"Thiên Thai" là một bài hát trữ tình của nhạc sĩ Văn Cao. Ông viết bài hát này vào năm 1941, khi mới 18 tuổi, phỏng theo thơ của Hoàng Thoại.
Bản Thiên thai dài tới gần 100 ô nhịp với những chuyển câu chuyển điệu tài tình cùng với những lời ca tuyệt diệu. Có thể nói Thiên thai là một trường ca với nhiều nhạc cảnh biến đổi tuần tự giống như một bản giao hưởng hay một vở opera.
Nguồn gốc
Theo U minh lục: Lưu Thần và Nguyễn Triệu cùng vào núi hái thuốc gặp một con suối lớn, hai bên bờ suối có hai người con gái tư chất tươi đẹp -hai nàng tiên- đã lưu hai người lại trong nửa năm. Cả hai đều nhớ quê hương bèn từ biệt các tiên nữ ra về. Về đến nơi, anh em bà con đã phiêu bạt đi đâu, nhà cửa cũng không còn. Hỏi thì không ai nhận ra họ vì họ đã có con cháu đến 7 đời.
Ngay câu đầu bài nhạc, Văn Cao đã nhắc đến sự tích này:
- Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng
- Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào nguyên...
Hoàn cảnh ra đời
Văn Cao viết "Thiên Thai" từ ám ảnh sông Hương xứ Huế mà ông có dịp tới thăm mùa thu năm 1940 và ấn tượng khi đi thuyền trên sông Phi Liệt (Thủy Nguyên, Hải Phòng) và nghe ca trù năm 1941[1]. Năm 1944, Văn Cao đã viết lời tựa cho bài "Thiên Thai": "... Ảnh hưởng sông nước khúc Thiên Thai cổ trong khung cảnh huyền diệu của Đường Thi với hai truyện Thiên Thai và Đào Nguyên. Người Sông Ngự đã lạc cảm xúc rồi..."
- Khe cây, lối đá nhận đường vào
- Hoa cỏ không vương mảy bụi nào
- ......
- Nhìn bóng dáng mây quên việc trước
- Trông chiều cây nước ngỡ chiêm bao
- Muốn biết về đâu, non nước ấy
- Hỏi thăm, nên tới suối Hoa Đào...
Nhận xét
“
|
Người Sông Ngự/Văn Cao đã thú nhận rằng mình bị ảnh hưởng sông nước của hai truyện Đào nguyên, Thiên Thai cho nên đã soạn ra một bài hát. Một bài hát, theo tôi thật là tuyệt diệu ! Nó vừa có tính chất trường ca, vừa có tính chất nhạc cảnh. Nếu hình thức ca khúc trong Tân Nhạc Việt Nam cho tới năm 1944 này vẫn còn nằm trong khuôn khổ một đoản khúc được ước định trong một số khuôn nhạc nào đó, với một lối chuyển cung, chuyển điệu công thức nào đó... thì "Thiên Thai" của Văn Cao đã vươn lên một thức rất lớn, chia ra nhiều đoạn, nhiều cảnh, gồm tới con số chín mươi bốn khuôn nhạc, chan chứa những giai điệu thần tiên và những lời ca thần diệu...
Đây là cõi riêng của Người Sông Ngự. Nhưng ta lại được tự do tuyệt đối để nghe lên toàn thể tiếng đàn, tiếng hát vút lên từ đầu tới cuối của trường khúc Thiên Thai, tiếng đàn hát mà tôi cho là của Trương Chi trong truyện cổ và Văn Cao đã cho Thiên Thai mượn tạm. Tôi kết luận: Thiên Thai là cõi riêng của Văn Cao. Trương Chi mới là tiếng hát của Văn Cao.
|
”
|
— Phạm Duy trong Hồi ký Phạm Duy.
|
“
|
Bài hát Thiên Thai là một bài hát hiếm hoi của Việt Nam sử dụng đến ba loại ngũ cung trong cùng một bài hát: ngũ cung Việt Nam, ngũ cung Trung Hoa và ngũ cung dân tộc Tây Nguyên.
|
”
|
— Vĩnh Lạc , [2]
|
“
|
Các nhà phê bình cho rằng, Thiên Thai tuy được viết vào thời kỳ tân nhạc Việt Nam còn phôi thai, nhưng cho đến nay, hình như cũng chưa có một ca khúc nào khác vượt qua được, về cả hai phương diện giai điệu và lời ca. Biến đổi tiết tấu và thang âm của ca khúc, hiện tại, nghe lại vẫn thấy mới. Cái thế giới thần thoại của cổ tích không phải chỉ được Văn Cao minh họa bằng những màu sắc tuyệt vời mà hình như ông còn tạo dựng bằng pha lê nữa. Mọi góc cạnh đều rắn, chắc. Màu sắc của nó còn có thể biến đổi tùy thuộc chủ quan của người thưởng ngoạn nữa
|
”
|
— Nguyễn Đình Toàn, [3]
|
Một số bản thu
Ca khúc này đã được thu âm trong một số album sau:
- Tiếng Tơ Đồng 2 - với Thái Thanh (1974)
- Phạm Mạnh Cương 24 - Dạ Khúc với Mai Hương (trước 1975)
- Chiều mưa biên giới - với Hà Thanh
- Tình khúc Văn Cao (Nhạc tiền chiến 4) với Mai Hương và Quỳnh Giao (1995)
- Ca khúc Văn Cao - với Ánh Tuyết (2002)
- The Quiet American (Original Motion Picture Soundtrack) - Craig Armstrong với Hồng Nhung (2002)
- Thiên Thai - với Thu Giang
- Tình khúc Vang Bóng - Dư Âm với Cao Minh
- Cung đàn xưa - với Ánh Tuyết
- Suối mơ đến Thiên Thai - với Ánh Tuyết (2005)
- Nói với tôi một lời - với Lâm Nhật Tiến (2006)
- Tiếng hát Trương Chi - với Đức Tuấn (2008)
- Tùng Dương hát tình ca - với Tùng Dương (2012)
Chú thích
Liên kết ngoài