Trương Văn Hổ (nhà Thanh)

Trương Văn Hổ
Tên chữMạnh Bưu; Khiếu Sơn
Tên hiệuBão Ung Cư; Độ Dư Đình; Hồ Lâu; Liên Kham; Thư Nghệ Thất; Thử Nhưỡng; Thiên Mục Sơn Tiều; Vạn Cốc Lí Dân; Tiểu Vạn Quyển Lâu
Thông tin cá nhân
Sinh
Ngày sinh
1808
Quê quán
Nam Hối
Mất1885
Giới tínhnam
Nghề nghiệpnhà văn
Tôn giáoNho giáo
Quốc tịchnhà Thanh

Trương Văn Hổ (chữ Hán: 张文虎, 1808 – 1885), tự Vu Bưu, Khiếu Sơn, hiệu Thiên Mục Sơn Tiều, người trấn Chu Phố, huyện Nam Hối, tỉnh Giang Tô [1], học giả đời Thanh trong lịch sử Trung Quốc.

Tiểu sử

Văn Hổ vốn là Chư sanh, được bảo cử làm Huấn đạo. Văn Hổ tính trầm mặc mà khiêm hòa, đối với bạn bè thì thẳng thắn và chân thành. Vì nhà nghèo, Văn Hổ phải nhờ bạn bè giúp đỡ mới có thể học tập; đến khi trưởng thành, ông rời quê nhà, ở nhờ nhà họ Tiền tại Kim Sơn dạy học. Văn Hổ ở lại Kim Sơn chừng 30 năm.

Nhà họ Tiền tự nhận là hậu duệ của Ngô Việt vương, đương thời cũng là thế gia thư hương, sách vở trong thư viện gia đình của họ rất phong phú. Văn Hổ tận dụng thời gian nghỉ ngơi để nghiên cứu Kinh học, từng đọc tác phẩm của nhà nghiên cứu Kinh học người Nguyên Hòa [2]Huệ Đống (惠栋), nhà âm vận học người (huyện) HấpGiang Hữu Hạo (江有浩), nhà sử học người Hưu NinhĐái Chấn (戴震), người Gia ĐịnhTiền Đại Hân (钱大昕). Nhờ siêng năng ham học, Văn Hổ đọc khắp sách vở, học vấn ngày một tiến bộ; thêm nữa, ông ưa thích tài liệu chú giải của học giả đời Đường, Tống, dung nạp tất cả, rồi chọn ra những gì mình tâm đắc. Văn Hổ trở nên có tiếng tăm trong giới học giả, lời của ông trở nên phát ngôn của 1 nhà. Trong thời gian ở Kim Sơn, những bản in của Thủ Sơn các tùng thư (Tiền Hi Tộ biên tập) và Tiểu Vạn Quyển lâu tùng thư (Tiền Bồi Danh biên tập) do Văn Hổ hiệu đính được đánh giá rất cao.

Năm Đồng Trị thứ 10 (1871), Văn Hổ được làm mạc liêu của Tăng Quốc Phiên; bấy giờ em Quốc Phiên là Quốc ThuyênAn Khánh hiệu san Vương Thuyền Sơn di thư, Quốc Phiên mệnh cho Văn Hổ làm Đốc lý việc này. Năm sau (1872), Lý Hồng Chương mời Văn Hổ tham gia quản lý Giang Nam quan thư cục. Năm sau nữa (1873), Tứ Xuyên tổng đốc Ngô Đường mời Văn Hổ vào Thục chủ trì việc giảng dạy ở Tôn Kinh thư viện; ông lấy cớ đường xa và già bệnh để từ chối.

Năm Quang Tự thứ 11 (1885), Văn Hổ mất ở phủ Tùng Giang.

Tác phẩm

Sáng tác

  • Thử nhưỡng dư sơ 1 quyển [3]
  • Hoài cựu tạp ký 3 quyển
  • Tác tiếu từ 1 quyển [4]
  • Mục địch dư thanh 1 quyển
  • Dư ký 1 quyển
  • Tây Lãnh tục ký 1 quyển
  • Liên sủng tầm mộng ký 1 quyển
  • Mộng nhân lục 1 quyển
  • Thư nghệ thất tùy bút 1 quyển

Biên khảo

  • Thư nghệ thất tạp trứ (tùng thư)
  • Chu sơ sóc vọng khảo 1 quyển [5]
  • Cổ kim nhạc luật khảo 1 quyển
  • Xuân Thu sóc nhuận khảo 1 quyển
  • Bác nghĩa dư biên 1 quyển
  • Hồ Lâu hiệu thư ký 1 quyển
  • Đường thập bát gia văn lục nhược kiền quyển
  • Thi tồn, thi tục tồn, xích độc ngẫu tồn 1 quyển

Cuối đời, Văn Hổ biên soạn huyện chí của các nơi Hoa Đình [6], Phụng HiềnNam Hối.

Tham khảo

  • Trần Đại Khang – Trương Văn Hổ nhật ký, Nhà xuất bản Thượng Hải thư điếm, tháng 7 năm 2009, ISBN 9787545801163

Xem thêm

  • Thanh sử cảo quyển 482, liệt truyện 269 – Du Việt truyện, phụ: Trương Văn Hổ
  • Tiểu mục 0689: Trương Văn Hổ ở trang 181-182, Nghiêm Văn Úc – Thanh nho truyện lược (清儒传略), Nhà xuất bản Đài Loan thương vụ ấn thư quán, 1990, ISBN 9570501413 hoặc 9789570501414, 439 trang

Chú thích

  1. ^ Nay là Phố Đông, Thượng Hải
  2. ^ Nay là Tô Châu, Giang Tô
  3. ^ Trang tử, Thiên đạo có câu: "Thử nhưỡng hữu dư sơ." (thử: chuột; nhưỡng: đất mềm, thử nhưỡng (gọi đầy đủ là thử nhưỡng thổ): đất chuột đùn; dư: ta; sơ: rau. Tạm dịch: đất chuột đùn có rau của ta)
  4. ^ Tác tiếu nghĩa là cười một mình
  5. ^ Chu sơ là nhà Tây Chu
  6. ^ Nay là Tùng Giang, Thượng Hải