ngôn ngữ để nói về văn hóa tư tưởng, cũng như việc nghiên cứu, phục chế trang phục, thông qua áo mão để nói về phương thức sinh hoạt. Bất quá nhằm mang lại một cách nhìn, một hướng tiếp cận mới đối với những mặt tích cực của văn hóa Á Đông truyền thống, đặc biệt là văn hóa của giới trí thức tinh hoa xưa, trước khi bị cộng sản hóa.
Cái hay đẹp của nền văn hóa này không thể chỉ dựa vào các bài nghiên cứu mang nặng tính học thuật, hay mấy lời hô hào phát huy suông được. Từ phục trang, đến ngôn ngữ, tư tưởng... muốn hiểu cho rõ, không chỉ dừng lại ở việc được nghe thấy, được đọc thấy, mà còn phải được nhìn thấy, được cảm thấy.
Âu hóa, suy cho cùng, là định mệnh. Nhưng văn hóa truyền thống cũng không đáng bị phủ định sạch trơn.

— Vân Trai Trần Quang Đức, Áo xiêm chưa đổi hết, sách vở còn nguyên sao?, Hà Nội, 2016

Anh bắt đầu được công luận Việt Nam chú ý với ấn phẩm Ngàn năm áo mũ, một công trình chuyên khảo lịch đại y quan An Nam từ quốc sơ tới trung đại mạt kì. Những cứ liệu này đồng thời dẫn tới sự phản bác thành kiến bài xích Nho học, Hán tự và cả lịch sử văn học trung đại mà dư luận từ đầu thập niên 2000 duy trì tới thời điểm 2013 – khi sách được công bố. Tác phẩm này cũng lập tức khơi dậy trong giới trẻ trào lưu tìm về cội nguồn phong hóa Việt Nam vốn đã mai một từ thời kì lãnh chiến tang thương.

Ngàn năm áo mũ trở thành hiện tượng sách Hà Nội mùa hè năm 2013 với lượng tiêu thụ cả ngàn cuốn chỉ hai tuần sau khi xuất bản. Thành công này khiến tác gia Trần Quang Đức quyết định rời Viện Văn học công tác tại Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam.

Cuối năm 2017, trong quá trình tầm khảo tư liệu giúp nghiên cứu gia Nguyễn Duy Chính soạn loạt ấn phẩm về triều Quang Trung, Trần Quang Đức công bố một bức ảnh nhỏ do nhà Sotheby's chụp năm 1981, nguyên bản là một họa phẩm của tác gia Mậu Bính Thái, dựa theo lạc khoản để xác định là Tây Sơn Thái Tổ hoặc người đóng giả. Bức ảnh này nhằm minh diễn giả thuyết của tác giả Nguyễn Duy Chính rằng người sang mừng khánh tiết Thanh Thế Tông đế vẫn là Tây Sơn Thái Tổ chứ không phải "giả vương nhập cận".

Trước sự công kích miệt thị của dư luận, anh Trần Quang Đức nêu hai quan điểm: Chí ít họa phẩm cho cái nhìn khách quan nhất về bào phục đế vương triều Tây Sơn, thứ nữa, vua Quang Trung đâu nhất thiết phải cao to vạm vỡ như dân gian hiện đại tô vẽ. Đồng thời, ông khẳng định mình chỉ cung cấp tư liệu mới chứ chưa vội xác quyết dung mạo vua Quang Trung hay không, và phản bác những ý kiến ấu trĩ cho rằng triều Thanh cố ý bôi xấu hình ảnh vị quân vương này.[7]

Trứ tác

Thi phú
  • Thuật hoài (懷懷, 2010)
  • Dữ chư văn sĩ hoan ẩm hậu kí (與諸文士歡飲後記, 2010)
  • Gặp bọn dân phòng chặn xe vòi tiền (遭民防挡车索犯规费, 2010)
  • Xa phu hành (車夫行, 2011)
  • Bán dạ dự Vô Công Khuất Lão Nam Long hoan ẩm hậu cảm (半夜與無公屈老南龍歡飲後感, 2011)
  • Trường tương ức (長相憶, 2011)
  • Khỏi ốm (2011)
  • Nhớ Khuất Lão (憶屈老, 2011)
  • Với Khuất Lão (與屈老, 2011)
  • Không cầm (空琴, 2012)
  • Như Hoằng Hóa hải than hữu cảm (如弘化海灘有感, 2012)
  • Chiều hẹn Tử Hư ở Hàng Giấy (暮會子虛於紙鋪, 2012)
  • Tặng Tiếu Chi sơn phòng chủ nhân (贈笑之山房主人, 2012)
  • Vô ngữ chi thu (無語之秋, 2012)
  • Mộng hải (夢海, 2014)
  • Cảm tác trước thành nhà Hồ (2014)
  • Trùng dương (2015)
  • Hạ Tiếu ông nhi lập chi niên (賀笑翁而立之年, 2016)
  • Diêu hạ Nguyễn Trách Am đản thần thi nhất thủ (遙賀阮窄庵誕辰詩一首, 2016)
  • Chơi chùa Linh Ứng (游靈應寺, 2017)
  • Điểm hoa trà chiến (點花茶戰, 2020)
Tùng văn
  • Phá chấp luận (破執論, 2010)
  • Đại Việt quốc Lý gia Thái Tổ hoàng đế thiên đô kỉ sự bi (大越國李家太祖皇帝遷都紀事碑, 2010)
  • Cao Trai nhàn lục (高齋閑錄, 2011)
  • Đồng Tử Hư tả Lậu Thất Minh (同子虛寫《陋室銘》, 2012)
  • Vân Trai tùng thoại (雲齋叢話, 2012)
  • Vân Nang tiểu sử (雲囊小史, 2013)
  • Du Kim Sơn động kí (游金山洞記, 2017)
Ấn bản
  • Ngàn năm áo mũ[8][9] (千古衣冠, 2013) – Chuyên khảo
  • Vân Trai vô đề tuyển lục (雲齋無題選錄, 2015) – Truyện kí
  • Mộng vân tập (夢雲集, 2018) – Thi tuyển
  • Chuyện Trà – Lịch sử một thức uống lâu đời của người Việt (2021) – Chuyên khảo
Dịch phẩm

Xem thêm

Chú thích

  1. ^ Nhà nghiên cứu Hán Nôm 8X
  2. ^ Tây Sơn hành 1 2
  3. ^ Tờ lịch "sự tích hồ Hoàn Kiếm" có đáng bị chỉ trích nặng nề ?
  4. ^ a b Mi Ly (23 tháng 2 năm 2015). “Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức : Không còn 'ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng'. Thể Thao & Văn Hoá.
  5. ^ Trần Quang Đức : Lịch sử không chỉ là các cuộc chiến
  6. ^ ONLINE, TUOI TRE (7 tháng 10 năm 2014). “Đi tìm ngàn năm áo mũ”. TUOI TRE ONLINE. Truy cập ngày 24 tháng 5 năm 2024.
  7. ^ ONLINE, TUOI TRE (31 tháng 12 năm 2017). “Đi tìm chân dung vua Quang Trung”. TUOI TRE ONLINE. Truy cập ngày 24 tháng 5 năm 2024.
  8. ^ “Người tìm về "áo mũ ngàn năm". Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 12 tháng 2 năm 2021.
  9. ^ Hán hóa, bản địa hóa và "đại đồng tiểu dị"
  10. ^ “Hiện tượng sách 2014: Từ 'áo mũ' đến 'sử ký Tư Mã Thiên'. thethaovanhoa.vn. 3 tháng 1 năm 2015. Truy cập ngày 24 tháng 5 năm 2024.

Liên kết ngoài