Thích Chân Quang

Thích Chân Quang
Tên khai sinhVương Tấn Việt
Pháp danhThích Chân Quang
Hoạt động tôn giáo
Tôn giáoPhật giáo
Trường pháiPhật giáo Bắc tông
Xuất gia1980
Thông tin cá nhân
Sinh
Tên khai sinhVương Tấn Việt
Ngày sinh9 tháng 12, 1959 (65 tuổi)
Nơi sinhĐắk Lắk
Học vấnTiến sĩ ngành Luật
icon Cổng thông tin Phật giáo

Thích Chân Quang (tên thật là Vương Tấn Việt,[1] sinh ngày 9 tháng 12 năm 1959[2]) là một Thượng tọa Phật giáo người Việt Nam. Ông hiện là trụ trì chùa Phật Quang ở Bà Rịa – Vũng Tàu.

Năm 2024, nội dung bài thuyết giảng của Thượng tọa Thích Chân Quang trên các nền tảng xã hội hứng nhiều chí trích từ cộng đồng mạng. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng một số nội dung thuyết pháp của Thượng tọa Thích Chân Quang về giáo lý nhân quả không đúng Chánh pháp và ra quyết định cấm Thượng tọa Thích Chân Quang thuyết giảng dưới mọi hình thức trong vòng 2 năm.[3][4]

Xuất thân

Thích Chân Quang sinh ngày 9 tháng 12 năm 1959 (với tên khai sinh là Vương Tấn Việt) tại Đắk Lắk nhưng sống ở Sài Gòn từ nhỏ. Cha ông sinh ở miền Tây quê gốc Nghệ An, mẹ gốc Huế.[2]

Theo báo Người Việt, Thích Chân Quang từng về Nghệ An nhận họ hàng với Hồ Chí Minh. Theo tờ báo, Thích Chân Quang cho rằng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Hồ Chí Minh, lúc lưu lạc ở miền Tây kiếm sống bằng nghề bốc thuốc, đã đổi thành họ Vương để tránh tai mắt chính quyền. Tại đây, Nguyễn Sinh Sắc chữa khỏi bệnh cho một người dân. Để đền cái ơn đấy, gia đình ông này đã gả cô con gái tên là Mai cho Sinh Sắc và sau đó sinh ra một con trai, đặt tên là Vương Chí Nghĩa, người được cho là cha của Vương Tấn Việt.[5]

Quá trình tu học

Năm 1980, Thích Chân Quang xuất gia và tu học tại Thiện viện Thường Chiếu, tại Đồng Nai dưới sự hướng dẫn của Hòa thượng Thích Thanh Từ. Sau đó, ông được nhận làm môn đệ của Hòa thượng Thích Huệ Hưng, trụ trì Tu viện Huệ Quang, thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1984, sau một thời gian tu học thì ông thọ giới tì-kheo.

Năm 1992, Thích Chân Quang về chùa Phật Quang ở núi Dinh, Bà Rịa – Vũng Tàu và trở thành trụ trì ngôi chùa này.[6][7]

Năm 2007, Thích Chân Quang được tấn phong lên làm Thượng tọa.

Học vấn

Thích Chân Quang (tức Vương Tấn Việt) được cho đã thi cấp 3 bổ túc văn hóa (hệ tại chức) tại hội đồng trường Trung Nhất, quận Phú Nhuận (TP HCM), vào ngày 6-6-1989[8] và được cho là sử dụng bằng tốt nghiệp phổ thông hệ bổ túc văn hóa được cấp ngày 12-7-1989 có chữ ký của bà Vương Thị Tần, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh[9][10][11]. Tuy nhiên, vào tháng 8 năm 2024, qua rà soát, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM đã xác nhận Thích Chân Quang không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi điểm kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp 3 năm 1989 và ông cũng không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa khóa ngày 6-6-1989 tại thành phố.[8]

Năm 2001, ông tốt nghiệp cử nhân ngành tiếng Anh của Trường Đại học Hà Nội, hệ đào tạo từ xa.[12]

Năm 2017 ông trúng tuyển vào cử nhân ngành Luật, văn bằng 2 hệ vừa học vừa làm tại Đại học Luật Hà Nội mở tại Trường cao đẳng Bách Việt, TP.HCM, và tốt nghiệp trường này năm 2019.[12][13]

Tháng 11 năm năm 2019, ông trúng tuyển làm nghiên cứu sinh ngành luật hiến pháp - hành chính tại Đại học Luật Hà Nội.[13] Cuối năm 2021, ông bảo vệ luận án với điểm cao gần như tuyệt đối [14].

Tháng 12 năm 2023, ông bắt đầu làm nghiên cứu tiến sĩ ngành Tôn giáo học tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.[12]

Luận án tiến sĩ

Trong luận văn tiến sĩ "Nghĩa vụ con người trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam" dài 293 trang, Thích Chân Quang đã đề cập đến trách nhiệm và nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến mỗi con người, mỗi xã hội trên toàn cầu và ở Việt Nam, trong đó tác giả cho rằng "trước khi nói đến quyền con người hãy nói về nghĩa vụ con người".[15] Kết quả luận án được trình bày trong 4 báo cáo hội thảo

  • "Một số vấn đề về thủ tục hành chính đối với lao động di cư". Hội thảo Vấn đề pháp luật đặt ra đối với lao động di cư kinh nghiệm Việt Nam kinh nghiệm Việt Nam và Trung Quóc, tr. 361-406. Đại học Luật Hà Nội (2019).[16]
  • “Thực hiện pháp luật Bảo hiểm Y tế từ góc độ nghĩa vụ công dân ở Việt Nam - Thực trạng và một số kiến nghị”. Hội thảo Pháp luật Bảo hiểm Y tế của Đức và Việt Nam - Tiếp cận từ góc độ so sánh và những đề xuất cho Việt Nam, tr. 78-100. Đại học Luật Hà Nội (2020).
  • Nghĩa vụ con người trên con đường từ triết học đến pháp luật, Hội thảo Những vấn đề lý luận hiện đại về Nhà nước và Pháp luật, tr. 309-326. Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Luật Hà Nội (2020).
  • "Quản trị nghĩa vụ trong kỷ nguyên kỹ thuật số: cơ hội và thách thức cho xây dựng “Chính phủ tốt”", Hội thảo Quản trị tốt và phòng, chống tham nhũng - Cơ hội và thách thức trong kỷ nguyên công nghệ số, tr. 358-380. Đại học Quốc gia Hà Nội (2021)

và một bài báo nghiên cứu:

  • "Tầm quan trọng của việc thúc đẩy nghĩa vụ con người trong lý luận, pháp luật và thực tiễn".Tạp chí Pháp luật về quyền con người, tr 22–29, Số 2 (23), 2022 [17]

Sáng ngày 3 tháng 4 năm 2022, ông được Trường Đại học Luật Hà Nội cấp bằng Tiến sĩ ngành Luật.[18]

Nhận xét

Luận án tiến sĩ của Thượng tọa Thích Chân Quang nhận được nhiều đánh giá khác nhau. Giáo sư Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, cho rằng luận án này là sự đột phá, có những sự phá cách trong quá trình bảo vệ Luận án.[19] Ở chiều ngược lại, Nguyễn Quốc Tấn Trung, một nghiên cứu sinh ngành luật quốc tế tại Đại học Victoria (Canada), không đồng tình với quan điểm của nhà sư trong luận án, cho rằng "phúc lợi là thứ có thể đánh đổi bằng nghĩa vụ được, nhưng mà nhân quyền là thứ hoàn toàn khác, không thể đánh đổi bằng nghĩa vụ".[20]

Các hoạt động khác

Hoạt động xã hội

Hội Từ Thiện Phật Quang tập hợp những người cùng chung chí hướng, cùng mong muốn đóng góp, chia sẻ thời gian, vật chất, công sức của mình cho những nơi cần được giúp đỡ.[21] Đối tượng hỗ trợ: người già neo đơn, đồng bào bị thiên tai bão lụt, học sinh nghèo hiếu học… Ngoài ra Hội còn tham gia xây dựng cầu, đường ở nông thôn, thực hiện những chương trình phát động Đạo đức học đường.[22]

Năm 2017, Thích Chân Quang thành lập "Hội yêu rác". Hội này tổ chức hoạt động nhặt rác ở đường phố và các nơi công cộng.[23][24] Ngoài ra hàng năm hội còn tổ chức ngày hội làm sạch môi trường "Clean Day" với hàng nghìn người tham gia.[24][25]

Các đạo tràng và chúng thanh niên được mở ra khắp cả nước để cùng nhau tu tập và làm các hoạt động xã hội. Tiêu biểu là các hoạt động nhặt rác, đắp đường, trồng cây nhằm gây tạo công đức tu tập và cống hiến sức lực cho cộng đồng.[26][27][28]

Âm nhạc

Từ thuở nhỏ, Thích Chân Quang đã yêu thích âm nhạc. Khi đang làm công tác phụ trách thanh niên tại Đồng Nai, ông viết bản hợp xướng bài hát "Lá Đỏ" của nhạc sĩ Hoàng Hiệp để góp phần chào mừng ngày Quốc Khánh năm 1976. Từ đó, ông đã sáng tác nhiều ca khúc với nhiều chủ đề khác nhau.[29] Trong đó bài ca "Vesak thiêng liêng" đã được phát trong buổi khai mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008.[30] Đến năm 2013, ông đã là tác giả của hơn 150 nhạc phẩm; xuất bản 2 tuyển tập nhạc: Bên kia sông mặt trời (53 bài) và Những điều thiêng liêng (50 bài) cùng 2 album nhạc. Đại diện Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục "Tu sĩ Phật giáo sáng tác nhạc Phật giáo nhiều nhất" cho Thượng tọa Thích Chân Quang.[31]

Tranh cãi

Nội dung thuyết pháp

Thích Chân Quang từng có nhiều câu nói gây tranh cãi khi thuyết giảng pháp như: "Trung Quốc là anh, Việt Nam là em"[32][5], "cái võng là nơi tiêu diệt hết công đức của chúng sinh"[33], "phải tìm tiền mệnh giá cao và đưa cho thầy trụ trì. ông thầy trụ trì mới làm được việc đạo"[34].

Thích Chân Quang bị dư luận phản ứng gay gắt khi chỉ trích Thích Minh Tuệ, một tu sĩ Phật giáo thực hành các hạnh đầu đà, trong một bài thuyết pháp cho rằng mọi người đang sùng bái một người mà ông gọi là “thằng ba trợn mặc áo rách, ôm nồi cơm đi bộ hành”.[35]

Ngày 19 tháng 4 năm 2024, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã giao Ban Hoằng pháp Trung ương và Văn phòng II Trung ương Giáo hội tổ chức buổi làm việc để kiểm điểm, chấn chỉnh về các bài giảng luật nhân quả gây hoang mang dư luận.[36]

Ngày 19 tháng 6 năm 2024. Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra quyết định kỷ luật Thượng tọa Thích Chân Quang không được thuyết giảng dưới mọi hình thức; không chủ trì tổ chức các sự kiện tập trung đông người tại chùa Thiền Tôn Phật Quang và các địa điểm khác trong vòng 2 năm.[3]

Các sự kiện tranh cãi khác

Ngày 5 tháng 2 năm 2017, hàng nghìn người đã về bến sông trước cửa đình làng Bát Tràng để tham dự lễ phóng sinh do Thượng tọa Thích Chân Quang chủ trì, tại buổi lễ này nhiều tấn cá, trong đó có cá chim trắng được thả phóng sinh.[37][38] Loài cá chim trắng đó có các tên gọi là Colossoma brachypomumPiaractus brachypomus và là loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại.[39][40][41] Tuy nhiên loài này được Bộ Thủy sản liệt kê vào danh mục giống thủy sản nước ngọt được phép nhập khẩu thông thường từ năm 2001[42][43] và có tên trong Danh mục giống thuỷ sản được phép sản xuất, kinh doanh.[44]

Năm 2021, clip các tu sĩ tại chùa Phật Quang (do Thích Chân Quang trụ trì) nuốt giun đất được phát tán trên mạng. Ban Thường trực Ban Trị sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đề nghị Thượng tọa có tờ trình về cách giải quyết vụ việc này.[45]

Tham khảo

  1. ^ PV (3 tháng 4 năm 2022). “Thượng tọa Thích Chân Quang vinh dự nhận bằng Tiến sĩ ngành Luật”. Doanh Nhân. Truy cập ngày 1 tháng 4 năm 2024.
  2. ^ a b Nguyên Anh (6 tháng 7 năm 2020). “Thượng tọa Thích Chân Quang: Quà Tết, quý nhất là tặng nhau niềm vui”. Tạp chí Thủy sản Việt Nam. Truy cập ngày 1 tháng 4 năm 2024.
  3. ^ a b “Giáo hội thông báo kết luận kỷ luật đối với Thượng tọa Thích Chân Quang”. Giác Ngộ Online. 19 tháng 6 năm 2024. Truy cập ngày 1 tháng 7 năm 2024.
  4. ^ “Thượng tọa Thích Chân Quang bị cấm thuyết giảng hai năm: nhìn lại các vụ việc nổi cộm”. BBC News Tiếng Việt. 19 tháng 6 năm 2024. Truy cập ngày 1 tháng 7 năm 2024.
  5. ^ a b Nha, Tran (24 tháng 6 năm 2024). “Thế lực nào 'chống lưng' cho Thích Chân Quang?”. Nguoi Viet Online (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 1 tháng 7 năm 2024.
  6. ^ Gia Khánh (22 tháng 2 năm 2008). “Chùa Phật Quang: Những hoạt động hướng tới cộng đồng”. Báo Bà Rịa - Vũng Tàu. Truy cập ngày 1 tháng 4 năm 2024.
  7. ^ Thiện Ngôn (27 tháng 12 năm 2010). “Cần sớm giải quyết mâu thuẫn tại chùa Phật Quang”. Báo Pháp luật Việt Nam điện tử. Truy cập ngày 1 tháng 4 năm 2024.
  8. ^ a b “Ông Vương Tấn Việt không có tên trong danh sách dự thi cấp 3”. Dân Trí. 13 tháng 8 năm 2024.
  9. ^ “Bộ GD&ĐT cần sớm công bố bằng bổ túc cấp 3 dư luận đang quan tâm”. Báo Người Lao Động Online. Truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2024.
  10. ^ Nha, Tran (4 tháng 7 năm 2024). “Báo Người Lao Động úp mở về bằng 'bổ túc văn hóa' của Thích Chân Quang”. Nguoi Viet Online (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2024.
  11. ^ “Mạng xã hội bàn tán một bằng bổ túc cấp 3”. Báo Người Lao Động Online. Truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2024.
  12. ^ a b c “Thượng tọa Thích Chân Quang đang làm nghiên cứu sinh để lấy bằng tiến sĩ thứ 2”. Báo điện tử Tiền Phong. 26 tháng 6 năm 2024. Truy cập ngày 27 tháng 6 năm 2024.
  13. ^ a b “Trường đại học Luật Hà Nội lên tiếng về việc học tiến sĩ của thượng tọa Thích Chân Quang”. TUOI TRE ONLINE. 25 tháng 6 năm 2024. Truy cập ngày 27 tháng 6 năm 2024.
  14. ^ Vương Tấn Việt. “Nghĩa vụ con người trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam". Luận văn Tiến sĩ, Đại học Luật Hà Nội, 2021
  15. ^ “Tháng Ba - Trách nhiệm người trẻ”. Báo Bà Rịa Vũng Tàu. Truy cập ngày 2 tháng 4 năm 2024.
  16. ^ “Vấn đề pháp luật đặt ra đối với lao động di cư kinh nghiệm Việt Nam kinh nghiệm Việt Nam và Trung Quốc”. tlpl.moj.gov.vn. Truy cập ngày 25 tháng 6 năm 2024.
  17. ^ Vương, Tấn Việt (2022). “Tầm quan trọng của việc thúc đẩy nghĩa vụ con người trong lý luận, pháp luật và thực tiễn”. Tạp chí Pháp luật về quyền con người. 23: 22–29. ISSN 2615-899X.
  18. ^ phapluatxahoi (3 tháng 4 năm 2022). “Thượng tọa Thích Chân Quang được trao bằng Tiến sĩ ngành Luật”. Báo Giáo dục và Thời đại Online. Truy cập ngày 1 tháng 4 năm 2024.
  19. ^ Thu Hồng (10 tháng 12 năm 2021). “Một Thượng tọa bảo vệ luận án tiến sĩ về nghĩa vụ con người”. Báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh. Truy cập ngày 1 tháng 4 năm 2024.
  20. ^ “Nhà sư Thích Chân Quang gây tranh cãi với luận án tiến sĩ về nhân quyền”. Radio Free Asia. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 3 năm 2023. Truy cập ngày 2 tháng 4 năm 2024.
  21. ^ Trung, Nguyễn Thành (26 tháng 3 năm 2024). “Long An: Hội từ thiện Thiền Tôn Phật Quang bàn giao tuyến đen năng lượng mặt trời | Phật giáo Việt Nam”. Truy cập ngày 18 tháng 5 năm 2024.
  22. ^ Trung, Nguyễn Thành (26 tháng 9 năm 2023). “BR-VT: Hội từ thiện Thiền Tôn Phật Quang trao 180 phần quà cho bà con nghèo tại xã Sông Xoài, huyện Tân Thành | Phật giáo Việt Nam”. Truy cập ngày 18 tháng 5 năm 2024.
  23. ^ Quỳnh Nguyễn (8 tháng 8 năm 2023). “Những người yêu rác”. VnExpress. Truy cập ngày 1 tháng 4 năm 2024.
  24. ^ a b Huy Phong (20 tháng 5 năm 2022). “Những người yêu... rác”. VOV Giao thông. Truy cập ngày 1 tháng 4 năm 2024.
  25. ^ “Hơn 1.000 người cùng nhau nhặt rác nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc”. Báo Pháp luật Việt Nam điện tử. 19 tháng 3 năm 2024. Truy cập ngày 2 tháng 4 năm 2024.
  26. ^ VnExpress. “Những người yêu rác”. vnexpress.net. Truy cập ngày 18 tháng 5 năm 2024.
  27. ^ Minh, Báo Pháp Luật TP Hồ Chí (13 tháng 5 năm 2024). 'Biệt đội' vá đường đêm khuya”. Báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh. Truy cập ngày 18 tháng 5 năm 2024.
  28. ^ Trung, Nguyễn Thành (6 tháng 6 năm 2022). “Mỹ Tho: Hội từ thiện Thiền tôn Phật Quang trồng 200 cây xanh tại xã Tân Mỹ Chánh | Phật giáo Việt Nam”. Truy cập ngày 18 tháng 5 năm 2024.
  29. ^ “Người nhạc sĩ khoác áo tu hành với ca khúc "Nghìn năm Thăng Long". Báo Công an TP Đà Nẵng. Truy cập ngày 2 tháng 4 năm 2024.
  30. ^ “Nhạc sỹ của Vesak”. Giác Ngộ Online. 22 tháng 5 năm 2008. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2024.
  31. ^ “Tu sĩ Phật giáo sáng tác nhạc Phật giáo nhiều nhất”. Hội Kỷ lục gia Việt Nam. Truy cập ngày 2 tháng 4 năm 2024.
  32. ^ "Giải oan" cho TT. Thích Chân Quang câu bình luận về anh hùng Lý Thường Kiệt”. phatgiao.org.vn. 21 tháng 10 năm 2022. Truy cập ngày 1 tháng 4 năm 2024.
  33. ^ Trạch Pháp (3 tháng 3 năm 2024). “Những tranh cãi liên quan đến một số nội dung thuyết giảng của Thượng tọa Thích Chân Quang”. phatgiao.org.vn. Truy cập ngày 1 tháng 4 năm 2024.
  34. ^ “Thượng tọa Thích Chân Quang bị cấm thuyết giảng hai năm: nhìn lại các vụ việc nổi cộm”. BBC News Tiếng Việt. 19 tháng 6 năm 2024. Truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2024.
  35. ^ “Ban Tôn giáo yêu cầu thẩm tra các bài giảng của Thượng tọa Thích Chân Quang”. RFA. 7 tháng 6 năm 2024.
  36. ^ “Thượng tọa Thích Đức Thiện: Giáo hội đã cho làm việc với Thượng tọa Thích Chân Quang”. Giác Ngộ Online. 17 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 17 tháng 5 năm 2024.
  37. ^ Lê Anh Dũng (5 tháng 2 năm 2017). “Nghìn người dự lễ phóng sinh gần 10 tấn cá xuống sông Hồng”. VietNamNet. Truy cập ngày 1 tháng 4 năm 2024.
  38. ^ Tiến Phòng (9 tháng 2 năm 2017). “Phóng sinh cá chim trắng xuống sông Hồng: Việc làm thiếu hiểu biết, tiếp tay cho kẻ xấu trục lợi”. Báo điện tử VTC News. Truy cập ngày 3 tháng 4 năm 2024.
  39. ^ TN (9 tháng 2 năm 2017). “Cá chim trắng phóng sinh là con cá gì?”. Báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh. Truy cập ngày 3 tháng 4 năm 2024.
  40. ^ “Phóng thích cá chim trắng vào môi trường tự nhiên là trái pháp luật”. Báo Nhân Dân điện tử. 16 tháng 2 năm 2017. Truy cập ngày 3 tháng 4 năm 2024.
  41. ^ “Thông tư liên tịch số 27/2013/TTLT-BTNMT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường: Quy định tiêu chí xác định loài ngoại lai xâm hại và ban hành danh mục loài ngoại lai xâm hại”. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Truy cập ngày 3 tháng 4 năm 2024.
  42. ^ “Phóng sinh cá chim trắng không gây hại cho môi trường sinh thái”. Báo điện tử An ninh Thủ đô. 9 tháng 2 năm 2017. Truy cập ngày 3 tháng 4 năm 2024.
  43. ^ Quyết định 344/2001/QĐ-BTS, Bộ Thủy sản, 2 tháng 5 năm 2001
  44. ^ “Quyết định số 57/2008/QĐ-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: V/v Ban hành Danh mục giống thuỷ sản được phép sản xuất, kinh doanh”. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Truy cập ngày 3 tháng 4 năm 2024.
  45. ^ “Về clip tu sĩ nuốt giun đất: Ban Trị sự tỉnh BR-VT đề nghị trụ trì chùa Phật Quang giải trình”. Giác Ngộ Online. 10 tháng 6 năm 2021. Truy cập ngày 2 tháng 4 năm 2024.

Liên kết ngoài