Nguyễn Chánh Sắt Lê Xuân Lộc La Thần (dịch và phóng tác) Thanh Phong Mộng Bình Sơn (dịch và phóng tác) Châu Hải Đường
Tây Hán diễn nghĩa (chữ Hán: 西漢演義), tên đầy đủ là Tây Hán thông tục diễn nghĩa (chữ Hán: 西漢通俗演義) hay Tây Hán diễn nghĩa truyện (chữ Hán: 西漢演義傳) một bộ tiểu thuyết lịch sử chương hồi của Trung Quốc, gồm 101 hồi. Tây Hán diễn nghĩa còn được biết tới ở Việt Nam với tên gọi Hán Sở diễn nghĩa hay Hán Sở tranh hùng. Tây Hán diễn nghĩa được viết bởi tác giả Chân Vĩ (甄伟), hiệu Chung Sơn cư sĩ (钟山居士), tiểu sử không rõ.
Chân Vĩ là một văn nhân của đất Kim Lăng, Trung Quốc, sống dưới thời Vạn Lịch (1572 - 1620). Người đời sau chỉ biết đến ông qua trước tác Hán Sở diễn nghĩa, còn cuộc đời và hành trạng của ông đến nay vẫn còn là một ẩn số.
Hán Sở diễn nghĩa thuật lại cuộc tranh hùng trục lộc giữa Hán và Sở - hai thế lực mạnh nhất sau khi nhà Tần sụp đổ. Không đơn thuần là kể lại lịch sử, tác phẩm đã đạt đến "trong văn có sử", văn và sử tương hỗ nhau một cách nhuần nhuyễn; các nhân vật cũng được đắp thịt thổi hồn với những nét tính cách riêng hết sức sống động. Nhờ vậy, từ khi ra đời cho đến nay, Hán Sở diễn nghĩa luôn được độc giả yêu thích dòng văn "diễn nghĩa" đón nhận nồng nhiệt.
Nội dung
Tiểu thuyết Tây Hán diễn nghĩa bắt đầu từ các sự kiện Tần Trang Tương vương (Doanh Dị Nhân) và người kế vị Tần vương Chính (Doanh Chính) đánh bại 6 nước, thống nhất Trung Hoa. Tần vương Chính xưng Hoàng đế, hiệu Tần Thủy Hoàng, thi hành bạo chính, đến tuổi già lại sợ hãi, sai Từ Phúc đi thuyền tìm kiếm thuốc trường sinh. Tần Thủy Hoàng chết ở Sa Khâu, gian thần Lý Tư, Triệu Cao bèn dùng kế hãm hại Phù Tô, Mông Điềm, dựng Hồ Hợi lên làm hoàng đế bù nhìn. Triều Tần lung lay.[2] (Hồi 1 - Hồi 9)
Dân chúng bất mãn với nhà Tần, nổi dậy nhiều nơi, trong số các nghĩa quân có lục lượng của Lưu Bang là lưu manh ở huyện Bái, chém rắn khởi nghĩa và Hạng Vũ là con cháu thế tộc nước Sở. Các nước bị Tần diệt lại được lập lại, tôn Sở Nghĩa đế làm minh chủ. Nghĩa đế cho Lưu Bang và Hạng Vũ chia quân hai đường tiến vào Hàm Dương, hứa ai đến trước sẽ được làm vua nước Tần. Lưu Bang tiến quân nhanh chóng, vua Tần Tử Anh đầu hàng. Hạng Vũ tới sau, vi ước, xưng Vương, chém Tử Anh, còn định giết Lưu Bang, dùng danh nghĩa Nghĩa đế phân phong chư hầu.[2] (Hồi 10 - Hồi 26)
Hạng Vũ phân phong chư hầu không công bằng, dẫn tới chư hầu tạo phản, Hán vương Lưu Bang đứng đầu liên quân chống Sở. Chiến tranh Hán-Sở nổ ra, ban đầu Lưu Bang thường thua. Cuối cùng nhờ sự góp sức của Hàn Tín và các tướng đánh bại Hạng Vũ. Hạng Vũ tự sát ở Ô Giang. Lưu Bang thắng lợi, lập ra triều Hán, xưng đế, tức Hán Cao Tổ.[2][3] (Hồi 27 - Hồi 84)
Sau khi lên ngôi hoàng đế, Hán Cao Tổ dung túng cho Lã hậu tru diệt các công thần Hàn Tín, Bành Việt, Anh Bố. Hán Cao Tổ đem quân đánh Hung Nô, bị vây ở Bạch Đăng, phải khuất nhục ký hòa ước. Cuối cùng Cao Tổ chết, Hán Huệ đế lên ngôi, Lã hậu kiểm soát triều đình, thiên hạ thái bình.[4] (Hồi 85 - Hồi 101)
Tại Việt Nam, Tây Hán diễn nghĩa được dịch và xuất bản lần đầu vào năm 1908 qua bản dịch của Nguyễn Chánh Sắt. Đặt tựa là Tây Hớn diễn nghĩa do Sài Gòn xuất bản, được in lại vào những năm 1912 - 1915. Năm 1932, lại có một bản dịch Tây Hớn diễn nghĩa do Lê Xuân Lộc dịch, Hà Nội xuất bản.[6] Cả hai bản dịch này đều không được tái bản lại và đã tuyệt bản.
Năm 1949, tại miền Bắc xuất hiện bản dịch Tây Hán chí (Hán Sở tranh hùng) do La Thần phiên dịch, được NXB Ngày Mai ấn hành, dịch và phóng tác thành 50 hồi, không đề tên tác giả. Sau 70 năm, năm 2019 đã được tái bản bởi Trithuctrebooks (Công ty TNHH Sách và Truyền thông Việt Nam), đề tên tác giả là Chân Vĩ.[7]
Năm 1951, xuất hiện một bản dịch với tựa đề Tây Hớn diễn nghĩa bởi Tín Đức Thư Xã, chia làm ba cuốn. Bản dịch này được dịch bởi dịch giả Thanh Phong, không ghi tên tác giả, nội dung nguyên vẹn nhưng chỉ bao gồm 100 hồi.[8] Bản dịch này từng được Nhà xuất bản tổng hợp Đồng Tháp tái bản năm 1991.[9]
Năm 1978, một bản dịch tại Hoa Kỳ được xuất bản bởi Zieleks với tựa đề Hán Sở tranh hùng (Tây Hán Chí).[10] Bản dịch đề tên dịch giả Mộng Bình Sơn. Bản dịch (thực chất là bản phóng tác của dịch giả) chia lại làm 48 hồi, cắt bỏ hoàn toàn 7 hồi đầu cũng như nhiều phần khác của tiểu thuyết ban đầu. Tên hồi cũng từ một câu 7 chữ chuyển thành một bộ câu đối. Bản dịch này sau đó được xuất bản tại Việt Nam vào năm 1989 bởi Nhà xuất bản Trẻ.[11] Sau đó bản dịch này được tái bản nhiều lần bởi Nhà xuất bản Văn học với tựa đề Hán Sở tranh hùng, mục tác giả ghi là Mộng Bình Sơn. Có một bản in năm 2003 tựa là Tây Hán diễn nghĩa - Sở Hán tranh hùng, mục tác giả ghi là Khuyết danh, Nhà xuất bản Thanh Hóa.[12] Đến bản Hán Sở tranh hùng tái bản tháng 1 năm 2019, Nhà xuất bản Văn học đề tên tác giả là Chân Vĩ, dịch giả Mộng Bình Sơn.
Năm 2019, Đông A và Nhà xuất bản Văn học liên kết ấn hành Hán Sở diễn nghĩa, được dịch giả Châu Hải Đường dịch đầy đủ 101 hồi từ nguyên bản tiếng Hán Tây Hán diễn nghĩa, đề tên là Chung Sơn cư sĩ Chân Vĩ.[13]
Chú thích
^Theo lời giới thiệu tác giả cuốn Hán Sở diễn nghĩa qua bản dịch của Châu Hải Đường, do Đông A và Nhà xuất bản Văn học liên kết ấn hành, 2019.
^ abcThanh Phong (dịch), Tây Hớn diễn nghĩa - Cuốn 1, Tín Đức Thư Xã, Sài Gòn, 1951. Bản PDF[liên kết hỏng].
^Thanh Phong (dịch), Tây Hớn diễn nghĩa - Cuốn 2, Tín Đức Thư Xã, Sài Gòn, 1951. Bản PDF[liên kết hỏng].
^Thanh Phong (dịch), Tây Hớn diễn nghĩa - Cuốn 3, Tín Đức Thư Xã, Sài Gòn, 1951. Bản PDF[liên kết hỏng].
^Theo mục lục cuốn Hán Sở diễn nghĩa qua bản dịch của Châu Hải Đường, Đông A và Nhà xuất bản Văn học liên kết ấn hành, 2019.